Khách Việt, khách ‘ngoại’ đều vắng bóng, tiểu thương các chợ trung tâm ‘trả sạp’ hàng loạt

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Vắng lặng, buôn bán ế ẩm, hơn 50% sạp đóng cửa”… những ngôi chợ một thời sầm uất như Bến Thành, An Đông… vốn “dập dìu” du khách nước ngoài, nay chứng kiến cảnh đìu hiu, ế ẩm...

Cảnh tượng chung tại các chợ trung tâm là… ế ẩm

"Phải có đến 99% số lượng sạp của ngành hàng quà lưu niệm tại đây chưa hoạt động lại, nhiều sạp chịu không nổi nên đã sang hoặc cho thuê lại mặt bằng. Có lẽ đây là năm khó khăn nhất từ thời điểm thành lập chợ đến giờ", bà Hồng - một chủ sạp tại chợ Bến Thành - thở dài cho biết.

Nhiều sản phẩm tại các khu chợ trung tâm TP. HCM chủ yếu bán cho khách du lịch nước ngoài nhưng do tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán nên khách “nội”, “ngoại” đều vắng bóng, khiến các sạp tại đây tiếp tục đóng cửa.

Trước đây, chợ Bến Thành không lúc nào ngớt người qua lại, nhộn nhịp mua bán, thì nay trở nên vắng vẻ đến khó tin. Những ki ốt cùng nhau tắt đèn, đóng cửa, chứ không còn cảnh “sáng đèn” từ sáng đến tận đêm khuya.

Tại chợ Tân Định, ngoài ngành hàng thực phẩm còn sôi động, còn lại ngành hàng vải, thời trang, trang sức... dù lượng hàng chưng bày đầy ắp, chật cả lối đi nhưng số lượng người mua chỉ lác đác.

Chợ An Đông vốn có thế mạnh là chợ sỉ, với phần lớn sản phẩm là hàng thời trang, nguồn khách của chợ chủ yếu là các tiểu thương ở các tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua tại đây còn thấp so với bình thường.

Theo bà Nga - một thương nhân quầy hàng thời trang tại đây, lượng hàng chuyển đi tỉnh giảm đến 90% so với lúc đông khách.

Chủ sạp không gánh nổi chi phí do buôn bán ế ẩm

Lãnh đạo chợ Bến Thành cho biết, những sạp đóng cửa thường rơi vào trường hợp các tiểu thương đi thuê mặt bằng nên họ không thể duy trì hoạt động vì buôn bán ế ẩm.

Giá cho thuê sạp ở đây dao động 10-20 triệu đồng một tháng, còn giá sang nhượng sạp khoảng 700 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng (tùy diện tích và vị trí).

"Ngày nào bán đắt lắm, doanh thu chỉ 150.000 đồng, có hôm ngồi cả ngày không có khách", một tiểu thương kinh doanh đồ nội y ở chợ Bến Thành cho biết.

Dù buôn bán khó khăn là vậy, nhưng mỗi tháng các tiểu thương phải "gồng mình" đóng từ 2-4 triệu đồng tiền thuế phí chợ. Các trường hợp phải trả thêm tiền thuê sạp thì tiểu thương không trụ nổi, đành phải tạm ngừng kinh doanh.

Tiểu thương trả sạp, tính chuyện ‘đổi nghề’

Một số tiểu thương cho biết nếu mở bán thì sẽ mất thêm một số chi phí nhưng cứ ở nhà, đóng cửa thì cũng không giải quyết được vấn đề gì… “nếu mà đóng cửa thì có mà đóng cả chợ luôn”, một tiểu thương nhận định.

"Tôi đang tìm đường tháo chạy khỏi chợ vì không thể sống mãi với cảnh tượng như thế này", ông Châu, một chủ sạp ngành hàng thực phẩm công nghệ tại chợ Bến Thành, cho biết.

Một chủ sạp khác tại chợ Bến Thành là anh Vương cho biết, trước đây anh bán thuê cho người khác ở chợ, đến năm 2017 anh quyết định ra thuê ki ốt, tự mình làm chủ.

“Ấy thế mà đùng một cái, dịch bệnh đến cuốn theo mọi thứ, giờ nhìn trước ngó sau cả ngày chả thấy khách đâu, chỉ toàn thấy bóng lưng của tiểu thương với nhau… nếu không có gì thay đổi, chắc sang tháng vợ chồng tôi trả sạp, chịu mất tiền cọc rồi về kiếm việc khác làm, đến khi nào dịch qua, chợ ổn định thì ra thuê sạp bán lại. Chắc về chạy xe ôm quá!”, anh Vương tâm sự.

Trong khi đó, ngồi ở gần cổng chính của chợ Bến Thành với ánh mắt buồn xa xăm là chú Thành với thâm niên 8 năm chạy xe ôm tại khu vực này, theo kenh14 .

Chú thở dài cho biết: "Chú ngồi đây từ chiều đến giờ có khách nào đi xe ôm đâu. Trước Tết thì chợ này khách đông và nhộn nhịp lắm, giờ thì vắng hoe. Đến khách Việt còn không có chứ đừng nói chi khách nước ngoài".

Xem ra, câu chuyện "ế ẩm" và “đổi nghề” thời Covid-19 vẫn còn là vấn đề vô cùng nan giải, và những người lao động vẫn phải đối mặt với “hàng đống” lo toan về “cơm áo gạo tiền”...

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Khách Việt, khách ‘ngoại’ đều vắng bóng, tiểu thương các chợ trung tâm ‘trả sạp’ hàng loạt