Khi tài sản Mỹ rơi vào tay Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong suốt 2 thập kỷ qua, các doanh nghiệp Trung Quốc do nhà nước kiểm soát đã bắt tay vào cuộc đại mua sắm tất cả mọi thứ từ phương Tây. Lý do đằng sau việc Trung Quốc tiếp quản các công ty này phức tạp hơn nhiều so với các quyết định kinh doanh thuần túy...

Trung Quốc tham gia vào cuộc sống của bạn nhiều hơn bạn nghĩ. Chắc chắn rồi, mấy ai lại không thích cơm rang? Ai lại không sở hữu một thứ gì đó “Made in China?” Tuy nhiên, kiểu tham gia mà tôi đang nói đến còn sâu hơn thế...

Chính xác mà nói, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào cuộc sống hàng ngày của người Mỹ.

Lấy ví dụ như trong gia đình một người bạn của tôi tên là Billl. Vợ chồng anh có 3 đứa con đang tuổi đi học. Bill thích nấu ăn trong nhà bếp, nơi trang bị các thiết bị GE Profile. Gia đình yêu thích thịt lợn muối xông khói và giăm bông Smithfield. Thỉnh thoảng, họ xem một bộ phim tại rạp chiếu AMC gần đó hoặc đi du lịch bằng chiếc xe Volvo XC90. Những đứa trẻ đang học từ xa qua Zoom, và cũng sử dụng Zoom để kết nối với gia đình và bạn bè. Các cậu con trai của Bill thích trò chơi điện tử như Liên minh huyền thoại của Riot Games. Bill đang luyện tập cho cuộc đua Người sắt thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 7 tới tại New York. Sau cuộc đua này, anh và gia đình sẽ đi nghỉ tại khách sạn Waldorf Astoria nổi tiếng.

Toàn là những thương hiệu quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày đúng không? Bạn có biết nhiều người thích các thương hiệu đó như Bill không? Bạn có sử dụng bất kỳ sản phẩm có thương hiệu tương tự không?

Bạn có biết rằng tất cả những sản phẩm này đều thuộc sở hữu của các công ty Trung Quốc do ĐCSTQ kiểm soát hoặc các cá nhân đã cam kết trung thành với ĐCSTQ không?

Không chỉ là các thương vụ kinh doanh thuần túy

Trong suốt 2 thập kỷ qua, các doanh nghiệp Trung Quốc do nhà nước kiểm soát đã bắt tay vào cuộc đại mua sắm tất cả mọi thứ từ phương Tây. Các thương hiệu kể trên, chỉ là một mẫu nhỏ, tất cả đều thuộc sở hữu của Trung Quốc từ năm 2010 đến năm 2016. Volvo được Geely mua lại với giá 1,5 tỷ USD vào năm 2010. GE Appliances được Haier mua lại vào năm 2016 với giá 5,6 tỷ USD.

Lý do đằng sau việc Trung Quốc tiếp quản các công ty này phức tạp hơn các quyết định kinh doanh thuần túy. Ông Fan Yu, một chuyên gia về tài chính và kinh tế, nhận thấy một số dấu hiệu đằng sau việc mua bán như dưới đây:

Thứ nhất: Chuyển tài sản ra nước ngoài, tức là rửa tiền. Một số công ty Trung Quốc rất tích cực mua tài sản ở nước ngoài, chẳng hạn như Anbang Insurance (đơn vị mua AMC), HNA Group/ Hainan Airlines, v.v. Họ bị nghi ngờ chuyển tài sản ra nước ngoài cho các cán bộ cấp cao của ĐCSTQ.

Thứ hai: Đảm bảo các nguồn tài nguyên có giá trị, như thực phẩm, đất đai, dầu, v.v. Việc Shuanghui tiếp quản Smithfield Foods là để đảm bảo nguồn cung cấp thịt lợn.

