Khủng hoảng dân số toàn cầu: Virus Vũ Hán gây ra tình trạng thiếu trẻ em trầm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hơn một năm kể từ khi đại dịch COVID19 xảy ra, thiệt hại của nó đối với sự gia tăng dân số đang bắt đầu trở nên rõ ràng và không chỉ giới hạn ở số lượng người tử vong thảm khốc trên toàn thế giới.

Ý và Singapore vốn là những nền kinh tế bị khủng hoảng nhân khẩu học, thì nay còn chứng kiến ​​tình trạng này trầm trọng hơn lúc nào hết do hậu quả của các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa nền kinh tế.

Việc đóng cửa nơi làm việc và bắt buộc phải cách ly đúng ra có thể đã khuyến khích các cặp vợ chồng dành thời gian bên nhau một cách hiệu quả, nhưng thực tế số trẻ sơ sinh đã giảm mạnh trong năm 2020. Nước Pháp chứng kiến tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ Thế chiến thứ hai, còn Trung Quốc có số đăng ký cho trẻ sơ sinh giảm 15%.

Châu Á đang thiếu trẻ em trầm trọng

Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan - Ba trong số các nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới ghi nhận mức độ giảm sâu hơn nữa trong bối cảnh đại dịch. (Nguồn: Cục Thống kê Singapore, Thống kê Hàn Quốc, Hội đồng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Đài Loan)

Tỷ lệ sinh giảm là một dấu hiệu tiềm tàng cho khủng hoảng. Không chỉ các chính phủ tăng cường các khoản vay khổng lồ để tài trợ kinh tế, mà nguồn cung của những người đóng thuế trong tương lai để trả nợ và tài trợ cho hệ thống hưu trí công giờ đây thậm chí còn mỏng hơn bao giờ hết. Đây là một cú đánh trực diện có thể làm các nền kinh tế ở khu vực châu Á và châu Âu với dân số già điêu đứng.

Nhà kinh tế James Pomeroy của HSBC Holdings Plc cho biết: “Suy thoái càng kéo dài và càng nghiêm trọng thì tỷ lệ sinh càng giảm và tình trạng này càng dễ trở thành một sự thay đổi lâu dài trong kế hoạch sinh con của các gia đình”.

Theo tính toán của Pomeroy, trong vòng hai thập kỷ tới, số lượng người trưởng thành có thể tham gia lực lượng lao động sẽ giảm từ 10% đến 15% . Ông cũng trích dẫn một dự báo gần đây của các nhà nhân khẩu học của tạp chí Lancet về việc dân số thế giới bắt đầu thu hẹp vào những năm 2060. Dự báo này có nguy cơ trở nên lỗi thời do sự suy thoái được tính toán sẽ xảy ra sớm hơn một thập kỷ.

Tỷ lệ sinh giảm đặc biệt rõ ràng ở Ý, một trong những điểm nóng bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Tỷ lệ sinh của 15 thành phố ở quốc gia này đã giảm tới 22% vào tháng 12 năm ngoái, đúng 9 tháng sau khi đại dịch xảy ra. Nhật Bản ghi nhận số lượng trẻ sơ sinh thấp kỷ lục vào năm 2020, còn tỷ lệ sinh của Đài Loan cũng lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới một con trên một phụ nữ.

Tỷ lệ sinh con thấp kỷ lục

Về mặt tài chính, những chỉ số này là vô cùng đáng ngại. Ví dụ ở Mỹ, ngay cả khi không bị ảnh hưởng của đại dịch, số lượng người về hưu sẽ đông hơn số lượng trẻ em ra đời mỗi năm vào thập niên 2030.

Ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, tỷ lệ người trên 65 tuổi so với những người từ 15-64 tuổi, một chỉ số quan trọng về khả năng chi trả của các dịch vụ xã hội đối với người già, đang ngày càng xấu đi, nhất là trong tình huống chi tiêu cho lương hưu đã tăng gần một phần ba từ năm 2008 đến năm 2016.

Ông Sonal Varma, một nhà kinh tế tại tập đoàn Nomura Holdings Inc., cho biết: “Tác động tài khóa có thể là một cú đúp”, “Tăng trưởng dân số giảm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tiềm năng (khi lực lượng lao động giảm), ảnh hưởng đến nguồn thu thuế. Và điều này sẽ xảy ra đồng thời với việc tăng chi tiêu cho lương hưu và chăm sóc sức khỏe công".

Nhân khẩu học đen tối

Ở EU (Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan) tỷ lệ người nghỉ hưu so với người lao động được dự báo sẽ tăng (Nguồn: Eurostat)

Ngay cả khi vaccine đã giúp chế ngự được sự lây lan của virus, thì tình trạng suy thoái kinh tế, chẳng hạn như tình trạng thất nghiệp, có thể sẽ vẫn là một lực cản lớn đối với nỗ lực của các quốc gia nhằm tăng tỷ lệ sinh.

