Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang rơi vào khủng hoảng điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ấn Độ đang tích cực mua lại lượng than mà Úc xuất sang Trung Quốc nhưng đã bị kẹt tại các cảng ở Trung Quốc trong nhiều tháng trời. Động thái này diễn ra trong khi cả Canberra và Bắc Kinh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng trầm trọng. Ấn Độ không có nhiều lựa chọn để vượt qua cuộc khủng hoảng này cả trong ngắn và dài hạn.

Bloomberg dẫn lời một số nguồn thạo tin cho hay, Ấn Độ đã hưởng lợi từ việc mua lại các lô than được gửi từ Úc đến Trung Quốc ở mức rẻ hơn từ 12-15 USD/tấn so với vận chuyển trực tiếp từ Úc. Các lô than này đã bị kẹt tại các cảng ở Trung quốc bởi mối quan hệ ‘đóng băng’ giữa Bắc Kinh và Canberra liên quan đến việc Úc đề nghị điều tra nguồn gốc đại dịch virus Vũ Hán. Được biết, lô than Ấn Độ mua được là một trong những loại than nhiệt rẻ nhất so với chất lượng của nó trên thị trường. Các nhân vật tiết lộ thông tin đề nghị ẩn danh vì họ không được phép trả lời báo giới.

Mối bất hoà giữa Trung Quốc, nước tiêu thụ và nhập khẩu than lớn nhất thế giới, và Úc đã làm mắc kẹt gần 70 tàu và khoảng 1.400 thuỷ thủ chờ bốc dỡ hàng bên ngoài các cảng của Trung Quốc hồi tháng Một. Phần lớn các tàu đó đã dỡ hàng hoặc chuyển hướng sang các địa điểm khác.

Các nhà máy sản xuất xi măng và sắt xốp của Ấn Độ là nhóm khách hàng đang nhiệt tình thu mua lượng than nhiệt tồn đọng ở Trung Quốc nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt trong nước. Các công ty này đã mua gần 2 triệu tấn than nhiệt Úc.

Khủng hoảng than khiến Ấn Độ rơi vào khủng hoảng điện

Ấn Độ đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng leo thang khi các kho dự trữ than, loại nhiên liệu được sử dụng để tạo ra khoảng 70% điện năng của quốc gia này, giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Trong khi đó, nhu cầu điện lại tăng đột biến.

Một nhà máy nhiệt điện ở Satpura, Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Một nhà máy nhiệt điện ở Satpura, Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Theo thông tin từ Bloomberg, các nhà máy nhiệt điện than ở Ấn Độ hiện chỉ có lượng nhiên liệu dự trữ trung bình là 4 ngày. Bộ trưởng Năng lượng nước này, ông Raj Kumar Singh, đã cảnh báo rằng Ấn độ có thể phải đối phó với tình trạng thắt chặt nguồn cung trong vòng 6 tháng.

Tiêu dùng công nghiệp và nội địa thường đạt mức cao nhất khi Ấn Độ bước vào mùa lễ hội từ cuối tháng 10 cho đến hết năm. Việc thiếu hụt điện sẽ cản trở sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, vốn đang phục hồi sau mức giảm 7,3% chưa từng có trong năm tài chính kết thúc vào hồi tháng 3.

Ấn Độ không có nhiều lựa chọn về năng lượng

Tăng cường khai thác than

Công ty Than Ấn Độ do nhà nước điều hành đang tìm cách tăng nguồn cung than hàng ngày lên mức 1,9 triệu tấn vào giữa tháng 10 từ mức 1,7 triệu tấn ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy, mức tăng này không thấm vào đâu so với nguồn than thiếu hụt. Hiện các nhà máy điện đang thiếu từ 60.000 đến 80.000 tấn than mỗi ngày.

Việc sản xuất than đang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng tại các bang miền đông và miền trung Ấn Độ. Việc khai thác trở lại sẽ phải phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ khi nào hết mưa thì các mỏ than mới có thể tăng cường hoạt động và các xe tải mới có thể tiếp tục giao hàng.

