Liệu Trung Quốc có cưỡng bức sinh sản giống như từng cưỡng ép phá thai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thâm hụt lương hưu và khủng hoảng nợ đang rình rập Trung Quốc do dân số già đi nhanh chóng. Đó là viễn cảnh ác mộng đối với các nhà chức trách Trung Quốc. Nhân khẩu học quá bất thường đã, đang và sẽ tác động sâu rộng tới an toàn tài chính, thậm chí làm trầm trọng thêm các rủi ro có thể dẫn tới khủng hoảng của nền kinh tế này. Vì vậy, gần đây chính quyền nước này đã thông báo khuyến khích sinh con thứ ba, thậm chí, rất có thể Bắc Kinh sẽ thực hiện bước tiếp theo là thẳng thừng ép buộc các cặp vợ chồng sinh con...

Gần đây, tờ SCMP đã dẫn bài nghiên cứu của PBOC, trong đó lần đầu tiên người ta thấy PBOC dám thẳng thắn thừa nhận rủi ro đối với hệ thống tài chính Trung Quốc do các vấn đề dân số của nước này, hậu quả của chính sách dân số cực đoan đến mức đẫm máu của Bắc Kinh trong hàng chục thập kỷ.

Trong báo cáo này, PBOC cảnh báo Trung Quốc chỉ còn khoảng 10 năm để tận hưởng lợi ích từ cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động như hiện nay. Sau 10 năm nữa, một lượng lớn lao động về hưu trong khi lao động thay thế sẽ thấp hơn nhiều. Sự già đi trong cấu trúc dân số quá sớm so với năng lực phát triển và thu nhập bình quân sẽ vắt kiệt tăng trưởng của nền kinh tế này. Nhân khẩu là một trong các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng tại Trung Quốc trong suốt 4 thập kỷ qua, giờ không những mất đi mà còn trở thành nhân tố xói mòn tăng trưởng. Xa hơn, nó còn có thể châm ngòi khủng hoảng nợ, vỡ nợ quỹ lương hưu, làm thất bại chiến lược tăng trưởng ‘lưu thông kép’ của ông Tập Cận Bình.

Để cải thiện tình trạng này, ngày 31/5 vừa qua, thời báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin: "Trung Quốc chính thức nới lỏng hơn nữa chính sách kế hoạch hóa gia đình khi cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con", và rằng Bắc Kinh hy vọng "Động thái này sẽ cải thiện cơ cấu dân số của Trung Quốc và tích cực ứng phó với vấn đề già hóa của đất nước".

Nhưng theo ông Gordon G. Chang - tác giả cuốn sách Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc - thì động thái này sẽ không thể làm được điều đó. Chính sách 3 con thậm chí sẽ ít thành công hơn chính sách 2 con của Trung Quốc, bản thân nó đã là một thất bại hoàn toàn. Thậm chí, rất có thể Bắc Kinh sẽ thực hiện bước tiếp theo là thẳng thừng ép buộc các cặp vợ chồng sinh con.

Ông Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho rằng phải có càng nhiều người Trung Quốc trên thế giới càng tốt. Quan điểm này của ông ta đã dẫn đến số trẻ em trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào đầu những năm 1970 là 5,9 ca.

Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm Mao, lại không hài lòng với việc tăng dân số quá nhanh, Ngay sau khi lên nắm chính quyền, ông ta đã thiết lập chính sách một con vào năm 1979. Chương trình cưỡng chế này "có lẽ là thử nghiệm xã hội lớn nhất trong lịch sử loài người", tổng tỷ suất sinh (TFR) của Trung Quốc — số trẻ em trên một phụ nữ đến tuổi sinh đẻ - đã giảm từ 2,9 xuống còn ước tính là 1,05 vào năm 2015 .

Bắc Kinh đã áp dụng chính sách 2 con bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm 2016. Chính sách này đã có tác dụng - trong một năm. Tỷ lệ sinh tăng trong năm 2016 nhưng sau đó giảm theo từng năm 2017, 2018, 2019 và 2020.

Bắc Kinh tuyên bố TFR năm 2020 của nước này là 1,3. Nhưng ông Yi Fuxian của Đại học Wisconsin-Madison nói rằng TFR năm ngoái cực kỳ thấp, là 0,90.

TFR thay thế lý tưởng đối với hầu hết các xã hội nói chung là 2,1 mặc dù một số người cho rằng tỷ lệ thay thế của Trung Quốc thực tế là 2,2 do tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao hơn. Nhưng dù thế nào đi nữa thì trong thế kỷ này, Trung Quốc vẫn đang trải qua sự sụp đổ nhân khẩu học nghiêm trọng nhất trong lịch sử trong điều kiện không hề có chiến tranh hoặc dịch bệnh.

Những người đàn ông Trung Quốc kéo xe ba bánh trong khu phố bên cạnh một nhà máy nhiệt điện bốc khói nghi ngút tại Sơn Tây, Trung Quốc, vào ngày 26/11/2015. (Kevin Frayer / Getty Images)

Nếu TFR không tăng so với hiện tại, cả nước có thể sẽ đạt khoảng 400 triệu. Đặt điều này trong bối cảnh, Hoa Kỳ, theo dự đoán mới nhất của Liên Hợp Quốc , sẽ có dân số 433,9 triệu người vào năm 2100, tăng từ 331,0 triệu người vào năm ngoái.

Trung Quốc hiện đang gặp khủng hoảng. “Một khi TFR trượt dưới 1.5, một quốc gia rơi vào cái bẫy của khả năng sinh sản thấp và khó có khả năng phục hồi”, ông He Yafu, một nhà nhân khẩu học, nói với của tờ Global Times. TFR của Trung Quốc hiện đã thấp hơn nhiều so với con số đó.

