Liệu ông Biden có đánh mất Đông Nam Á trong cuộc chiến Mỹ - Trung?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc đua với Trung Quốc của Mỹ đang diễn ra khắp toàn cầu, trên mọi lĩnh vực: ngoại giao, thương mại, an ninh, tầm ảnh hưởng, hệ tư tưởng, giá trị, giáo dục, khoa học và công nghệ, v.v.

Giáo sư của Đại học George Washington, ông David Shambaugh, Nghiên cứu Châu Á, Khoa học Chính trị và Các vấn đề Quốc tế, và Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington nhận định rằng những gì xảy ra giữa Mỹ - Trung tại Đông Nam Á chính là mô hình thu nhỏ và báo trước về sự phát triển như vậy ở các khu vực khác trên thế giới. Giáo sư Shambaugh cho rằng cán cân Mỹ - Trung và các chiêu bài hai bên sử dụng ở khu vực Đông Nam Á, ít nhất sẽ ảnh hưởng tới phần còn lại của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn. Bởi vậy, có thể nói, những gì đang diễn ra tại Đông Nam Á trong cuộc chiến này đang trở thành trung tâm trong các vấn đề quốc tế.

Tại sao Mỹ và Trung đều cần Đông Nam Á?

Tầm quan trọng chiến lược của khu vực là dựa trên địa lý. Eo biển Malacca và Biển Đông là những tuyến đường biển được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Hàng năm, khoảng 50.000 tàu thuyền, 40% hoạt động trao đổi hàng hóa và 25% nguồn cung cấp dầu của thế giới đi qua khu vực này.

Không những thương mại mà còn là tài nguyên, sản vật của khu vực này. Biển Đông là ngư trường lớn nhất thế giới, với trữ lượng dầu mỏ cực lớn và lượng đất hiếm đủ cho nhu cầu cả thế giới dùng trong hàng trăm năm tới. Biển Đông là cửa ngõ, là đường biển duy nhất kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Biển Đông và Eo biển Malacca cũng là cửa ngõ hàng hóa, quân sự và an ninh của Mỹ với Châu Á. Chỉ cần Biển Đông và Eo biển Malacca không bị độc chiếm bởi Trung Quốc, quyền lợi kinh tế, thương mại và chính trị của Mỹ ở khu vực này khó có thể bị thao túng.

Không chỉ ở vị trí địa lý, Đông Nam Á còn là thị trường tiêu dùng rộng lớn, đông đúc của cả Mỹ và Trung Quốc, vừa thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi hợp tác với Trung Quốc, vừa có thể thay thế Trung Quốc tiếp nhận một lượng lớn đầu tư sản xuất từ Mỹ và Phương Tây khi cần. Làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á rời khỏi Trung Quốc trong cuộc chiến Mỹ - Trung vừa rồi là một ví dụ. Đông Nam Á là khu vực năng động và trải rộng, kéo dài 1,7 triệu dặm vuông: hơn 3.000 dặm từ đông sang tây và hơn 2.000 dặm từ bắc xuống nam. Khu vực này bao gồm 11 quốc gia, 10 trong số đó là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với tổng dân số 636 triệu người, đa dạng về tín ngưỡng và đa nguyên về chính trị, Đông Nam Á tăng trưởng nhanh và năng động nhất thế giới, là khu vực có quy mô kinh tế lớn thứ 6 toàn cầu.

Dĩ nhiên, không chỉ vì vấn đề kinh tế, tài nguyên, Biển Đông còn có một vị thế đặc biệt về quân sự. Nếu chiếm được Biển Đông là chiếm được độc quyền thu lợi từ 1/3 khối lượng vận tải hàng hóa toàn cầu trên tuyến đường này, đảm bảo không bị uy hiếp về quân sự; trong khi có thể dàn quân uy hiếp quân sự với tất cả các nước Đông Nam Á có liên quan tới vùng biển này.

Điều này giúp giải thích sự nhạy cảm về an ninh ngày càng tăng trong khu vực. Đặc biệt, việc Trung Quốc gia tăng xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông đã làm tăng sự nguy hiểm và tính linh hoạt chiến lược. Kết quả là trong những năm gần đây, các nước ASEAN ngoại trừ Campuchia và Lào đã tăng chi tiêu cho mua sắm quốc phòng và quân sự.

