Lo ngại sức mạnh ‘tưởng tượng’ của eCNY giống như hoảng sợ trước sự cố Y2K

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đồng tiền pháp định kỹ thuật số của Trung Quốc (eCNY) có thể mạnh lên đến mức lật đổ ngôi vị của USD chỉ vì nó là “kỹ thuật số” chứ không phải là tiền giấy truyền thống? Các dự báo “kinh thiên động địa” về sự xuất hiện của eCNY ngập tràn trên truyền thông đã quên không đề cập đến gốc rễ làm nên sức mạnh của tiền tệ. Thực tế, hệ thống thanh toán hiện nay đã biến 100% tiền truyền thống thành tiền “kỹ thuật số” rồi. eCNY chỉ là công cụ để Bắc Kinh thâu tóm doanh nghiệp công nghệ tài chính tư nhân cũng như kiểm soát người dân Trung Quốc thêm một bước nữa mà thôi.

Trong những ngày này, khi Trung Quốc đang thử nghiệm đồng tiền pháp định kỹ thuật số đầu tiên của thế giới, truyền thông ngập tràn các tiêu đề về sự thống trị của eCNY, khả năng soán ngôi USD của eCNY, thậm chí cả những dự báo tiêu cực về sự biến mất hoàn toàn của các trung gian tài chính khi đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước phát hành.

Trang Cafef.vn giật tít “Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể giúp Trung Quốc lật đổ ngôi vương của đồng USD như thế nào?” trong một bài viết có tham khảo từ tạp chí danh tiếng Wall Street Journal.

Hay trang Tin nhanh chứng khoán đưa tin “Nhân dân tệ điện tử khiến quyền lực Mỹ “lung lay”.

Trong một báo cáo ngày 4 tháng 4 cho Bloomberg, nhà kinh tế học Niall Ferguson đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang "đúc tiền của tương lai". Rằng rằng đồng eCNY là một bước đổi mới báo trước sự phát triển không thể cản phá của Trung Quốc, có liên quan đến việc quốc tế hóa đồng NDT và chứa đựng một sức mạnh bí ẩn nào đó sẽ truất ngôi đồng USD.

Rất nhiều các thông tin như thế tràn ngập trên truyền thông trong và ngoài nước. Hầu hết các bài báo ủng hộ cho thế lực mới nổi eCNY đều cho rằng sức mạnh đó có được chỉ nhờ: thuận tiện trong giao dịch, chi phí giao dịch thấp thúc đẩy lượng giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng eCNY tăng mạnh. Chỉ với lập luận này, các bài báo cho rằng đồng eCNY sẽ soán ngôi USD.

Đi xa hơn, nhiều bài báo về tương lai các đồng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành (eGov) sẽ làm biến mất các trung gian tài chính như ngân hàng…

Các nghiên cứu và nhận định mạnh mẽ này hầu hết quên mất nguyên nhân gốc rễ làm nên sức mạnh của một đồng tiền pháp định. Họ cũng quên mất rằng hệ thống thanh toán hiện nay của Trung Quốc đã biến 100% tiền truyền thống thành tiền “kỹ thuật số”. Tiền kỹ thuật số của Trung Quốc hay của bất kỳ NHTW nào cũng chỉ hoàn thiện thêm phương thức quản trị và giao dịch của hệ thống thanh toán này mà thôi.

Có vẻ như, không hề quá lời khi nói rằng lo ngại về sức mạnh ‘tưởng tượng’ của eCNY giống hệt như sự hoảng loạn trước sự cố Y2K trong hơn 2 thập kỷ trước.

Hoảng sợ trước ‘sự cố Y2K’

Các bạn trẻ ngày nay có thể không biết nhiều đến sự cố Y2K, một tiên đoán về ngày tận thế của ngành công nghệ thông tin, hệ thống máy tính toàn cầu vào lúc 0h ngày 01/01/2000. Trước thời điểm này, cả thế giới sống trong tâm trạng “đứng ngồi không yên” bởi thông tin về “một sự cố nhầm lẫn trong cách đọc năm theo 2 chữ số cuối sẽ khiến toàn bộ máy tính trên thế giới hoạt động hỗn loạn”.

