Kẻ thù bị lãng quên của thị trường tài chính đang trở lại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối lo ngại về sự trỗi dậy trở lại của một kẻ thù bị lãng quên đối với người gửi tiền và nhà đầu tư dựa vào đòn bẩy tài chính đang trở nên lớn hơn bao giờ hết...

Một bóng ma đang ám ảnh các nhà đầu tư trên khắp toàn cầu: sự trở lại của lạm phát. Nhưng nó có phải là một mối đe dọa chính đáng? Và nó sẽ có ý nghĩa gì nếu nó quay trở lại?

Hiện nay, những câu hỏi trên chắc chắn là những câu hỏi kinh tế quan trọng nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt. Lạm phát cao bất ngờ sẽ làm tăng lãi suất, làm mất ổn định tỷ giá hối đoái, gây bất ổn trên thị trường lao động, đẩy những người mắc nợ cao đến tình trạng vỡ nợ, buộc phải bán tháo tài sản đã đầu tư bằng đòn bẩy và bởi thế sẽ gây bất ổn thị trường tài sản.

Hiện tại, lạm phát cao hơn đáng kể nhưng so với ngưỡng có thể tạo ra rủi ro. Tuy nhiên, sau bốn thập kỷ nền kinh tế toàn cầu đi ngược lại với quy luật kinh tế học: tiền rẻ ngập thị trường, lạm phát thấp, kinh tế trì trệ… dường như nỗi ám ảnh lạm phát biến mất khỏi tư tưởng của người gửi tiền và nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy.

Hành trình đi vào lịch sử của lạm phát

Dĩ nhiên, quên đi ám ảnh lạm phát chỉ là câu chuyện của các nền kinh tế lớn và đã phát triển như Mỹ, EU. Tại Việt Nam, một nền kinh có quy mô quá nhỏ với tỷ giá neo vào đồng USD, lạm phát luôn là nỗi lo hiện hữu. Trong cuộc chiến tiền tệ giá rẻ của đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc và USD của Mỹ hồi cuối những năm 2000 và đầu thập kỷ 2010, Việt Nam hứng chịu cơn bão lạm phát lên tới gần 22,97% năm 2008 và 18,58% năm 2011.

Thời điểm này, để cạnh tranh về thương mại và việc làm, Mỹ giảm giá đồng USD khiến những đồng tiền neo theo USD như VND của Việt Nam chịu tác động mất giá thê thảm. Quy mô kinh tế quá nhỏ bé, tỷ giá neo vào USD và cũng đồng thời phụ thuộc vào CNY của Trung Quốc vì sự phụ thuộc thị trường và tỷ trọng kim ngạch thương mại quá lớn giữa hai nước - khiến đồng VND của Việt Nam gián tiếp hứng chịu hậu quả trong cuộc chiến tiền tệ giai đoạn này (chứ không chỉ là hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008).

Kết quả là, giá tài sản sụt giảm thê thảm, nhiều ngân hàng thương mại biến mất khỏi thị trường, nhiều doanh nghiệp sụp đổ, nợ xấu trở thành ‘cục máu đông’ của cả hệ thống tài chính và nền kinh tế, thời điểm 2012 lên tới 19% (theo tuyên bố của Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam vài năm sau đó trước Quốc hội). Cục nợ xấu này hiện vẫn còn một phần “chưa thể xử lý” hoặc “không thể xử lý” tại Công ty xử lý nợ Việt Nam (VAMC).

Các thảm họa lạm phát của các nền kinh tế lớn cũng tương tự. Để xem xét khả năng bùng phát lạm phát có ý nghĩa như thế nào với túi tiền của mỗi chúng ta hôm nay, chúng ta nhất định phải nhìn vào lịch sử bằng một hành trình nghiêm túc.