Và đây cũng là lý do mà Mỹ không thể mất Biển Đông cũng như khu vực kinh tế Đông Nam Á vào tay Trung Quốc trong cuộc đua này.

Đông Nam Á mắc kẹt thời tổng thống Obama

Tham vọng của Trung Quốc với Đông Nam Á và Biển đông không hề che đậy. Dù Trung Quốc gây phẫn nộ với hầu hết các nước Đông Nam Á trên Biển đông và khiến các quốc gia này phải chạy đua vũ trang, nhưng với lợi thế về vị trí địa lý, sức mạnh kinh tế quá lớn bên cạnh một Đông Nam Á nhỏ bé, Bắc Kinh đã ngày một tăng cường sự hiện diện và tầm ảnh hưởng địa kinh tế - chính trị của họ lên các thành viên của Đông Nam Á.

Từ năm 2011, các chuyên gia cho rằng tuyên bố “xoay trục về Châu Á” của cựu tổng thống Barack Obama khiến Bắc Kinh điên cuồng gia tăng quân sự hóa Biển đông. Nhưng nhận xét này chưa hoàn toàn thuyết phục. Bởi thôn tính Biển đông và gia tăng ảnh hưởng [tạo thuộc địa chính trị - kinh tế] ở Đông Nam Á là chiến lược cứng rắn, là bước đi buộc phải thành công trong Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập nên việc Trung Quốc gia tăng sự hung hăng ở khu vực này là vấn đề thời gian. Ông Obama chỉ thúc đẩy thêm sự hung hăng của Trung Quốc và tạo điều kiện cho nước này nghiên cán cân lợi thế về phía họ vì sự nhu nhược, thỏa hiệp trước Trung Quốc mà thôi.

Các nước Đông Nam Á nhỏ bé, vốn yếu cả về kinh tế - quân sự, không thể trông đợi một nước Mỹ xa xôi, lại yếu ớt và không tỏ thái độ rõ ràng với họ trong khi Trung Quốc gia tăng sức ép trên mọi phương diện. Bởi thế, thứ mà họ có thể lựa chọn là kéo dài thời gian đoàn kết hơn với nhau trong cuộc chiến này. Dưới thái độ “mập mờ” của Obama, nhiều quốc gia thậm chí không dám đưa tin trung thực về sự hoành hành của Trung Quốc ở Biển Đông hay đường biên giới vì e ngại sự phẫn nộ của người dân trong nước, bên ngoài thì e ngại sự đàn áp của Bắc Kinh và các dự án kinh tế mầu mỡ của nó, trong khi trên trường quốc tế thì thái độ và hành động của Mỹ không hề khiến Trung Quốc động tâm.

Tháng 2/2009, khi vừa mới nhậm chức, Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch cắt giảm quân số lính Mỹ đóng tại nước ngoài từ 160.000 xuống còn 50.000 quân vào tháng 8/2010, bao gồm cả việc loại bỏ tất cả các lực lượng chiến đấu. Lực lượng quân đội còn lại, sẽ được rút hết vào cuối năm 2011.

Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh đã thèm muốn kiểm soát Biển Đông cả về tài nguyên thiên nhiên lẫn địa hình chiến lược. Nhưng cuộc thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc đã diễn ra “sôi động” nhất trong 8 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

Năm 2010, chính quyền Obama bắt đầu vào cuộc khi Trung Quốc đe dọa, buộc Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ phải ngừng khai thác ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tại Hội nghị ASEAN tổ chức tại Hà Nội (2010), bà Ngoại trưởng Hillary Clinton khi ấy đã tuyên bố rằng, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của chính quyền Obama.

Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tại Biển Đông thực sự bắt đầu vào tháng 4/2012 khi Tổng thống Obama bước vào nhiệm kỳ thứ hai. Chính quyền Bắc Kinh đã lùa tàu chiếm giữ toàn bộ rạn san hô có tên là Bãi cạn Scarborough, thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đây là lần sử dụng vũ lực táo bạo nhất của Trung Quốc tại khu vực này.

