Lãi suất cho vay tại Việt Nam khó hạ: khi doanh nghiệp sống phải ‘cõng’ doanh nghiệp chết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây không phải lần đầu tiên chính sách lãi suất của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) bị vô hiệu hoá, tức là thị trường không phản ứng đáng kể với động thái giảm lãi suất điều hành. Sự bất thường sẽ xảy ra khi có quá nhiều nhân tố “thiếu minh bạch” trong hệ thống tài chính khiến hệ thống trở nên trơ lì với chính sách…

Mọi công cụ chính sách chỉ có tác dụng với thị trường nếu thị trường đó minh bạch và được vận hành theo đúng quy luật. Trường hợp thị trường có những méo mó ẩn giấu thì tính hữu hiệu của chính sách sẽ suy giảm mạnh.

Thực tế, sự méo mó của chính sách xử lý nợ xấu, sự thiếu minh bạch trong hạch toán nợ xấu, khuôn khổ phá sản không hữu hiệu đã tạo ra nhiều doanh nghiệp "xác sống" có hại cho nền kinh tế. Đây là nguyên nhân khiến một số chính sách của SBV trong một số thời điểm nhất định luôn không “điều hành” được thị trường.

SBV liên tiếp hạ lãi suất điều hành trong hơn một năm nay để cứu vớt tăng trưởng

Sau gần nửa thập kỷ gần như cố định lãi suất điều hành ở mức 6,5%; từ cuối năm 2019 đến nay SBV liên tục 3 lần hạ lãi suất điều hành từ mức 6,5% về mức 4,5% (từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2020)

Mức lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã không giảm như kỳ vọng trong lần SBV giảm lãi suất điều hành hồi tháng 9/2020. Để tăng thêm áp lực giảm lãi suất, từ tháng 11/2029, thậm chí SBV còn áp chính sách giảm trần lãi suất huy động và cho vay tại các NHTM. Bản thân các NHTM đã ngay lập tức tuân thủ chính sách này một ngày sau đó.

Lãi suất điều hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và lãi suất liên ngân hàng của hệ thống liên tiếp giảm sâu trong hơn một năm qua (Nguồn: Trading Economics)

Thêm vào đó, để đảm bảo giảm chi phí vốn cho NHTM, SBV cũng giãn thời hạn thêm một năm đối với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cho các NHTM theo Thông tư 08. Chính sách này giúp ngân hàng chưa phải vội vã duy trì thêm nguồn vốn trung và dài hạn để đảm bảo giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của SBV. Đây cũng là nguyên nhân khiến lãi suất huy động của NHTM giảm mạnh trong tháng 9 năm 2020.

Mạnh mẽ hơn, SBV thậm chí còn kêu gọi NHTM cắt giảm lợi nhuận và chí phí, không được chia cổ tức để giảm lãi suất cho vay. Như vậy, SBV đã dùng đến mọi phương cách: cắt giảm lãi suất điều hành, sử dụng mệnh lệnh hành chính áp trần lãi suất huy động, kêu gọi NHTM cắt giảm mục tiêu lợi nhuận, ngừng chia cổ tức, cắt giảm chi phí để đảm bảo chi phí vốn về mức thấp nhất…

Lãi suất huy động của NHTM cũng giảm mạnh

Với tất cả chính sách trên và quan trọng nhất là sự điêu đứng của sản xuất, dịch vụ trong nền kinh tế thực trong bối cảnh đại dịch, khiến cầu về vốn quá thấp, đặc biệt là nguồn cầu thực, cầu tốt từ các doanh nghiệp thực sự tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đã khiến khu vực ngân hàng dư thừa tiền và hệ thống này rơi vào cuộc đua giảm lãi suất huy động ngay sau đó.

Ngay trong những ngày đầu tháng 9/2020, nhiều NHTM đã tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động (LSHĐ). Lãi suất các kỳ hạn ngắn thậm chí đã xuống dưới 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của SBV. Ngay cả lãi suất kỳ hạn trung và dài hạn cũng giảm nhẹ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi suất ở tất cả kỳ hạn. Khối NHTM nhà nước giảm phổ biến khoảng 0,15 - 0,55 điểm phần trăm, khối NHTM cổ phần giảm khoảng 0,11 - 0,48 điểm phần trăm, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm mạnh nhất tới 0,61 điểm phần trăm trong giai đoạn thống kê từ ngày 16/7 đến 15/8/2020 (theo Nhân Dân).

