Loay hoay 'mô hình' đi chợ hộ: Quân đội 'chào thua', shipper trở lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền kỳ vọng lực lượng quân đội hùng hậu có thể kết hợp với các tổ chức chính quyền hoặc cánh tay nối dài của chính quyền ở các khu vực để hình thành “hệ thống đi chợ hộ”, lấp được chỗ trống của các đội giao hàng dân sự. Tuy nhiên, vừa triển khai được vài hôm, hệ thống này đã gặp nhiều tình huống "dở khóc", "dở cười"...

Sau hơn một tháng giãn cách ban ngày và giới nghiêm ban đêm, TP HCM đã nâng cấp độ hạn chế từ ngày 23/8. Theo đó, ngoại trừ lực lượng chức năng thì mọi người dân đều không được phép ra khỏi nhà, trừ một số nhóm đối tượng có giấy phép.

Lực lượng giao hàng chuyên nghiệp (shipper) của các công ty cũng bị hạn chế tối đa. Đồng thời, quân đội và công an đã được triển khai, mô hình quân đội đi chợ hộ ra đời.

Chính quyền kỳ vọng lực lượng quân đội hùng hậu có thể kết hợp với các tổ chức chính quyền hoặc cánh tay nối dài của chính quyền, như công an, cán bộ phường, ban quản lý tổ dân phố, khu phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… hình thành “hệ thống đi chợ hộ”, lấp được chỗ trống của các đội giao hàng dân sự vốn có kinh nghiệm nhiều năm mua sắm và phân phối hàng hóa tới từng góc phố, con hẻm của Sài Gòn.

Quân đội vào, dạt dào cảm xúc

Theo BBC, trong những ngày đầu, hình ảnh một vài nhóm quân đội đi giao hàng được đăng tải lên mạng xã hội đã đem lại nhiều cảm xúc cho người dân, nào là bộ đội đi lựa rau, chở gạo và đi mua băng vệ sinh.

Trên các trang báo chính thống và mạng xã hội, người ta bắt gặp nhiều bài viết dạt dào cảm xúc: "Họ sẽ đứng gác 24/24 không ngồi duỗi chân tay hay bỏ gác. Họ sẽ đếm từng củ khoai, cân chính xác từng lạng gạo trong các khẩu phần cứu trợ. Và họ sẽ đến từng nhà, hai tay, cúi đầu, lễ phép chào hỏi đưa từng túi đồ ấy cho nhân dân, như thể đó là ông bà, cha mẹ, anh chị của họ. Đó là tác phong quân kỷ của quân đội nhân dân Việt Nam," tác giả Phạm Gia Hiền viết trên báo Ngày Nay.

Nhà báo Hà Quang Minh viết trên Facebook cá nhân: "đã là lính thì không phải tính".

"Nhu yếu phẩm mua hộ đồng bào, tức tiền đồng bào đã bỏ ra, thì hàng hóa đồng bào nhận được không thể bị ướt dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Do đó, lính không dùng áo mưa che thân mà, thay vào đó, để che hàng hóa," ông viết.

Nhưng những dòng chữ giàu cảm xúc, đậm chất thơ này ngay lập tức “va đầu” vào thực tế: Nhu cầu của người dân quá lớn, quá đa dạng, mà thế mạnh của quân đội vốn không phải là đi mua hàng ở siêu thị rồi giao tới nhà người dân trong các mạng lưới hẻm nhỏ như ma trận của Sài Gòn.

'Hệ thống đi chợ hộ' nhanh chóng quá tải

Theo Tuổi trẻ, tính theo đầu người, "hệ thống đi chợ hộ" có "quân số" gấp nhiều lần đội ngũ shipper nhưng hiệu quả không thể sánh bằng bởi nhiều lẽ.

Thứ nhất, hàng triệu món hàng được hệ thống thương mại điện tử tự động tính toán trong khi "hệ thống đi chợ hộ" phải ghi chép, tính toán thủ công như thập niên 1980.

