Khi quan chức địa phương kiêm tất cả các vai trên sân bóng đất đai… 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên sân chơi tài nguyên lớn nhất của quốc gia, luật pháp hiện đang ưu ái, buông lỏng cho quan chức địa phương một quyền lực cực lớn, họ  vừa là nhà tổ chức, vừa là người chơi, vừa là trọng tài trên sân bóng “tài nguyên đất”… Quyền lực của các quan chức địa phương cấp tỉnh, huyện lớn đến mức khó tưởng tượng. Tài nguyên đất bị xé lẻ, manh mún , xung đột xã hội gia tăng… 

“Tham nhũng chỉ có thể xảy ra khi tồn tại “xung đột lợi ích” hoặc sự “thông đồng”

“Xung đột lợi ích có thể không tạo ra tham nhũng nhưng để tham nhũng được chắc chắn cần có xung đột lợi ích”

(Trích Fraud Magazine)

Đây là hai kết luận của tạp chí Fraud Magazine được nhóm nghiên cứu của TS. Hoàng Kim Huyền và cộng sự sử dụng để mở đầu cho bài nghiên cứu về xung đột lợi ích trong thể chế luật đất đai hiện hành tại Hội thảo về thị trường quyền sử dụng đất được tổ chức tại Đại học kinh tế quốc dân hôm qua (9/7/2021).

Xung đột lợi ích không chỉ ở thể chế đất đai hiện hành, nó tồn tại trong rất nhiều khu vực quản lý công khác, cũng như tồn tại ở rất nhiều nền kinh tế lớn khác (ví dụ như Trung Quốc và Mỹ). Dù vậy, nếu không gỡ bỏ các xung đột lợi ích này thì mọi sửa đổi của Luật Đất đai tới đây chỉ là hình thức. Thực tế xung đột lợi ích đã tạo ra nhóm lợi ích với quyền lợi cực lớn với tài nguyên có giá trị lớn và quan trọng nhất này.

Hiện nay, 70% khiếu nại, kiện tụng liên quan đến đất đai. Hầu hết không thể xử lý hoặc xử lý khi các sai phạm của quan chức địa phương đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, nguồn tiền tham nhũng từ đất đã tẩu tán sau hàng chục năm, sự khốn khổ của người dân không thể vãn hồi như vụ án Thủ Thiêm.

Quan chức địa phương là nhà tạo lập thị trường

Đặc trưng lớn nhất của đất đai ở Việt Nam là sở hữu đất đai thuộc về toàn dân. Người dân, tổ chức chỉ có quyền sở hữu ‘quyền sử dụng đất’.

Đặc trưng này dẫn tới quyền lực gần như tuyệt đối với các quan chức được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Quyền lực quan chức với đất đai ở Việt Nam có thể nói là lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Bởi vì chỉ cần ra một quyết định chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thương mại, từ đất thương mại sang đất ở… đã lập tức biến giá trị một mảnh đất từ 1 triệu VND/m2 thành hàng chục triệu VND thậm chí hàng trăm triệu VND/m2.

Nói cách khác, với quyền quyết định mục đích sử dụng đất, các quan chức này chính là người quyết định cơ cấu cung, lượng và chất của từng phân khúc cung trên thị trường. Dễ hiểu hơn, các quan chức địa phương (cấp tỉnh, huyện) là những người tạo lập thị trường bất động sản, tương tự như ban tổ chức của một giải bóng vậy.

Quan chức địa phương đồng thời là người chơi và chọn người chơi với mình

Nhưng Luật đất đai và các thể chế có liên quan thậm chí còn ưu ái quyền lực địa phương đến mức không chỉ trao cho họ quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất (thông qua phê duyệt quy hoạch, bổ sung, sửa đổi quy hoạch) mà còn cho phép họ tự lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu cho các dự án công, công trình đầu tư công trong xây dựng này. Kết quả là rất nhiều nhà thầu được chỉ định do các quan chức địa phương lách luật hoặc xin cơ chế “đặc thù” vì hàng tỷ lý do khó khăn ở địa phương mà chỉ họ mới biết.

Khu đô thị Times City ở Hà Nội. (Ảnh của HOÀNG ĐÌNH NAM / AFP qua Getty Images)
Khu đô thị Times City ở Hà Nội. (Ảnh của HOÀNG ĐÌNH NAM / AFP qua Getty Images)

Vấn đề ở chỗ, năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu thầu quyết định tới chất lượng, giá trị đất đai của dự án. Việc nhà thầu thiếu năng lực khiến dự án chất lượng kém, kéo dài, thậm chí dở dang đã trở thành thông lệ, quen thuộc trên báo chí đến mức người dân không quan tâm nữa, trừ những người có lợi ích bị tổn thất nặng nề bởi các nhà đầu thầu yếu kém do quan chức địa phương chỉ định như vậy. Với sân chơi bóng đá, quyền lực này giống như việc các quan chức địa phương vừa là nhà tổ chức, vừa là người lựa chọn các đội hình theo tiêu chí "thay đổi linh hoạt" mà họ tự đề ra vậy.

Khái niệm ‘sân sau’ có lẽ vị thế được công nhận trên truyền thông dòng chính, trong các tuyên bố gay gắt của lãnh đạo đảng, nhà nước nhưng chưa bao giờ hết nhức nhối. Các sân sau và nhóm lợi ích không thể biến mất chỉ vì các chỉ trích gay gắt.

Nên nhớ, "sân sau" là sản phẩm tạo ra từ lỗ hổng của thể chế, mọi chỉ trích phải đi đến hành động xóa bỏ những lổ hổng tạo ra sự tồn tại của ‘sân sau’ chứ không chỉ để đánh bóng hình ảnh cá nhân, sự nghiệp chính trị hay an ủi lòng dân.