Lãi suất qua đêm trong hệ thống liên ngân hàng về sát mức 0% kể từ giữa tháng 5/2020 cho thấy sự dư thừa cung vốn trong hệ thống ngân hàng rất lớn và đồng đều ở các nhóm NHTM khác nhau trong hệ thống.

Lãi suất qua đêm trong hệ thống liên ngân hàng về sát mức 0% kể từ giữa tháng 5/2020 (Nguồn: SBV)

Doanh nghiệp Việt đang phải vay lãi suất cao nhất khu vực Châu Á

Tuy nhiên, dù hạ lãi suất cơ bản kèm thêm cả mệnh lệnh hành chính về hạ lãi suất cho vay và thực tế lãi suất huy động đầu vào đã giảm rất sâu nhưng lãi suất cho vay bình quân cho doanh nghiệp và người tiêu dùng thì không giảm đáng kể; thực tế là trơ lì với phản ứng chính sách tiền tệ của SBV.

Lãi suất cho vay bình quân giảm không đáng kể và lãi suất điều hành trong 10 năm qua (Nguồn: Economics Trading và SBV)

Điều này có nghĩa, chi phí vốn cho doanh nghiệp khu vực kinh tế thực là rất cao trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp đột ngột trên diện rộng.

Chúng ta phải đặc biệt nhớ rằng, lãi suất cho vay của nền kinh tế trong nước cũng cần phải cạnh tranh với khu vực, bởi các doanh nghiệp trong nước sẽ chịu tổn hại lớn và mất đi năng lực cạnh tranh của mình so với các doanh nghiệp trong khu vực khi phải hứng chịu mức lãi suất vay vốn cao hơn.

Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân của doanh nghiệp Việt đang cao nhất khu vực Châu Á. Nghịch lý là, Việt Nam là nền kinh tế kiểm soát dịch bệnh tốt nhất và được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc trong suốt 3 năm qua…

Lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam khiến doanh nghiệp Việt mất lợi thế cạnh tranh so với các các nền kinh tế Châu Á (Nguồn: Trading Economics)

Chi phí vốn cao khi ngân hàng phải ôm khối nợ xấu của quá khứ và triển vọng nợ xấu ảm đạm của tương lai

Câu hỏi là tại sao lãi suất không thể giảm và trơ lì trước mọi nỗ lực nới lỏng tiền tệ của SBV cũng như các điều kiện vĩ mô thuận lợi (dù ít ỏi) hơn một số nền kinh tế khác trong khu vực? Câu trả lời chỉ có một: chi phí vốn thực của NHTM vẫn ở mức rất cao.

Thực tế, chi phí vốn của doanh nghiệp thể hiện qua tỷ lệ biên lãi ròng (NIM), tỷ lệ này càng thấp, cho thấy chi phí vốn còn cao và doanh nghiệp không tìm kiếm được nhiều lợi nhuận từ hoạt động cho vay, dịch vụ của họ. Số liệu báo cáo tài chính của 19 NHTM niêm yết cho thấy NIM tiếp đà giảm sâu và rất thấp trong quý 2/2020.

Theo tính toán của FiinPro, sau khi giảm 3,2 điểm cơ bản trong quý I/2020, NIM của 19 ngân hàng giảm tiếp 8,8 điểm cơ bản trong quý II/2020 còn 0,76%; tương đương với mức NIM của quý 4/2018. NIM của NHTM thấp một phần phản ánh ảnh hưởng việc ngân hàng miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Phần lớn hơn là doanh nghiệp ngày một yếu đi, năng lực trả nợ suy giảm do đại dịch toàn cầu, nhiều khoản vay dù chưa phát sinh nợ xấu do được giãn thời hạn trả nợ (một cách làm kỹ thuật để không hạch toán nợ xấu) cũng khiến NHTM không thể không tăng trích lập dự phòng rủi ro mới.

Vấn đề ở chỗ, chỉ số NIM vốn đã rất thấp trong nhiều năm trước dịch viêm phổi Vũ Hán. Đại dịch dường như chỉ bồi thêm một cú đấm vào hệ thống NHTM vốn nhiều vấn đề và vấp phải nhiều sai lầm chính sách trong cả thập kỷ vừa qua mà thôi.

