Kinh tế Việt Nam có cơ hội vượt qua Thái Lan hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo Nhà đầu tư (Longtunman – Thái Lan) ngày 6/12/2020 đã đặt ra câu hỏi liệu kinh tế Việt Nam có cơ hội vượt qua Thái Lan hay không và liệu bao giờ có thể vượt qua. Các phân tích chỉ ra dù đạt mức tăng trưởng tốt nhất như 10 năm trước đại dịch, Việt Nam có thể phải mất tới 20 -24 năm nữa để bắt kịp nền kinh tế này...

Chúng ta đang ở đâu?

Năm 2019, Thái Lan có quy mô nền kinh tế là 16,4 nghìn tỷ THB, đứng thứ 22 trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người là 236.000 THB (khoảng 180 triệu VND) một năm, đứng ở vị trí thứ 82 của thế giới.

Trong khi đó quy mô nền kinh tế của Việt Nam vào năm 2019 là 7,9 nghìn tỷ THB, thu nhập bình quân đầu người là 82.000 THB (62 triệu VND) một năm, đứng thứ 135 thế giới.

Tính tới thời điểm hiện tại, nền kinh tế Thái Lan hiện vẫn lớn gấp đôi so với Việt Nam, trong khi thu nhập của người Thái cao gần gấp 3 lần so với người Việt. Nếu nhìn vào đây thì chúng ta có thể thấy là kinh tế Thái Lan vẫn vượt trên Việt Nam khá xa.

Cần 20 - 24 năm nữa để Việt Nam bắt kịp Thái Lan

Nhưng các chuyên gia Thái Lan đã dẫn chứng sự cách biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 năm qua giữa Thái Lan và Việt Nam và giả định một tốc độ tăng trưởng như vậy trong 10 năm tới để lo lắng rằng Việt Nam có thể đuổi kịp quy mô của nền kinh tế Thái trong 20 - 24 năm nữa

Trong giai đoạn 2009-2019, kinh tế Thái tăng bình quân 3% một năm trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức bình quân là 6% một năm.

Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, cả Thái Lan và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kinh tế Thái Lan năm nay tăng trưởng âm 6,1%, còn kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dương ở mức 2,91%.

Trang Đầu tư của Thái Lan giả định rằng bệnh dịch này đã qua và nền kinh tế của cả hai nước tăng trưởng trở lại với tốc độ trung bình giống như giai đoạn 2009-2019, tức là Thái Lan tăng trưởng 3%/năm và Việt Nam tăng trưởng 6%/năm, thì phải mất ít nhất 24 năm kể từ bây giờ để quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan.

Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào bản chất vấn đề, thì Việt Nam đang phát triển với nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn (so với Thái Lan). Cụ thể Việt Nam hiện có dân số hơn 97 triệu người, lớn thứ 15 trên thế giới và dự kiến ​​sẽ tăng lên 111 triệu trong vòng 30 năm tới. Trong khi đó Thái Lan có dân số xấp xỉ 69 triệu người, đứng thứ 20 trên thế giới và dự kiến ​​dân số Thái Lan sẽ không tăng và duy trì ở vào khoảng 60-69 triệu trong 30 năm tới.

Tuổi bình quân của người Việt Nam hiện nay là 32 tuổi trong khi tuổi trung bình của người Thái là 40. Dân số trong tương lai của Việt Nam lớn hơn Thái Lan, và độ tuổi trung bình của người Việt Nam thấp hơn người Thái; điều đó có thể tạo cho Việt Nam lợi thế hơn Thái Lan về nhiều mặt, đặc biệt là về lực lượng lao động sản xuất.

Năm 2020, Việt Nam có lực lượng lao động là 58 triệu người, trong khi ở Thái Lan có 38 triệu người. Lực lượng lao động trẻ và đông đảo đã làm cho giá nhân công của Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan.

Mức lương tối thiểu của Việt Nam vào khoảng 132-190 THB (100 đến 140 nghìn VND) mỗi ngày, trong khi mức lương tối thiểu của Thái Lan là khoảng 313-336 THB (240 đến 250 nghìn VND) mỗi ngày.

Giá nhân công thấp là một trong những yếu tố quan trọng giúp thu hút nhiều công ty nước ngoài chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam trong thời gian qua, chẳng hạn như: Samsung, công ty công nghệ lớn đến từ Hàn Quốc; LG, nhà sản xuất và phân phối thiết bị điện tử lớn đến từ Hàn Quốc; Foxconn, nhà sản xuất thiết bị cho Apple hay Panasonic, nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn đến từ Nhật Bản.

Ngoài yếu tố tiền lương, còn nhiều các yếu tố khác giúp Việt Nam thu hút được nhiều Quỹ đầu tư vào trong nước chẳng hạn như kỹ năng lao động cũng như chính sách hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển các cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về Việt Nam.

Về vấn đề dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như đầu tư thành lập nhà máy sản xuất, cũng lại là một con số thú vị khác.

Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam năm 2011, con số này là 222 tỷ THB. Năm 2019 là 465 tỷ THB.

Trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Thái Lan năm 2011 là 74,1 tỷ THB. Năm 2019 là 189 tỷ THB.

FDI vào Thái Lan sau khi đạt đỉnh 477 tỷ THB vào năm 2013 thì đã không bao giờ quay trở lại được mức đó cho đến tận ngày nay.

Do vậy, các nhà phân tích kinh tế của Thái Lan tin rằng Việt Nam tiếp tục phát triển trong một thời gian khá dài và vẫn có thể tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 6% mỗi năm, và nếu nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng với tốc độ trung bình thấp hơn (so với mức 3%) thì nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể bắt kịp Thái Lan nhanh hơn, có lẽ từ 24 năm đến 20 năm, hoặc có thể mất ít thời gian hơn nếu nền kinh tế Thái Lan đứng yên.

Câu hỏi đặt ra là liệu Kinh tế Việt Nam có thể thực sự vượt qua Thái Lan? Câu trả lời là nếu trong 5 đến 10 năm nữa thì điều này sẽ vẫn khó xảy ra, nhưng nếu về lâu dài, trong 20-30 năm tới, thì Thái Lan phải chấp nhận rằng điều đó là "có khả năng".

Trường Giang



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Việt Nam có cơ hội vượt qua Thái Lan hay không?