Lại là 'Xanh khổng lồ': Nhà Trắng ‘thúc ép’ tài phiệt phố Wall đặt tiền vào biến đổi khí hậu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đặc phái viên khí hậu John Kerry đang tận dụng các mối quan hệ cá nhân với những người chơi ở Phố Wall, cũng như những lời hứa công khai của các ngân hàng, để giúp tài trợ cho các nỗ lực về biến đổi khí hậu.

Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tại Paris hôm thứ Tư (ngày 10/3) vừa qua, ông Kerry đã thúc giục các ngân hàng tư nhân lớn của Mỹ công bố các cam kết về “tài chính thân thiện với khí hậu” - như một phần của chính sách về biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh Ngày Trái đất của Tổng thống Joe Biden vào tháng tới, theo nguồn tin cho biết.

Hiệp định Khí hậu chỉ nhằm đánh cắp tiền phương Tây?

Theo một ước tính dựa trên mô hình của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Hiệp định Khí hậu Paris có thể khiến một gia đình trung bình gồm 4 người bị mất hơn 20.000 USD/năm, tăng giá năng lượng hộ gia đình lên tới 20% và gây thiệt hại cho nền kinh tế đến 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Vào ngày 4/10, cựu Tổng thống Trump đã chính thức rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định khí hậu “thảm khốc” Paris, đúng một năm sau khi ông Trump giữ cam kết dỡ bỏ “gánh nặng kinh tế không công bằng áp đặt lên người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế Mỹ” - với thỏa thuận về việc ấm lên toàn cầu này.

“Tôi được bầu để đại diện cho công dân của Pittsburgh, không phải Paris”, ông Trump đã tuyên bố ngay những ngày đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Trên thực tế, thỏa thuận thành lập Quỹ Khí hậu Xanh toàn cầu được cho là nhằm mục đích đánh cắp 100 tỷ USD mỗi năm từ Mỹ và châu Âu vào năm 2020, để khuyến khích các nước đang phát triển giảm lượng khí thải của họ.

Quỹ Khí hậu Xanh là kế hoạch lớn nhất trong lịch sử nhằm phân phối lại sự giàu có từ các nước phương Tây - các nước có lượng carbon thấp - sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia phát thải carbon lớn khác.

Vào ngày 16 tháng 1, Breitbart News đưa tin rằng các dự án xanh toàn cầu - liên quan đến Chương trình Môi trường Liên hợp quốc nói rằng: "Cái giá của việc Hoa Kỳ gia nhập lại Hiệp định khí hậu Paris (khuôn khổ được đàm phán bởi chính quyền Obama vào năm 2015, và từ đó chính quyền Trump đã rút lui vào năm 2017) sẽ là tối thiểu 50 tỷ USD/năm, và có lẽ nhiều nhất là 500 tỷ USD/một năm.

Quyết định đúng đắn của TT Trump: 'Rời bỏ’ Hiệp định Khí hậu Paris để cứu nước Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ở thủ đô Washington vào ngày 1 tháng 6 năm 2017. "Kể từ hôm nay, Hoa Kỳ sẽ ngừng tất cả việc thực hiện hiệp định Paris không ràng buộc và những gánh nặng kinh tế và tài chính hà khắc mà hiệp định áp đặt lên đất nước chúng ta", ông Trump nói. (Ảnh: AFP PHOTO / SAUL LOEB qua Getty Images)

‘Tài chính thân thiện khí hậu’

Tuy nhiên, một lệnh hành pháp mới về tài chính khí hậu đang được thúc đẩy bởi nhóm của Kerry và Nhà Trắng.

Ông Kerry đang tận dụng các mối quan hệ cá nhân với những người chơi ở Phố Wall cũng như lời hứa trước công chúng của các ngân hàng - để cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hoặc phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận khí hậu Paris.

