Lào có nguy cơ vỡ nợ cao: ‘Giấc mộng đập thủy điện’ hay dính ‘chiêu bài bẫy nợ’ của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nỗ lực trở thành "cục pin của Đông Nam Á”, Lào cố gắng xây dựng ‘giấc mộng đập thủy điện’ bằng cách đang chấp nhận nhiều khoản vay khổng lồ từ Trung Quốc để xây đập, khiến quốc gia vốn có nợ công lên đến hơn 60%/GDP này “mắc” sâu hơn vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Tận dụng khoảng trống quyền lực được tạo ra do đại dịch kéo dài nhiều tháng qua, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của nước này. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm, nước này đầu tư trực tiếp 5,23 tỷ USD vào các khu vực phi tài chính ở 53 quốc gia tham gia BRI, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lào, một quốc gia nhỏ với dân số ít ỏi, là một trong những nước nhận viện trợ lớn của Bắc Kinh để… xây đập thủy điện. Sự bùng nổ xây dựng đập chưa từng có của Lào với ​​khoảng 50 đập được xây dựng trong 15 năm qua, ít nhất 50 đập đang được xây dựng và 288 đập nữa được lên kế hoạch cho hàng trăm con sông và suối của nước này. Chính vì thế, Lào trở thành “con nợ lớn” của Bắc Kinh.

Theo các nhà phân tích, Lào không có khả năng thanh toán hết các khoản nợ của mình trong năm nay, phần lớn trong số đó là nợ Trung Quốc.

Lào đã cho phép Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của nước này. Bắc Kinh đã “bơm” hàng tỷ USD vào các lĩnh vực như thủy điện, nông nghiệp, khai mỏ và xây dựng, tất cả đều để phục vụ cho chiến lược “Con đường tơ lụa mới” lớn hơn của Trung Quốc.

Khi các món nợ của Viêng Chăn đến hạn, các cuộc đàm phán lại càng làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại quốc gia “anh em” Lào của họ.

Chính phủ Lào mạo hiểm ‘dấn thân’ vào ‘BRI đập thủy điện’

Một dự án BRI quan trọng mà chính phủ Lào đang mạo hiểm dấn thân là xây dựng 7 con đập lớn trên dòng chính sông Mekong. Các đập Xayaboury và Don Sahong đang vận hành hiện nay sẽ được kết nối với đập Sanakham công suất 684 MW dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội vì việc xây dựng con đập sẽ tiếp tục chặn dòng sông Mekong, một tuyến giao thông quan trọng tại Đông Nam Á. Các con đập hiện tại đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nghề cá, các trang trại, sinh kế của người dân hai bên bờ sông ở khu vực hạ lưu.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đẩy mạnh dự án này. Dự án đập mới nhất tại Lào là nền tảng cho kế hoạch thủy điện Pak Lay trị giá 2,1 tỷ USD trên sông Mekong.

Nó đang được xây dựng bởi Power China Resources, một công ty hàng đầu về xây dựng đập của Trung Quốc và được tài trợ bằng khoản vay 1,7 tỷ USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư và cho vay nước ngoài hàng đầu của Lào.

Trước đó, Trung Quốc đã rót không ít tiền cho các dự án thủy điện của Lào trên sông Mekong. Một số nhà môi trường kêu gọi Chính phủ Lào không nên tiến hành xây dựng một con đập “hủy diệt” khác trên sông Mekong. Trong nỗ lực để trở thành “cục pin của Đông Nam Á”, chính phủ Lào đã “quỳ gối” trước ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Lào là một trong những quốc gia hàng đầu có nguy cơ bị “mắc sâu” vào bẫy nợ của Trung Quốc.

Trở thành ‘con nợ lớn’ của Trung Quốc

Theo VOV News, Lào vốn đã có nguy cơ cao về điều mà các nhà phân tích gọi là “nợ nần chồng chất” trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, dịch bệnh lần này chỉ làm tăng rủi ro khi họ vay nợ nước ngoài. Fitch Ratings đã hạ triển vọng về nền kinh tế Lào từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực” vào tháng trước, dựa trên việc Lào khó có khả năng trả các khoản vay nước ngoài sau khủng hoảng.

Trong đánh giá kinh tế giữa tháng 5/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đại dịch được dự báo sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của Lào năm 2020 lên 7,5% đến 8,8% GDP so với mức 5,1% năm 2019. Do đó, mức nợ dự kiến sẽ tăng từ mức 59% GDP năm 2019 lên 65% đến 68% GDP vào năm 2020.

Khoản nợ mà Lào nợ Trung Quốc chiếm khoảng 45% GDP của quốc gia nhỏ này, đây là tỷ lệ phần trăm cao nhất trong số các quốc gia được đưa vào phân tích năm 2019 của Viện Lowy - một nhóm nghiên cứu của Úc.

David J.H. Blake, chuyên gia người Anh về quản trị tài nguyên nước và sinh thái chính trị ở khu vực sông Mekong, cảnh báo rằng những thỏa thuận xây đập thủy điện đã đẩy Lào đến bờ vực vỡ nợ. “Chủ nợ” chính quyền Trung Quốc có thể sẽ thu hồi các khoản nợ của mình bằng cách yêu cầu kiểm soát các tài sản công của Lào.