Tháng 6/2012, một phái đoàn ngoại giao do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell dẫn đầu đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình, nhưng Trung Quốc ngay tức thời phá vỡ. Một tháng sau, Trung Quốc tiếp tục leo thang bằng cách phong tỏa một phần Bãi cạn - nơi nhiều thế hệ người Philippines đã đánh bắt thủy sản tại đây - và ban hành lệnh cấm đánh cá 15 hải lý quanh rạn san hô.

Lúc này, có một điều thực sự kỳ lạ gây chú ý xảy ra: Chính quyền Obama đã hoàn toàn giữ im lặng trước cuộc khủng hoảng mới này. Đối với Bắc Kinh, đây không khác gì là một tín hiệu gợi mở khuyến khích Trung Quốc tiến sâu hơn vào vùng lãnh thổ của Philippines, và tạo ra thế tranh chấp. Một số quan chức Trung Quốc hé lộ rằng: “Chúng tôi không thể tin rằng Mỹ đã không phản ứng gì”.

Đối với chính quyền Obama, Tổng thống Mỹ coi đó là một tranh chấp nhỏ, và không muốn mạo hiểm sử dụng răn đe nhằm tránh đối đầu với Trung Quốc. Một cựu quan chức Mỹ tiết lộ, Tổng thống Obama không muốn có bất kỳ sự xáo trộn nào làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc.

Ngoài việc kiêng dè Trung Quốc, thất bại của Hoa Kỳ trong chính sách ngoại giao tại Bãi cạn Scarborough còn có “công” rất lớn của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đối với chính sách Xoay trục Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD), cùng với việc Tổng thống Obama cắt giảm số lượng tàu chiến Mỹ xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua.

Sự nhu nhược của ông Obama đã giúp Bắc Kinh làm mưa làm gió trên Biển đông và thao túng thêm rất nhiều chính quyền các quốc gia Đông Nam Á như Myanmar, Philippines…

Các tàu Trung Quốc đã làm việc với tốc độ “kinh hoàng”, nạo vét các bến cảng mới, trung bình mỗi ngày đã “xuất hiện” thêm 96,5m2 diện tích đất trên Biển Đông, trong khi đội cần cẩu hoạt động hết công suất để bồi đắp các đảo nhân tạo trên mỏm các rạn san hô chìm.

Năm 2014 có thể nói là năm Trung Quốc đẩy mạnh xây đảo một cách điên cuồng nhất, khởi đầu bằng việc bồi đắp trái phép 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với bến cảng, đường băng và căn cứ quân sự kiên cố, nơi Trung Quốc bố trí thường trực một số lượng lớn tàu ngầm, máy bay ném bom và chiến đấu cơ trong khu vực. Mỗi tuần, dường như lại có tin tức về một đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc đang được cải tạo gấp rút.

Ở sâu dưới lòng Biển Đông, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bằng cách xây dựng một mạng lưới radar ngầm. Trên bầu trời Biển Đông, Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Bỏ qua các yêu sách của các nước láng giềng, Trung Quốc đơn phương tuyên bố sáp nhập hơn 80% diện tích Biển Đông, mà không gặp phải bất cứ rào cản nào từ phía chính quyền Obama, trong khi các nước tranh chấp chỉ có cách duy nhất là yếu ớt phản đối.

Bắc Kinh trỗi dậy và sự phản đối của người dân Đông Nam Á

Bên cạnh vũ khí hóa và đường lưỡi bò phi pháp, không có bất kỳ bằng chứng hay cứ liệu lịch sử nào, thì Bắc Kinh còn gia tăng can thiệp chính trị và kinh tế của từng nền kinh tế nhỏ trong Đông Nam Á thông qua sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) đầy tai tiếng.

Vấn đề ở chỗ, BRI đi đến đâu, Trung Quốc có thể tạo ra các quan chức và chính phủ tham nhũng đến đó. Đó là lý do Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng của họ về chính trị trong khu vực này. Nhưng đó cũng là lý do các cuộc biểu tình “chống Trung” của khu vực này không ngừng gia tăng.