Lần cuối cùng lạm phát bùng nổ ngoài tầm kiểm soát ở các nước thu nhập cao là vào những năm 1970. Vương quốc Anh đã đi đầu trong câu chuyện này. Vào tháng 8 năm 1975, lạm phát giá bán lẻ hàng năm lên tới 27%. Vào tháng 4 năm 1980, nó một lần nữa tăng vọt lên 22% (xem biểu đồ).

Hai cú sốc về dầu là nguyên nhân quan trọng khiến lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên, có một khía cạnh quan trọng với cơ cấu kinh tế nội tại của Vương quốc Anh trong câu chuyện này. Một vòng xoáy luẩn quẩn của lạm phát cao, kiểm soát tiền lương và quân đội lao động là đặc điểm của thập kỷ này. Vào tháng 1 năm 1974, trước một cuộc đình công của các công ty khai thác than, Thủ tướng Anh quốc, Ngài Edward Heath, thậm chí đã tuyên bố người lao động làm việc 3 ngày/tuần.

Vương quốc Anh thời điểm đó dường như đang trên bờ vực biến thành Argentina, một quốc gia nổi tiếng với tình trạng dân quân hóa công nhân và lạm phát cao. Nhưng nó không đơn độc. Kinh nghiệm lạm phát của Ý cũng tồi tệ như ở Anh. Các nước thu nhập cao khác cũng bị ảnh hưởng.

Trong nhóm bảy quốc gia có thu nhập cao hàng đầu hiện nay, lạm phát của Đức được kiểm soát tốt nhất,: tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng trung bình trong những năm 1970 là dưới 5%, so với 13% của Anh, trong khi của Mỹ là 7%.

Những năm 1970 là thời kỳ của lạm phát đình trệ - lạm phát cao và tăng trưởng thấp. Kết quả là, đó cũng là một kỷ nguyên có hiệu suất khủng khiếp đối với giá tài sản.

Lạm phát biến mất hay 'trốn' trong tài sản tài chính?

Đối với những người nắm giữ trái phiếu, chủ yếu là những người lớn tuổi dựa vào tài sản này để được đảm bảo an toàn khi về già, một thập kỷ lạm phát cao là một thảm họa tài chính. Cổ phiếu cũng vậy. Tỷ lệ giá / thu nhập được điều chỉnh theo chu kỳ (CAPE), được phát triển bởi Robert Shiller, người đoạt giải Nobel - đã giảm từ 24 vào năm 1966, xuống 8 vào năm 1974 và 7 vào năm 1982.

Định giá thị trường Hoa Kỳ gần như giảm trở lại mức được thấy trong những năm Đại suy thoái của đầu những năm 1930. Tỷ lệ giá trị của thị trường chứng khoán trên tổng sản phẩm quốc nội của Anh đã giảm xuống mức thấp 11% vào năm 1974. Ở Mỹ, mức đáy là 21% vào năm 1982.

Ở mức định giá này, các thị trường chứng khoán cho rằng chủ nghĩa tư bản đã kết thúc. Điều gì đã gây ra thảm họa này?

Đầu tiên, chính sách tài khóa mở rộng theo trường phái Keynes và cung tiền ồ ạt, thao túng tỷ giá do mất mỏ neo giữa tiền và vàng vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, sự gia tăng giá dầu, tình trạng bất ổn lao động, không kiểm soát được tiền lương, kiểm soát giá và ép lợi nhuận, càng trở nên tồi tệ hơn do việc không điều chỉnh thuế đối với tác động của lạm phát. Sau đó là các chính sách thắt chặt tiền tệ vào đầu những năm 1980 của Paul Volcker, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ở Mỹ và Margaret Thatcher và thủ tướng Geoffrey Howe, ở Anh.

Sau những năm đau khổ này, việc kiểm soát lạm phát đã trở thành trung tâm của điều hành chính sách tiền tệ. Quan điểm cho rằng lạm phát là cái giá phải trả để giảm tỷ lệ thất nghiệp đã bị bác bỏ. Thực tế chứng minh rằng đây là một lý thuyết thất bại. Ban đầu, giải pháp thay thế là nhắm mục tiêu tiền tệ do Milton Friedman đề xuất.

