Kỳ vọng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021: Khó hay dễ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cả năm 2020, các chính sách nhằm làm giảm lãi suất cho vay đã tỏ ra không hiệu quả, mức lãi suất cho vay bình quân giảm không đáng là bao so với kỳ vọng. Năm 2021, với bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, hy vọng giảm mặt bằng lãi suất cho vay khi các ngân hàng lãi lớn thậm chí còn khó hơn nhiều so với năm 2020. Và dưới đây là các lý do...

Doanh nghiệp đang rất khó khăn trừ một số ông lớn trong ngành kinh doanh bất động sản (BĐS), nguyên vật liệu xây dựng và tài chính. Các ông lớn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tại 3 ngành này đã báo cáo mức lãi khủng trong mùa đại dịch. Sở dĩ như vậy vì cầu tiêu dùng yếu, ngành sản xuất điêu đứng. Tuy nhiên, do dòng tiền dư thừa, lạm phát thấp, lãi suất thấp, cung tiền lớn đã thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường nợ phát triển, thúc đẩy thị trường (BĐS). Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng cũng tăng trở lại do nguồn cung hạn chế trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn kinh doanh trong các ngành thuận lợi này. Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp phân phối hàng tiêu dùng cho biết: Mọi năm vào thời điểm này, doanh số bán hàng của công ty thường tăng đến 30% do nhu cầu mua sắm đồ dùng cho mùa hè, thậm chí cao hơn, nhưng từ năm ngoái đến nay, tình hình vô cùng khó khăn. Trong đại dịch, người tiêu dùng chi tiêu rất ít, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thực sự thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên thì vẫn phải duy trì (theo báo Nhân Dân).

Một cuộc khảo sát 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tiến hành mới đây cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% nghiệp tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Làn sóng Covid-19 thứ tư khiến hơn 100,000 người Việt Nam phải cách ly tại nhà, đóng cửa ít nhất 4 khu công nghiệp lớn với doanh số hàng năm lên đến hàng tỷ USD và ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của hàng trăm ngàn lao động.

Thực trạng này sẽ khiến cầu tiêu dùng tiếp tục giảm sâu, sản xuất tiếp tục đình đốn và hầu hết doanh nghiệp Việt cần được tiếp sức để tồn tại trong 2021, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực kinh tế thực.

Đáp lại lời kêu gọi giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã tiếp tục gia hạn chính sách giãn, giảm và khoanh vùng nợ của các doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19 đến hết năm 2021. Giảm lãi suất cho doanh nghiệp đã trở thành mục tiêu nổi cộm của các nhà hoạch định chính sách năm 2021. Nhưng khả năng cao là mặt bằng lãi suất sẽ giảm không nhiều, mặc dù các ngân hàng đã báo lãi khủng trong năm 2020, trong quý 1/2021 và các chính sách hỗ trợ đang tiếp tục được gia hạn.

Thực tế, sau 3 lần cắt giảm mạnh lãi suất điều hành năm 2020, tổng mức giảm của lãi suất điều hành là 1,5 - 2,0%/năm nhưng lãi suất cho vay bình quân không giảm đáng kể như kỳ vọng, chỉ giảm được 0,6-0,8%. Mức bình quân này là tính cả những khoản cho vay ưu đãi với lãi suất rất thấp theo các chương trình cứu trợ của chính phủ.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước giảm từ 7%/năm xuống 5%/năm.

Giống như năm 2020, lãi suất cho vay năm 2021 vẫn chưa giảm sâu như kỳ vọng, tốc độ giảm lãi suất huy động bình quân cao hơn nhiều lãi suất cho vay bình quân, việc hạ lãi suất sẽ khó khăn hơn nữa do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nợ xấu cao hơn và nợ xấu “ẩn” còn chưa được tính vào khối nợ đang báo cáo. Nợ xấu của các NHTM đang niêm yết trên TTCK đã tăng khá mạnh trong quý I/2021. NHTM niêm yết đều là các ông lớn có hoạt động lành mạnh nhất và sức mạnh tài chính tốt nhất trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Nhưng nợ xấu tăng trong quý I/2021 là dấu hiệu đương nhiên dù các ông lớn này đang lãi khủng nhờ các khoản cho vay BĐS, cho vay chứng khoán, đầu tư giấy tờ có giá. Các phân khúc cho vay doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa tiêu dùng… sẽ phải đối mặt với nhiều tài sản xấu (theo logic).

Nợ xấu ngân hàng thương mại niêm yết đang tăng cao trong quý 1/2021 (Nguồn: Cafef)
Nợ xấu ngân hàng thương mại niêm yết đang tăng cao trong quý 1/2021 (Nguồn: Cafef)

Nhưng ngoài khoản nợ xấu đã báo cáo ở trên ra, thì còn nợ xấu “ẩn” chưa đưa vào hạch toán, đó là các khoản nợ được khoanh, giảm, giãn nợ cho các doanh nghiệp khó khăn về Covid-19 năm 2020. Nếu gỡ bỏ chính sách này, bao nhiêu phần trăm trong số các khoản nợ này sẽ thực sự trở thành nợ xấu? Bao nhiêu doanh nghiệp đã không thể phục hồi sau năm 2020? Và hiện nay, chính sách này sẽ được duy trì tới hết 31/12/2021 theo Thông tư 03. Sau 2021, khối nợ xấu “ẩn” sẽ còn tiếp tục tăng.