Ông David Hutt, phân tích tần suất các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Đông Nam Á trong vài năm qua trên trang The Diplomat, và nhận định “không khó để nhận thấy phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở Đông Nam Á.”

Chứng minh nhận định của mình, ông Hutt viết; “Ngay cả Lào, thuộc địa gần nhất của Trung Quốc, tinh thần chống Trung của người dân cũng không thể tránh khỏi và ngày càng gia tăng, thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nắm quyền của chính phủ hiện tại. Trong khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang diễn ra ở Thái Lan, đặc biệt là chống lại chính phủ quân sự kiêm dân sự và chế độ quân chủ, thì tình cảm chống Trung Quốc vẫn tồn tại bên lề các nhận xét. “Mọi người đều là nạn nhân của Trung Quốc và chủ nghĩa độc tài của nó,” Parit Chiwarak, một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất của các cuộc biểu tình, đã nói.

Trước cuộc tổng tuyển cử năm 2015 của Myanmar, ai cũng biết rằng Bắc Kinh ưa thích chính quyền quân sự đã điều hành đất nước trong nhiều thập kỷ hơn bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà. Nhưng sau chiến thắng, bà Aung San Suu Kyi không chỉ nhanh chóng tiêu tan mọi hy vọng rằng bà là người theo chủ nghĩa tự do, đặc biệt là sau khi bà thông đồng trong cuộc diệt chủng người Rohingya và cuộc đàn áp nhân quyền của chính phủ mà bà còn cực kỳ quan tâm đến việc thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Trước cuộc tổng tuyển cử năm 2020 của Myarma vừa qua, ông Bertil Lintner lưu ý trong một bài báo trên Asia Times rằng “Các đại diện chính phủ Trung Quốc không giấu giếm trong các cuộc thảo luận riêng tư gần đây rằng họ muốn thấy Suu Kyi và [NLD] của cô ấy giành chiến thắng và cảnh giác với các tướng lĩnh quân đội” Và chúng ta thậm chí đang ở trong tình huống mà những kẻ chuyên quyền cũ, Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh được liên kết với quân đội, hiện đang là những người đang đứng ra chống Trung Quốc.

“Quân đội Myanmar coi đó là nhiệm vụ của họ để bảo vệ chủ quyền của quốc gia và tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của quốc gia vào Trung Quốc,” Lintner nói thêm.

Cuộc đảo chính vừa rồi của chính quyền quân đội Myanmar rất có thể liên quan nhiều đến sự hiện diện quá mức của Trung Quốc tại quốc gia này.

Mạnh mẽ hơn dưới thời cựu tổng thống Trump

Thái độ mạnh mẽ thời tổng thống Trump về bảo vệ quyền lợi của các nước Đông Nam Á trước sự xâm lược của Bắc Kinh trên biển đông, cũng như tăng cường hợp tác song phương với khu vực này đã mang lại hiệu quả, quyền lực của Trung Quốc tại khu vực này đã bị kiềm chế đáng kể.

Không chống Trung bằng tuyên bố như thời ông Obama, cựu tổng thống thứ 45 của Mỹ hành động cụ thể và hiện thực hơn nhiều. Bất chấp đại dịch, tình hình Biển Đông trong năm 2020 lại nóng lên bởi các hành động ngỗ ngược gây hấn, chèn ép, tấn công của Trung Quốc trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã liên tiếp lên án các hoạt động khiêu khích, yêu cầu Trung Quốc dừng các hành vi bắt nạt, cũng như gửi các tín hiệu cảnh cáo mạnh mẽ tới chính quyền Bắc Kinh, đồng thời điều tàu chiến tới Biển Đông trong những ngày gần đây.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ thời tổng thống Trump, ông Mike Pompeo đã công bố các hạn chế về thị thực đối với các cá nhân, bao gồm “giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước và các quan chức của Hải quân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa - trong việc cải tạo quy mô, xây dựng hoặc quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp” ở Biển Đông.