Khi lý thuyết này hóa ra không hiệu quả như mong đợi, các nhà hoạch định chính sách đã chuyển từ mục tiêu của một công cụ là tiền sang mục tiêu là lạm phát. Lạm phát chính thức bắt đầu ở New Zealand vào đầu những năm 1990 và lan rộng - cùng với sự độc lập của ngân hàng trung ương - đến nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là bao gồm cả Vương quốc Anh.

Việc kiểm soát lạm phát thành công đồng thời với sự khởi đầu của một đợt bùng nổ kéo dài và đáng chú ý về giá tài sản.

Thị trường trái phiếu tăng giá kéo dài là hệ quả tự động của lạm phát giảm nhanh chóng. Điều đó càng được củng cố bởi sự sụt giảm của lãi suất thực xuống mức âm ngày nay.

Sự kết thúc của lạm phát trùng hợp với bắt đầu của thị trường chứng khoán tăng giá
Sự kết thúc của lạm phát trùng hợp với bắt đầu của thị trường chứng khoán tăng giá

Điều này cũng đúng đối với các nhà quản lý quỹ cổ phần. Ở Mỹ, CAPE đã tăng lên 44 vào năm 2000, mức cao nhất mọi thời đại. Thị trường tăng giá duy nhất gần với thị trường này là vào những năm 1920. Tỷ lệ giá trị của thị trường chứng khoán trên GDP tăng vọt lên 162% ở Anh và 157% ở Mỹ vào năm 2000. Chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng.

Đỉnh điểm năm 2000 trong “bong bóng internet dotcom” được theo sau bởi một vụ sụp đổ và sau đó là một cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Tuy nhiên, thị trường Mỹ đã phục hồi: vào cuối năm 2020, CAPE của Mỹ là mức cao thứ hai trong kỷ lục và thị trường chứng khoán trị giá 187% GDP của Mỹ.

Kinh tế thị trường tự do - Adams Smith vĩnh viễn là tượng đài

Thành công trong việc kiểm soát lạm phát không phải là động lực duy nhất thúc đẩy thị trường tài chính tăng trưởng "như Thánh Gióng" trên toàn cầu. Đó là một phần của một bước ngoặt rộng lớn hơn từ nền kinh tế được quản lý sau chiến tranh thế giới thứ II sang nền kinh tế thị trường tự do: Sự suy yếu của các tổ chức công đoàn; cắt giảm thuế; tự do hóa thương mại; bãi bỏ quy định tài chính; và sự mở cửa của các dòng vốn.

Trong một phân tích kinh điển được xuất bản năm 2004, Kenneth Rogoff của Đại học Harvard cho rằng sự gia tăng áp lực cạnh tranh này, một phần đến từ sự gia nhập nền kinh tế thế giới của Trung Quốc, là yếu tố then chốt đằng sau sự thành công của chính sách giảm phát.

Người ta có thể nói thêm rằng những thay đổi này - giảm phát, bãi bỏ quy định và toàn cầu hóa - cũng dẫn đến sự xoay chuyển cơ bản về quyền lực kinh tế và chính trị, rời xa lao động và hướng tới chủ sở hữu vốn. Điều này cũng thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng giá.

Một câu hỏi quan trọng là tại sao chu kỳ giảm lạm phát lại giống nhau ở các quốc gia có thu nhập cao. Câu trả lời phải là cả hai đều được tiếp xúc với những ý tưởng được chia sẻ và được kết nối thông qua thương mại, dòng vốn và chính sách tiền tệ.

Một đặc điểm nổi bật khác trong bốn thập kỷ qua là nợ liên tiếp lập kỷ lục mới, ban đầu chủ yếu là nợ tư nhân, do bãi bỏ quy định tài chính. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 và 2008 và cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro sau đó, nợ chính phủ cũng tăng vọt vì các cuộc giải cứu vô lý và bất tận. Quá trình này khiến một phần lớn nợ tư nhân chuyển thành nợ công.

