Kỷ lục bất thường của TTCK: Các nhà đầu tư mới đổ xô vào mua hàng hóa bán ròng của khối ngoại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù chưa đi được nửa chặng đường của năm 2021 nhưng sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 đã vượt xa so với dự báo của bất cứ chuyên gia và khối phân tích thị trường của các công ty chứng khoán. Khối ngoại bán ròng, doanh nghiệp bị thu hẹp, khu vực kinh tế thực đình trệ nhưng số lượng các tài khoản cá nhân mới gia nhập thị trường tăng kỷ lục.

Nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình đốn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng chóng mặt, khối ngoại bán ròng khối lượng lớn hàng hóa trên thị trường chứng khoán… thì có vẻ như TTCK không còn là hàn thử biểu của nền kinh tế thực mà là hàn thử biểu của chính sách tiền rẻ và đầu cơ. Bởi vậy, rủi ro với các nhà đầu tư mới trên TTCK là rất lớn

TTCK liên tiếp lập kỷ lục

Số tài khoản mới mở trong 5 tháng 2021 bằng cả năm 2020 gộp lại

Trong tháng 1/2021, theo số liệu công bố từ Trung tâm lưu ý Chứng khoán ghi nhận 86.107 tài khoản cá nhân trong nước. Tháng 3, số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 tiếp tục tăng vọt lên mức 113.191 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường.

Bước sang tháng 4, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới thêm 109.998 tài khoản mới. Đến tháng 5, số tài khoản mới mở trong 5 tháng 2021 bằng cả năm 2020 gộp lại.

Đặc biệt nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng mở mới tài khoản tới 512 tài khoản, tăng nhẹ so với tháng trước (502 tài khoản) và cũng là tháng thứ 2 đạt ngưỡng kỷ lục trên 500 tài khoản kể từ giữa năm 2018.

Điều này được lý giải là do đại dịch Covid-19 gây đình trệ tiêu dùng sản xuất, lãi suất ngân hàng xuống mức thấp, tiền rẻ vì thế vô biên đã tìm đến kênh chứng khoán và bất động sản để đầu tư sinh lợi.

Ngoài ra, margin dễ dãi cũng là nguyên nhân rất lớn góp phần vào hiện tượng này, khiến các nhà đầu tư không chuyên cũng muốn “nhảy vào” TTCK.

Trước cơn khát margin của làn sóng nhà đầu tư F0, đã xuất hiện công ty chứng khoán đang cho vay vượt trần, áp sát hạn mức theo quy định.

Theo thống kê của VnEconomy, hơn 30 công ty chứng khoán trên thị trường tính đến 31/3/2021 đã cho nhà đầu tư vay hơn 110.000 tỷ đồng, đây được xem là mức kỷ lục cho vay margin của chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh thanh khoản mỗi phiên được tính theo giá trị tỷ đô.

Những công ty chứng khoán có dư nợ cho vay bao gồm margin và người bán ứng tiền trước tăng mạnh nhất có thể kể đến như Mirae Asset với giá trị 13.893 tỷ đồng tăng 25%; SSI với 11.122 tỷ đồng tăng 20,6% so với quý 1/2020. Nhiều đơn vị khác cũng cho vay margin đạt mức kỷ lục so với thời điểm trước đó như HSC 8.876 tỷ đồng; TCBS với 6.015 tỷ đồng; VPS 6.341 tỷ đồng; VND với 6.536 tỷ đồng…

Nhiều công ty chứng khoán vượt trần hoặc trong tình trạng áp sát mức trần giới hạn. Tại MBS, giá trị các khoản cho vay 4.734 tỷ đồng; gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này ở Chứng khoán Mirae Asset là 1,8 lần; ở HSC là 1,86 lần; ở Chứng khoán Yuanta Việt Nam là 1,9 lần; KBSV là 1,7; TVSI là 1,76 lần… Tỷ lệ này thuần margin, chưa tính đến khoản ứng trước tiền bán. Nếu tính cả ứng trước tiền bán và margin thì tỷ lệ vượt 2 của các công ty chứng khoán không phải hiếm.

Nguồn tiền khổng lồ đẩy vào sàn giao dịch tạo thành ‘cơn sốt’ chứng khoán

Tiền mới trong nước đồ vào vô biên đã khiến HOSE liên tục rơi vào tình trạng “đơ”, nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư bức xúc những phiên đầu năm.

Trong tháng 4/2021, thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất với tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trong tháng đạt trên 14,51 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt trên 366.944 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 18.347 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 725,93 triệu cổ phiếu/phiên, đây là mốc lịch sử của thanh khoản chứng khoán Việt Nam.

Bước sang tháng 5, ghi nhận giá trị khớp bình quân toàn thị trường hơn 23.000 tỷ đồng tương đương gần 1 tỷ USD chưa bao gồm giao dịch thỏa thuận, có riêng những phiên đạt đến 23.000 tỷ đồng.

Vốn hoá thị trường chứng khoán tính đến tháng 4/2021 bao gồm HSX, HNX, UpCOM là 4,65 triệu tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 3,4 triệu tỷ đồng vào tháng 4/2020. Đây cũng là con số kỷ lục của vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam.

Khối ngoại bán ròng suốt 5 tháng qua

Xu hướng này bắt đầu từ khoảng tháng 10/2020 và trở nên mạnh hơn kể từ sau Tết Nguyên đán 2021. Tính từ ngày 1/1/2021 đến hết 25/5/2021, khối ngoại đã bán ròng 24.277 tỷ đồng chỉ tính riêng trên sàn HOSE. Nếu tính cả HNX và UpCOM, ước tính giá trị khối ngoại xả ròng lên đến gần 25.000 tỷ đồng.

