Michael Burry cảnh báo bong bóng trong thị trường ETF

Giúp NTDVN sửa lỗi

Michael J. Burry, nhân vật được lấy cảm hứng cho bộ phim "The Big short" nổi tiếng, đã lên tiếng cảnh báo về bong bóng thị trường tài sản - tài chính thế giới, tình trạng tương tự với cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008...

Michael J. Burry là một bác sĩ, nhà đầu tư và quản lý quỹ đầu cơ người Mỹ. Ông là người sáng lập quỹ đầu cơ Scion Capital - công ty mà ông đã điều hành từ năm 2000 đến 2008 trước khi đóng cửa để tập trung vào các khoản đầu tư cá nhân của riêng mình.

Giá trị cổ phiếu trên thị trường không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp do cơ chế lãi suất méo mó và “lách” chuẩn BASEL III

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Michael J. Burry cho biết các quỹ đầu tư chỉ số và các ETF (quỹ hoán đổi danh mục) phức tạp có sự tương đồng với bong bóng hồi 2008.

Ông cho biết: các Ngân hàng Trung ương và chuẩn mực an toàn theo quy định của Basel III đã khiến giá cả trên thị trường tín dụng phản ánh nhiều hơn hoặc ít hơn giá trị thực. Nói cách khác, lãi suất không còn phản ánh chính xác rủi ro nữa. Thêm vào đó, đầu tư thụ động đã khiến giá cổ phiếu bị méo mó. Việc đầu tư dựa vào chỉ số, mô hình, và bắt chước chiến lược của các quỹ ETFs, quỹ tương hỗ... đã khiến các nhà đầu tư quên mất việc phải phân tích thực trạng doanh nghiệp để tìm ra giá trị thực của tài sản mà mình muốn đầu tư.

Theo ông Burry, tình trạng này cực kỳ giống với bong bóng chứng khoán hóa các khoản nợ thế chấp có tài sản đảm bảo (CDO) trước Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Khi đó, phân tích cơ bản giá trị thực của tài sản - chất lượng thực của CDO không được thực hiện. Khi đó dòng vốn đầu tư quá lớn vào tài sản này chỉ dựa trên các mô hình phân tích rủi ro đoạt giải Nobel mà đã được chứng minh là không còn đúng nữa.

Ở đây, ông Burry đã đề cập đến các chính sách tự xác định lãi suất (âm) và các chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương.

Tiêu chuẩn Basel thường ít được thảo luận. Theo Basel III, các ngân hàng có yêu cầu tỷ lệ vốn khác nhau dựa trên tài sản được quản lý. Một số tài sản yêu cầu ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu (CSH) nhiều hơn so với tài sản khác. Tài sản yêu cầu mức vốn CSH ít hơn sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại (NHTM) nắm giữ nhiều hơn. Theo các chuyên gia kinh tế, có thể một khuôn khổ pháp lý như thế sẽ ảnh hưởng tới loại rủi ro tín dụng mà các ngân hàng muốn bảo lãnh và cũng dẫn đến một hệ thống tránh những rủi ro tín dụng nhất định trong khi một ngân hàng duy lý trí không bị ràng buộc có thể muốn bảo lãnh (các định chế này buộc phải nắm giữ trái phiếu lợi suất âm).

Chiến lược đầu tư của ETFs có hạn chế và rủi ro gì?

Chiến lược đầu tư của ETFs có hai hạn chế lớn nhất, theo các chuyên gia kinh tế như Burry, Murray Stahl (ở mức độ giao dịch, quản lý danh mục tổng thể) và Steven Bregman, đó là: (i) Vấn đề phân biệt đối xử có hệ thống chống lại một số chứng khoán (ngay cả khi là chứng khoán tốt); (ii) Mất cân đối về thanh khoản.

Các quỹ ETF và quỹ đầu tư chỉ số tính phí thấp. Họ kiếm tiền nhờ việc đầu tư vào rất nhiều tài sản. Do đó, họ có cùng một cách đầu tư nhất định. Ví dụ, khi ban đầu bạn quảng bá cho các sản phẩm ấy, bạn cần một hiệu suất lịch sử mô phỏng dựa trên chiến lược đầu tư bạn đang chào bán. Chỉ các ETF với những bài test mô phỏng quá khứ tuyệt vời mới có thể thành công. Do đó, chiến lược với hiệu suất lịch sử tuyệt vời được đặt chung lại với nhau. Những người sáng tạo ETF thực sự được khuyến khích đảm bảo rằng "chiến lược" của họ bao gồm các cổ phiếu đã thắng lớn như Amazon (AMZN). Amazon được xem như ưu tiên nắm giữ hàng đầu của hàng loạt quỹ ETFs.

Các nhà thiết kế ETF biết rằng họ không nên chọn cổ phiếu có tính thanh khoản thấp. Những loại cổ phiếu bị tránh né thường là của các doanh nghiệp mà người trong nội bộ, gia đình hoặc nhà sáng lập sở hữu một số lượng lớn cổ phần. Điều này làm giảm số lượng cổ phần trôi nổi, làm cho nó có ít khả năng được thêm vào danh mục đầu tư của ETFs.

