Khu vực ‘sân sau Hoa Kỳ’ ngập trong ‘bẫy nợ’ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở châu Mỹ Latinh, tình trạng nợ nần quá mức và chi tiêu công không kiểm soát được là việc bình thường trước đại dịch. Trong nhiều thập kỷ, nguồn tài trợ nước ngoài cho các dự án phát triển đến từ các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới, cho đến khi... Trung Quốc tham gia vào và khiến mọi thứ tồi tệ hơn nhiều.

Bị dụ dỗ bởi các điều khoản cho vay hào phóng, Venezuela, Argentina, Brazil, Ecuador, Bolivia và các quốc gia khác bắt đầu kết thân với Bắc Kinh. Nhiều năm sau, với đại dịch làm suy giảm doanh thu tài khóa, giờ đây các nước này có nguy cơ “rơi vào túi” Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ví dụ, vào tháng 8/2020, Bộ tài chính Ecuador trong tuyệt vọng đã ký một thỏa thuận cứu trợ với Trung Quốc để trì hoãn các khoản thanh toán trong một năm và giữ nguyên lãi suất.

Từ năm 2005 đến 2018, Trung Quốc đã cho 15 quốc gia châu Mỹ Latinh và Caribe vay khoảng 141 tỷ USD, nhiều hơn các khoản vay cộng lại từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh. Các chủ nợ lớn nhất từ Trung Quốc là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc do nhà nước quản lý và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Ngay cả những người theo dõi dấu vết gửi bằng đường ngoại giao của Trung Quốc cũng không thể theo kịp vì các chính phủ thường báo cáo thiếu các khoản vay. Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế Carmen M. Reinhart, Sebastian Horn và Christoph Trebesch, Trung Quốc đã cung cấp “khoảng 1,5 nghìn tỷ USD các khoản vay trực tiếp và tín dụng thương mại cho hơn 150 quốc gia trên toàn cầu. Điều này đã biến Trung Quốc trở thành chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới”.

Ở châu Phi và châu Á, hàng chục quốc gia nợ nhà nước Trung Quốc và các công ty của chính quyền này ít nhất 20% GDP danh nghĩa. Nếu không cẩn thận, các nước Mỹ Latinh một ngày nào đó có thể rơi vào tình thế phải tranh giành để giữ lấy chủ quyền đối với các lĩnh vực quan trọng như dầu mỏ, năng lượng, khai thác mỏ và viễn thông.

Bẫy nợ cơ sở hạ tầng

Giả sử quan chức các nước Mỹ Latinh không sơ suất, họ đã ký các thỏa thuận vay trong khi nhận thức đầy đủ về rủi ro, thì có lẽ họ quan tâm nhiều hơn đến việc tích lũy phiếu bầu từ các công trình công cộng hoành tráng, ngay cả khi các công trình này cuối cùng trở thành “voi trắng” (khoản đầu tư tài sản rất tốn kém để vận hành và duy trì, đến mức rất khó có thể kiếm được lợi nhuận từ nó).

Các điều khoản và điều kiện của các khoản vay từ Trung Quốc nổi tiếng là “không rõ ràng”. Họ che giấu các điều khoản cầm cố tài nguyên thiên nhiên của con nợ và buộc các công ty địa phương thuê công nhân và công ty Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động gián điệp trong công ty và trao cho Bắc Kinh quyền quyết định những ngành nào nhận được tiền. Các giao dịch khác lại liên quan đến các thỏa thuận quản lý chung, chẳng hạn như quỹ cơ sở hạ tầng của Brazil mà Trung Quốc đã đầu tư hơn 20 tỷ USD.

Một số giao dịch đúng là những giao dịch tồi. Tại Ecuador, các quan chức đã đồng ý bán trước dầu cho Trung Quốc. Quốc gia Nam Mỹ này không chỉ phải giao 300 triệu thùng dầu cho Trung Quốc đến năm 2024 mà còn phải trả khoảng 3 tỷ USD chi phí liên quan cho các công ty Trung Quốc. Đáng lẽ ra, Ecuador có thể thu được thêm 3 hoặc 4 USD mỗi thùng nếu nước này bán dầu trên thị trường mở, theo cựu Bộ trưởng Năng lượng Fernando Santos Alvite.

Sự “chảy máu” không dừng lại ở đó. Các khoản tiền từ việc bán sản phẩm dự kiến ​​sẽ đi thẳng vào các ngân hàng Trung Quốc, các ngân hàng này sẽ tính thêm phí trước khi đến kho bạc của Ecuador.

Các điều kiện nói trên chỉ có ý nghĩa đối với một quốc gia cần một người cho vay như là biện pháp cuối cùng. Chính phủ các nước Mỹ Latinh đã tự “đào mồ chôn mình”, gánh thêm nợ mà không cải tiến chi tiêu công và cân đối sổ sách.