Thứ ba: Tăng cường ​​quyền lực mềm của ĐCSTQ. ĐCSTQ đã mua lại các hãng phim ở Hollywood để đưa một số tuyên truyền một cách tinh vi vào các bộ phim và chương trình truyền hình của Mỹ. Các bộ phim, chương trình truyền hình và thậm chí cả trò chơi điện tử của Hoa Kỳ có ảnh hưởng rất lớn từ hoạt động này, và theo thời gian, những ảnh hưởng này sẽ khiến giới trẻ Mỹ và mở rộng ra là giới trẻ thế giới sẽ có một cái nhìn tích cực về ĐCSTQ. Gã khổng lồ giải trí và Internet của Trung Quốc Tencent đã sở hữu hoàn toàn Riot Games từ năm 2015. Với hơn 300 khoản đầu tư vào danh mục trò chơi của mình, Tencent cũng là nhà phát hành trò chơi lớn nhất thế giới, ngoài việc sở hữu QQ và WeChat.

Thứ tư: Mua các doanh nghiệp vì lợi nhuận và thường là mua lại một thương hiệu nổi tiếng của phương Tây để họ có thể tiếp thị những sản phẩm này trở lại thị trường nội địa Trung Quốc để kiếm tiền. GE do Haier tiếp quản thuộc loại này. Ngoài ra, Shandong Ruyi là một tập đoàn thời trang (hay còn gọi là “LVMH của Trung Quốc”) đã mua một loạt các thương hiệu thời trang cao cấp như LANVIN, St. John và Bally. Tương tự, khi China Fosun mua lại chuỗi resort nghỉ dưỡng Club Med cách đây vài năm, cũng là nhằm thu lợi nhuận từ những du khách Trung Quốc đến nghỉ dưỡng tại các resort này.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn một số vụ mua lại này:

Tiếp quản Smithfield: Khoản vay 4 tỷ USD được phê duyệt trong 24 giờ

Smithfield Foods, nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, đã được Shuanghui của Trung Quốc (sau này đổi tên thành WH Group) mua với giá 4,7 tỷ USD (cao hơn 30% so với giá trị thị trường của Smithfield) vào năm 2013. Thỏa thuận này cũng bao gồm 146.000 mẫu đất nông nghiệp của Mỹ. Vào thời điểm đó, đây là thương hiệu tiêu dùng lớn nhất của Mỹ bị Trung Quốc tiếp quản.

Một bộ phim tài liệu do PBS sản xuất vào năm 2014 đã tiết lộ sự tham gia của ĐCSTQ trong thỏa thuận này. Ngân hàng Trung Quốc, thuộc sở hữu của ĐCSTQ, đã phê duyệt khoản vay 4 tỷ USD của Shuanghui để mua Smithfield chỉ trong một ngày. Trong báo cáo hàng năm của mình, Ngân hàng Trung Quốc nhấn mạnh việc tiếp quản Smithfield là "trách nhiệm xã hội" và nhà nước "không tiếc nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh quốc tế".

Chủ tịch Shuanghui lúc bấy giờ nói với PBS: “Chính phủ Trung Quốc đã và đang hỗ trợ chúng tôi về chính sách ưu đãi cũng như đầu tư. Ví dụ, Ngân hàng Trung Quốc đã thể hiện sự hỗ trợ tuyệt vời cả về mặt tài chính và chính trị”.

Giám đốc điều hành của Smithfield, Larry Pope, người ban đầu bác bỏ thông tin về sự can dự của chính phủ Trung Quốc, đã bị sốc khi PBS trình bày cho ông những phát hiện trên. “Tôi không nghĩ rằng mình có thể ra ngoài ngày hôm nay và được chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thực hiện khoản vay 4 tỷ USD như một trách nhiệm xã hội để Smithfield phát triển ở nước ngoài — trên lãnh thổ của một quốc gia xa lạ. Không, tôi không nghĩ điều đó có thể làm được trong bất kỳ ngành nào mà tôi có thể nghĩ đến”, ông Pope nói trong một video.