Ông Burry chỉ ra rằng có 2 yếu tố khiến các ETFs không lựa chọn cổ phiếu vốn hóa nhỏ: (i) Nếu ETF rất thành công, quỹ không thể mở rộng quy mô vì không có đủ cổ phiếu để nắm giữ nếu cổ phiếu vốn hóa nhỏ nằm trong danh mục ưu tiên của quỹ; (ii) Do các vấn đề về thanh khoản, một ETF nếu đầu tư lớn vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng có thể có tác động nghiêm trọng đến thị trường, cầu tăng quá cung. Việc này làm tăng giá cổ phiếu và làm giảm hiệu quả đầu tư của quỹ, giống như việc tự lấy đá đập vào chân mình vậy.

Những người ủng hộ các quỹ ETF sẽ tranh luận rằng thanh khoản được kiểm tra, và như vậy là đủ. Nhưng các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng ở một số thị trường như trái phiếu doanh nghiệp “rác” (trái phiếu đầu cơ), điều đó rất khó xảy ra. Một số các ETF giao dịch với nhau để tìm kiếm thanh khoản, nhưng nếu có một biến động khiến dòng tiền rút ra ồ ạt khỏi các doanh nghiệp thì các ETFs cũng không thể hỗ trợ thanh khoản bằng hình thức mua bán lẫn nhau. Những người đã ở trên thị trường trong các cuộc khủng hoảng cũng biết rằng thanh khoản hoàn toàn có thể bốc hơi. Trong một số lĩnh vực, quy định ngân hàng cũng đã thay đổi, khiến các bên khó khăn trong việc gia nhập thị trường vào những thời điểm nhất định. Nếu các chuyên gia kinh tế đúng, thì một trái chủ của ETF chuyên về trái phiếu đầu cơ có thể thấy thiệt hại của anh ta tăng tốc và trái phiếu có được đổ vào một cái hố đen. Người cuối cùng nhảy tàu có thể phải chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi vì thanh khoản đã cạn kiệt, và do đó, điều này gây ra hiệu ứng tháo chạy khỏi các ngân hàng.

Tình hình có thể tồi tệ hơn do sản phẩm tài chính phái sinh

Ông Burry cho biết, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không thể giảm tỷ trọng vị thế đối với các sản phẩm phái sinh và các chiến lược mua/bán (không giao tài sản cơ sở) được sử dụng để giúp rất nhiều các quỹ cân đối dự phòng với dòng tiền và giá cả mỗi ngày. Khái niệm cơ bản này đã từng gây ra sụp đổ thị trường năm 2008. Tuy nhiên, ông Burry cũng nhấn mạnh rằng ông không biết thời điểm cụ thể sẽ là bao giờ: “Giống như hầu hết các bong bóng, nó càng kéo dài, cuộc khủng hoảng sẽ càng tồi tệ”.

Nhận định của ông Burry khiến chúng ta liên tưởng đến rủi ro của Deutche Bank. Định chế tài chính khổng lồ này có tới 5 năm liên tiếp không thể sinh lời, và đang ôm giữ khối tài sản phái sinh lên tới 53,5 nghìn tỷ USD - cao gấp 3 lần GDP của liên minh EU.

Dù vậy, các doanh nghiệp Nhật vẫn là niềm hy vọng trong danh mục của ETFs…

Ông Burry cũng thấy các giá trị trong thế giới kỳ lạ xoay quanh ETF. Ví dụ, ở Nhật Bản, ông cho biết: "Không khó khăn gì để tìm những cơ hội đầu tư dưới giá trị ở Nhật Bản: Hệ số PE thấp, hoặc P/FCF thấp. Trong nhiều trường hợp, công ty có thể có những khoản đáng kể tiền mặt hoặc cổ phiếu đầu tư gần xấp xỉ giá giao dịch trên thị trường".

Và đối với các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, ông Burry nói: "Có rất nhiều giá trị trong dòng cổ phiếu vốn hóa nhỏ trong ngành công nghệ và phụ trợ cho ngành này. Tôi tin tưởng rằng công nghệ từ xa và giả lập sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhịp điều chỉnh toàn cầu trong ngành bán dẫn, hình ảnh, và các ngành công nghiệp liên quan đã làm tổn hại đến giá cổ phần của các công ty Nhật Bản nhỏ có liên quan. Tôi mong đợi các công ty như Tazmo (TSE: 6266) và Nippon Pillar Packing (TSE: 6490), cùng trong danh mục của tôi, sẽ phục hồi cùng với Beta cao trong ngành do hàng tồn kho của các sản phẩm phụ trợ công nghệ cao được hấp thụ hết và tăng trưởng trở lại".

Ông Burry cũng quan sát thấy rằng ở Nhật Bản, các công ty thường giao dịch dưới giá trị sổ sách và dư giả tiền mặt. Có vấn đề về khâu quản trị doanh nghiệp, nhưng chính phủ Nhật Bản có mong muốn thay đổi.

Liên quan đến sự chủ động (trong đầu tư), ông Burry nói với Bloomberg rằng ông chỉ chủ động nắm bắt các khoản đầu tư siêu giá trị. Ý định của ông là cải thiện xếp hạng tín nhiệm cổ phiếu bằng cách giúp ban lãnh đạo nhận ra lợi ích của việc cải thiện phương pháp phân bổ vốn. Ông không cố gắng thay đổi các hoạt động kinh doanh như một số nhà đầu tư chủ động cố làm.

J.B (biên dịch và tổng hợp)

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Michael Burry cảnh báo bong bóng trong thị trường ETF