Lãi suất MỸ thấp nhưng rủi ro lạm phát cao Xanh đậm: Lợi suất TP MỸ 10 năm, đỏ : Lợi suất điều chỉnh lạm phát TP MỸ 10 năm, Xanh nhạt: Lạm phát hòa vốn

Có học giả cho rằng việc tích lũy nợ cũng là hậu quả của việc cầu yếu về cơ cấu trên toàn nền kinh tế thế giới. Năm 2005, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Ben Bernanke, gọi hiện tượng này là “dư thừa tiết kiệm”. Gần đây hơn, cựu Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, Lawrence Summers đã gọi nó là "sự trì trệ thế tục".

Nhận định đó không sai, nhưng chưa đủ để chúng ta hình dung về khối nợ toàn cầu đang phình lên với kỷ lục đáng kinh ngạc. Khi cầu yếu, lạm phát thấp, tiền tệ giá rẻ, lúc đó các nhà đầu tư sẽ làm gì với tiền? Nền kinh tế thực không thể hấp thụ hết tiền quá rẻ, trong khi vòng quay vốn trong hệ thống tài chính lại ngày một lớn hơn, hấp dẫn người vay bởi các công cụ nợ, nhiều công cụ rất rủi ro, thậm chí là lừa đảo người đầu tư cho “chứng khoán hóa khoản vay dưới chuẩn” của Mỹ trước 2008.

Ví dụ, chứng khoán hóa khoản vay có tài sản đảm bảo (CDO), là một “sáng tạo tài chính” của Phố Wall. Các ông lớn Phố Wall ma mãnh như Lemon Brothers đã đóng gói một đống nợ dưới chuẩn (tức là các khoản nợ xếp hạng xấu nhất, không thể bán được cho ai cũng không thể đòi được nợ) vào thành một khối, bọc vào khối đó một cái tên tài chính mỹ miều là CDO.

Lúc này, người không trả được nợ dưới chuẩn “biến mất” trong khối nợ dưới chuẩn, thay vào đó là loại chứng chỉ nợ có tên CDO mà các công ty xếp hạng tín nhiệm lại dựa vào uy tín của Lemon Brothers để xếp hạng cho các chứng chỉ nợ CDO mà ngân hàng này phát hành ra. Thế là, từ loại nợ rất xấu, có nguy cơ mất vốn, Lemon Brother cùng với các hãng xếp hạng tín nhiệm lại phù phép chúng thành nợ loại tốt. Chúng lại được bán ồ ạt ra thị trường và được vô số nhà đầu tư đổ tiền vào mua vì tin vào các con sói Phố Wall này. Một cuộc khủng hoảng lớn nhất thế giới (cho tới thời điểm này) đã bắt đầu như vậy.

Những công cụ nợ như vậy kết hợp với tiền giá rẻ đã kích thích nợ toàn cầu đổ vào các thị trường đầu cơ như bất động sản, chứng khoán... Dù thế giới hiện không còn các sản phẩm nợ như CDO, nhưng các loại tương tự như CDO, các loại chứng khoán phái sinh rủi ro khác, các khoản nợ lớn nhỏ khác vẫn đang được ào ào bán ra với giá cực rẻ trên thị trường. Đây là lý do lạm phát trên thị trường bất động sản và tài chính dâng cao, nhưng lại không được phản ánh trong rổ tính chỉ giá tiêu dùng đúng mức của bất kỳ quốc gia nào, khiến lạm phát công bố thấp hơn nhiều so với thực tế.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-98 và sự bùng nổ của bong bóng dotcom năm 2000 chỉ là những ẩn ý về những gì có thể xảy ra. Cú sốc lớn đối với hệ thống là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đề cập ở trên, vốn đã phải đối mặt với một phản ứng tài chính và tiền tệ khổng lồ.