Quan chức địa phương là kẻ tự phân chia phần thưởng cho cuộc chơi trong khi lợi nhuận bị che giấu

Tệ hơn, các quan chức địa phương còn là người quyết định giá đất đai. Giá quyết định bởi quan chức địa phương là căn cứ để thu thuế, phí và bán quyền sử dụng đất công cho nhà đầu tư/nhà thầu, cá nhân… Việc này cũng giống như quan chức địa phương là người quyết định phần thưởng cho một giải bóng đá vậy.

Trong khi đó, nghiêm trọng ở chỗ, tiếng nói của các nhóm dân cư có lợi ích liên quan tới các thay đổi quy hoạch dẫn tới chênh lệch về giá cũng như quyết định về giá với tài sản mà họ nắm giữ này, lại có thể bị ‘nhấn chìm’ đi bởi chính quyền lực của các quan chức địa phương.

Theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật, quan chức địa phương phải lấy ý kiến của các đối tượng có lợi ích liên quan khi thay đổi quy hoạch, bổ sung, sửa đổi quy hoạch. Nhưng Luật lại không hề định nghĩa thành phần “lợi ích có liên quan”. Thế là, tiếng nói bảo vệ lợi ích thực của dân cư bị chìm đi, trở thành hình thức trong các văn bản pháp lý, các tài liệu hồ sơ đúng quy trình ở địa phương.

Đền bù, thỏa thuận đền bù, các cuộc biểu tình, các đơn khiếu nại về quy hoạch, bổ sung quy hoạch, quyết định giá trở thành cuộc chiến bất tận giữa dân và chính quyền. Niềm tin với chính quyền cứ thế hao mòn theo năm tháng bởi lỗ hổng xung đột lợi ích khổng lồ này.

Quan chức địa phương tự giám sát quyền lực khủng của chính mình

Các giải bóng đá danh tiếng đều nằm dưới sự giám sát của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, chắc hẳn để các giải bóng không bị thao túng kết quả, nơi tinh thần thể thao thực sự được vinh danh?

Trên sân bóng tài nguyên đất, các quan chức địa phương đồng thời giám sát chính mình trong mọi quyết định với tài nguyên đất. Liệu đây có phải là lý do báo cáo tham nhũng của tỉnh hàng năm gửi lên trung ương luôn không tìm ra bất kỳ một manh mối tham nhũng nào?

  • Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm GIÁM SÁT tình hình chấp hành pháp luật về lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một số dự án quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
  • Nhưng cơ quan giám sát (hội đồng nhân dân tỉnh) lại đồng thời là cơ quan đại diện sở hữu đất đai, vừa đồng thời là cơ quan có thẩm quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vừa có quyền quyết định định giá đất (là thành viên trong hội đồng định giá đất).
  • Ngoài ra, cơ quan triển khai là chính quyền tỉnh thì các vị trí quản lý chủ chốt để thực thi các chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh – nhiều trường hợp cũng kiêm nhiệm vị trí chủ chốt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thể chế mô tả ở trên cho thấy, công tác giám sát sai phạm, tham nhũng đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa từ địa phương. Như vậy, chẳng quan chức cấp tỉnh nào phải chịu trách nhiệm giải trình cho những sai phạm của họ.

Thú vị là, ngày càng nhiều vụ án tham nhũng đất đai được đưa ra ánh sáng, nhưng chưa một quan chức nào chịu trách nhiệm về giám sát, ký các báo cáo giám sát, tham nhũng lên Trung ương lại bị lên án hay kết tội, tất cả đều đúng quy trình…

Con sâu làm rầu nồi canh?

Mỗi khi xử một vụ án tham nhũng, thông điệp của đảng, chính phủ trên truyền thông dòng chính đều là những nhận xét buồn bã về việc con sâu làm rầu nồi canh.

Tiếc rằng sâu ngày càng nhiều và chính hệ thống thể chế lỏng lẻo, vô lý thiếu khuôn khổ thượng tôn pháp luật, quá nhiều ưu ái dành cho các quan chức (trong trường hợp này là quan chức địa phương) đã nuôi mớ sâu béo mầm.

Thứ mà chính quyền cần bây giờ không phải là chỉ trích đám sâu và loại bỏ sâu, mà là gỡ mọi xung đột lợi ích này để đảm bảo không sâu không sinh sản và không béo mập được nữa.

Bất kỳ một thể chế hiệu quả nào cũng phải tách bạch 3 nhóm quyền lực lớn là quyền sở hữu, quyền quản lý và quyền giám sát.

Ngoài việc tách bạch 3 nhóm quyền lực này trở nên độc lập, ít nhất là độc lập tương đối, thì cần thiết lập chế tài xử phạt minh bạch, nghiêm khắc và công khai với tất cả các sai phạm.

Đất đai là nguồn lực lớn của mọi nền kinh tế. Lịch sử kinh tế học cận đại, từ lý thuyết đến thực tiễn, chứng minh rằng chẳng nền kinh tế nào thịnh vượng và có thể công nghiệp hóa thành công nếu thất bại trong công tác quản lý tài nguyên đất, thất bại trong việc đưa tài nguyên đất thành một đầu vào hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thành một nguồn thu hiệu quả và bền vững với ngân sách, thành tài sản tích lũy được bảo vệ thích đáng của dân cư.

Phải chăng thất bại trong cơ chế điều tiết đất đai hàng thập kỷ qua khiến các chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam liên tiếp thất bại, trở thành lời hứa không đáng tin và sáo rỗng?

Đàm Thanh



BÀI CHỌN LỌC

Khi quan chức địa phương kiêm tất cả các vai trên sân bóng đất đai…