Loại 'tem phiếu' đặc biệt giúp Tesla thu lãi vài tỷ USD mỗi năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Elon Musk của Tesla là một tỷ phú bậc thầy về khả năng tìm kiếm lợi nhuận từ những “phi vụ” làm ăn ít ai nghĩ tới: Bitcoin, Dogecoin, kinh doanh ẩm thực tại các điểm sạc xe điện, ..vv... bên cạnh lĩnh vực chính là sản xuất xe điện. Ngoài ra, có một ngành kinh doanh nổi tiếng khác của Telsa cũng nổi tiếng không kém, nơi mà các ông lớn sản xuất ô tô cũng đang phải trả cho Tesla hàng tỷ USD hàng năm để “nhờ cậy” công ty này.

Thị trường gà đẻ trứng vàng cho Telsa

Đó là ngành kinh doanh gì? Là việc kinh doanh tín chỉ carbon. Đây là thị trường tỷ đô mà Telsa đang thống trị.

Vậy tín chỉ carbon là gì?

Để dễ hình dung, bạn có thể coi mỗi tín chỉ carbon cũng giống như một cái “tem phiếu”.

Mỗi “tem phiếu” tương đương với 1 tấn khí thải carbon mà doanh nghiệp được phép thải ra môi trường.

Chính phủ sẽ trao cho mỗi nhà sản xuất lượng “tem phiếu” nhất định dựa trên quy mô sản xuất hoặc lượng khí phát thải mà những chiếc xe của họ phát thải ra.

Dựa trên mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chính phủ sẽ giảm hạn mức “tem phiếu” mà các nhà sản xuất nhận được qua hàng năm.

Điều này đồng nghĩa rằng nhà sản xuất buộc phải cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường qua mỗi năm. Giả sử nhà sản xuất không thể đáp ứng được yêu cầu này, họ sẽ bị phạt. Số tiền phạt cũng sẽ dựa trên số ‘tem phiếu’ quy đổi tương ứng với lượng carbon mà họ sử dụng quá hạn mức.

Nếu như có nhà sản xuất sử dụng quá hạn mức thì cũng sẽ có trường hợp nhà sản xuất khác lại không dùng hết “tem phiếu” của mình. Trong trường hợp này, chính phủ cho phép công ty thừa “tem phiếu” bán lại cho công ty thiếu “tem phiếu”.

Việc mua bán này hoàn toàn hợp pháp, và đơn giá của mỗi “tem phiếu” sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thỏa thuận đôi bên.

Tesla với việc là nhà sản xuất 100% xe thuần điện, họ hầu như không dùng tới số ‘tem phiếu’ mà chính phủ cấp. Số “tem phiếu” ấy đều được Tesla mang đi giao dịch với các nhà sản xuất khác, mang về lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này.

Mức độ siêu lợi nhuận của “tem phiếu” của Tesla là ở chỗ: Tesla không mất một đồng nào khi bán chúng. Tức là bán ra giá bao nhiêu tức lãi thu về bấy nhiêu. Tỷ suất lợi nhuận đạt 100%!

Tất nhiên, trên thị trường thì không chỉ có Tesla là nhà sản xuất duy nhất có xe điện, nhưng khi quy mô hàng đầu với hơn 500.000 chiếc bán ra toàn cầu (đứng đầu thế giới trong tổng lượng tiêu thụ xe thuần điện), Tesla sẽ được nhận nhiều tín chỉ nhất trong nhóm nhà sản xuất xe thuần điện. Và khi có nhiều nhất, Tesla ‘thống trị’ thị trường trao đổi tín chỉ carbon này, ít nhất là tại Mỹ.

Mua bán tín chỉ carbon có gây hại gì không?

Việc mua bán hay trao đổi tín chỉ carbon là một việc được chính phủ và quốc tế công nhận, và cách làm này không có hại, thậm chí lại mang tới rất nhiều lợi ích.

Theo Tri thức trẻ, tại châu Âu thì việc mua bán phát thải khí carbon đã diễn ra tới 15 năm. Việc mua bán này cũng giống như cách các hãng xe ô tô làm, đó là doanh nghiệp nào phát thải nhiều hơn mức quy định thì sẽ phải đi mua lại tín chỉ từ các doanh nghiệp còn thừa, hoặc mua tín chỉ từ những nơi khác, ví dụ như mua tín chỉ carbon của một nơi trồng rừng.

Doanh nhân Elon Musk, giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe điện Tesla và SpaceX, cũng đã xác nhận việc chuyển đến Texas trong tháng 12/2020 (Ảnh: getty)
Doanh nhân Elon Musk, giám đốc điều hành của nhà sản xuất xe điện Tesla và SpaceX. (Ảnh: getty)

Việc ngày càng siết chặt hạn mức xả thải sẽ mang tới ảnh hưởng ở cả phía doanh nghiệp phát thải lẫn nơi tiếp nhận carbon. Cần nhớ rằng số tín chỉ carbon mà các nhà sản xuất được nhận sẽ giảm định kỳ. Suy ra là lượng khí phát thải trung bình sẽ giảm qua từng mốc thời gian trên lộ trình của quốc gia đó.

Về phía doanh nghiệp, họ sẽ buộc phải đổi mới, cải tiến máy móc để lượng phát thải là thấp nhất. Điều này trực tiếp thúc đẩy phát triển công nghiệp tới mức độ cao hơn với việc bảo vệ môi trường.

Về phía nơi tiếp nhận carbon, ví dụ là các doanh nghiệp kinh doanh năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, khi có thêm nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon, họ sẽ có thêm nguồn lực để tiếp tục cải tạo, nâng cấp, thay mới hay thậm chí là nghiên cứu để gia tăng mức hiệu quả, từ đó thúc đẩy tiếp quá trình sản xuất năng lượng sạch.

Telsa bán tín chỉ carbon cho ai?

Telsa không bao giờ công khai danh tính người mua của mình. Trong số vô vàn người mua bí ẩn, chỉ có mình hãng xe Fiat công khai chuyện mua bán này. Fiat đã có thỏa thuận mua lại tín chỉ carbon của Tesla tới hết năm 2023 với mức giá “kinh hoàng”: 1,1 tỷ USD.

Hãng xe GM cũng là một khách hàng của Tesla, dù rằng GM có mẫu xe điện bán rất chạy là Chevrolet Bolt.

Số tiền Tesla thu về từ việc bán tín chỉ carbon đang tăng lên rất nhanh. Nếu như trong quý 4 năm 2019, Tesla thu về 133 triệu USD từ việc bán tín chỉ thì chỉ 3 tháng sau, số tiền thu được từ nguồn này đã lên tới 354 triệu USD, gấp hơn 2,6 lần.

Nếu tính theo cả năm, tổng số tiền thu về từ việc bán tín chỉ carbon của Tesla vào năm 2019 là khoảng 378 triệu USD, con số này của năm 2020 đã gấp gần 5 lần - 1 tỷ 580 triệu USD.

Như vậy, Tesla đã dễ dàng thu lợi hàng tỷ USD một năm mà không mất vốn, không cần phải chi phí bán hàng khủng như các ngành kinh doanh thông thường.

Thậm chí, theo nguồn thông tin riêng của Autocar, tạp chí lâu đời nhất thế giới về xe cộ, thì hầu hết các hãng xe đều tham gia mua tín chỉ carbon, khác nhau ở cách thức cũng như nguồn ‘trao đổi’. Tesla như "ngồi ghế trên" thu lợi từ những ông lớn xe hơi đang vật vã với “tem phiếu” carbon.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Loại 'tem phiếu' đặc biệt giúp Tesla thu lãi vài tỷ USD mỗi năm