Theo các nhà khoa học trong ngành máy tính, sự cố này sẽ khiến những chiếc máy tính không thể phân biệt được đâu là năm 2000, đâu là năm 1900 hay tương tự và điều này sẽ dẫn đến sự tê liệt của mạng máy tính toàn cầu. Không chỉ những chiếc máy tính, những chiếc cầu thang máy, hệ thống quản lý tài khoản ngân hàng, hệ thống điều khiển không lưu của ngành hàng không… cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Một chiến dịch khắc phục “sự cố Y2K” đã được tiến hành một cách hối hả và ráo riết trên toàn cầu. Hàng nghìn tỷ USD đã được chi để lập trình lại hệ thống, thay thế các phần cứng cũ, cài đặt những phần mềm mềm mới sử dụng cơ chế đọc số năm theo dạng đầy đủ (4 chữ số). Với nhiều vị CIO (Giám đốc phụ trách CNTT), quy mô và tầm ảnh hưởng lớn chưa từng thấy của “sự cố Y2K” đã khiến họ coi việc chạy đua với thời gian để khống chế “ngày tận thế của ngành công nghiệp điện toán” là dự án lớn nhất trong sự nghiệp của họ.

Và rồi ngày cuối cùng của thế kỷ 20 cũng đã đến. Những giây phút cuối cùng của ngày 31/12/1999, cả thế giới nín thở và nhận ra rằng… chẳng có chuyện gì xảy ra. Ngày 1/1/2000 đã diễn biến giống hệt như tất cả những ngày trước và sau đó. Không hề có một báo cáo nào về việc “sự cố Y2K” đã xảy ra ở đâu đó trên thế giới. Đã có không ít những chuyên gia IT thức trắng đêm 31/12/1999 để “giữ cho hệ thống và luồng thông tin của toàn thế giới được luân chuyển một cách liền mạch”.

Dĩ nhiên, lo ngại về Y2K đã khiến các chính phủ và doanh nghiệp đổ một khoản tiền khổng lồ vào nâng cấp hệ thống phần cứng và phần mềm của IT. Tầm quan trọng và quyền lực của ngành IT được nâng cấp, bội thu bởi một cơ hội vàng chưa từng có. Nhưng rõ ràng, mọi thứ đều có giải pháp và mọi sự lo lắng đều không thừa, dù thái quá.

Lo lắng về sức mạnh ‘tưởng tượng’ của eCNY cũng giống như hoảng sợ trước sự cố Y2K. Dù vậy, sự xuất hiện của eCNY có thể khiến NHTW các nước, hệ thống tiền tệ các nước tăng cường phòng bị và tiến vào một cuộc chạy đua mới để không bị đánh cắp thông tin nếu giao dịch với eCNY. eCNY dường như khiến thế giới cẩn trọng hơn trước một Trung Quốc khó lường. Có lẽ điều đó là tốt cho thị trường tiền tệ toàn cầu, tốt cho cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra hiện nay, giống như cách mà Y2K nâng tầm ngành IT trên toàn cầu vậy.

Sức mạnh ‘tưởng tượng’ của eCNY

Kể từ khi “cải cách và mở cửa” năm 1979, thế giới đã hy vọng rằng sự phụ thuộc quá lớn vào thương mại và đầu tư nước ngoài sẽ buộc Trung Quốc phải hội nhập với các thể chế quốc tế dựa trên luật lệ. Tức là, Trung Quốc sẽ thay đổi thể chế độc tài của họ, tiến tới dân chủ thực sự vì sự thịnh vượng và hội nhập.