Rachel Kyte, người lãnh đạo phát triển bền vững tại Ngân hàng Thế giới (WB) và là đặc phái viên của WB về vấn đề biến đổi khí hậu cho biết: “Có một sự cấp bách về thời gian. Đó là một món khoai tây nóng hổi về mặt chính trị mà Kerry đang phải đối phó".

Ông Kerry được cho là đã cố thuyết phục các ngân hàng về việc thành lập một liên minh ngân hàng cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) của Hoa Kỳ, theo các cam kết về khí hậu từ sáu ngân hàng lớn ở Phố Wall là Citi, Wells Fargo, Bank of America, Morgan Stanley, JPMorgan Chase và Goldman Sachs.

JPMorgan Chase cho biết các khoản cho vay của họ sẽ phù hợp với thỏa thuận Paris, mặc dù Kerry và nhóm của ông đang thúc đẩy các cam kết tài chính cụ thể hơn như một phần của nỗ lực này.

‘Xanh hóa’ các hoạt động cho vay

Ông Kerry cũng muốn các ngân hàng có những hành động rõ ràng trong ngắn hạn vào năm 2030, điều này sẽ phù hợp với lịch trình của chính quyền Biden về mục tiêu phát thải mới - như một phần của quy trình Thỏa thuận khí hậu Paris.

Trong các cuộc họp với các chủ ngân hàng, ông Kerry đã đưa ra lời kêu gọi rằng chỉ riêng khu vực công thì không thể xúc tác cho hàng nghìn tỷ USD đầu tư cần thiết để chế ngự lượng khí thải đang gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển - khi phải đưa ra quyết định đầu tư vào điện và cơ sở hạ tầng giao thông sẽ kéo dài hàng thập kỷ.

Các nhà hoạt động vì khí hậu muốn ông Biden và ông Kerry gây áp lực nhiều hơn lên những người chơi ở Phố Wall này. Họ cho rằng các cam kết của các ngân hàng trong việc “xanh hóa các hoạt động cho vay” là “quá mơ hồ và đầy lỗ hổng”, và họ lo lắng các tổ chức tài chính sẽ lựa chọn các giải pháp có vấn đề như: Mua bù đắp carbon để cho phép họ tiếp tục tài trợ cho cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch.

Đặc phái viên của Tổng thống về Khí hậu, John Kerry, phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington, vào ngày 27/1/2021. (Drew Angerer / Getty Images)

Ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng với một chương trình nghị sự mở rộng bao gồm: chế ngự đại dịch Covid-19, định hình lại sự phục hồi kinh tế, cải cách chính sách khí hậu và xem xét lại sức mạnh của các công ty công nghệ.

Các động thái của ông Kerry diễn ra đồng thời với Mark Carney, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, người đang dẫn đầu các nỗ lực tài chính cho các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc - dự kiến ​​diễn ra tại Glasgow, Scotland, vào tháng 11/2020.

Ông Kerry đã tổ chức các cuộc họp với các nhóm ngân quỹ ở Anh và EU trong chuyến công du châu Âu gần đây của ông. Alden Meyer, một cộng sự cấp cao của tổ chức E3G, cho biết: “Rõ ràng, Kerry đang cố gắng khai thông trong lĩnh vực tài chính”.

Mỹ sẽ đóng vai trò hàng đầu trong cuộc thảo luận đó tại G20, nơi nước này sẽ đồng chủ trì một nỗ lực "tài chính bền vững" với Trung Quốc - quốc gia có tỷ trọng phát thải cao nhất (23%), chỉ được yêu cầu “đạt ngưỡng phát thải carbon không muộn hơn năm 2030”. Nói cách khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể làm bất cứ điều gì họ muốn cho đến năm 2030, không có giới hạn chặn trên đối với lượng khí thải.

