Kiểm soát chặt ngoại hối: Trung Quốc tự ‘đào hố chôn mình’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc áp đặt một hệ thống tài khoản vốn chặt chẽ để kiểm soát tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ và quy mô dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, cách thức này đi kèm với rủi ro, bao gồm việc “bóp méo” cung và cầu trên thị trường ngoại hối cũng như hạn chế việc đầu tư sinh lợi.

Các biện pháp kiểm soát vốn tồi tệ của Trung Quốc đều quá rõ ràng.

“Thật là rắc rối khi chỉ chuyển vài nghìn nhân dân tệ từ Trung Quốc sang Úc. Bạn cần phải trả 3% ‘phí hành chính’, và còn phải đáp ứng yêu cầu đối với các tài liệu", một cư dân đại lục đang chuẩn bị đi du lịch nước ngoài phàn nàn.

Những lời phàn nàn như vậy không phải là hiếm đối với những cư dân Trung Quốc muốn thực hiện việc thanh toán ở nước ngoài. Các cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc gây khó khăn cho việc này một phần vì hệ thống “tinh vi” được sử dụng để duy trì quyền kiểm soát tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, bảng cân đối quốc tế của quốc gia và quy mô dự trữ ngoại hối.

Mỗi cá nhân Trung Quốc được quyền mua ngoại tệ trị giá 50.000 USD mỗi năm, nhưng các biện pháp kiểm soát vốn đã được thắt chặt trong những năm gần đây (thông qua các chi tiết hoạt động, tài liệu mới) nhằm đưa ra những lý do đặc biệt để từ chối các giao dịch quy mô lớn.

Yu Yongding, một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng nhất Trung Quốc, cho biết hồi tháng 5/2019 rằng ông đã cố gắng mua 20.000 đô la Mỹ và chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng bị ngân hàng từ chối vì ông đã trên 65 tuổi - một chính sách tồn tại "không chính thức".

Hầu hết các quốc gia và khu vực đều có các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền và tài trợ khủng bố, và các ngân hàng trên toàn thế giới luôn cảnh giác với việc xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới và ngoại tệ tiền mặt.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc được Quỹ Tiền tệ Quốc tế xác nhận như là cách thức hợp pháp để ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài và sự sụt giảm giá trị của đồng nhân dân tệ.

Trung Quốc 'mắc kẹt' trong một mô hình với nhiều vấn đề và tác dụng phụ

Trong khi các biện pháp tài khoản vốn của Trung Quốc cũng nhằm ngăn chặn các dòng tiền bất hợp pháp xuyên biên giới, hệ thống này có xu hướng không khuyến khích dòng tiền vào (kể cả các dòng tiền hợp pháp).

Trong năm qua, đồng nhân dân tệ được xem là một trong những đồng tiền ổn định nhất trên thế giới với tỷ giá hối đoái dao động quanh mức 7 đô la Mỹ; dự trữ ngoại hối của đất nước này vẫn ở mức khoảng 3 nghìn tỷ USD; và cán cân thanh toán quốc tế của Trung Quốc cho thấy sự phù hợp lành mạnh của dòng tiền vào và ra.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự ổn định này đạt được với cái giá phải trả là sự "bóp méo" cung và cầu trên thị trường ngoại hối.

Michael Every, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính Châu Á - Thái Bình Dương tại Rabobank, cho biết chế độ ngoại hối của Trung Quốc, vốn dựa vào các biện pháp kiểm soát hành chính, “vốn dĩ rất mong manh”.

"Trung Quốc đang thấy mình bị mắc kẹt trong một mô hình, vốn tạo ra ngày càng nhiều vấn đề và ngày càng nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, không có cách nào dễ dàng để loại bỏ những kiểm soát đó… đó sẽ là một thảm họa vì tất cả tiền của Trung Quốc sẽ rời khỏi nước này ngay lập tức và đồng tiền của nó sẽ sụp đổ”, ông Every nói.

