Kinh tế về đâu? 3 chuỗi cung ứng lớn đứng trước nguy cơ đổ vỡ và những lời kêu cứu tuyệt vọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Lệnh hạn chế đi lại mỗi khu vực và địa phương thực hiện một kiểu dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất. Nhiều doanh nghiệp không phản ứng kịp khi thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu… Quan niệm “hàng thiết yếu” mỗi nơi mỗi khác nên gây cản trở hoạt động vận chuyển và lưu thông hàng hóa” (Nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

Làn sóng Covid-19 thứ 4 cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong 8 tháng năm 2021 có tới 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ, trong đó TP. HCM có tới 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui.

Ba chuỗi cung ứng lớn đối mặt nguy cơ đổ vỡ

Theo VnEconomy, nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố báo cáo “Khuyến nghị chính sách tháo gỡ đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách trong đại dịch Covid-19” gửi đến Thủ tướng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và Ban Kinh tế Trung ương.

Theo nhóm này, hiện có 3 chuỗi cung ứng lớn đứng trước nguy cơ đổ vỡ:

  • Chuỗi cung ứng mặt hàng chế biến, chế tạo như điện, điện tử, máy móc thiết bị… bị đứt gãy liên quan tới các khu vực bị nhiễm dịch mạnh, như TP. HCM. Trong đó, chuỗi cung ứng ngành ô tô có bị ảnh hưởng, tuy nhiên, nguyên nhân không phải do Covid, mà nguyên nhân là do hạn chế thương mại của Mỹ đối với các nhà sản xuất chip, vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc.
  • Chuỗi cung ứng mặt hàng thủy sản và nông sản gián đoạn do lao động bị cách ly, giãn cách, gây đình trệ lưu thông. Việc nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển gây ra đứt gãy.
  • Chuỗi cung ứng hàng dệt may đứt gãy do lao động bị giãn cách, điều kiện sản xuất 3 tại chỗ, hay 1 cung đường 2 hoặc 3 điểm đón chưa phù hợp với tất cả các địa phương khác nhau và bối cảnh giãn cách theo Chỉ thị 16+.

Dù doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai hàng loạt các biện pháp, sáng kiến ứng phó với khó khăn, nhưng đứt gãy nguồn lao động do giãn cách, giá nguồn nguyên vật liệu tăng cao và tình trạng ngăn cấm di chuyển giữa các khu vực, các địa phương khiến các doanh nghiệp không thể đảm bảo giao hàng kịp thời, đúng thời gian theo hợp đồng với đối tác, nhiều doanh nghiệp đứng trước sức ép phải tăng giờ làm cho số lao động tự nguyện và có nguy cơ vi phạm số giờ tăng ca theo quy định của Bộ Luật lao động.

Nhân viên làm việc trong một nhà máy sản xuất khẩu trang bảo hộ ở tỉnh Thái Nguyên, miền bắc Việt Nam vào ngày 6 tháng 2 năm 2020.(Ảnh của NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)

Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cung ứng và suy giảm kinh tế ngày càng trầm trọng, nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất Chính phủ và ban ngành trung ương cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn, cũng như cho phép các lao động đủ điều kiện an toàn được quyền tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường.

Đáng lưu ý, nhóm nghiên cứu đề xuất thay thế cơ chế “luồng xanh” bằng cơ chế “tuyến đường xanh”, cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính, nhưng quản lý chặt lái xe, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương.

Đồng thời, xây dựng ứng dụng điện tử “Nguồn lao động an toàn mùa dịch” nhằm thông tin tuyển dụng và việc làm tạm thời tại các khu công nghiệp, các tỉnh thành giúp cho các lao động “vùng xanh” có việc làm ngay, doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất dễ tiếp cận nguồn lao động an toàn…

Những lời kêu cứu tuyệt vọng

Hàng chục ngàn doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường, những doanh nghiệp còn lại mong sớm được hỗ trợ để tồn tại qua dịch.

Chi phí để duy trì "3 tại chỗ" là gánh nặng quá lớn đối với các doanh nghiệp

Theo Người lao động, 16 hiệp hội, hội ngành nghề chủ lực vừa gửi đơn kiến nghị tập thể đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, giải quyết một số nội dung hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Covid-19. Cụ thể là sửa đổi Quyết định 3089/QĐ-TLĐ ngày 24-8-2021 về việc hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tại các doanh nghiệp đã và đang thực hiện “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến " và doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Hiện chi phí để duy trì "3 tại chỗ" đang là gánh nặng đối với hầu hết doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, trong các ngành hàng xuất khẩu thì chỉ một số ít (15%-20%) doanh nghiệp thực hiện được mô hình sản xuất "3 tại chỗ", số còn lại đều buộc phải tạm ngừng sản xuất. Theo tính toán sơ bộ của một công ty thủy sản quy mô trung bình, mức thua lỗ trung bình là 10 tỉ đồng/tháng ngừng sản xuất.

Trong ngành dệt may, một doanh nghiệp cỡ trung bình 4.000 lao động ngừng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu đã là 4.000 người x 2,5 triệu đồng/người (bình quân) = 10 tỉ đồng.