Điều đó không tốt cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Như nhà phân tích Andy Xie mới đây cho biết: “Sự suy giảm dân số có thể kết thúc nền văn minh của Trung Quốc mà chúng ta đã biết”.

Không ai nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ có thể ngăn chặn được sự sụp đổ đã được dự báo trước này. “Chính sách 3 con sẽ không có tác dụng khuyến khích sinh con tốt hơn chính sách hai con”, Reggie Littlejohn, chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Không biên giới, nói với Newsweek, "Tôi dự đoán rằng tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm".

Bà Susan Yoshihara, chủ tịch Hội đồng Phụ nữ, Hòa bình và An ninh Hoa Kỳ, nói: “Con đường duy nhất hướng về phía trước là xóa bỏ hệ thống kế hoạch hóa gia đình hà khắc và để mọi cặp vợ chồng Trung Quốc tự do lựa chọn quy mô gia đình của mình”.

Nhiều người, bao gồm cả các nhà xã hội học Wang Feng và Yong Cai, viết trên The New York Times, cho rằng Trung Quốc không muốn bãi bỏ các quy tắc kế hoạch hóa gia đình vì điều đó sẽ dẫn đến mất cơ chế kiểm soát. Đảng Cộng sản dưới thời Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc quay trở lại chủ nghĩa toàn trị thời Mao, vì vậy các quan chức không từ bỏ cơ hội quản lý vi mô cuộc sống của người Trung Quốc. Như Littlejohn nói: "Cảnh sát của cái tử cung vẫn đang hoạt động".

Và điều đó khả năng rất cao là sẽ dẫn đến một kết cục đáng lo ngại: Đó là giới chức Trung Quốc sẽ ép buộc các cặp vợ chồng - những phụ nữ độc thân không đủ tư cách để được phép sinh con – phải sinh con. "Đảng Cộng sản sẽ làm gì tiếp theo?", Littlejohn hỏi. "Liệu họ có chuyển sang cưỡng bức mang thai không? Vì cưỡng bức là cốt lõi trong chính sách kiểm soát dân số của họ, nên không thể bác bỏ khả năng này". Cư dân mạng Trung Quốc đã tỏ ra vô cùng lo ngại về việc bị ép buộc trong vấn đề sinh đẻ.

Trên thực tế, việc cưỡng bức sinh đẻ đã nằm trong tâm trí của các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm. “Chúng ta nên đảm bảo chính sách và hệ thống của chúng ta cho phép [phụ nữ] sinh 2 con”, ông Mei Zhiqiang, Phó Giám đốc Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình tỉnh Sơn Tây cho biết trên một trang tin của Trung Quốc tháng 2/2015 về việc thông qua chính sách 2 con. "Và họ phải có 2 đứa con".

Một người đăng trên trang blog Sina Weibo gần đây dự báo: “Có vẻ như không lâu nữa chính phủ sẽ bắt đầu phạt những người chỉ có một con”.

Trên thực tế, các khoản tiền phạt để khuyến khích sinh sản từ lâu đã được áp dụng. Năm 2017, khoảng một năm sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách một con, một số địa phương yêu cầu các cặp vợ chồng phải đặt cọc cho cam kết sinh nở tại thời điểm kết hôn và chỉ trả lại tiền sau khi họ sinh con thứ hai.

Một quy định đơn lẻ tại địa phương như vậy có thể bị biến thành một chính sách trên toàn quốc. Một hệ thống quản lý tiền đặt cọc có thể biến thành hạn ngạch sinh sản hợp pháp cho các quan chức và trở thành yêu cầu pháp lý đối với các cặp vợ chồng.

Như Littlejohn lưu ý, cơ thể phụ nữ ở Trung Quốc được coi là "công cụ của nhà nước". Các chính sách của nhà nước Trung Quốc thường mang tính cưỡng chế - đặc biệt khi nó liên quan đến các lợi ích quan trọng của nhà nước. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, thậm chí sau Mao rất lâu, đã tạo ra mối liên hệ giữa dân số hùng hậu và một sức mạnh quốc gia vĩ đại.

Ceausescu's Romania đã theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ để các quan chức có thể biết khi nào nên ép giao hợp. Các quan chức Trung Quốc đã theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ để giảm bớt số lần sinh, vì vậy không khó để tưởng tượng rằng giờ đây họ sẽ sử dụng khả năng này của mình để tăng số lần sinh cho phụ nữ đại lục.

"Mọi việc vẫn đang được xúc tiến", thời báo Hoàn cầu tuyên bố khi đưa ra thông báo về chính sách 3 con. "Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật sau".

Cụm từ "sẽ tiếp tục cập nhật" nghe có vẻ rất đáng ngại. Sinh sản cưỡng bức thực sự đang đến với Trung Quốc.

Thủy Tiên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.newsweek.com/forced-procreation-coming-china-opinion-1598389
  2. https://www.ntdvn.net/khung-hoang-dan-so-va-gia-dinh-co-the-lam-tan-vo-giac-mong-trung-hoa-cua-dcstq-158685.html
  3. https://www.ntdvn.net/dan-so-gia-dang-cham-ngoi-cho-khung-hoang-no-o-trung-quoc-176366.html
  4. https://www.worldometers.info/abortions/

 



BÀI CHỌN LỌC

Liệu Trung Quốc có cưỡng bức sinh sản giống như từng cưỡng ép phá thai?