Biên lãi suất ròng của 19 NHTM niêm yết liên tục giảm sâu cho thấy chi phí vốn của NHTM vẫn rất cao (Nguồn Fiinpro)

Thực tế, sự tồn tại của các ngân hàng 0 đồng cùng với việc không cho phá sản ngân hàng và khu trú khối nợ xấu tại VAMC trong nhiều năm qua đã khiến hệ thống NHTM phải chịu thêm gánh nặng về sự tồn tại của các NHTM nhỏ có năng lực tài chính yếu. Khi các NHTM tăng lãi suất huy động, các NHTM lớn và tốt khó có thể duy trì mức lãi suất tiền gửi quá thấp nếu không muốn mất lợi thế cạnh tranh.

Do vậy, chất lượng tài sản các NHTM nhỏ và yếu có thể là nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất khó hạ theo nguyên tắc thị trường và mong muốn của Chính phủ. Thực tế, kết quả thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu tại các NHTM sau 2 năm triển khai được báo cáo với thành tích đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ hỗ trợ xử lý được nợ xấu có tài sản đảm bảo (TSĐB) tốt: TSĐB có thể thanh khoản, không bị đánh giá quá cao so với giá trị thị trường và với khoản vay mà nó đảm bảo. Những TSĐB này phần lớn đều thuộc về các NHTM lớn có uy tín. Trong khi đó, các NHTM nhỏ (chiếm tới 45 - 50% nợ xấu của hệ thống) thì TSĐB khó xử lý bởi nhiều nguyên nhân: chất lượng TSĐB thấp; TSĐB hình thành từ vốn vay còn dở dang và khó thanh khoản, thậm chí mất hẳn tính thanh khoản; tính pháp lý khi nhận TSĐB cho khoản vay không được thẩm định tốt…

Khi TSĐB không được xử lý, NHTM nhỏ tiếp tục phải trích Dự phòng rủi ro (DPRR) đầy đủ cho các khoản nợ xấu không xử lý được, không có dòng tiền quay trở lại NHTM cho hoạt động kinh doanh, chi phí vốn của NHTM sẽ tăng cao, thanh khoản giảm và họ buộc phải tăng cường huy động từ dân cư và doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

Doanh nghiệp sống phải 'cõng' doanh nghiệp chết?

Nợ xấu không thể xử lý tại NHTM của các doanh nghiệp trong quá khứ đã biến các doanh nghiệp này thành doanh nghiệp xác sống. Lịch sử nợ xấu, dù được khoanh lại trên giấy tờ, và năng lực tài chính yếu kém hiện tại khiến nhóm doanh nghiệp này khó bề “đông sơn tái khởi” một lần nữa.

Thêm vào đó, khuôn khổ về phá sản doanh nghiệp của Việt Nam, dù được sửa đổi khá nhiều trong năm 2014, nhưng vẫn là một khuôn khổ thể chế rất yếu kém, doanh nghiệp không thể phá sản vì chi phí phá sản quá lớn, chi phí cơ hội quá dài, thời gian chờ đợi phá sản quá lâu, khi được phép phá sản thì giá trị tài sản của máy móc thiết bị, nhà xưởng đã bị hao mòn tự nhiên gần hết….

Thực tế, một khuôn khổ thể chế phá sản hiệu quả chính là đặc sản, là ưu điểm vượt trội của nền kinh tế thị trường đầy đủ. Vì nếu được phá sản đúng lúc, hợp tình, hợp lý với chi phí thấp thì tài sản bán được của doanh nghiệp có thể xử lý nợ, giảm thiểu tổn thất, chủ doanh nghiệp có thể tái khởi việc đầu tư mà không vướng víu vào các vấn đề pháp luật… Do đó, khuôn khổ phá sản hiệu quả luôn được xem là tiêu chí không thể thiếu khi đánh giá một nền kinh tế có lành mạnh hay không. Đáng tiếc, đây là điều mà nền kinh tế Việt nam còn thiếu và rất yếu kém trong nhiều thập kỷ.

Đây là lý do số lượng các doanh nghiệp xác sống (zombie) thực sự trong nền kinh tế của chúng ta là khá lớn. Vì hạn chế của khuôn khổ pháp lý và cơ chế xử lý nợ xấu hiện tại, các doanh nghiệp xác sống này vẫn tồn tại.