"Hầu hết các ngành hàng của chúng tôi đều sử dụng nhiều lao động, có điểm chung là chi phí cho người lao động (tiển công, tiền bảo hiểm xã hội và kinh phi Công đoàn) là chi phi lớn nhất. Nay phải sản xuất cầm chừng ("3 tại chỗ") hoặc dừng sản xuất, công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí bảo hiểm xã hội, kinh phi Công đoàn... vẫn giữ nguyên, doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngừng việc khiến khó khăn càng chống chất, khó trụ vững dài ngày" - các hiệp hội, hội ngành nghề nêu trong đơn.

“Kêu cứu” Thủ tướng vì giấy đi đường

Các hiệp hội thống nhất đề xuất các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và tăng cường số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, giấy đi đường cần được cấp gửi qua email cho các doanh nghiệp làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát thuận lợi đến trụ sở Sở Công Thương TP HCM đóng dấu.

Các nhà sản xuất xe tải Nhật Bản đã bắt đầu tập trung vào các chiến dịch sản xuất xe tải chạy điện. (Hình ảnh: Schwoaze qua Pixabay)
Các hiệp hội thống nhất đề xuất các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu và tăng cường số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. (Hình ảnh: Schwoaze qua Pixabay)

Hiệp hội, hội các ngành hàng cũng đề xuất sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là Hội viên Hiệp hội có nhu cầu xin cấp giấy đi đường, gửi trực tiếp tới Sở Công Thương TP HCM và các tỉnh nhằm giảm tải cho các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của hiệp hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường.

Điều này đã và đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - xuất khẩu của doanh nghiệp, đồng thời phải đối mặt với tổn thất rất lớn như chi phí lưu kho bãi, hàng hóa để lâu sẽ bị giảm chất lượng, trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng về tiến độ giao hàng cho các khách hàng quốc tế là chưa thể lường trước được.

Khó khăn của doanh nghiệp không hẳn do dịch bệnh, mà là từ cơ chế

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc hiện tại của doanh nghiệp không hẳn do dịch bệnh căng thẳng, TP HCM siết chặt các biện pháp phòng chống dịch mà còn đến từ cơ chế chung của cả nước. Dịch lan rộng tại nhiều tỉnh thành, địa phương nào cũng kiên quyết bảo vệ "thành trì" chống dịch dẫn đến ách tắc chung.

Trong lĩnh vực lương thực thực phẩm nói chung, đối tượng hoạt động tích cực nhất để luân chuyển hàng hóa là các thương lái thì hầu hết đã tạm ngưng hoạt động vì điều kiện đi lại, vận chuyển không thuận lợi. Ví dụ, ở lĩnh vực chế biến thủy sản, khá nhiều nhà máy không đủ điều kiện tổ chức "3 tại chỗ" phải ngưng hoạt động, số đủ điều kiện thì địa phương không cho làm; những doanh nghiệp còn lại nỗ lực "3 tại chỗ" để duy trì chuỗi cung ứng lại gặp khó khăn trong việc thu mua, vận chuyển nguyên liệu về nhà máy lẫn đưa thành phẩm ra thị trường tiêu thụ hoặc xuất khẩu.

"Vậy nên có hiện tượng cá, tôm, cua đầy đồng nhưng không xuất khẩu được, doanh nghiệp đối diện nguy cơ vi phạm hợp đồng với nước ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nỗ lực kết nối tháo gỡ khó khăn, tạo đầu ra cho nông sản nhưng thật sự rất khó. Nhà máy sản xuất không thể tự liên hệ với vùng nguyên liệu để mua từng cọng hành, con cá, con tôm mà phải thông qua các đối tác cung ứng tuyển chọn, sơ chế sẵn theo yêu cầu đặt hàng, doanh nghiệp thu mua và đưa vào sản xuất theo đúng tiêu chuẩn" - bà Chi thẳng thắn.

Theo bà Chi, câu chuyện TP Cần Thơ "ngăn sông cấm chợ" đến nỗi các bộ, ngành phải trực tiếp lên tiếng nhắc nhở, cùng với đó là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo địa phương nào để xảy ra dịch thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm khiến các tỉnh càng tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch, đồng nghĩa với siết chặt điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa vào địa bàn. "Theo tôi, cần phải có sự điều hành thống nhất trên quy mô toàn quốc" - bà Chi nêu ý kiến.

Còn tại TP HCM, Hội Lương thực Thực phẩm nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của doanh nghiệp hội viên liên quan đến giấy đi đường. Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa được cấp giấy đi đường hoặc chỉ được cấp 3-4 giấy trong khi nhu cầu đi lại để duy trì các hoạt động thu mua nguyên liệu, làm chứng từ, bán hàng trong nước lẫn xuất khẩu là rất lớn, càng chậm trễ doanh nghiệp càng thiệt hại nặng nề hơn.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế về đâu? 3 chuỗi cung ứng lớn đứng trước nguy cơ đổ vỡ và những lời kêu cứu tuyệt vọng