'Lạm phát xanh' - Khi kinh tế sạch được xây dựng bằng vật liệu bẩn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với một nghịch lý ngày càng lớn phát sinh trong quá trình ngăn chặn biến đổi khí hậu. Nếu như quá trình này càng thúc đẩy thế giới chuyển dịch sang nền kinh tế xanh nhanh bao nhiêu, thì nó càng trở nên tốn kém và khả năng nhân loại đạt được mục đích hạn chế tác động biến đổi khí hậu càng trở nên xa vời bấy nhiêu.

Theo ông Ruchir Sharma, giám đốc chiến lược toàn cầu của Morgan Stanley Investment Management, những kế hoạch chi tiêu mới do các chính phủ ban hành đang khiến cho nhu cầu nguyên vật liệu để xây dựng nền kinh tế sạch tăng lên nhanh chóng. Đồng thời, việc thắt chặt các quy định về môi trường lại đang hạn chế nguồn cung của các vật liệu này do không khuyến khích đầu tư vào các mỏ, lò luyện hoặc các hoạt động khai thác liên quan đến carbon. Kết quả là “lạm phát xanh” xuất hiện: giá kim loại và khoáng sản như đồng, nhôm, lithium, những thứ cần thiết cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió, ô tô điện và các công nghệ tái tạo khác tăng lên nhanh chóng.

Trong quá khứ, việc chuyển đổi sang một nguồn năng lượng mới đã tạo ra một cú hích lớn cho nguồn năng lượng cũ. Sự ra đời của năng lượng hơi nước đã truyền cảm hứng cho các nhà chế tạo tàu cánh buồm đổi mới. Điện cũng có tác động như vậy đến hoạt động thắp sáng bằng khí đốt. Giờ đây, việc xây dựng các nền kinh tế xanh sẽ tiêu thụ nhiều dầu nhiều hơn trong giai đoạn chuyển đổi, nhưng điều đó, đáng tiếc, lại không tạo nên một cú hích nào cả, bởi đơn giản là các chính trị gia và cơ quan quản lý đã làm tương lai của nhiên liệu hóa thạch trở nên mờ mịt.

Ngay cả khi giá dầu tăng, đầu tư của các quốc gia và công ty khai thác dầu mỏ lớn vẫn tiếp tục giảm. Thay vào đó, các cường quốc dầu mỏ đang tự biến mình thành các cường quốc năng lượng sạch. Một nhà môi giới gần đây đã viết rằng trong số 400 khách hàng tổ chức của công ty anh ta, chỉ có một người vẫn đầu tư vào dầu khí. Ngay cả đối với dầu đá phiến, thì dù giá có tăng lên nhưng nguồn cung vẫn yếu bất thường.

Đồng và nhôm là hai trong số các kim loại quan trọng nhất cho quá trình điện hóa xanh. Tuy nhiên, theo ông Ruchir Sharma, việc đầu tư vào các kim loại này cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Thế giới cần thêm đồng để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, nhưng các nhà môi trường gần đây đã khiến cho một mỏ mới ở Alaska phải ngừng hoạt động do lo ngại tác động đến cộng đồng địa phương và cá hồi.

Những áp lực này đang kìm hãm nguồn cung ngay cả ở Mỹ Latinh, nơi từng là miền tây hoang dã của khai thác toàn cầu. Gần 40% nguồn cung đồng đến từ Chile và Peru, và ở cả hai quốc gia, các dự án khai thác nếu như trước đây chỉ mất 5 năm triển khai thì nay có thể mất 10 năm hoặc hơn. Một dự án đồng lớn ở Peru, dự kiến ​​khai trương vào năm 2011, vẫn chưa hoàn thành do sự phản đối của cộng đồng địa phương. Riêng trong năm nay, Chile đã áp dụng hai quy tắc môi trường mới và đang xem xét một khoản tiền phạt lớn có thể khiến một số mỏ khai thác lớn nhất của nước này không có lãi.

Vai trò nhà cung cấp vật liệu lớn của Trung Quốc cũng đã bị đảo lộn. Một thập kỷ trước, quốc gia này vẫn sản xuất quá mức các nguyên liệu thô như quặng sắt và thép và bán phá giá hàng thừa ra cho thị trường nước ngoài. Giờ đây, Bắc Kinh đã buộc phải cắt giảm sản lượng. Gần 60% nhôm trên thế giới là đến từ Trung Quốc, nhưng quốc gia này gần đây đã phải hạn chế quá trình nấu chảy kim loại này do lượng khí thải carbon quá lớn.