ĐCSTQ đã nhúng tay vào mọi mặt đời sống của nước Mỹ, từ thao túng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cho tới sức khỏe người dân Mỹ và toàn cầu. (Ảnh từ Twitter của CPDC)
ĐCSTQ đã nhúng tay vào mọi mặt đời sống của nước Mỹ, từ thao túng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cho tới sức khỏe người dân Mỹ và toàn cầu. (Ảnh từ Twitter của CPDC)

Tại sao ĐCSTQ lại ủng hộ việc tiếp quản như vậy? "Kế hoạch 5 năm" năm 2011 của nó hướng dẫn các công ty thực phẩm như Shuanghui thu mua được nhiều thịt hơn cho dây chuyền sản xuất bằng cách mua lại các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo báo cáo này của Reuters, Smithfield Foods đã cải tạo nhà máy ở Virginia để cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc. Một người có kiến ​​thức trực tiếp về hoạt động này cho biết, "Có những phòng ban đã bị loại bỏ hoàn toàn, hoặc cơ cấu lại". Các công nhân ở nhà máy Smithfield, Virginia đang đóng hộp thịt lợn để chuyển đến Trung Quốc. Ông Arnold Silver, giám đốc thu mua nguyên liệu thô của Smithfield, cho biết tại một hội nghị ngành rằng việc bán hàng sang Trung Quốc cuối cùng có thể tạo ra tình trạng thiếu thịt xông khói và giăm bông cho người tiêu dùng Mỹ.

Việc mua lại Smithfield là một ví dụ điển hình về mục tiêu của ĐCSTQ là đảm bảo sự ổn định cho các nguồn tài nguyên có giá trị. Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Cúm lợn, tiêm hormone và thuốc cho lợn, ... tràn lan ở Trung Quốc. Họ gây ra những vụ bê bối và bất ổn xã hội. Vì vậy, họ cần quan sát bên ngoài để biết chất lượng thịt lợn tốt.

Cùng với đó, ĐCSTQ cũng đã ký các thỏa thuận cung cấp dầu với Brazil và Venezuela để đảm bảo nguồn cung dầu thô có giá trị với giá hời.

Waldoft Astoria bị kẹt trong cuộc chiến phe phái

Waldorf Astoria được Tập đoàn bảo hiểm Anbang có trụ sở tại Thượng Hải mua lại với giá gần 2 tỷ USD năm 2014. Waldorf đã tiếp đón mọi tổng thống Hoa Kỳ kể từ năm 1933. Kể từ khi mua lại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phải đưa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đến ở tại một khách sạn khác.

Vào tháng 2 năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát Anbang Insurance và các tài sản của hãng này, bao gồm cả Waldorf Astoria. Chủ tịch của hãng đã bị buộc tội là tội phạm kinh tế. Các nguồn tin thân cận với nội bộ của ĐCSTQ nói rằng Anbang, một trong những công ty có mối liên hệ chính trị nhất của Trung Quốc, đã sử dụng các giao dịch tài chính để chuyển tiền và rửa tiền ra nước ngoài thay mặt cho phe Giang, đồng thời đóng vai trò như những ông trùm kinh doanh để làm gián điệp, và tạo ảnh hưởng đến các chức sắc nước ngoài.

Phe Giang là một phe trong ĐCSTQ đang đấu tranh để giành quyền kiểm soát Đảng. Nó được đặt theo tên của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Phe nhóm này tập trung ở Thượng Hải, và chống lại người đứng đầu đương nhiệm Tập Cận Bình.

Ai có thể ngờ rằng chỉ 4 năm sau khi thay đổi quyền sở hữu, biểu tượng lịch sử của Mỹ Waldorf Astoria lại bị mắc kẹt giữa cuộc chiến phe phái của ĐCSTQ.