Và cho dù kinh tế được phục hồi thì cũng chưa có gì chắc chắn tỷ lệ sinh sẽ tăng, xét trên hiện trạng mức sinh ở các nền kinh tế lớn đã giảm đều đặn trong nhiều thập kỷ qua.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu này đã gây thiệt hại nặng nề nhất cho những người trong độ tuổi sinh đẻ từ 20 đến 30 tuổi. Nghiên cứu của Viện Guttmacher cho thấy đại dịch đã khiến hơn 40% phụ nữ ở Mỹ thay đổi kế hoạch về thời điểm sinh con hoặc giảm bớt số con.

Một nghiên cứu do IZA – Viện Kinh tế Lao động của Đức dự đoán rằng tỷ lệ giảm sinh ở Mỹ sẽ lớn hơn 50% so với cuộc khủng hoảng 2008-09. Công ty tư vấn PWC dự đoán số trẻ sơ sinh ở Vương quốc Anh sẽ “giảm mạnh” trong năm nay.

Ngoài ra, các lệnh phong tỏa cũng đã cản trở mọi người hình thành các mối quan hệ có thể dẫn đến mang thai.

Hẹn hò “gần như không tồn tại”, Sierra Reed, 34 tuổi, người California, mô tả trải nghiệm hẹn hò của cô khi đại dịch xảy ra. Ngay cả khi cách lệnh phong tỏa được nới lỏng thì cô vẫn cảnh giác: “Chủ yếu là do tôi vẫn cảm thấy khó chịu khi ở trong không gian có nhiều người, không đeo khẩu trang và ăn tối cùng nhau”.

Số lượng các cuộc hôn nhân ở Singapore giảm khoảng 10% trong năm 2020 do hậu quả của việc giãn cách cách xã hội, mặc dù chính phủ đã đẩy mạnh thanh toán tiền mặt để khuyến khích người dân có con.

Điều đáng lo ngại đối với một số quốc gia hiện nay là mức sinh không tỷ lệ thuận với khả năng phục hồi kinh tế.

Ông Phillip Levine, giáo sư kinh tế, người phân tích dữ liệu sinh đẻ tại Wellesley, cho biết: “Khi bạn bắt đầu trì hoãn việc sinh con vài năm, thì khi kinh tế ổn định bạn có thể sẽ tiếp tục sinh nở, nhưng rất nhiều người sẽ lựa chọn không sinh con nữa”.

Ông Tomas Sobotka, một chuyên gia về sinh sản tại Viện Nhân khẩu học Vienna ở Áo, cho biết: “Nhiều phụ nữ và nam giới đã ở độ tuổi cuối 30 hoặc đầu 40 có kế hoạch sinh con trong tương lai, họ có khả năng sẽ phải đối mặt với tình trạng vô sinh khi cố gắng có con sau này”.

Theo số liệu, dân số độc thân ở Trung Quốc sẽ đạt 400 triệu người trong tương lai. Bức ảnh chụp một số công nhân nhập cư ở Trung Quốc đi trên đường vào ngày 26/10/2005. (FREDERIC J.BROWN / AFP qua Getty Images)
Theo số liệu, dân số độc thân ở Trung Quốc sẽ đạt 400 triệu người trong tương lai. Bức ảnh chụp một số công nhân nhập cư ở Trung Quốc đi trên đường vào ngày 26/10/2005. (FREDERIC J.BROWN / AFP qua Getty Images)

Trong số các quốc gia có tình trạng nhân khẩu học đáng báo động, thì Trung Quốc nổi bật hơn cả. Tới nay, số người đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đã giảm trong sáu năm liên tiếp, trong khi các vụ ly hôn lại tăng lên qua từng năm. Theo số liệu, tỷ lệ giới tính nam và nữ ở Trung Quốc đang mất cân bằng nghiêm trọng và dân số độc thân ở Trung Quốc có thể lên tới 400 triệu người trong tương lai.

Ngày 14 tháng 2 vừa qua, tờ 21st Century Business Herald của Trung Quốc cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Trung Quốc: Năm 2018, dân số trưởng thành độc thân của Trung Quốc đạt 240 triệu người, trong đó 77 triệu người sống một mình. Cũng có ước tính rằng, đến năm 2021, số người sống một mình sẽ tăng lên 92 triệu.

Các nhà phân tích cho rằng vấn đề mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc là do chính sách "kế hoạch hóa gia đình" mà chính quyền nước này thực hiện trong nhiều thập kỷ qua. Kết quả là cơ cấu dân số già hóa nhanh chóng và tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ an ninh xã hội như buôn người, tội phạm tình dục, xảy ra các vụ việc bạo lực phản xã hội và các vấn đề khác.

Lê Minh

Theo Bloomberg

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng dân số toàn cầu: Virus Vũ Hán gây ra tình trạng thiếu trẻ em trầm trọng