Thứ hai, việc ghép nối cung cầu bằng thuật toán thông minh nay phải giao kết thủ công có độ trễ và sai lệch tăng lên bởi phải qua trung gian "hệ thống đi chợ hộ".

Thứ ba, trên thương mại điện tử, người mua chỉ quan tâm tìm kiếm món hàng gì và giá cả chứ không quan tâm ở đâu. Còn "đi chợ hộ" đôi khi lại phải gánh thêm việc tìm kiếm nguồn hàng, khiến tốc độ đáp ứng trễ xuống. Hạn chế này, cùng đặc điểm chỉ hoạt động theo địa bàn, dẫn đến nơi thừa chỗ thiếu dù chỉ cách nhau con đường.

Thứ tư, lực lượng chi viện từ trung ương tham gia "hệ thống đi chợ hộ" gồm cả ô tô và đi bộ không thể hiệu quả bằng xe hai bánh của shipper.

Thứ năm, hệ thống thương mại điện tử thường trang bị bản đồ số định vị bên bán và bên mua và có thể đẩy lên hệ thống các yêu cầu mới phát sinh trên đường shipper vận chuyển nên shipper có thể kết hợp vừa giao hàng vừa lấy hàng trên một cung đường.

Quân đội phun khử khuẩn trên một con phố ở Hà Nội vào ngày 26 tháng 7 năm 2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh của NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)
Quân đội phun khử khuẩn trên một con phố ở Hà Nội vào ngày 26 tháng 7 năm 2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh của NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)

Kết quả là, người dân nhiều quận huyện tại TP.HCM phản ánh sau khi nhờ lực lượng địa phương đi chợ hộ, thời gian chờ để nhận được thực phẩm mất đến 4-5 ngày. Theo người dân, thời gian chờ như vậy là khá lâu trong khi thực phẩm tích trữ lại gần hết.

Không chỉ người dân phản ánh gặp khó khăn, mà lực lượng đi chợ hộ cũng "dở khóc, dở cười" với việc bị "bom" hàng, tức người dân đã đặt nhưng không chịu nhận hàng. Vài ngày trở lại đây, một số phường gặp phải tình trạng này, cá biệt có nơi bị "bom" gần cả trăm đơn.

Cụ thể, quận Tân Phú đã ghi nhận 96 đơn hàng bị "bom" trong một ngày, phường An Phú (TP.Thủ Đức) có 100 đơn không người nhận.

Tuy nhiên, khi một số báo lớn đưa tin về việc đi chợ hộ bị người dân "bom" hàng, người dùng mạng xã hội đã phản ứng rất gay gắt. Theo nhiều cư dân mạng, do khi nhờ mua hàng, người dân đã phải đưa trước tiền cho các tổ trưởng khu phố nên chuyện 'bom' tiền là không thể.

Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, tâm lý chung, một số mặt hàng khi đặt đi chợ hộ bị thiếu hụt hoặc thời gian chờ quá lâu, do đó, người dân đã đặt hàng nhiều chỗ khác nhau. Đây cũng có thể là nguyên nhân những đơn hàng đã đặt nhưng không có người nhận.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương xác nhận có thực tế này: "Lực lượng này không có sẵn mà phải huy động, cũng không có thời gian huấn luyện. Do đó, tùy địa phương có cách thực hiện khác nhau, có chỗ thực hiện ăn khớp nhưng cũng có chỗ chệch choạc. Hệ thống phân phối cũng khó hình dung cách làm. Chỉ trục trặc một khâu là quy trình chậm ngay lập tức".

Shipper trở lại

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, một tuần qua, lực lượng đi chợ hộ này đã cố gắng hết sức. Trong khi đó, sắp tới, nhu cầu thực phẩm sẽ tăng cao, lượng hàng cần luân chuyển lớn thì đội ngũ sẽ càng quá tải.