Thay vào đó, trong 40 năm mở cửa tự do thương mại, Trung Quốc đã tạo ra các giao diện riêng có mục đích đặc biệt khi tiếp xúc với thế giới. Các thể chế trong nước không hề bị động đến, nó được bảo vệ chặt chẽ bởi vô khối công cụ đàn áp người dân, công cụ ngăn cản người dân Trung Quốc tiếp nhận sự thật. Sự sợ hãi và tẩy não người dân Trung Quốc đã giúp Bắc Kinh củng cố, duy trì và phát triển một thể chế chính trị độc tài, đẫm máu trong suốt 40 năm mở cửa nền kinh tế, song song với việc tiếp nhận nguồn vốn, tri thức, công nghệ toàn cầu mà không phải đánh đổi bằng bất cứ mục tiêu chính trị nào.

Không những thế, việc Trung Quốc xuất khẩu mô hình quản trị của họ sang Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, sang các nền kinh tế đang phát triển, thiếu minh bạch và khát vốn đã giúp Trung Quốc thao túng toàn bộ các cơ quan ngôn luận quốc tế. Tội ác đẫm máu của Trung Quốc chìm đi trước sức mạnh của kim tiền. Bằng cách này, Trung Quốc vừa giảo hoạt thâm nhập thị trường nước ngoài mà vẫn bảo vệ được quyền lực độc tài của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại mặt trận quê hương.

Điều đáng chú ý là cách đây gần một thập kỷ, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ nâng cấp chiến lược quốc tế hóa đồng CNY, nỗ lực biến CNY trở thành đồng tiền dự trữ tại IMF.

Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc (CBCD). (Ảnh: NTDVN tổng hợp)
Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc (CBCD). (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Ngay lập tức, nhiều người tin rằng thanh toán thương mại quốc tế sẽ chuyển sang CNY thay vì USD. Chắc chắn, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lớn tiếng nói về sự cần thiết của việc thay thế đồng USD, nếu không phải bằng đồng CNY, thì bằng tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) hoặc tương tự.

Nhưng điều này không hề xảy ra, dù báo chí hay truyền thông giật tít ầm ỹ về sức mạnh trỗi dậy của CNY, về bước ngoặt quốc tế hóa, về khả năng soán ngôi USD trong ngày mai, về các tuyên bố hùng hồn của Bắc Kinh… đã không trở thành hiện thực sau 5 năm đồng CNY nằm trong rổ SDR.

SDR, theo một cách nào đó, cũng được xem như một loại tiền toàn cầu, do IMF (hoạt động giống như một ngân hàng trung ương toàn cầu) sáng tạo ra. Nó được chủ nghĩa toàn cầu - một hình thái khác của chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội - rất ủng hộ.

Nút thắt: CNY không thể chuyển đổi, eCNY cũng thế

Trong tiền tệ, có một khái niệm là khả năng chuyển đổi (convertible) của tiền tệ quốc tế. Tức là, việc gia nhập SDR chỉ là hình thức, việc CNY có được chuyển đổi tự do trên thị trường quốc tế sang một loại tiền tệ khác hay không mới quyết định khả năng, sức hấp dẫn cũng như sự thành công của nó trong quá trình quốc tế hóa.

Buồn cười là, Bắc Kinh luôn cao giọng tuyên bố rằng CNY sẽ được chuyển đổi “vào một thời điểm thích hợp”. Vào cuối năm 2015 khi Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị để đưa CNY vào rổ SDR, nước này đã cam kết cụ thể là sẽ chính thức chuyển đổi CNY gia nhập SDR vào tháng 10 năm 2016.

5 năm sau, điều đó vẫn chưa xảy ra. Trung Quốc đã không thể nâng cao khả năng chuyển đổi của đồng CNY được.

Các loại tiền tệ không thể chuyển đổi, như nghĩa đen của nó, là loại tiền tệ không thể dễ dàng trao đổi sang một loại tiền tệ khác, thường là do các hạn chế của chính phủ. CNY là một loại tiền tệ không thể chuyển đổi nổi tiếng. Các nhà chức trách Trung Quốc không cho phép chuyển đổi bởi vì nếu cho phép chuyển đổi tự do, Bắc Kinh không thể thao túng giá của CNY phục vụ cho mục đích xuất khẩu, tăng GDP.