Tập đoàn Trung Quốc Dalian Wanda mua rạp AMC có trụ sở tại Kansas với giá 2,6 tỷ USD vào năm 2012. Wanda mua Người sắt vào năm 2015. Năm 2016, Wanda chi 3,5 tỷ USD để mua lại Legendary Entertainment, với danh mục đầu tư bao gồm “Công viên kỷ Jura”, “Warcraft,” “Godzilla”, và “Vành đai Thái Bình Dương”.

Đợt mua sắm, sát nhập toàn cầu của Wanda cũng thu về một loạt các khách sạn sang trọng, câu lạc bộ thể thao, kiến ​​trúc nổi tiếng, câu lạc bộ du thuyền và thậm chí cả tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Monet. Đến năm 2017, Wanda và Chủ tịch Wang Jianlin đã sở hữu hơn 80 khách sạn 5 sao, hơn 1.300 rạp chiếu phim, 2 xưởng phim, các đội thể thao và hàng trăm dự án bất động sản thương mại trên khắp thế giới.

Chủ tịch của Wanda đã gây dựng khối tài sản 32,2 tỷ USD chỉ trong 12 năm như thế nào?

Tương tự như Anbang Insurance, Wanda và chủ tịch của nó đã không được ủng hộ ở Bắc Kinh vào năm 2018, vì xương sống của nó trong Đảng đang suy yếu do cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ. Theo một bài bình luận của nhà kinh tế He Qinglian, ông Tập không thể dung thứ cho việc rửa tiền theo kiểu “găng tay trắng” và muốn ngăn chặn quá nhiều của cải chảy ra khỏi Trung Quốc. Cuộc mua bán của Wanda đã kết thúc. Nó bắt đầu vật lộn với khoản nợ khổng lồ và buộc phải bán bớt một số giao dịch mua của mình, bao gồm cả AMC và Người sắt.

Zoom: Phần mềm phục vụ lợi ích của Trung Quốc

Không giống như các doanh nghiệp khác đã được các thực thể Trung Quốc mua lại, Zoom vẫn là của Mỹ, nhưng chính phủ Trung Quốc không gặp khó khăn gì trong việc kiểm soát phần mềm này.

Theo bản cáo bạch IPO năm 2019 của Zoom, nhóm kỹ sư phát triển sản phẩm của họ phần lớn đang làm việc tại Trung Quốc. Ngoài ra, một số máy chủ của Zoom cũng có ​​trụ sở tại Trung Quốc.

Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Zoom, Eric Yuan, đến Hoa Kỳ khi là một sinh viên kỹ thuật vào những năm 1990. Anh đã làm việc cho Webex, và sau đó là Cisco. Yuan rời Cisco vào năm 2011 để bắt đầu xây dựng Zoom. Trong vòng 9 năm ngắn ngủi, Zoom đã IPO và Yuan trở thành tỷ phú.

Một cuộc điều tra kỹ thuật cao về mã hóa của Zoom do Citizen Lab thực hiện đã tiết lộ rằng “Ứng dụng Zoom sử dụng các kỹ thuật mật mã không theo tiêu chuẩn của ngành với các điểm yếu có thể xác định được. Ngoài ra, trong nhiều cuộc gọi thử nghiệm ở Bắc Mỹ, chúng tôi đã quan sát thấy các khóa mã hóa và giải mã các cuộc họp được truyền đến máy chủ ở Bắc Kinh, Trung Quốc”.

Với phần lớn thương vụ R&D được thực hiện tại Trung Quốc, Zoom phải tuân theo các quy tắc của Trung Quốc. Các công ty công nghệ Trung Quốc có nghĩa vụ pháp lý “cung cấp hỗ trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan an ninh công cộng và các cơ quan an ninh quốc gia đang bảo vệ an ninh quốc gia và điều tra các hoạt động tội phạm theo quy định của pháp luật”.

Năm 2020, một giám đốc điều hành của Zoom (ở Trung Quốc) bị buộc tội làm gián đoạn các cuộc họp video kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc và cung cấp thông tin về những người tham gia cuộc họp ở Mỹ.

