Khan hiếm gỗ xây dựng tại châu Âu và cơ hội cho Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những ngành kinh doanh phát triển được trong thời dịch bệnh là đồ gỗ nội thất, ngoại thất. Thị trường đồ gỗ ở châu Âu tiếp tục chuyển dịch và tăng trưởng do các nhu cầu mới trong đại dịch đang là cơ hội cho nước xuất khẩu đồ gỗ vào châu Âu, trong đó có Việt Nam.

Từ khi bị hạn chế ra khỏi nhà, người dân châu Âu quan tâm hơn nhiều tới chất lượng đồ đạc trong gia đình. Các công sở buộc phải cải tạo không gian làm việc cho phù hợp với yêu cầu giãn cách. Các cửa hàng phải bố trí lại để khách hàng giảm chạm tay vào sản phẩm và chạm vào nhau… Tất cả đang thúc đẩy thị trường đồ nội thất, ngoại thất ở châu Âu, thực sự là một cơ hội cho ngành bán lẻ đồ gỗ.

Khan hiếm gỗ xây dựng tại châu Âu

Thị trường gỗ xây dựng châu Âu sôi động từ mùa hè năm 2020. Giá gỗ xẻ ở một số nơi đã tăng gần gấp rưỡi so với trước khi dịch bệnh xảy ra, giá gỗ ván ép thậm chí có nhiều nơi tăng gấp 2,5 lần. Nhật báo Tây Pháp mới đây viết rằng: Giá gỗ tăng cao đang là nguyên nhân chính làm khó ngành xây dựng.

Ông Chủ tịch Liên đoàn các Doanh nghiệp kinh doanh Vật liệu xây dựng nói rằng, 40 năm trong nghề, chưa khi nào ông thấy thị trường gỗ bị mất kiểm soát đến như vậy. Tờ Faro de Vigo của Tây Ban Nha cũng viết: "Chi phí nguyên vật liệu tăng, đẩy chi phí xây dựng lên 15%".

Theo bài báo, một tỷ lệ lớn gỗ từ Trung Âu và Bắc Âu, từ Pháp, Chile và Brazil, đang được giữ lại để tiêu thụ tại chỗ, hoặc hướng sang các thị trường khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn như Mỹ hay Trung quốc hoặc Đức.

Bài báo cho biết, trên thị trường gỗ, Trung Quốc một mặt sử dụng hết toàn bộ lượng gỗ sản xuất tại Trung Quốc, đồng thời vẫn gia tăng nhập khẩu ở mức nhiều nhất có thể gỗ từ các nước khác.

Đại dịch đã làm cho lĩnh vực xây dựng tăng trưởng nóng trên toàn thế giới. Tờ Die Presse ra tại Áo viết: "Nhu cầu gỗ xây dựng đang ở mức cao chưa từng thấy".

Cơ hội cho Việt Nam

Một tờ tuần báo ra tại Anh đã có bài viết về cơ hội tuyệt vời mà đại dịch tình cờ mang đến cho tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới Ikea.

Tờ báo Anh viết: "Ngay cả những người nhìn xa trông rộng nhất cũng khó có thể hình dung thế giới sẽ thay đổi như thế nào sau một năm đại dịch. Người sáng lập Tập đoàn Ikea khi còn sống đã từng nói rằng, khủng hoảng là cơ hội tốt nhất, lúc đó ông ấy cũng không thể tưởng tượng được quy mô của đại dịch và những cơ hội mà nó mang lại cho doanh nghiệp".

Trong hàng trăm cửa hàng của Tập đoàn Ikea trên khắp châu Âu đều có bán đồ gỗ sản xuất tại Việt Nam. Châu Âu vẫn phải nhập khẩu đồ gỗ, mỗi năm khoảng 80 tỷ Euro, trong đó từ Việt Nam khoảng 800 triệu Euro.

"Thị trường đồ gỗ châu Âu đang sôi sục", theo một tờ báo của Cộng hòa Czech khi viết về một tập đoàn lớn của Áo cũng chuyên về bán lẻ đồ nội thất vừa mở thêm cửa hàng thứ 10 tại Czech. Bài báo nhấn mạnh: "Doanh số bán lẻ đồ gỗ ở Áo trong đại dịch đã tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020, ở Đức tăng khoảng 80%, và ở Czech là từ 25 - 30%.

