Moody's hạ tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một ngày sau khi hạ tín nhiệm Việt Nam xuống mức triển vọng “tiêu cực”, Moody’s tiếp tục hạ tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam, trong đó gồm cả 4 NHTM nhà nước và các NHTM cổ phần lớn. Nhóm ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm này chiếm khoảng trên 65% tổng tài sản của hệ thống.

Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm của 18 NHTM Việt Nam chỉ một ngày sau khi tổ chức này hạ bậc tín nhiệm quốc gia xuống triển vọng “tiêu cực”. Trên thực tế, 18 NHTM này đã nằm trong giai đoạn theo dõi hạ triển vọng và bậc tín nhiệm trong gần 3 tháng qua, song song với quá trình hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s theo dõi, xem xét hạ bậc tín nhiệm đối với Việt Nam. Theo Moody’s, tín nhiệm quốc gia sẽ tác động - dù ở mức khác nhau - tới hoạt động của các NHTM, tùy theo cơ cấu sở hữu, quy mô và cấu trúc tài sản của mỗi NHTM này.

Cũng theo phương pháp đánh giá của hãng xếp hạng tín nhiệm này, sức mạnh tín dụng của Việt Nam là đầu vào quan trọng trong xếp hạng các ngân hàng trong nước. Nguyên nhân là do sức mạnh tín dụng của quốc gia ảnh hưởng đến khả năng cung cấp hỗ trợ cho các ngân hàng nếu có căng thẳng thanh khoản hoặc rủi ro tín dụng gia tăng.

Bởi vậy, khi tín nhiệm quốc gia bị xuống hạng cũng đồng nghĩa với nghĩa vụ thanh toán nợ Chính phủ bảo lãnh và năng lực hỗ trợ của Chính phủ khi có căng thẳng thanh khoản cục bộ hoặc toàn bộ sẽ suy giảm. Do đó, tín nhiệm của các NHTM lớn, đặc biệt nhóm NHTM có sở hữu của nhà nước cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong xếp hạng tín nhiệm của Moody’s.

Theo thông tin từ hãng này, tác động của việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia với mỗi ngân hàng sẽ ngang hàng nhau.

Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV sẽ bị đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ ngoại tệ và nội tệ. Nguyên nhân là do các nhà băng này đang có cùng mức tín nhiệm với quốc gia.

Với nhóm NHTM cổ phần có quy mô lớn như ACB, MBBank, Techcombank, các xếp hạng bị xem xét lại là mức đánh giá tín dụng cơ bản BCA, tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ bằng nội tệ/ngoại tệ hiện cũng cùng hạng với xếp hạng quốc gia.

Trong khi đó, việc xem xét với nhóm NHTM nhỏ như ABBank, OCB, TPBank, VIB và VPBank chỉ giới hạn ở xếp hạng tiền gửi ngoại tệ B1, liên quan đến trần tiền gửi ngoại tệ B1.

Việc xem xét với 2 nhà băng HDBank và LienVietPostBank chỉ ảnh hưởng đến xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của các ngân hàng này. Đánh giá về MSB, NamABank và SHB ảnh hưởng đến CRR và CRA dài hạn của nhóm.

Cụ thể, Moody’s đã thay đổi triển vọng của 10/18 ngân hàng từ mức “Cần theo dõi để hạ bậc” xuống mức “Tiêu cực”. Trong 10 ngân hàng này, Moody’s đã xác nhận mức đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và đã điều chỉnh BCA của 4 ngân hàng cũng như thực hiện đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (Đánh giá CR) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.

Moody’s cũng đã xác nhận mức xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng khác và thay đổi triển vọng về mức xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn của các ngân hàng này từ mức “Cần theo dõi để hạ cấp” xuống thành “Tiêu cực”.

Đồng thời, Moody cũng đã xác nhận các đánh giá CR dài hạn và CRR của 3 ngân hàng còn lại.

18 ngân hàng Việt Nam bị Moody's điều chỉnh triển vọng gồm:

(i) Nhóm NHTM có vốn nhà nước: BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank

(ii) Nhóm NHTM cổ phần: ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, Nam Á Bank, OCB, SHB, Sea Bank, TP Bank, VIB, MSB, VP Bank, Techcombank.

Trà Nguyễn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Moody's hạ tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại Việt Nam