‘Vườn Trung Quốc có tường bao quanh’

Các khoản vay tự do là một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng mà Trung Quốc đã bắt đầu vào năm 2013 nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị của nước này trên toàn thế giới. Trên hết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng đạt được chỗ đứng tại các thị trường mới mà họ có thể nghiên cứu và cuối cùng là thống trị.

Charles Tang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil-Trung Quốc, giải thích: "Trung Quốc không phải là Ông già Noel, họ muốn cho các doanh nghiệp của mình kinh doanh và cũng muốn phát triển các liên minh chính trị với đa số các quốc gia".

Chiến lược này có thể dẫn đến việc hỗ trợ các chế độ phi dân chủ. Ví dụ, tiền của Trung Quốc đã giữ cho chế độ của Nicolás Maduro tồn tại ở Venezuela trong nhiều năm. Venezuela nợ Trung Quốc khoảng 20 tỷ USD, nhưng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nước này đã phá hủy sản lượng dầu trong nước và ngày càng không có khả năng trả nợ.

Bắc Kinh biết không có lối thoát cho nền kinh tế Venezuela, nhưng việc có cổ phần trong trữ lượng dầu lớn nhất thế giới của nước này chính là mục tiêu dài hạn của ĐCSTQ.

‘Con đường tối’ dẫn đến thịnh vượng

Trung Quốc đã lựa chọn một cách có ý thức để cho các nước đang phát triển vay tiền với hồ sơ tài chính rủi ro cao. Eric Farnsworth, phó chủ tịch Hội đồng châu Mỹ, lập luận rằng Bắc Kinh đã tìm cách tích lũy đủ sức mạnh thương lượng để áp đặt các lợi ích của mình và xoay trục quản trị toàn cầu ra khỏi Hoa Kỳ.

Sử dụng viện trợ nước ngoài như một công cụ quyền lực mềm là bình thường đối với các nước phát triển, nhưng việc giữ bí mật về các điều khoản vay của Trung Quốc cho thấy một chiến lược bất chính hơn với các dự án không hiệu quả về mặt kinh tế.

Chẳng hạn, khi Sri Lanka không thể trả hết nợ cho các công ty Trung Quốc vào năm 2017, nước này đã phải bàn giao một cảng chiến lược của mình.

Theo Kaho Yu, nhà phân tích cấp cao về châu Á tại Verisk Maplecroft, giai đoạn đầu của các dự án có thể nhận thấy các khoản đầu tư ban đầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, nhưng thâm hụt sẽ gia tăng về lâu dài khi lợi nhuận như hứa hẹn không thành hiện thực.

Các quốc gia Mỹ Latinh mắc nợ nhiều nhất có tất cả mọi thứ... để mất. Bên cạnh việc thế chấp các ngành công nghiệp chiến lược, họ đang đặt lợi ích địa chính trị của mình lên hàng đầu, không kể đến sự an toàn của người lao động. Các nhà thầu Trung Quốc đã đưa ra các điều kiện lao động tồi tệ trong khi phớt lờ các quy định về môi trường.

Các hợp đồng cho vay không rõ ràng cho thấy sự phát triển duy nhất mà Trung Quốc tìm kiếm là cho riêng họ. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, các quốc gia mắc nợ yêu cầu tái cơ cấu đang ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Các cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Ecuador, Argentina và Venezuela cho thấy những quốc gia khác không nên làm điều tương tự. Điều này bao gồm cả việc vay mượn từ Trung Quốc, một chế độ toàn trị “không hề giả vờ” ủng hộ dân chủ hoặc nhân quyền ở trong và ngoài nước - hầu như không có một hệ thống tôn trọng đời sống con người,

Tuy nhiên, một khi nhận thức được vấn đề đang gia tăng này, sẽ có cơ hội về chính sách đối ngoại tại đây cho Hoa Kỳ. Chính quyền Tổng thống Trump có thể liên kết và hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn về tài chính, vốn là những nước cam kết tuân thủ kỷ luật tài khóa, pháp quyền, để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Tác giả: Paz Gómez - một nhà phân tích chính sách của Econ Americas có trụ sở tại Ecuador, đã đóng góp cho bài báo này. Và Fergus Hodgson là người sáng lập và điều hành của ấn phẩm tình báo Mỹ Latinh Econ Americas. Ông cũng là biên tập viên lưu động của Gold Newsletter và là cộng sự nghiên cứu của Trung tâm Chính sách Công Biên giới.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Khu vực ‘sân sau Hoa Kỳ’ ngập trong ‘bẫy nợ’ Trung Quốc