Nhật báo Pháp Le Figaro cũng viết rằng: "Làm việc từ xa và phong tỏa đã kích thích thị trường đồ gỗ".

Theo thống kê, người tiêu dùng nay sẵn lòng chi thêm 14% khi mua cái bàn, cái ghế, hay tủ sách; chi thêm 8% khi mua sofa. Một chủng loại đồ gỗ nữa cũng đang bán rất chạy là đồ gỗ dùng trong vườn nhà. Sản phẩm từ Việt Nam đều hiện diện trong các dòng đồ gỗ này, ở dạng sản phẩm hoàn chỉnh hoặc thành phần của sản phẩm hoàn chỉnh.

Từ khi bị hạn chế ra khỏi nhà, người dân châu u quan tâm hơn nhiều tới chất lượng đồ đạc trong gia đình. Các công sở buộc phải cải tạo không gian làm việc cho phù hợp với yêu cầu giãn cách. (Ảnh: Kiwipedia)
Từ khi bị hạn chế ra khỏi nhà, người dân châu u quan tâm hơn nhiều tới chất lượng đồ đạc trong gia đình. Các công sở buộc phải cải tạo không gian làm việc cho phù hợp với yêu cầu giãn cách. (Ảnh: Wikipedia)

Một điều thuận lợi nữa cho Việt Nam là từ tháng 8/2020, đồ gỗ Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế tại thị trường châu Âu kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực.

Cần ngăn chặn tình trạng “rửa” xuất xứ hàng hóa

Theo VTV, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho biết, FDI hiện là bộ phận quan trọng và không thể tách rời của ngành gỗ. Tuy nhiên một số hoạt động đầu tư FDI ẩn chứa rủi ro lớn đặc biệt là tình trạng đầu tư "chui," đầu tư "núp bóng". Điều này đã và đang làm tổn hại tới toàn ngành.

Tình trạng đầu tư chui ở Việt Nam có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Đó là các thương nhân nước ngoài đến một công ty tại Việt Nam thuê lại nhà máy, ký hợp đồng dưới dạng nhân viên kỹ thuật.

Các nhà đầu tư này bỏ tiền ra để tổ chức sản xuất, nhập các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế bán phá giá của Mỹ từ nước ngoài vận chuyển về Việt Nam. Sau đó hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế.

Việt Nam từng bị Mỹ cho vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ vì hoạt động né thuế này của các nhà đầu tư Trung Quốc. Nếu hoạt động này không bị ngăn chặn hiệu quả, Việt Nam sẽ giống một điểm trung chuyển gỗ từ Trung Quốc sang Mỹ mà không tạo ra nhiều giá trị thực chất cho nền kinh tế nước nhà.

Hiện nay, với việc Việt Nam ngày càng xuất khẩu nhiều hơn sang Châu Âu nên tình trạng này đã phần nào bớt căng thẳng. Nguyên nhân là các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu có xu hướng nhập gỗ nguyên liệu trực tiếp từ Châu Âu. Gỗ từ châu Âu sẽ là lựa chọn đáp thị hiếu từ khách hàng châu Âu dễ dàng nhất.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gỗ từ châu Âu trên 153 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ.

"Ở châu Âu, sau khi xẻ họ đã sơ chế khá kỹ, nên doanh nghiệp chỉ việc sản xuất tiếp mà không cần phải lo đến chất lượng đầu vào nguyên liệu. Có những loại gỗ rất rẻ để phục vụ phân khúc giá rẻ và cả các loại gỗ cao cấp để phục vụ những phân khúc cao hơn", Trưởng phòng nhập khẩu một công ty gỗ cho biết.

"Việc nhập gỗ từ châu Âu và xuất đi chính thị trường này sẽ tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc gỗ, sẽ tăng được cơ hội xuất khẩu gỗ cho doanh nghiệp Việt", bà Phương, Giám đốc một công ty gỗ nói.

Hầu hết gỗ nhập khẩu từ châu Âu đều có chứng nhận PEFC hoặc FSC. Để đảm bảo xuất khẩu, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp lưu giữ đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp mà doanh nghiệp sử dụng.

Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

Khan hiếm gỗ xây dựng tại châu Âu và cơ hội cho Việt Nam