Khủng hoảng lương thực, Triều Tiên muốn nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Triều Tiên đã nhiều lần cân nhắc việc nối lại thương mại qua các tuyến đường bộ kể từ tháng 4, các đề xuất đều bị hoãn lại do lo ngại virus sẽ xâm nhập từ Trung Quốc. Vậy mà, ở thời điểm hiện tại, khi biến thể Delta đang lan nhanh, vượt qua hàng rào phòng thủ nghiêm ngặt của chính quyền đại lục, thì Bình Nhưỡng lại muốn thông thương đường bộ. Điều gì có thể khiến chính quyền Kim Jong-un vượt trên cả nỗi sợ virus?

Triều Tiên đang nỗ lực để nối lại quan hệ thương mại trên bộ với Trung Quốc với mong muốn tạo ra một cú hích cần thiết cho nền kinh tế nước này.

Tình báo Hàn Quốc cho biết, kể từ tháng 7 năm nay, Triều Tiên đã phải đối mặt với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt và tình trạng gia súc chết hàng loạt. Ngoài ra, mưa lớn ở miền đông cũng khiến mùa màng bị thiệt hại nặng nề, và buộc chính quyền nước này phải ra lệnh dự trữ nguyên liệu.

Trong khi đó, hoạt động thương mại trên bộ của Triều Tiên với Trung Quốc đã bị đình chỉ trong hơn một năm rưỡi. Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại-Đầu tư Hàn Quốc, tổng ngoại thương hàng hóa của Triều Tiên, trừ Hàn Quốc, giảm 73,4% xuống 863 triệu USD vào năm 2020. Bình Nhưỡng đã đơn phương đóng cửa thông thương với “ông bạn phương Bắc” do lo ngại lây nhiễm Covid-19 từ đại lục.

Vì vậy, động thái nối lại quan hệ thương mại này của Bắc Triều Tiên phản ánh tình trạng thiếu lương thực đang ngày càng trầm trọng tại nước này.

Một quan chức Triều Tiên tại Đan Đông - thành phố giáp ranh biên giới Trung-Triều cho biết, hoạt động nối lại "có thể sẽ dành cho khu vực tư nhân, bao gồm các mặt hàng như ngũ cốc và dược phẩm". Theo thống kê, khoảng 90% hoạt động thương mại của Triều Tiên chủ yếu đến từ Trung Quốc và khoảng 70% trong số đó đi qua Đan Đông.

Hiện tại, một số thương mại hàng hải đã được nối lại.

Theo một nguồn tin ngoại giao, Triều Tiên đã nhiều lần cân nhắc việc nối lại thương mại qua các tuyến đường bộ kể từ tháng 4, cho thấy tình trạng khó khăn do hành động “bế quan tỏa cảng” của Bình Nhưỡng không phải bây giờ mới âm ỉ. Nhưng những lần trước các đề xuất đều bị hoãn lại do lo ngại virus sẽ xâm nhập từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi biến thể Delta đang lây lan nhanh, vượt qua hàng rào phòng thủ nghiêm ngặt của chính quyền đại lục, thì Bình Nhưỡng lại muốn thông thương đường bộ. Điều gì có thể khiến chính quyền Kim Jong-un vượt trên cả nỗi sợ virus?

Ban lãnh đạo Triều Tiên cũng đang tiến tới thương mại với đối tác lớn thứ hai là Nga. Đại sứ Nga tại Triều Tiên đã gặp Bộ trưởng Kinh tế đối ngoại của Triều Tiên tại Bình Nhưỡng hôm thứ Ba (3/8) tuần trước, theo một bài đăng trên Facebook của Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng.

Hai quan chức nhất trí chuẩn bị cho việc tăng tốc nối lại thương mại, trong bối cảnh tình hình kinh tế nghiêm trọng. Đại sứ Nga Alexander Matsegora cho biết phía ông đã sẵn sàng cho công việc này.

Các nước có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao rời khỏi đất nước vì thiếu thuốc và nhu yếu phẩm.

Ngọc Minh

Theo Nikkei



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng lương thực, Triều Tiên muốn nối lại quan hệ thương mại với Trung Quốc