Một khoản nợ xấu “ẩn” khác sẽ không bị hạch toán nợ xấu nhưng cũng buộc các NHTM phải chi trả bằng trích lập dự phòng rủi ro, đó là các khoản nợ của họ mà VAMC đang ôm giữ. Một số NHTM lớn và khỏe mạnh đã hết nợ với VAMC, nhưng rất nhiều ngân hàng thương mại chưa làm được điều này vì khối tài sản xấu của họ không thể phát mại. Các NHTM này vẫn phải định kỳ trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu mà VAMC đang nắm giữ.

Điều này nói lên rằng chi phí tài chính của các NHTM là rất lớn. Khi chi phí vốn còn lớn, thậm chí có nguy cơ lớn hơn trong năm 2021 thì khả năng họ có thể giảm lãi suất như năm 2020 là khó chứ chưa nói tới giảm sâu hơn.

Thứ hai, dư địa chính sách tiền tệ không còn đáng kể. Năm 2020, lần đầu tiên sau cả một thập kỷ, chúng ta được chứng kiến SBV sử dụng công cụ lãi suất cơ bản, hạ 03 lần liên tiếp, hạ tới 2,5%. Năm 2021, dư địa hạ lãi suất cơ bản không còn là bao. Mặt khác, hiệu quả của việc hạ lãi suất cơ bản với giảm mặt bằng lãi suất cho vay bình quân trong năm 2020 là rất hạn chế. Điều này có thể sẽ lặp lại trong năm 2021 vì các rào cản cho việc hạ lãi suất cho vay bình quân chưa thể xử lý trong một vài năm.

Thứ ba, lạm phát rất có thể sẽ tăng cao trở lại khiến lãi suất khó hạ. Nếu như năm 2020 lạm phát không phải là vấn đề cần lưu ý, thì năm 2021 tình hình đã khác. Tuy hiện giờ lạm phát vẫn được các nhà hoạch định chính sách Việt Nam của Bộ Kế hoạch Đầu tư, các chuyên gia kinh tế tài chính khẳng định “có thể kiểm soát” ở mức 4%, nhưng khi lạm phát manh nha gia tăng lại tại nhiều ngõ ngách trên thế giới thì việc kiểm soát này hết sức khó khăn. Giá hàng hóa tăng do cầu phục hồi cũng khiến áp lực giá đẩy tăng lên theo.

Fed mới hôm qua vừa truyền đi thông điệp có thể xem xét tăng lãi suất vào một vài kỳ họp tới đây do lạm phát tăng cao hơn kỳ vọng trong tháng 4 vừa qua.

Tất cả những biến động này khiến lạm phát của Việt Nam có thể phải co kéo cẩn trọng mới đạt mức mục tiêu là 4% năm 2021. Lạm phát hiển nhiên sẽ làm tăng áp lực lên lãi suất khi các NHTM buộc phải tìm kiếm mức lãi suất thực dương mới có thể huy động được tiền từ dân cư. Điều này khiến chi phí vốn của NHTM gia tăng khiến họ khó lòng giảm lãi suất cho vay bình quân như lời kêu gọi của chính phủ và các cơ quan ban ngành đang quản lý họ.

Thứ tư, từ tháng 10 năm 2021, các NHTM sẽ phải tuân thủ chính sách giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong tổng nguồn huy động ngắn hạn. Các NHTM đáng lẽ phải áp dụng chính sách này từ năm 2020, nhưng do đại dịch nên lộ trình thực hiện giảm tỷ lệ an toàn này được lùi xuống một năm, sẽ phải tuân thủ vào tháng 10/2021.

NHNN ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, lộ trình giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của các ngân hàng được lùi thêm một năm. Cụ thể, từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022 giảm còn 37%. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2023 giảm còn 34% và từ ngày 01 tháng 10 năm 2023 là 30%.

Không biết liệu SBV có cân nhắc việc lùi lại lộ trình thực hiện chính sách này thêm 1 năm nữa không. Nếu không được gia hạn, việc giảm tỷ cho vay trung và dài hạn trong tổng huy động vốn ngắn hạn sẽ làm NHTM phải tái cơ cấu lại danh mục, làm tăng chi phí vốn.

Cả 4 lý do trên đây đều dẫn tới việc tăng thêm chi phí vốn cho các NHTM trong nước hoặc không giúp các NHTM trong nước giảm chi phí vốn, do vậy, không dễ dàng giảm lãi suất trong năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thanh Đoàn

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/mat-bang-lai-suat-cho-vay-da-giam-binh-quan-tu-06-08-330770.html
  2. https://cafef.vn/24-ngan-hang-co-no-xau-91244-ty-dong-rui-ro-leo-thang-2021052008365906.chn
  3. https://baodautu.vn/chinh-thuc-hoan-siet-ty-le-von-ngan-han-cho-vay-trung-dai-han-them-1-nam-d128020.html?fbclid=IwAR0F8x0SPCGKTRLvlLFCztMnZE5pkbMihrakDY7nyIqDqONNE7DRc42OI7o



BÀI CHỌN LỌC

Kỳ vọng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021: Khó hay dễ?