Lịch sử cho ta bài học về việc mở cửa trở lại và phục hồi nền kinh tế ngày hôm nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi các quốc gia dần dần tiến tới mở cửa trở lại nền kinh tế của mình, tốc độ và sự thành công của việc phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào các chính sách được thực hiện để đảo ngược những gián đoạn kinh doanh và thị trường lao động.

Các nhà kinh tế tin rằng đại dịch đã tạo ra sự suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái. Các biện pháp phong tỏa chặt chẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế và việc làm trên toàn thế giới.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc dự đoán rằng đại dịch virus Corona Vũ Hán (COVID-19) sẽ gây ra suy thoái toàn cầu khiến gần một nửa lực lượng lao động toàn cầu thất nghiệp.

Nhiều người ở Mỹ đã bắt đầu lo lắng rằng sự tàn phá kinh tế do phong tỏa sẽ gây ra nhiều tác hại hơn chính con virus này.

Theo báo cáo của Wall Street Journal, trong những tuần gần đây, một số lượng lớn các nhà máy sản xuất trên khắp nước Mỹ đã đóng cửa mãi mãi. Điều đó cho thấy rằng phần lớn số lượng việc làm bị mất với tốc độ kỷ lục sẽ không phải là tạm thời. Ngoài ra, ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến ​​sự phục hồi “hình chữ V” vì thiệt hại lâu dài đối với khu vực tư nhân có thể mất nhiều năm để khắc phục.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 14,7 % trong tháng 4 khi hơn 20 triệu người mất việc trong thời gian phong tỏa. Goldman Sachs cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt lên 25% trong năm nay, tương đương với nạn thất nghiệp trong những năm Đại Suy thoái.

Cuộc Đại Suy thoái, kéo dài khoảng 10 năm, là hệ quả của một loạt các chính sách sai lầm, theo bà Amity Shlaes, một nhà sử học kinh tế và là tác giả của cuốn “Người đàn ông bị quên lãng: Một lịch sử mới của cuộc Đại Suy thoái”.

Nếu lịch sử nắm giữ một bài học về việc phục hồi từ cuộc khủng hoảng hiện nay, thì các chính phủ cần phải “tránh ra xa và để các doanh nghiệp dẫn đầu”, bà phát biểu hôm 11/5 tại một hội nghị trực tuyến do Quỹ Di sản tổ chức.

‘Chuyển tiếp sang vĩ đại’

Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn về một “giai đoạn chuyển tiếp sang vĩ đại” khi các bang trên toàn nước Mỹ bắt đầu nới lỏng phong tỏa.

“Đây sẽ là một giai đoạn chuyển tiếp sang vĩ đại bởi vì chúng ta sẽ hành động rất nhanh”, ông Trump phát biểu trong một cuộc họp với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng hôm 8/5. “Cầu bị dồn nén quá lớn, và năm tới, chúng ta sẽ có một năm phi thường”.

Chính phủ Mỹ đã chi 2,5 nghìn tỷ USD để chống lại đại dịch và trong gói cứu trợ tiếp theo, Tổng thống Trump yêu cầu giảm thêm thuế, ví dụ như cắt giảm thuế trên lương để khuyến khích các công ty tạo việc làm.

“Nhưng nếu bạn nhìn vào những năm 1928, 1929, việc đầu tiên họ làm là tăng thuế. Và sau đó họ tăng lãi suất, và họ bóp cổ mọi người đến chết. Và phải mất tới 15 năm để phục hồi lại”, ông Trump chia sẻ. “Chúng ta thì đang làm đúng cách. Chúng ta có rất nhiều sinh viên tài chính tuyệt vời. Tôi là một trong số đó".

Đảng Dân chủ Hạ viện hôm 12/5 đã công bố kế hoạch cứu trợ virus corona trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD. Kế hoạch này gần như tăng gấp đôi ứng phó liên bang đối với cuộc khủng hoảng.

Các đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu nói rằng kế hoạch cứu trợ của họ sẽ giống với Thỏa thuận Mới (New Deal) của Tổng thống Franklin D. Roosevelt những năm 1930 mà đã được thực hiện để ứng phó với cuộc Đại Suy thoái với những cải cách sâu rộng.

Ông Franklin Delano Roosevelt (1882 - 1945) Tổng thống thứ 32 của Mỹ năm 1936. (Keystone Features/Getty Images)

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và các quan chức Nhà Trắng đã chỉ ra rằng họ sẽ tiến hành mọi thứ từ từ.

Hôm 12/5, tại một sự kiện trực tuyến của Viện Brookings, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết rằng họ sẽ đánh giá tác động của việc mở cửa trở lại nền kinh tế của các bang và “làm sao để thúc đẩy nhanh chóng hoạt động kinh tế” trước khi quyết định giai đoạn tài trợ tiếp theo.

Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (D-N.Y.) đã chỉ trích đảng Cộng hòa vì “đã lặp lại sai lầm của Herbert Hoover” khi để khu vực tư nhân dẫn đầu.

“Cuộc Đại Suy thoái bắt đầu khi thị trường chứng khoán sụp đổ, nhưng có một tổng thống đảng Cộng hòa, theo phái bảo thủ tên là Herbert Hoover. Và ông Herbert Hoover đã nói ‘Chúng ta không phải làm bất cứ điều gì. Hãy để khu vực tư nhân giải quyết vấn đề này’”, ông Schumer chia sẻ trên The Joe Madison Show ngày 12/5.

Những bài học từ lịch sử

Cuộc Đại Suy thoái đã gây ra một sự thay đổi chính trị lớn ở Mỹ. Ông Hoover, Tổng thống thứ 31 của Mỹ, đã giữ chức vụ trong thời gian bắt đầu cuộc Suy thoái. Ông đã bị chỉ trích rộng khắp vì đã không làm gì đủ để chấm dứt khủng hoảng và do đó đã bị thua trong cuộc bầu cử năm 1932 cho ông Franklin Delano Roosevelt.

Nhưng trái với những gì được viết trong sách giáo khoa ở trường, Tổng thống Hoover không phải là một người đề xuất nền kinh tế thị trường tự do, bà Shlaes nói.

Bằng chứng cho thấy ông Hoover đã gây ra nhiều thiệt hại bởi vì “ông ấy không phải là một người theo nền kinh tế thị trường tự do”, bà chia sẻ.

Có hai khu vực mà Tổng thống Hoover đã can thiệp một cách tiêu cực. Ông đã “nhiếc móc” doanh nghiệp nhiều đến nỗi họ sợ kinh doanh, theo bà Shlaes. Ngoài ra, ông đã chấp nhận lý thuyết lương cao hơn là yếu tố quan trọng nhất để phục hồi.

Các doanh nghiệp phải sa thải nhân viên để giữ mức lương cao hơn, điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong cuộc khủng hoảng.

Tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 28,3% vào tháng 3/1933, theo bà Shlaes. Và nó vẫn duy trì ở mức hai con số trong gần một thập kỷ.

Nguồn: Không việc làm: Thất nghiệp và Chính phủ Mỹ trong thế kỷ XX của Lowell Eugene Gallaway và Richard Vedder (bà Amity Shlaes cung cấp)

“Đây là một lỗi sai mà chúng ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong những năm 1930. Đó không chỉ là do Herbert Hoover. Khi Tổng thống Roosevelt xuất hiện, ông đã tạo ra một đạo luật khuyến khích mức lương tối thiểu ở khắp mọi nơi”.

“Vì vậy, số lượng thất nghiệp còn tăng cao hơn. Bạn đã nghe thấy câu trong Đại Suy thoái: ‘Công việc tuyệt vời nếu bạn có thể có được nó’. Đó chính xác là những gì xảy ra những năm 1930”.

Các nhà phê bình cho rằng thỏa thuận mới của Tổng thống Roosevelt là phản kinh doanh, và nó không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và tạo việc làm. Thỏa thuận mới cũng bị chỉ trích vì cho phép các công ty lớn tạo ra các quy tắc khiến các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa.

Theo ông David Pietrusza, nhà sử học chính trị, tác giả và chuyên gia về lịch sử bầu cử tổng thống, các chương trình xã hội của Tổng thống Roosevelt “đi cùng với cái giá là làm trì hoãn sự phục hồi”.

Ông Pietrusza tin rằng các quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ đã lật đổ một số phần chính trong chương trình của Tổng thống Roosevelt. Chính những quyết định này có thể đã mang lại một chút phục hồi trước cuộc tái bầu cử của ông Roosevelt vào năm 1936 và giúp ông thắng trong cuộc bầu cử.

Theo các nhà sử học, thập kỷ phù hợp nhất đối với sự phục hồi của ngày hôm nay có lẽ là những năm 1920 thay vì những năm 1930. Vào những năm 1920, trong các nhiệm kỳ của các tổng thống Harding và Coolidge, nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng sau thời kỳ suy thoái, và tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức thấp.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 (theo sau là cuộc suy thoái hậu Thế chiến thứ nhất) là một cơn bão hoàn hảo, ông Pietrusza chia sẻ.

Nhưng “nền kinh tế đã vực lên rất nhanh, một phần vì chính phủ đã tránh đường; chính phủ không can thiệp vào công việc kinh doanh”.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lịch sử cho ta bài học về việc mở cửa trở lại và phục hồi nền kinh tế ngày hôm nay