Sắc lệnh, được xây dựng với các lệnh trừng phạt được công bố vào tháng 8/2020 nhằm chống lại các công ty Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh “quân sự hóa” các tiền đồn ở Biển Đông, cũng nhằm vào những người liên quan đến việc “cưỡng bức các bên tranh chấp ở khu vực Đông Nam Á - nhằm ngăn cản họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông”, theo thông báo.

"Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp chia sẻ lợi ích sâu sắc trong việc bảo tồn một Biển Đông tự do và rộng mở", ông Pompeo nói. “Tất cả các quốc gia, bất kể sức mạnh quân sự và kinh tế, nên được tự do hưởng các quyền và tự do được đảm bảo cho họ theo luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Luật Biển năm 1982, mà không sợ bị ép buộc”.

Vào tháng 8/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm 24 công ty nhà nước của Trung Quốc, bao gồm Công ty Tập đoàn nạo vét, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC Dredging) vào “danh sách đen” các công ty - mà các công ty Hoa Kỳ không được phép giao dịch trừ khi họ được cấp giấy phép đặc biệt.

Cùng với sự “bảo hộ” của chính quyền Mỹ, thái độ của các nước Đông Nam Á cũng thay đổi và trở nên mạnh mẽ hơn trước một Trung Quốc quá hung hăng.

Ngay cả các đảng cầm quyền ở Lào và Campuchia, hai đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc, thỉnh thoảng phải công khai khoảng cách với Bắc Kinh. Aung Zaw đã viết trên tờ The Irrawaddy rằng vì bà Aung San Suu Kyi “đã bị cáo buộc là một chính trị gia thân Trung Quốc trong quá khứ gần đây, nên Cố vấn Nhà nước sẽ phải đi một vòng quanh.”

Sau khi bước vào Cung điện Malacañang vào năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cố gắng xích đất nước của mình lại gần Trung Quốc chỉ để thu hút thêm đầu tư từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, sau 4 năm, Manila hiện đang quay trở lại chính sách đối ngoại thân phương Tây truyền thống, một người nghi ngờ vì ông Duterte biết Trung Quốc không được lòng cử tri Philippines như thế nào, trong khi đảng PDP – Laban của ông (và những người khác) cảm thấy rằng thái độ thân Trung của ông sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử năm 2022 tới đây. Social Weather Stations, một công ty thăm dò ý kiến, vào tháng 7 đã phát hiện ra rằng nhiều người Philippines tin tưởng Mỹ hơn Trung Quốc. Trên thực tế, niềm tin vào Trung Quốc đã giảm trong những năm qua, đặc biệt là so sánh các cuộc khảo sát của người thăm dò ý kiến ​​từ năm 2019 đến năm 2020.

Một số quốc gia khác còn mạnh mẽ hơn, công khai trì trích Trung Quốc trên truyền thông chính thống và cũng báo cáo đầy đủ hơn về xâm lược của Trung Quốc trên biển đông và biên giới. Tại Malaysia, ông Mahathir Mohamad, ứng cử viên của liên minh Harapan tự do và dân chủ rộng rãi tại cuộc tổng tuyển cử năm 2018, đã vận động tranh cử bằng các khẩu hiệu chống Trung Quốc, góp phần vào sự chuyển giao quyền lực đầu tiên giữa các đảng trong lịch sử đất nước.

Và chờ đợi thái độ của Biden?

Không có quá nhiều hy vọng khi nhiệm kỳ của ông Biden được cho là “nhiệm kỳ 3” của ông Obama. Rất có thể, tất cả các sai lầm dưới thời ông Obama được lặp lại lần nữa với Đông Nam Á. Tuy nhiên, chiến lược và sách lược mà chính quyền ông Trump để lại ở khu vực này chưa thể thay thế nay bởi chính quyền ông Biden, đó là hy vọng lớn nhất của Đông Nam Á.

Ngay khi đại dịch bùng phát và đặc biệt sau khi ông Trump rời nhiệm sở, Trung Quốc đã hung hăng hơn hơn trên Biển đông, đến mức Đông Nam Á và Đài Loan rơi vào tình thế khó tránh khỏi một cuộc chiến có hỏa lực tại khu vực này.