Đáng nói là, sự tồn tại của các doanh nghiệp xác sống gây tổn thất lớn cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp khỏe mạnh khác. Đơn cử như câu chuyện lãi suất cho vay ở đây, việc không thể xử lý, phát mại dứt điểm nợ xấu giai đoạn 2011-2012, NHTM không thể hạ lãi suất cho vay bất chấp các điều kiện thuận lợi về chính sách và nền tảng vĩ mô. Điều này ảnh hưởng trầm trọng tới năng lực cạnh tranh và sức khỏe - vốn suy yếu do đại dịch - của nhóm doanh nghiệp "còn sống" của nền kinh tế.

Không chỉ ở Việt Nam, sự tồn tại của doanh nghiệp xác sống đã là thách thức với mọi nền kinh tế sau những sai lầm chính sách kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Trong cả thập kỷ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chính phủ các nước đã “dung dưỡng” sự tồn tại của các công ty “xác sống” (zombie), phá hủy đi sức sáng tạo - vốn là giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tư bản - bằng nguồn tín dụng dễ dãi, gần như cấp không cho doanh nghiệp theo thiên hướng của chủ nghĩa xã hội.

Chuyên gia kinh tế Úc Stephen Bartholomeusz phân tích rằng chính sách cấp tín dụng tràn lan, gần như “cho không” của các chính phủ và ngân hàng trung ương (NHTW) sau GFC 2008 mang tới hậu quả là có tới 12% doanh nghiệp tại Úc và ít nhất là 16% doanh nghiệp tại Mỹ là các doanh nghiệp zombie sau đó.

Đây chính là sự bất công bằng lớn nhất đối với các doanh nghiệp tốt, vì các doanh nghiệp xác sống này gây rủi ro lớn cho thị trường chứng khoán, chiếm hữu tài nguyên, cơ hội sáng tạo của các doanh nghiệp tốt; trong khi những gì chúng tạo ra chỉ một ảo tưởng về tình trạng kinh tế ổn định, tốt đẹp.

Điều này dẫn đến tình trạng nguồn lực toàn xã hội bị lãng phí, tăng trưởng ỳ ạch suốt cả thập kỷ, dòng tiền ‘tràn’ vào các thị trường tài sản rủi ro và tạo bong bóng như bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán với quỹ ETFs hay bong bóng tài sản là chứng khoán phái sinh tại các NHTM lớn nhất toàn cầu…

Một ví dụ điển hình tại Hàn Quốc, vào ngày 23/3/2017, hai ngân hàng quốc doanh là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Hàn Quốc đã đồng ý để Daewoo vay khoản tiền 2,6 tỷ USD và hoán chuyển nợ thành cổ phần để ngăn ngừa nợ xấu. Chưa tới 2 năm sau, công ty đóng tàu Daewoo lại nhận được khoản cứu trợ tương tự, làm tăng thêm gánh nặng cho nợ chính phủ, theo bloomberg.

Thực tế là, việc cứu trợ theo kiểu “bao bọc” của chính phủ sẽ chỉ như một bộ phim kinh dị thực sự với các nền kinh tế, khi mà Zombie sẽ luôn tạo ra nhiều Zombie hơn.

Như vấn đề của Việt Nam hiện nay, việc không cho phá sản ngân hàng yếu kém giai đoạn 2011-2012 theo quy luật của thị trường, thay vào đó là sự bao bọc của chính phủ, cùng với sự tồn tại của các NHTM 0 đồng và khối nợ tại VAMC dường như là một sai lầm chính sách khá lớn: nó không chỉ tác động tới tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ mà còn trực tiếp khiến khu vực doanh nghiệp phải trả chi phí vốn cao hơn so với các đối thủ khác của họ trong khu vực và trên thế giới chỉ vì nợ xấu của các doanh nghiệp khác.

Đâu đó, chúng ta có thể nhìn thấy bóng dáng bài học “hai thập kỷ mất mát” của Nhật Bản do họ đã không xử lý dứt điểm nợ xấu phát sinh trong thập kỷ 1980.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Lãi suất cho vay tại Việt Nam khó hạ: khi doanh nghiệp sống phải ‘cõng’ doanh nghiệp chết