Tiền tệ không chuyển đổi không được giao dịch tự do trên thị trường tiền tệ giao ngay hoặc thị trường tiền tệ kỳ hạn truyền thống (các thị trường này gọi là Forex). Các nhà đầu tư có thể tái tạo khoản đầu tư vào một loại tiền tệ không thể chuyển đổi bằng cách sử dụng các hợp đồng kỳ hạn không thể chuyển nhượng (NDF). NDF hoạt động giống như một hợp đồng kỳ hạn cho các loại tiền tệ không thể chuyển đổi, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận với các loại tiền tệ mà họ sẽ không thể đầu tư vào đó. Bất kỳ khoản lãi hoặc lỗ nào trong các hợp đồng NDF về CNY đều được tính theo giá trị của một loại tiền tệ mạnh có thể chuyển đổi, phổ biến nhất là USD. Nói cách khác, không có USD hay EUR thì cũng không có nhà đầu tư nào mua bán đồng CNY theo hợp đồng NDF cả.

Ví dụ: giả sử một nhà đầu tư tham gia vào NDF để mua 1 triệu CNY trong thời gian một tháng với tỷ giá hối đoái là 6,85 USD / CNY (6,85 CNY để mua 1 USD). Trong thời gian một tháng, giả sử CNY tăng giá lên 6,80 USD / CNY. Do đó, nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận là $ 1,073,42 USD [(1.000.000 / 6,80) - (1.000.000 / 6,85)].

Quỹ tiền tệ châu Á Merk trong lịch sử đã tiếp xúc với các đồng tiền châu Á không thể chuyển đổi bằng cách ký kết các hợp đồng NDF cho các loại tiền tệ bao gồm: CNY, Rupee Ấn Độ (INR), Rupiah Indonesia (IDR), Won Hàn Quốc (KRW), Ringgit Malaysia (MYR), Peso Philippines (PHP), Đô la Đài Loan (TWD), Bạt Thái Lan (THB). Giá trị danh nghĩa của các hợp đồng này thường được thế chấp hoàn toàn bằng trái phiếu chính phủ của Mỹ hoặc các công cụ thị trường tiền tệ khác.

Giờ chúng ta đã hiểu vì sao CNY của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mãi mà vẫn chỉ là đồng tiền thanh toán cho 1-2% giao dịch thương mại toàn cầu? Ngay cả việc mua bán nó trên thị trường tiền tệ quốc tế cũng phải được đảm bảo bằng đồng USD thì khả năng nó ngang hàng với USD là điều không thể. Trong khi đó, Bắc Kinh không thể từ bỏ việc thao túng tiền tệ hiện nay chỉ để đồng CNY ngang bằng với USD. Bắc Kinh có một nền kinh tế lớn, nhưng cực kỳ bất cân đối, nó làm sao có thể chịu đựng được để giá CNY tăng, giảm bất thường vì cầu đầu cơ tiền tệ bất thường của thị trường tài chính (TTTC) toàn cầu? Nó không có tự do hóa dòng vốn, không có tự do hóa chuyển đổi, không có thế lực đồng minh hậu thuẫn khổng lồ đằng sau để giảm thiểu các rủi ro này. Rủi ro đó là quá lớn so với tầm của Bắc Kinh.

Với một đồng tiền như thế, dù nó là “kỹ thuật số” hay hữu hình thì nó có thể soán ngôi đồng USD luôn sao? Nhà đầu cơ sẽ bỏ tiền vào eCNY (bị kiểm soát) thay vì Bitcoin (không bị kiểm soát)? Nhà tư bản thương mại sẽ sử dụng đồng eCNY bị thao túng tỷ giá, không thể chuyển đổi thay vì USD?