Du vậy, với tầm quan trọng của Đông Nam Á, nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng ông Biden sẽ sớm phải thay đổi thái độ của ông với Đông Nam Á và Trung Quốc so với thời ông còn làm phó tổng thống của ông Obama.

Tác giả Benjamin Zawacki, trong một bài bài báo đăng trên Asia Times, dự báo rằng Đông Nam Á đối với Tổng thống Biden sẽ là một trong những khu vực quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của ông. Về mặt ngoại giao, ông Biden phải sẽ tìm cách bù đắp ảnh hưởng đã mất vào tay Trung Quốc. Về mặt quân sự, ông sẽ phải chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng an ninh khu vực liên quan đến Trung Quốc ở một mức độ nào đó.

Điều này không phải để dự đoán rằng một cuộc khủng hoảng như vậy trên thực tế sẽ xảy ra, mà là ông Biden sẽ buộc phải tính đến đánh giá năm 2018 của Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ rằng “Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong tất cả các kịch bản chiến tranh với Hoa Kỳ. ”

Liên quan đến ngoại giao - điều mà ông đã cam kết đặc quyền trong chính sách đối ngoại của mình - Tổng thống Biden nên tiếp tục tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này bằng các bổ nhiệm các vị trí ngoại giao còn trống. Thái Lan đã trải qua giai đoạn 17 tháng không có đại sứ Mỹ cho đến tháng 3 năm ngoái, trong khi các vị trí trống ở Philippines, Singapore, ASEAN đều bỏ lại dư địa cho ông Biden trước khi ông nhậm chức.

Các cuộc gọi của Ngoại trưởng Blinken tới các bộ trưởng ngoại giao của Thái Lan và Philippines một ngày sau khi nhậm chức chứng minh rằng chính quyền Mỹ muốn gia cố các quan hệ đa phương ở khu vực này để chống Trung. Đây không phải là chiến lược mới, nó đã thất bại thảm hại dưới thời ông Obama.

Thêm vào đó, chính sách Đông Nam Á của ông Biden cũng sẽ gặp phải những trở ngại lớn nằm ngoài tầm kiểm soát. Đó là tính trung lập của mọi thành viên ASEAN: “đừng bắt chúng tôi phải lựa chọn”.

Điều này đặt ra một thách thức đối với ông Biden vì Trung Quốc được hưởng lợi từ sự trung lập của ASEAN, cho phép nước này đối phó với các quốc gia thành viên trên cơ sở song phương chặt chẽ, thay vì phải đối mặt với một tiếng nói thống nhất - và có khả năng đối lập - về các vấn đề tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu chính quyền ông Biden có thành công khi tạo dựng liên minh ASEAN chống lại Bắc Kinh trong khi “không vượt qua” được tính trung lập của các thành viên trong nền kinh tế này? Washington nên nhớ là, tính “trung lập” của các thành viên Đông Nam Á chỉ bị phá vỡ khi Mỹ mạnh lên, Trung Quốc suy yếu và sự bảo hộ của Mỹ tại khu vực này là đáng giá. Nếu không, Washington có thể bị mất Đông Nam Á vào tay Bắc Kinh, giống như Mỹ đang bất lực nhìn quyền lực Trung Quốc phục hưng tại Trung Đông trong những ngày này.

Thiện Nhân - Trà Nguyễn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. http://nghiencuuquocte.org/2020/12/20/canh-tranh-chien-luoc-my-trung-o-dong-nam-a/
  2. https://asiatimes.com/2021/04/forecasting-bidens-policy-in-southeast-asia/
  3. https://www.ntdvn.net/nuoc-my-suy-yeu-va-trung-quoc-hung-hang-tai-bien-dong-37136.html
  4. https://www.ntdvn.net/giu-vung-phong-tuyen-bien-dong-chinh-quyen-trump-tiep-tuc-them-9-cong-ty-trung-quoc-vao-danh-sach-den-130364.html

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Liệu ông Biden có đánh mất Đông Nam Á trong cuộc chiến Mỹ - Trung?