Đây là con số kỷ lục của khối ngoại bán ròng, cao hơn số bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (15.214 tỷ đồng). Trong khi đó những năm 2017, 2018, 2019 đều ghi nhận giá trị mua ròng từ nhà đầu tư nước ngoài.

Mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài theo tháng (tỷ đồng).

Theo thống kê Hose, trong số các mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm phải nhắc đến VNM với tổng giá trị bán ròng lên đến 6.500 tỷ đồng; HPG với giá trị bán lên đến gần 6.000 tỷ đồng. Các cổ phiếu nhóm ngân hàng như CTG, VPB cũng bị khối ngoại bán ròng suốt từ đầu năm dù cho cổ phiếu nhóm này bứt phá và liên tục vượt đỉnh cũ.

Trong khi khối ngoại bán ròng thì các nhà đầu tư trong nước lại liên tiếp mua vào. Có lạ không khi hơn 90% thanh khoản của thị trường do vốn nội cân hết?

Theo thống kê từ dữ liệu của Fiin Group, tháng 3/2021 - khi nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh và nhà đầu tư tổ chức đều bán ròng thì các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng tới 19.800 tỷ đồng. Nếu tính từ tháng 7/2020, khối nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 34.000 tỷ đồng.

Kinh doanh, sản xuất trong nước ảm đạm

Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng đột biến

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào đến nhiều tài sản đều lần lượt tăng giá. Chẳng hạn sắt thép, xi măng đã tăng từ 35 - 40%, bắp, đậu, cám gạo tăng mạnh từ 20 - 70%; giá xăng hiện nay cũng vượt 19.000 đồng/lít, tăng gần 14% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước; giá nhà đất cũng bật tăng mạnh.

Áp lực lạm phát trong nước do giá hàng hóa thế giới tăng ngày một rõ nét. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,43% so với tháng 12/2020 và tăng 2,9% so với tháng 5/2020. Bình quân 5 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 5 tháng tăng 0,82%.

Trong số hàng hóa nhập khẩu thì sắt thép có giá bán tăng đột biến nhất, Trung Quốc cũng dẫn đầu đưa vào thị trường Việt Nam 2,63 triệu tấn, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2020. . (Ảnh: moit.gov.vn)

Doanh nghiệp điêu đứng, sản xuất đình trệ

Trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường đã ghi nhận 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp bị thu hẹp lại tới 4,000 doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3%; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương mỗi ngày có 400 doanh nghiệp.

Con số này lớn hơn nhiều so với số lượng doanh nghiệp bình quân phải rời bỏ thị trường năm 2020 là 8,9 nghìn doanh nghiệp, bình quân mỗi ngày 280 doanh nghiệp rời bỏ thị trường.

Báo Doanh nghiệp và Tiếp thị đăng tải, đợt bùng phát dịch thứ tư này đang gây ảnh hưởng, thiệt hại hết sức nặng nề cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo tính toán nhanh từ các hiệp hội ngành hàng, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh... kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.

Các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị "đóng băng" gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc.

Một số ngành tiếp tục giảm doanh thu, hoạt động như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, vận tải…

Lo lắng nhất thời điểm này là tình hình dịch bệnh đã khiến nhiều khu công nghiệp (KNC) phải đóng cửa, nhiều KCN vừa sản xuất vừa chống dịch. Hiện cả nước có trên 300 khu công nghiệp - khu vực đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Sản lượng hàng hóa của các khu vực công nghiệp trọng điểm phía Bắc, cụ thể là Bắc Ninh và Bắc Giang và Vĩnh Phúc được dự báo sụt giảm 50% kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng của các chuỗi vận tải logistics liên quan.

Hiệp hội Dệt may có một tính toán nhanh, nếu một doanh nghiệp bị cách ly giãn cách, không làm việc từ 14 - 21 ngày kế hoạch sản xuất 1 năm bị tan vỡ và đứng trước nguy cơ phá sản. Với hàng nghìn người lao động sẽ bị mất việc không còn thu nhập".

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhìn nhận, sau một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện rất khác so với năm 2020. Rất nhiều DN đã không thể trụ được, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới tạm thời.

Trong một nền kinh tế lành mạnh, TTCK, ngân hàng sẽ phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Nhưng hiện nay, TTCK và ngân hàng phát triển mạnh chưa từng có, còn kinh doanh, sản xuất lại phá sản, lao đao vì dịch bệnh, vì giá đầu vào tăng.

Rõ ràng, đây không còn là một điều bình thường nữa. Khi đến hàn thử biểu cũng hỏng, có lẽ nền kinh tế cũng đã bị méo mó đi rất nhiều hoặc đơn giản là chính sách tiền tệ không còn hiệu quả nữa, trở thành chính sách khuyến khích đầu cơ thay vì đầu tư.

Thực tế, thay vì vốn vào sản xuất kinh doanh, ngân hàng đang tìm kiếm tăng trưởng vào các khoản vay ở các lĩnh vực chấp nhận lãi suất cao, các kênh sinh lời cao nhưng rủi ro, điều này báo hiệu nguy cơ bong bóng chứng khoán, bong bóng tài sản đang ngày càng phình to. Trong bối cảnh như vậy, khối ngoại bán ròng suốt 5 tháng đầu năm 2021 và các nhà đầu tư cá nhân mới trên TTCK đạt mức kỷ lục, thúc đẩy thị trường tiếp tục tăng nóng.

Tâm Chính



BÀI CHỌN LỌC

Kỷ lục bất thường của TTCK: Các nhà đầu tư mới đổ xô vào mua hàng hóa bán ròng của khối ngoại