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu Eric Yuan làm rõ các hoạt động dữ liệu của công ty, liệu có bất kỳ dữ liệu nào được chia sẻ với Bắc Kinh hay không và liệu dữ liệu đó có mã hóa thông tin liên lạc của người dùng hay không. Một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã viết thư cho Yuan yêu cầu ông "chọn một bên" giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Do việc triển khai bảo mật có vấn đề của Zoom và mối liên hệ bất hợp pháp với ĐCSTQ, nhiều công ty và chính phủ trên khắp thế giới đã cấm sử dụng Zoom, bao gồm Google, SpaceX, NASA, Đài Loan, Bộ Ngoại giao Đức, Thượng viện Hoa Kỳ, Lực lượng Quốc phòng Úc, Bộ Giáo dục NYC, v.v.

Mua đất của Hoa Kỳ

Trung Quốc là một trong những nước mua đất của Hoa Kỳ nhiều nhất. Smithfield đã tiếp quản đến tận 146.000 mẫu đất nông nghiệp. Chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ qua, quyền sở hữu đất nông nghiệp của người Trung Quốc ở Hoa Kỳ đã mở rộng gấp mười lần. Đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào đất nông nghiệp của Mỹ đang gây khó khăn cho đất nước vì họ đặt an ninh lương thực của quốc gia vào tay một thế lực thù địch nước ngoài.

Còn một loại đất khác cũng rất có giá trị đối với chính phủ Trung Quốc:

Một khu đất chiến lược ở Texas thuộc sở hữu của một tỷ phú Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ. Ông Sun Guangxin, chủ sở hữu đất, muốn xây dựng một trang trại gió trên mảnh đất rộng 130.000 mẫu Anh của mình ở miền nam Texas, rất gần cơ sở đào tạo phi công lớn nhất của Không quân Mỹ và cách biên giới Hoa Kỳ-Mexico có vài chục dặm.

Ông Sun của Guanghui Energy Co. đã mua mảnh đất này vào năm 2018.

Ông Sun là một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, người “không có tiền nhưng luôn bùng nổ tham vọng” khi rời quân đội vào năm 1989. Ngày nay ông Sun, với tài sản ròng 1,9 tỷ USD, là chủ tịch của Guanghui Industry Investment và được mệnh danh là “người giàu nhất Tân Cương”. Khu đất mà ông Sun mua với giá hời ở Tân Cương hiện đang được dùng để làm nơi giam giữ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các tù nhân chính trị khác trong các trại tập trung.

Cảnh sát Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tháng 7/2009 (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)
Khu đất mà ông Sun mua với giá hời ở Tân Cương hiện đang được dùng để làm nơi giam giữ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các tù nhân chính trị khác trong các trại tập trung. (Ảnh: Guang Niu/Getty Images)

Nhận thức và Cảnh giác

Các thực thể do ĐCSTQ kiểm soát tiếp tục mở rộng kiểm soát trên toàn cầu. Bất kể động cơ của họ đằng sau vụ mua lại là gì, có một điều chắc chắn là: ĐCSTQ đang muốn kiểm soát.

Các doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ cần phải biết những công ty nào thuộc sở hữu của Trung Quốc, những rủi ro nào có thể xảy ra và đưa ra quyết định sáng suốt về những thương hiệu hoặc sản phẩm cần hỗ trợ. Bất kể rủi ro cao hay thấp, nhận thức về nguy cơ vẫn là điều vô cùng quan trọng.

Thomas Jefferson từng nói: "Cảnh giác vĩnh viễn là cái giá của sự tự do".

Để bảo vệ quyền tự do của mình, chúng ta cần nhận thức và cảnh giác hơn khi đối phó với chế độ cộng sản Trung Quốc.

Tác giả Yi Song là một học giả về Trung Quốc từ năm 2010. Cô từng sống nhiều năm ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc và viết về mối liên hệ giữa hai quốc gia.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Mộc Trà

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Khi tài sản Mỹ rơi vào tay Trung Quốc