Với hệ thống thanh toán điện tử hiện nay, chẳng phải CNY đã 100% là tiền điện tử tại Trung Quốc rồi sao? Đồng eCNY ra đời chẳng phải chỉ là thay đổi ứng dụng giao dịch, thay đổi ví điện tử của tư nhân như Alibaba, Tencent thành ví điện tử của PBoC thôi sao? Chẳng qua là để khu vực tư nhân không còn có thể tơ hào gì trên thị trường tài chính nội địa của Trung Quốc mà thôi!

eCNY ra đời chỉ để phục vụ chiến lược kiểm soát kinh tế tư nhân và người dân Trung Quốc - Không hơn!

Vai trò thu thập dữ liệu của eCNY, thể hiện trong việc thành lập NetsUnion năm 2017. Tóm lại là với NetsUnion, mọi công ty tư nhân Fintech, phi tài chính như Alibaba, Ant Group, Tencent… cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, cho vay điện tử với bên thứ ba, đều phải nằm dưới sự quản lý của NetsUnion do PBoC thành lập.

Khi Alipay và WeChat Pay ra đời, họ đã chuyển hàng nghìn tỷ NDT trong các khoản thanh toán hàng quý từ các ngân hàng và vào ví thuộc sở hữu tư nhân. Sáng kiến ​​của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nhằm tạo ra eCNY chỉ là thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc khẳng định quyền làm chủ đối với tất cả các giao dịch tài chính xảy ra trong biên giới của mình.

Vì thế, các lập luận ủng hộ cho sức mạnh tưởng tưởng của eCNY dưới đây có thể bị bác bỏ hoàn toàn, rốt cuộc chúng cũng chỉ là “ tin đồn” mà thôi:

“Đồn đại” đầu tiên, tốc độ giao dịch eCNY vượt trội và thuận tiện. Sai, điều này chỉ đúng với người Trung Quốc, còn với thế giới ngoài kia thì không có giá trị gì. Ai cũng biết, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về thanh toán điện tử, nhờ tầm nhìn của Alibaba và Tencent trong việc xây dựng nền tảng Alipay và WeChat Pay của họ. Nhưng tại sao Alipay và Wechat Pay lại không thành công trên thị trường các nước đã phát triển như Mỹ và EU? bởi vì sự tiện dụng trong hệ thống thanh toán ở Mỹ và EU đã thỏa mãn người dùng của họ từ lâu rồi!

Thời điểm AliPay được thành lập vào năm 2003, người Trung Quốc trên toàn cầu đang phải xếp hàng hàng tháng tại ngân hàng để thanh toán các khoản hóa đơn hoặc rút tiền mặt. Những người giàu đã cử tài xế và phụ xe đến xếp hàng. Không có séc cá nhân, không có thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, họ buộc phải xuất trình trực tiếp. Máy ATM mãi tận năm 2000 mới xuất hiện. Đến năm 2004, 1% người Trung Quốc có thẻ tín dụng. Tiền mặt mang theo là lựa chọn duy nhất.

So sánh với Hoa Kỳ:

  • Séc cá nhân được phát hành lần đầu tiên vào năm 1880.
  • Tem giao dịch, chẳng hạn như S&H Green Stamp và Eagle Stamp, phiên bản đầu tiên của các chương trình khách hàng thân thiết, có giá trị tiền mặt danh nghĩa và đôi khi được sử dụng thay cho tiền mặt trước khi thẻ tín dụng trở nên phổ biến. Có thể cho rằng tem giao dịch, được phát hành bởi hàng nghìn nhà bán lẻ, là một thách thức lớn đối với đồng USD như Bitcoin hiện tại.
  • Thẻ tín dụng đầu tiên được phát hành vào năm 1950. Visa được hình thành vào năm 1976 và Mastercard vào năm 1979.
  • Thẻ ghi nợ được phát hành lần đầu tiên vào năm 1978 và trở nên phổ biến vào những năm 1990.
  • Đến năm 2000, không còn ai ở Mỹ phải đi đến ngân hàng để thanh toán hóa đơn điện nước hoặc các nghĩa vụ định kỳ khác nữa.