Những người đàn ông Trung Quốc kéo xe ba bánh trong khu phố bên cạnh một nhà máy nhiệt điện bốc khói nghi ngút tại Sơn Tây, Trung Quốc, vào ngày 26/11/2015. (Kevin Frayer / Getty Images)
Những người đàn ông Trung Quốc kéo xe ba bánh trong khu phố bên cạnh một nhà máy nhiệt điện bốc khói nghi ngút tại Sơn Tây, Trung Quốc, vào ngày 26/11/2015. (Kevin Frayer / Getty Images)

Nhôm là một trong những kim loại có quá trình sản xuất bẩn nhất. Tuy nhiên, nó cũng là một trong những kim loại quan trọng nhất đối với các dự án năng lượng xanh và năng lượng mặt trời khác, và như vậy nhu cầu về nhôm sẽ tăng rất mạnh trong những thập kỷ tới, theo Ngân hàng Thế giới.

Các kim loại cần thiết cho năng lượng xanh khác cũng ở tình trạng tương tự. Do đó, có thể nói nền kinh tế xanh là một kiểu nhu cầu về Trung Quốc mới.

Ông Sharma cho biết, các công nghệ tái tạo đòi hỏi nhiều hệ thống dây điện hơn so với các loại nhiên liệu hóa thạch. Các nhà máy năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió sử dụng lượng đồng gấp sáu lần so với sản xuất điện thông thường. Trong 18 tháng qua, khi các chính phủ công bố các kế hoạch và cam kết chi tiêu xanh mới, các nhà phân tích đã cho thấy nhu cầu về đồng đã tăng lên đều đặn. Do đó, quy định xanh thực chất đang làm tăng nhu cầu về các kim loại bẩn vì nó thắt chặt nguồn cung của các hàng hóa này, làm cho lạm phát xanh tăng cao. Kể từ đầu năm ngoái, giá đồng đã tăng hơn 100%, giá nhôm tăng 75%. Điều bất thường là đà đi lên của chúng hầu như không suy yếu trong tăng trưởng toàn cầu lại đang suy giảm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ mới đây đã công bố một biểu đồ thể hiện dữ liệu chính thức mới nhất về các nguồn sản xuất năng lượng của Mỹ. Khoảng 80% năng lượng của nước này đến từ dầu mỏ, khí đốt và than đá. Chỉ có chưa tới 5% là đến từ gió và mặt trời. Như vậy, việc đảo ngược được những tỷ lệ phần trăm này trong vòng 5 hoặc 10 năm nữa như Tổng thống Biden liệu có khả thi? Và để xây dựng được hệ thống này thì cần bao nhiêu nguyên liệu bẩn? Và để có được số lượng vật liệu bẩn này thì sẽ sinh ra bao nhiêu tấn carbon? Vì vậy, ngay cả những nhà dự báo liên bang ủng hộ năng lượng tái tạo cũng cho rằng điều đó rất khó xảy ra.

Ngoài ra, kế hoạch xây dựng nền kinh tế xanh có thực tế không khi hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ đang xây dựng hơn 100 nhà máy nhiệt điện. Trung Quốc và Nga vừa ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để xây dựng một đường ống dẫn dầu từ Siberia đến các thành phố lớn của Trung Quốc. Liệu Bắc Kinh có đầu tư vào cơ sở hạ tầng đó nếu họ có ý định ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch?

Làm thế nào để cung cấp đủ nguyên liệu cũ bẩn để xây dựng một nền kinh tế xanh mới đang là một câu hỏi hóc búa. Phong tỏa các mỏ và giàn khoan dầu mới không phải lúc nào cũng là động thái có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Các chính phủ, và đặc biệt là các tổ chức xanh, cần phải nhận ra rằng việc cố gắng đóng cửa nền kinh tế cũ quá nhanh có nguy cơ đẩy giá cả của việc xây dựng một nền kinh tế sạch hơn vượt quá tầm với.

Lê Minh

Theo FT



BÀI CHỌN LỌC

'Lạm phát xanh' - Khi kinh tế sạch được xây dựng bằng vật liệu bẩn