People gather along a road partially washed away at Mahad on July 24, 2021, as the death toll from heavy monsoon rains climbed to 79, with nearly 100,000 others evacuated in the western state of Maharashtra. (Photo by INDRANIL MUKHERJEE / AFP) (Photo by INDRANIL MUKHERJEE/AFP via Getty Images)
Một con đường bị hư hại bởi mưa lũ làm gián đoạn giao thông tại Mahad, Ấn Độ, ngày 24/7/2021. (Ảnh: Indranil Mukherjee / AFP qua Getty Images)

Dù lượng than dự trữ tại các nhà máy điện đang ở mức thấp nhưng nhiều khả năng, các nhà máy này vẫn có thể hoạt động. Chính phủ Ấn Độ đang giám sát chặt chẽ nguồn dự trữ, và có thể sẽ chuyển nguồn cung từ các nhà sản xuất nhôm và xi măng để ưu tiên phát điện. Điều đó đặt Ấn Độ vào một tình huống khó xử: Hoặc hạn chế sản lượng, hoặc trả giá cao cho than nhập khẩu.

Kiểm soát nguồn cung điện

Phân bổ nguồn cung cấp điện trong nước, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và ngoại ô thành thị, có thể trở thành một trong những giải pháp dễ dàng nhất của Ấn Độ - mặc dù nó sẽ đặt ra những thách thức khác cho Thủ tướng Narendra Modi.

Khi sản lượng điện thấp hơn nhu cầu, các nhà phân phối điện của Ấn Độ thường cắt nguồn cung cho một số khu vực nhất định trên cơ sở luân phiên.

Tuy nhiên, làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế vốn mong manh của Ấn Độ, trong khi chính phủ của ông Modi đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì không tạo ra đủ việc làm mới.

Thu mua than nước ngoài

Một số nhà máy ven biển có thể sẽ sử dụng than nhập khẩu giá cao nhằm giảm bớt gánh nặng cho các công ty khai thác trong nước.

Lượng than sản xuất tại Ấn Độ đáp ứng khoảng 3/4 nhu cầu nhiệt điện trong nước, phần lớn trong số còn lại được nhập từ Indonesia, Nam Phi, và Úc.

Giá điện giao ngay trên Indian Energy Exchange trong tháng 9 đã tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức trung bình 4,4 rupee (0,06 USD)/kilowatt giờ và lên tới 13,95 rupee vào ngày 05/10. Do đó, một số nhà máy Ấn Độ có thể phải nhanh chóng thu mua than nhập khẩu, dù giá của mặt hàng này đang ở mức kỷ lục.

Tăng cường thủy điện

Những trận mưa lớn đã làm ngập các mỏ than có khả năng sẽ thúc đẩy sản xuất thủy điện.

Sau than, các dự án thủy điện là nguồn cung cấp điện lớn thứ 2 của Ấn Độ. Từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, sản lượng điện từ các dự án này chiếm khoảng 14% tổng sản lượng của Ấn Độ. Cao điểm hoạt động của các nhà máy thủy điện là vào mùa mưa, thường kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10.

Chuyển sang khí đốt

Khí tự nhiên có thể đóng một vai trò lớn hơn khi Ấn Độ rơi vào khủng hoảng năng lượng, ngay cả khi giá khí toàn cầu đang tăng mạnh.

Theo ông Arun Kumar Singh, chủ tịch Bharat Petroleum Corp - nhà bán lẻ nhiên liệu lớn thứ hai của Ấn Độ, với mức giá nhập khẩu tăng cao trên thị trường giao ngay hiện tại thì đây không phải là một giải pháp tốt cho các nhà máy phát điện ở Ấn Độ. Tuy nhiên, trong tình huống tuyệt vọng, lượng điện tạo ra từ khí đốt có thể giúp ngăn chặn tình trạng mất điện trên diện rộng.

Cân nhắc sử dụng dầu Diesel đắt tiền

Việc chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu và dầu diesel đều bị hạn chế bởi mức giá của các sản phẩm dầu này quá cao. Một số cơ sở bao gồm bệnh viện và trung tâm thương mại, cũng như các ngành công nghiệp nhỏ, thường sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel để đảm bảo cung cấp điện liên tục trong trường hợp mất điện. Tuy nhiên, mức giá cao kỷ lục của dầu diesel khiến nhiên liệu này không thể được sử dụng rộng rãi.

Chi Anh

Theo Bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

Không chỉ Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang rơi vào khủng hoảng điện