AliPay và WeChat Pay bắt đầu thành công phần lớn là do sự thâm nhập của điện thoại thông minh và do các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước không thực hiện bất kỳ bước nào hướng tới sự thuận tiện cho khách hàng ngoài việc xây dựng thêm chi nhánh. Vào thời điểm đó, Mỹ và người tiêu dùng châu Âu đã bỏ tiền mặt từ lâu. Thế giới không chuyển đổi sang Apple Pay hoặc Google Pay không phải vì những hệ thống này thiếu tính đổi mới mà vì không ai thấy nó cần thiết. Và đó là lý do tại sao các hệ thống thanh toán điện tử phổ biến của Trung Quốc không đạt được sức hút ở các nền kinh tế trưởng đã phát triển mà chỉ phát triển rầm rộ ở Trung Quốc mà thôi.

“Đồn đại” thứ hai, eCNY đang chiếm lĩnh thế giới, cả về mặt tài chính nếu không muốn nói là về mặt chính trị. Sai! eCNY chỉ ra đời vì Bắc Kinh muốn loại bỏ khu vực từ nhân và kiểm soát thêm người Trung Quốc, nó không thể chiếm lĩnh thế giới còn lại.

Nhà kinh tế học Niall Ferguson viết cho Bloomberg: “Việc mở rộng đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc cuối cùng sẽ mở rộng tới tận Hoa Kỳ, thậm chí kiểm soát tất cả các khoản thanh toán toàn cầu”.

USD đại diện cho hơn 79% các khoản thanh toán toàn cầu về giá trị và 40% về số lượng. Còn đồng CNY đại diện cho chưa tới 2% các khoản thanh toán toàn cầu. Một sự chênh lệch quá lớn!

Tại sao? Bởi vì CNY không có sẵn. Hãy thử đến ngân hàng của bạn để mua một ít CNY cho chuyến đi đến Trung Quốc. Hãy thử đổi một ít USD tại chi nhánh địa phương để lấy CNY. Rất khó mua CNY bởi vì Trung Quốc không muốn điều đó. Trung Quốc không muốn công dân của mình có thể mua tài sản thực từ nước ngoài một cách tự do bằng CNY, và Trung Quốc cũng không muốn người dân mua nhiều hàng hơn số hàng đã bán ra. Trung Quốc muốn tích lũy USD. Hiện tượng phổ biến của các hộ gia đình Trung Quốc là có tỷ lệ tiết kiệm cao, về cơ bản là để tích trữ tiền mặt. Tỷ lệ tiết kiệm cao chính là nòng cốt cho đầu tư tăng trưởng của Trung Quốc, các số liệu vĩ mô đã chỉ rõ điều này trong nhiều thập kỷ.

Người Trung Quốc bỏ chạy khỏi ngân hàng rất nhanh khi họ có giải pháp thay thế, bởi vì các ngân hàng Trung Quốc thực sự rất kinh khủng: cung cấp sự kết hợp giữa lợi nhuận dưới giá thị trường; giờ làm việc bất tiện; các giao dịch viên và quản lý ngân hàng trơ tráo, khinh thường khách hàng; thậm chí những giao dịch thông thường nhất cũng cần phải chờ đợi rất lâu tại nhiều cửa sổ giao dịch khác nhau, bởi vì các giao dịch viên làm việc dưới sự giám sát của camera, sau khi nhập thông tin vào máy tính, họ phải đợi phê duyệt từ một giám thị vô hình trong một căn phòng từ xa.

Đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc (CBCD). (Ảnh: NTDVN tổng hợp)
Nếu Trung Quốc nắm bắt được lợi thế đi đầu để đáp ứng nhu cầu sử dụng tiền tệ kỹ thuật số của thế giới để giải quyết các giao dịch tài chính quốc tế và sở hữu tài sản kỹ thuật số (thực chất là đầu tư vào tiền ảo như Bitcoin… ), thì sức hấp dẫn của CBDC có thể tăng mạnh. (Ảnh: Dsxhub)

Ở Trung Quốc, ngân hàng là kênh kiểm soát quan trọng nhất của ĐCSTQ, giám sát từ nội bộ đảng, doanh nghiệp cho tới nhân dân. Đây chính là lý do Bắc Kinh không thể chấp nhận Alibaba, Tencent tự do xây dựng công nghệ, mạng lưới thanh toán kỹ thuật số, chuyển tiền của người dân từ hệ thống NHTM được kiểm soát bởi chính quyền sang các ví điện tử được kiểm soát bởi công ty tư nhân. ĐCSTQ không thể chấp nhận buông lỏng quyền lực của họ.

Chính phủ Trung Quốc có một truyền thống là thường để cho khu vực kinh tế tư nhân tự phát triển các mô hình kinh doanh mới, xông pha với rủi ro mới, như những người lính đi trước dò đường vậy. Đến khi mô hình kinh doanh của khu vực tư nhân đã thành công, người dò đường tuyến đầu đã đạt được quy mô và lợi nhuận tốt, thì nhà nước sẽ thâu tóm mạng lưới đó.

Đó chính xác là những gì đang xảy ra với đồng eCNY, là chiến lược thực sự đằng sau sự phát triển của eCNY.

Chiến lược này không liên quan gì đến sự thuận tiện, hiệu quả hoặc giảm thiểu tội phạm - tất cả là để nắm bắt thông tin, và tại thời điểm này là để giành lại quyền kiểm soát sau một thập kỷ doanh nghiệp tư nhân có được giấy thông hành tài chính tạm thời từ chính phủ.

Điểm tín nhiệm xã hội cá nhân và sự cảnh giác của thế giới

Chìa khóa đối với eCNY của Trung Quốc là “trung tâm dữ liệu lớn”. Đó là nơi các giao dịch mua bán của cá nhân sẽ được phân tích và ghép nối với dữ liệu nhân khẩu học để phát triển hồ sơ. Đây là nơi mà việc chuyển đổi eCNY sang các loại tiền tệ khác sẽ được tính toán. Hồ sơ sẽ được chia sẻ với các cơ quan an ninh để nhắm mục tiêu đến những người được coi là có “nguy cơ cao” và họ sẽ thông báo điểm tín dụng xã hội.

Alibaba và Tencent chưa bao giờ phát triển đầy đủ những chức năng này, một phần vì họ có thể kiếm tiền mà không cần phải làm điều đó, và một phần là vì họ không có quyền truy cập vào toàn bộ thông tin mà PBoC sẽ có trong “trung tâm dữ liệu lớn”.

PBoC hiện đề xuất phát triển hồ sơ chi tiêu và sử dụng công nghệ AI để biết mọi thứ của từng cá nhân. Nhưng khi không có bất kỳ ràng buộc nào về tính minh bạch hoặc quyền riêng tư, thì nó sẽ có thể dẫn đến rất nhiều hành vi xâm phạm quyền cá nhân.

Tuy không hoàn toàn giống như mối lo về sự cố Y2K khi thế kỷ XX kết thúc, cuộc tranh luận đằng sau eCNY cũng cảnh tỉnh Mỹ và các đồng minh, các đối tác của Bắc Kinh trong việc bảo vệ bản thân họ khỏi mạng lưới giám sát mở rộng này - một tham vọng xuất khẩu mô hình quản lý của ĐCSTQ ra toàn cầu có thể được hiện thực hóa phần nào đó trong đồng eCNY.

Thanh Đoàn - Thủy Tiên

Bài viết có sử dụng một số lập luận và số liệu của tác giả Anne Stevenson-Yang, trong bài báo đăng trên trang The Market.



BÀI CHỌN LỌC

Lo ngại sức mạnh ‘tưởng tượng’ của eCNY giống như hoảng sợ trước sự cố Y2K