Ngân hàng đầu tư Pháp Societe Generale cho biết 80% số nợ năm 2019 của Lào bị chi phối bằng ngoại tệ và do nước ngoài nắm giữ, trong đó gần một nửa số nợ công thuộc về “chủ nợ” Trung Quốc.

Dấu ấn kinh tế của Trung Quốc tại Lào được định hình bởi các “dự án tỷ đô”, bao gồm một tuyến tàu cao tốc trị giá 6 tỷ USD, một chuỗi các đập thủy điện lớn, đường cao tốc và nhiều đặc khu kinh tế. Lào chỉ nắm tỷ lệ 30% trong dự án đường sắt Côn Minh - Viêng Chăn, và phải trả 250 triệu USD đầu tiên trong năm nay thông qua khoản vay lãi suất thấp từ Trung Quốc.

Mưu đồ địa chính trị của Bắc Kinh trong việc ‘bẫy nợ’ Lào

Fitch tính toán Lào có dự trữ ngoại hối 1 tỷ USD và nợ nước ngoài lên đến 900 triệu USD trong năm nay. Dự báo rằng doanh thu nhà nước Lào sẽ giảm khoảng 25%.

Viện Kiel của Đức đã phân tích dữ liệu vào năm ngoái và kết luận rằng Bắc Kinh đã trở thành người cho vay lớn nhất thế giới, vượt qua các nhóm như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Từ năm 2000-2017, nợ của các quốc gia khác đối với Trung Quốc “đã tăng gấp 10 lần, từ dưới 500 tỷ USD lên hơn 5 nghìn tỷ USD”.

Lào là một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất, và những gì Trung Quốc nhận được từ mối quan hệ song phương này bao gồm:

  • Lào ủng hộ các chính sách của Trung Quốc trong các vấn đề như Đài Loan và Tây Tạng;
  • Viêng Chăn chống lại các hành động chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông;
  • Các công ty của Trung Quốc có thể khai thác các nguồn tài nguyên của Lào;
  • Xây dựng các tuyến giao thông xuyên suốt từ Trung Quốc sang Lào, và kết nối với các nước láng giềng.

Lào cũng là một trong những quốc gia đầu tiên cùng với Campuchia ký kế hoạch “tán thành tầm nhìn khu vực của Trung Quốc về một cộng đồng chung vận mệnh”, nhà nghiên cứu Jonathan Stromseth thuộc Viện Brookings cho biết.

Trong 30 năm qua, Lào đã xây dựng 64 đập thủy điện trên các nhánh sông Mekong; 438 đập khác được lên kế hoạch cho khu vực, chủ yếu ở Lào và Campuchia. Bắc Kinh có kế hoạch tài trợ thêm các con đập ở những nước này, bao gồm cả trên dòng chính của sông, đây là một phần trong chiến lược bẫy các quốc gia Đông Nam Á vào một mạng lưới nợ.

Theo Foreign Policy, Trung Quốc hoan nghênh việc phát triển các con đập tại Lào, với mưu đồ làm suy yếu mối quan hệ đặc biệt giữa Lào và Việt Nam, và kéo Viêng Chăn xích lại gần Bắc Kinh.

Việt Nam cần cảnh giác với chiến dịch ‘một cộng đồng chung vận mệnh’

WB và Ngân hàng Phát triển Châu Á đã phản đối việc cung cấp bất kỳ khoản vay, hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật nào để xây dựng các đập thủy điện và hệ thống truyền tải điện ở lưu vực sông Mekong. Sự phản đối đó chủ yếu nhằm hỗ trợ Việt Nam, quốc gia hạ nguồn lưu vực sông Mekong, vốn sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự phát triển của các dự án thủy điện.

Hà Nội đã trở thành đối tác quan trọng của Washington ở Đông Nam Á, và là một phần không thể thiếu trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa” của chính quyền Trump, nhằm duy trì một đối trọng trong khu vực với Bắc Kinh.

Mỹ cũng đã khởi động Sáng kiến ​​Hạ nguồn sông Mekong (LMI) từ năm 2009 để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc hiện đang ở vị thế sử dụng cơ sở hạ tầng thủy điện của mình như một tài sản độc đáo trên khắp Đông Nam Á.

Tâm An

Nguồn tham khảo

https://www.futuredirections.org.au/publication/chinese-intentions-towards-the-mekong-river-and-mainland-south-east-asia/

https://www.voanews.com/east-asia-pacific/analysts-rising-debt-burden-could-make-laos-more-reliant-china

https://caphesach.wordpress.com/2020/07/15/lao-nen-da-dang-hoa-dau-tu-de-tranh-bi-phu-thuoc-vao-trung-quoc/

 



BÀI CHỌN LỌC

Lào có nguy cơ vỡ nợ cao: ‘Giấc mộng đập thủy điện’ hay dính ‘chiêu bài bẫy nợ’ của Trung Quốc?