Như vậy, việc triển khai quân đội, công an đi chợ hộ và phát túi an sinh tới từng nhà tại TP HCM đã không đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu người dân. Vì thế, đội quân giao hàng chuyên nghiệp đã được phép tái xuất để giải bài toán cung cấp thực phẩm, hàng hóa cho người dân TP HCM, sau khi quân đội và các lực lượng của chính quyền không cáng đáng nổi.

Ngày 30/8/2021, 25.000 shipper đã được hoạt động trở lại. Lực lượng giao hàng chuyên nghiệp của các công ty vốn được quản lý bằng ứng dụng điện thoại, thông thuộc địa bàn, có khả năng tùy cơ ứng biến, tỏ ra có ưu thế vượt trội so với bộ đội chính quy, công an hay lực lượng chính quyền.

Shipper vận chuyển hàng hóa. (Ảnh minh họa: moit.gov.vn)
Shipper vận chuyển hàng hóa. (Ảnh minh họa: moit.gov.vn)

Theo ông Phương, còn các lực lượng đi chợ hộ tại địa phương hiện nay là Đội Covid-19 cộng đồng, đội hậu cần, các đoàn thể và lực lượng bộ đội được tăng cường sẽ có nhiều thời gian tập trung cho công tác phòng chống dịch.

Nhà nước loay hoay, người dân băn khoăn

Hình ảnh quân đội đị siêu thị, giao hàng, phát đồ cứu trợ… được đăng tải trên mạng tạo ra ấn tượng rằng lực lượng này đã "phủ sóng" cả Sài Gòn. Nhưng mức độ hiệu quả thì cũng đã khá rõ ràng.

"Chống dịch không phải là một cuộc trình diễn. Vài hình ảnh anh bộ đội đi siêu thị mua băng vệ sinh, những người lính cởi trần cơ bắp cuồn cuộn đầy chất dàn dựng, được cố ý tung lên… có thể mang lại cảm xúc nhất thời cho người dân, cũng như tạo nên hình ảnh đẹp về người lính. Tuy nhiên, điều đó không thay thế được thực tế là hiệu quả của sự phân công công việc này rất thấp", một người tên Trần Thành viết trên trang cá nhân.

Một người tên Giang Đông viết: "Người lính xuất hiện bên cạnh những người dân đang đói khổ là một hình ảnh rất tốt để truyền thông. Nhưng việc giao hàng thực sự thì vẫn nên giao cho những người rành việc thực hiện".

TP HCM đã cho phép các shipper chuyên nghiệp hoạt động trở lại tại các vùng đỏ. Tuy nhiên, quy định đối với lực lượng này vẫn rất ngặt nghèo, mà nhiều người gọi là "làm khó", chẳng hạn giới hạn địa bàn hoạt động, phải xét nghiệm nhanh mỗi ngày.

Trong đợt bùng phát dịch thứ tư, việc lưu thông hàng hóa tại tâm dịch TP HCM luôn trục trặc, phơi bày nhiều bất cập và lúng túng của chính quyền.

Vẫn biết rằng lúc dịch bệnh khó khăn, sự lúng túng của chính quyền là điều có thể thông cảm được, và thực tế đa số người rất cũng rất thấu hiểu và ủng hộ tối đa các nỗ lực chống dịch của nhà nước. Có điều, là khi người có trách nhiệm đưa ra những quyết sách sai lầm, rồi sau đó lại sửa chữa, thì sẽ phải trả giá. Mà trả giá, thực ra là người dân trả giá. Còn Nhà nước, họ sẽ trả giá bằng điều gì?

Thành ra là, nếu đi tìm cái may mắn trong tai họa, thì trận dịch này đã bộc lộ rất nhiều những khuyết điểm của cách quản lý xã hội mà nếu qua đó chúng ta có thể nhìn vào để thay đổi, thì có lẽ tương lai sẽ là một cục diện khác.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Loay hoay 'mô hình' đi chợ hộ: Quân đội 'chào thua', shipper trở lại