Lao động di cư nông thôn chịu khổ nhiều nhất trong thảm cảnh thất nghiệp tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Anh Zhang Jianpeng và vợ của mình là những người lao động di cư tới từ nông thôn. Họ trở lại Bắc Kinh vào cuối tháng 4, sau gần 3 tháng bị phong tỏa tại làng của mình ở phía bắc tỉnh Sơn Tây để chờ dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc giảm bớt.

Tuy nhiên, khi họ trở lại thành phố, nhà hàng nơi cả hai làm việc đã đóng cửa từ lâu, và không ai trong số họ có thể tìm được một công việc mới.

Họ đã sử dụng hết số tiền tiết kiệm 30.000 nhân dân tệ (4.202 USD), và Zhang hiện đang mắc nợ khi phải sử dụng một thẻ tín dụng để thanh toán cho một khoản khác.

“Một tháng thì ổn. Nhưng sang tháng thứ hai, rồi tháng thứ ba thì không còn tiền nữa”, chàng trai khốn khổ 28 tuổi chia sẻ với Reuters.

Anh có hai cô con gái nhỏ đang được ông bà chăm sóc ở quê, tại một khu vực khai thác than thiếu thốn về mặt kinh tế.

Không có việc làm ở đó, và họ đã tiêu đến đồng cuối cùng trong số tiền tiết kiệm của mình trong khi đi tìm việc ở thủ đô. Viễn cảnh trở về với không một xu dính túi sẽ là một điều cay đắng như thể nuốt một viên thuốc vậy.

“Tôi phải đối mặt với cha mẹ như thế nào đây?”, anh Zhang hỏi.

Ở Trung Quốc, ước tính có khoảng 280 triệu lao động di cư nông thôn giống như anh Zhang. Có lẽ họ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động kinh tế của virus Corona Vũ Hán (COVID-19), và nhiều người trong số họ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong quý I vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc đã thu hẹp lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Do những bất ổn mà đại dịch toàn cầu bắt đầu ở Vũ Hán gây ra, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định không đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm nay.

Thất nghiệp được khảo sát ở quốc gia 1,4 tỷ dân này là 6% trong tháng 4, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thực sự phải cao hơn nhiều.

Anh Zhang và vợ thuê một căn hộ giá rẻ cách Bắc Kinh ba giờ đi xe buýt, nơi anh dành cả ngày lang thang qua những nơi cũ để tìm việc làm.

“Rất khó tìm được một công việc trong năm nay. Quá khó”, anh Zhang chia sẻ. “Và nếu bạn tìm được việc thì mức lương cũng quá thấp”.

Anh cho rằng tiền lương của nhà hàng đã giảm một phần ba, và nếu anh đủ may mắn để tìm được một công việc, anh có thể sẽ chỉ được trả khoảng 4.000 nhân dân tệ (560 USD) mỗi tháng.

Thứ bậc xã hội

Chính quyền Trung Quốc đã hứa hẹn về các chính sách mới cho người lao động di cư để họ có thể được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ việc làm, cũng như hứa hẹn về các khoản trợ cấp sinh hoạt mở rộng cho những người phải trở về quê nhà. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều người như anh Zhang mới chỉ nhận được rất ít sự giúp đỡ.

Một số nhà phân tích cho rằng lao động di cư phàn nàn rằng họ ít được chú ý hơn vì họ ít có khả năng tạo ra các vấn đề chính trị.

Mối quan tâm lớn hơn là những sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp và những người lao động thành thị bị sa thải, cô Dan Wang, thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế cho biết. Nhóm thứ hai (lao động thành thị bị sa thải) có nhiều khả năng có các khoản thế chấp phải trả, và do đó có thể ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, cô cho biết.

Chưa có sự gia tăng rõ rệt nào trong các cuộc biểu tình của người lao động, nhưng khi đánh giá bằng các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, “sự bất mãn đang tăng lên”, theo ông Geoff Crothall thuộc Bản tin Lao động Trung Quốc (China Labour Bulletin).

“Sự thật phũ phàng là, từ góc độ của một nhà hoạch định chính sách, người di cư nông thôn thất nghiệp ít có thể trở thành mối lo ngại hoặc đe dọa so với người thành thị thất nghiệp”, ông Louis Kuijs, thuộc Oxford Economics chia sẻ.

Thủy Tiên

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Lao động di cư nông thôn chịu khổ nhiều nhất trong thảm cảnh thất nghiệp tại Trung Quốc