Một năm thương chiến Trung-Úc: Bắc Kinh ‘giơ cao, đánh khẽ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắt đầu từ tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã giáng vào Úc một loạt các lệnh trừng phạt thương mại trong một nỗ lực cưỡng bức kinh tế khá công khai, đã ảnh hưởng đến hàng tỷ USD thương mại. Nhưng trên thực tế, tác động là khá hạn chế, chủ yếu vì Bắc Kinh dùng chiêu 'giơ cao, đánh khẽ'.

Xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc “đã sụp đổ” trong các khu vực bị trừng phạt, nhưng phần lớn thương mại bị mất này dường như đã được “bù đắp” tại các thị trường khác.

Cụ thể là hoạt động buôn bán quặng sắt đang bùng nổ - điều mà Trung Quốc chưa đủ “chiêu trò” để chạm tới. Xuất khẩu hàng hóa của Úc sang Trung Quốc trị giá 145 tỷ đô la Úc vào năm 2020 - chỉ kém 2% so với mức đỉnh vào năm 2019, bất chấp suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc không có tác động quan trọng.

  • Đầu tiên, xuất khẩu của Úc có thể còn cao hơn nếu không phải do các lệnh trừng phạt.
  • Thứ hai, sự bùng nổ về doanh thu xuất khẩu quặng sắt hiện nay sẽ không kéo dài, một khi nguồn cung quặng sắt Brazil cuối cùng cũng phục hồi sau những khó khăn hiện tại.

Chiêu ‘la to, cắn nhẹ’ của Bắc Kinh

Trung Quốc đã nhắm mục tiêu các sản phẩm mà họ cho rằng chi phí tương đối thấp, chủ yếu là do họ có các nhà cung cấp thay thế. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, điều đó cũng có nghĩa là Úc sẽ có những người mua thay thế.

Vậy điều gì đã xảy ra với các mặt hàng xuất khẩu mà Trung Quốc đã nhắm mục tiêu? Các danh sách bao gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, hải sản, đường, gỗ và rượu vang. Nhìn chung, các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc này trị giá khoảng 25 tỷ USD vào năm 2019, tương đương 1,3% GDP. Một con số có ý nghĩa, nếu không muốn nói là lớn.

Trong ba tháng tính đến tháng 1 năm 2021, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu này sang Trung Quốc tương đương với mức dưới 5,5 tỷ USD một năm - một mức giảm rất lớn.

Nhưng các lệnh trừng phạt thương mại của Trung Quốc không thực sự khiến Úc mất gần 20 tỷ USD xuất khẩu hàng năm, so với năm 2019. Đầu tiên, cần tính đến yếu tố đại dịch. Thứ hai, thương mại toàn cầu xáo trộn khi Trung Quốc thay thế hàng nhập khẩu của Úc bằng các nguồn khác và hàng xuất khẩu của Úc chuyển sang các thị trường khác.

Than đá đại diện cho hơn một nửa lượng xuất khẩu của Úc. Nhưng xuất khẩu than của Úc sang Trung Quốc đã giảm đáng kể trước khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt cưỡng chế bắt đầu từ tháng 10 năm 2020. Sự sụt giảm trước đó có liên quan đến nỗ lực của Trung Quốc để hỗ trợ ngành công nghiệp than trong nước của họ, thay vì nhắm vào việc trừng phạt Úc.

Vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu cấm than của Úc, lượng xuất khẩu này đã giảm khoảng 7,5 tỷ USD một năm so với năm 2019. Với lệnh cấm, xuất khẩu than của Úc sang Trung Quốc sau đó đã giảm thêm 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu than của Úc dường như đã khá thành công trong việc chuyển hướng sang các thị trường khác. Đến tháng 1 năm 2021, xuất khẩu than của Úc sang phần còn lại của thế giới đã tăng 9,5 tỷ USD so với trước khi có lệnh cấm.

Than của Úc ở Ấn Độ cũng đang chiếm thị phần. Bộ công nghiệp Úc cho rằng chuỗi cung ứng quốc tế đã được điều chỉnh đáng kể, và dự báo rằng tổng lượng than xuất khẩu của Úc sẽ phục hồi khá nhanh lên mức trước Covid-19 trong năm tới.

Do đó, bất cứ lệnh cấm nào của Trung Quốc đối với than của Úc, dường như không đủ tác động để thay đổi bức tranh tổng thể, một khi Úc đã tính đến chuyển hướng thương mại.

Bức tranh rõ ràng hơn khi nhìn vào xuất khẩu lúa mạch, đồng, bông, hải sản và gỗ, doanh số bán các sản phẩm này sang các thị trường khác tăng mạnh, chỉ sau khi các lệnh trừng phạt của Trung Quốc tăng cường vào cuối năm 2020 - với sự thay đổi rõ rệt báo hiệu rằng đây thực sự là kết quả của chuyển hướng thương mại (xem đồ thị).

Các sản phẩm xuất khẩu khác của Úc bị Trung Quốc trừng phạt đã chuyển hướng thành công (Xanh: xuất khẩu ra phần còn lại thế giới - Đỏ: xuất khẩu đến Trung Quốc. Đơn vị: Tỷ Đô la Úc)

Tuy nhiên, ngành công nghiệp rượu vang của Úc đã phải vật lộn để bù đắp cho sự mất mát của thị trường rượu cao cấp Trung Quốc. Tổng xuất khẩu thịt bò cũng giảm, mặc dù điều này phản ánh nhiều hơn các “vấn đề từ phía cung” sau nhiều năm Úc gặp hạn hán. Mặt khác, một vụ lúa mạch bội thu đã giúp bù đắp phần nào sự yếu kém ở những khu vực khác này.

Nhìn chung, ngoài than đá được duy trì ổn định đến gần hết năm 2020 ở mức tương đương hơn 9 tỷ USD một năm, trước khi giảm xuống còn khoảng một nửa do các lệnh trừng phạt leo thang vào cuối năm 2020; xuất khẩu trong các ngành hàng khác sang phần còn lại của thế giới đã tăng khoảng 4,2 tỷ USD, bù đắp phần lớn thiệt hại.

Do đó, cho đến nay, tổng tác động kinh tế trong hành động trừng phạt thương mại của Trung Quốc đối với Úc - dường như khá hạn chế. Điều này không phải là một bất ngờ. Trung Quốc đã nhắm mục tiêu các sản phẩm mà họ cho rằng chi phí tương đối thấp, chủ yếu là do các nhà cung cấp thay thế tồn tại. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, điều đó cũng có nghĩa là Úc có những người mua thay thế.

Xuất khẩu Úc đã chuyển hướng. Danh sách xuất khẩu này gồm: Lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, hải sản, đường, gỗ, rượu vang. (Xanh: xuất khẩu ra phần còn lại thế giới - Đỏ: xuất khẩu tới Trung Quốc).

Lê Minh

Theo lowyinstitute

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Một năm thương chiến Trung-Úc: Bắc Kinh ‘giơ cao, đánh khẽ’