Kinh doanh Quý III/2020 của doanh nghiệp Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, nhưng thiếu nền tảng và nhiều bất ổn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trang Fiinpro tổng hợp báo cáo kết quả kinh doanh Quý III của 92% doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cho thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc hơn. Tuy nhiên, đằng sau các con số này còn rất nhiều bất định, cho thấy một sự phục hồi thiếu nền tảng và không vững chắc.

Loại trừ nhóm các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn giao dịch là trung gian tài chính như ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, khoảng 742 doanh nghiệp phi tài chính đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh Quý III/2020.

Được xem là những doanh nghiệp (DN) tốt nhất của nền kinh tế, kết quả kinh doanh của các DN phi tài chính niêm yết có thể phản ánh phần nào thực trạng của DN trên toàn quốc, báo hiệu trước sự phát triển hoặc suy giảm của khu vực kinh tế thực quan trọng nhất này.

Lợi nhuận phục hồi nhưng chủ yếu từ hoạt động tài chính báo hiệu sự phục hồi thiếu vững chắc

Lợi nhuận DN niêm yết phi tài chính tăng trở lại nhưng chủ yếu nhờ kinh doanh tài chính. Theo Fiinpro công bố, doanh thu và lợi nhuận quý III/2020 nhóm Phi tài chính cơ bản đã tăng trở lại về gần mặt bằng cùng kỳ năm trước, tức là trước khi có dịch Covid-19 diễn ra.

Tuy nhiên phân tích của FiinGroup cho thấy trong cơ cấu lợi nhuận trước thuế và lãi của DN (EBIT), lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính hồi phục chậm nhưng thu nhập tài chính tăng trưởng mạnh (+751,1% YoY) đã giúp lợi nhuận của DN niêm yết cải thiện mạnh.

Có vẻ như, khó khăn từ cầu giảm đã khiến nhiều DN "đa dạng nguồn thu" trong quý III/2020 thông qua các hoạt động như chuyển nhượng đầu tư tài chính (đối với một số mã như VCG, NVL và VIC); lãi tiền gửi ( tại báo cáo tài chính của một số mã chứng khoán như OIL, FPT, VHC); chiết khấu thanh toán (MWG). Thậm chí có DN thu nhập tài chính còn đến từ kinh doanh chứng khoán.

Tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động tài chính chứ không phải hoạt động kinh doanh truyền thống, đây không phải là điều bất ngờ trong bối cảnh này. Các ông lớn DN trên thế giới cũng bị co hẹp thị trường và lao đao trong đại dịch đều đang gắng cân bằng năng lực tài chính thông hoạt động phi truyền thống. Xu hướng tập đoàn kinh tế giữ tiền mặt, đổ tiền vào quỹ đầu tư, vào các tài sản tài chính vốn vẫn còn sôi động trên thị trường tài chính thế giới đã trở thành xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống, kinh doanh thực chứ không phải tài chính mới là dấu hiệu cho thấy một sự phục hồi bền vững nhất. Đáng tiếc, chúng ta chưa nhìn thấy dấu hiệu này.

Thay vào đó, việc tìm kiếm và thành công trong tạo lợi nhuận từ tài chính của các DN cho thấy nguồn tiền dư thừa từ chính sách tiền tệ mở rộng và cố gắng giảm lãi suất cho vay đã không thấm vào nền sản xuất thực. Và khi ngay cả các DN phi tài chính cũng dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận từ các tài sản tài chính, việc lo ngại một thị trường tài sản tài chính bị bơm phồng quá mức là có cơ sở.

Hiển nhiên, đây không phải là điều mà thị trường mong đợi, nó chỉ tạo ra thanh khoản ảo và giá tăng ảo, nó có thể là dấu hiệu cho thấy bất ổn của tương lai gần mà thôi.

Các ngành có thị trường nội địa là các ngành có cơ hội phục hồi tốt nhất

Các ngành có lợi nhuận tăng trưởng và các ngành này chủ yếu liên quan đến thị trường nội địa, bao gồm cả đầu ra và đầu vào như Bất động sản, Thực phẩm và Đồ uống, và Công nghệ Thông tin đều đã cơ bản phục hồi cả doanh thu và lợi nhuận.

FiinGroup ghi nhận được là sự phục hồi không chỉ đến từ các DN dẫn đầu mà còn từ các doanh nghiệp nhỏ hơn. Ví dụ, Công nghệ Thông tin có lợi nhuận tăng 1,2% nhưng không đến từ FPT mà đến từ các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như CMG, SAM, ICT.

Kết quả này hợp lý khi thị trường nội địa vẫn duy trì ở mức khá và không bị ảnh hưởng quá mức bởi đại dịch, đặc biệt trong quý III/2020. Việc khống chế đại dịch tốt là cơ hội cho các doanh nghiệp có thị trường nội địa ổn định.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì khá ở một số thị trường truyền thống. Chỉ số giá sản xuất công nghiệp bình quân 10 tháng đầu năm 2020 đã tăng nhẹ, ở mức 2,7% so với cùng kỳ 2019; mặc dù là mức tăng thấp nhất (so cùng kỳ) kể từ năm 2011 nhưng là mức đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái sâu do Covid-19.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý DN kinh doanh bất động sản (BĐS), khi thị trường BĐS sẽ tiếp tục suy trầm trong năm 2020 (ngoại trừ phân khúc BĐS công nghiệp). Bảng cân đối kế toán của nhóm DN cũng cho thấy cấu trúc rủi ro hơn khi gia tăng nợ và đòn bẩy tài chính trong khi khả năng trả nợ lãi vay giảm đi.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 (là báo cáo có tính khả tín cao hơn báo quý III hàng năm), số lượng DN BĐS mất khả năng trả nợ lãi vay đã gia tăng (chỉ số EBIT/Nợ lãi vay phải trả của DN nhỏ hơn 1 hoặc âm), đặc biệt trong đó có cả các ông lớn BĐS như FLC.

Trên toàn quốc, 10 tháng đầu năm nay DN phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng tới 60% so với cùng kỳ 2019. Tổng số các DN phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng kinh doanh và chờ giải thể; DN giải thể 10 tháng đầu năm 2020 lên tới 85.841 DN; bình quân số DN rời khỏi thị trường là 8,584 doanh nghiệp/tháng.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Kinh doanh Quý III/2020 của doanh nghiệp Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, nhưng thiếu nền tảng và nhiều bất ổn