Ông Kyte, hiện là trưởng khoa tại Trường Fletcher của Đại học Tufts, cho biết: “Những gì nhóm của Kerry đang làm là khám phá những cơ chế và nền tảng cho phép đầu tư công và tư trên quy mô lớn”.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (2-L) và Đặc phái viên của Tổng thống về Khí hậu John Kerry (L) chứng kiến ​​Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký các lệnh hành pháp sau khi phát biểu về giải quyết biến đổi khí hậu, tạo việc làm và khôi phục tính toàn vẹn khoa học trong Phòng tiệc State Dining Roon của Nhà Trắng ở Washington ngày 27/1/2021. ((MANDEL NGAN / AFP qua Getty Images)
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và Đặc phái viên của Tổng thống về Khí hậu John Kerry chứng kiến ​​Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký các lệnh hành pháp, sau khi phát biểu về giải quyết biến đổi khí hậu, tạo việc làm và khôi phục tính toàn vẹn khoa học trong Phòng tiệc State Dining Room của Nhà Trắng ở Washington ngày 27/1/2021. (MANDEL NGAN / AFP qua Getty Images)

Tư bản xanh: Sự kết hợp toàn cầu của ‘Xanh khổng lồ’ và ‘Tiền khổng lồ’

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) - ngân hàng trung ương (NHTW) của quốc gia, đã chính thức tham gia “Mạng lưới các Ngân hàng Trung ương và Giám sát để Xanh hóa Hệ thống Tài chính” (NGFS). Đó là “Xanh hóa” như trong “chủ nghĩa môi trường” - là “Thỏa thuận mới xanh”, giờ đây nó sẽ là Tư bản xanh - sự kết hợp toàn cầu của "Xanh khổng lồ" và "Tiền khổng lồ".

Thật thú vị khi lưu ý rằng trong quá khứ, đảng Dân chủ chủ yếu là thù địch với các tổ chức tài chính lớn, coi họ là trụ cột của tư bản. Và ngày nay, phe “Xanh khổng lồ” đang cổ vũ cho các nhà tài chính.

Tại sao lại có sự xuất hiện này? Bởi vì NGFS là một tổ chức “xanh môi trường“ - có thể thông qua đó kiểm soát và định hướng trong việc theo đuổi “tính bền vững” - cụm từ thông dụng ưa thích trong hệ sinh thái của chủ nghĩa môi trường, biến đổi khí hậu.

Như NGFS đã nói về chính mình - sứ mệnh của họ là “đóng góp vào sự phát triển của quản lý rủi ro môi trường và khí hậu trong lĩnh vực tài chính - nhằm huy động nguồn tài chính chủ yếu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế bền vững”.

Vì vậy, bây giờ chúng ta đang bắt đầu hình dung: NGFS là sự kết hợp toàn cầu của “Xanh khổng lồ” và “Tiền khổng lồ” (Big Green và Big Money), còn được gọi là Tư bản tân thời hay là “Tư bản xanh”.

Điều gì đằng sau liên minh chính trị-khoa học rất rõ ràng về biến đổi khí hậu này?

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, quan chức Ottmar Edenhofer của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra một số tuyên bố thú tội đáng kinh ngạc:

“Về cơ bản, thật là một sai lầm lớn khi thảo luận chính sách khí hậu tách biệt với các chủ đề chính của toàn cầu hóa… Phải nói rõ rằng chúng ta phân bổ lại thực tế sự giàu có của thế giới bằng chính sách khí hậu… Mọi người phải giải phóng bản thân khỏi ảo tưởng rằng chính sách khí hậu quốc tế là chính sách môi trường. Điều này hầu như không liên quan gì đến chính sách môi trường với các vấn đề như phá rừng hay lỗ thủng tầng ôzôn nữa”.

Nghe có vẻ quen phải không? Toàn cầu hóa. Phân phối lại của cải. Thỏa thuận Xanh Mới. Tái lập Vĩ đại... có mẫu số chung là Biến đổi khí hậu. Đây đơn giản chỉ là một hình thức mới của chủ nghĩa xã hội mà thôi.

Lê Minh - Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Lại là 'Xanh khổng lồ': Nhà Trắng ‘thúc ép’ tài phiệt phố Wall đặt tiền vào biến đổi khí hậu