Đó chính là điều mà Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước đang cố gắng ngăn chặn. Pan Gongsheng, giám đốc cơ quan quản lý ngoại hối cho biết cơ quan này sẽ quản lý rủi ro ngoại hối từ góc độ chính trị.

Pan cho biết trong một tuyên bố: “Việc ngăn chặn một cách dứt khoát các rủi ro tài chính hệ thống nên là điểm mấu chốt để bảo vệ an ninh tài chính của quốc gia”.

Về ngoại hối, Trung Quốc “trải thảm đỏ” cho những người có thể mang về nguồn ngoại tệ, nhưng lại hạn chế người dân và doanh nghiệp đầu tư tài chính hoặc tài sản ở nước ngoài.

Một số công ty tư nhân của Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài, bao gồm Wanda, HNA và công ty Bảo hiểm Anbang, đã buộc phải bán tài sản ở nước ngoài và chuyển tiền về nước.

Tiền không thể ‘chảy’ đến các lĩnh vực mang lại lợi nhuận tốt nhất, ‘chiêu bài’ lợi bất cập hại của việc kiểm soát vốn

Có một số kênh tài chính mở hạn chế dành cho công dân Trung Quốc, trong số đó có chương trình Kết nối chứng khoán cho phép mọi người đầu tư vào cổ phiếu được giao dịch tại Hong Kong. Nhưng ngay cả ở đó, các tài khoản vẫn ở trong “tầm kiểm soát”, và không có rủi ro về vốn.

Đồng thời, Trung Quốc đã nhiều lần cam kết sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc xử lý các giao dịch ngoại hối cho các mục đích thương mại và đầu tư hợp pháp. Hôm thứ Hai (ngày 26/8), ông Pan đã tổ chức các cuộc đàm phán với các đại diện lớn như Samsung, BMW và Microsoft, và cam kết sẽ giải quyết mọi vấn đề liên quan.

Nhưng ngay cả khi Trung Quốc có thể đảm bảo giao dịch ngoại hối suôn sẻ cho các mục đích hợp pháp [mà không làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu], những biện pháp kiểm soát vẫn có thể phản tác dụng trong các lĩnh vực khác, các nhà phân tích cho biết.

Chẳng hạn, khả năng hạn chế trong việc chuyển đổi nhân dân tệ thành ngoại tệ đã cản trở việc Trung Quốc thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Việc kiểm soát vốn chặt chẽ cũng có thể thúc đẩy rủi ro bong bóng giá tài sản trong nước.

Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á của Ngân hàng ANZ cho biết: “Chi phí của việc kiểm soát vốn là tiền không thể chảy đến các lĩnh vực có thể tạo ra lợi nhuận tốt nhất, do đó dẫn đến đầu tư thấp hơn dự kiến. Hạn chế đối với các lĩnh vực có nghĩa là đầu tư nhiều hơn và cạnh tranh không thể diễn ra".

Gần đây, Bắc Kinh trở nên thận trọng hơn khi Mỹ đe dọa trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc và huỷ niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ. Cả hai điều này đều có thể khiến Bắc Kinh lo lắng hơn về việc mất đi nguồn cung tiền tệ mạnh.

Ông Every cho biết: “Trung Quốc ngày càng lún sâu vào ‘cái hố’ khi họ đang trở nên ‘chính trị hóa’ mọi thứ”.

Ngoài ra, theo Micheal Pettis, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại Bắc Kinh nhận định: “Tất nhiên việc kiểm soát vốn tạo ra chi phí cho nền kinh tế, nhưng Bắc Kinh khó có thể sớm loại bỏ chúng, và chắc chắn không thể trước khi họ xử lý nợ xấu trong hệ thống tài chính, đồng thời giảm thiểu những mất cân đối lớn trên bảng cân đối kế toán quốc gia”.

Thiện Nhân



BÀI CHỌN LỌC

Kiểm soát chặt ngoại hối: Trung Quốc tự ‘đào hố chôn mình’?