Một số người lo lắng rằng cuộc khủng hoảng 2008 sẽ kết thúc kỷ nguyên lạm phát thấp. Sự sợ hãi đó hóa ra đã đặt nhầm chỗ. Thay vào đó, thắt chặt tài khóa trước hạn và phản ứng chính sách tiền tệ yếu kém, đặc biệt là ở khu vực đồng euro, đã dẫn đến sự phục hồi đáng thất vọng và lạm phát dưới mục tiêu liên tục diễn ra ở Mỹ và khu vực đồng euro.

Bài học rút ra từ kinh nghiệm đáng thất vọng này là các nhà làm chính sách lần tới cần phải có phản ứng chính sách nhanh hơn, lớn hơn và kiên quyết hơn.

Covid-19, một loại cú sốc khác, hóa ra lại là “đến sau”. Cuộc khủng hoảng này được giải quyết bằng các hành động mở rộng, tài trợ tài chính và tiền tệ bất thường, nhằm ổn định nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Liệu cú sốc lớn thứ hai trong vòng 12 năm này có khơi mào cho khủng hoảng tài chính toàn cầu mới - có nguyên nhân do lạm phát cao, điều mà chúng ta từng lo sợ 12 năm trước?

Đây chắc chắn không phải là những gì thị trường mong đợi. Chúng ta đều mong đợi một sự hồi phục khỏe mạnh, đúng quy luật. Thị trường trái phiếu chỉ đơn thuần cho thấy sự gia tăng kỳ vọng lạm phát và phí bảo hiểm rủi ro lạm phát ở mức khiêm tốn và đáng mơ ước, đặc biệt là ở Mỹ. Các thị trường chứng khoán cũng vẫn tự tin về khả năng sinh lời trong tương lai.

Hiện không ai sợ lạm phát cả: NHTW các nước tin vào tăng trưởng nóng, lạm phát thấp?

Mối quan tâm chính của các ngân hàng trung ương (NHTW), đặc biệt là Fed, vẫn là tăng lạm phát chứ không phải giữ nó xuống. Các NHTW hy vọng rằng, với kỳ vọng lạm phát và lạm phát cao hơn, họ sẽ có thể tăng lãi suất cao hơn 0. Điều này sẽ giúp họ có thêm cơ hội để điều động trong tương lai, để đối phó với những cú sốc tiêu cực.

Hơn nữa, các NHTW tin rằng, trong nền kinh tế ngày nay, phản ứng của tiền lương đối với thất nghiệp là rất yếu. Điều này có nghĩa là họ có thể điều hành các nền kinh tế “nóng” mà không lo sợ lạm phát tăng quá mạnh.

Chính trị cũng đã thay đổi, đặc biệt là ở Mỹ, với việc ông Joe Biden được bầu làm tổng thống. Chính quyền này tin rằng cần cung tiền vô hạn định cho nền kinh tế để tăng trưởng, miễn là lạm phát không quá cao. Mà lạm phát cần được kiểm soát bởi chính sách tài khóa. Tư tưởng này đã giành được sự ủng hộ của cánh tả. Vì vậy, chính quyền này cho rằng việc tăng lương cơ bản là giành lợi ích cho người lao động cũng là tái cân bằng mối quan hệ giữa lao động - tư bản.

Những quan điểm mới này hiện đã thành hiện thực. Mỹ đã thông qua chương trình kích thích tài khóa 1,9 ngàn tỷ USD được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ mở rộng dự kiến ​​sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2024, mặc dù Fed dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ cao tới 6,5%/năm. Chính quyền cũng đang nghĩ đến việc chi thêm 3 ngàn tỷ USD cho các ưu tiên dài hạn, bao gồm cả nền kinh tế môi trường xanh. Tổng cộng, các chương trình này sẽ chiếm gần một phần tư GDP của Hoa Kỳ. Đó là hoạch định chính sách biến đổi cực lớn.

Lawrence Summers đã chỉ trích cách tiếp cận này: “Đây là chính sách kinh tế vĩ mô tài khóa ít có trách nhiệm nhất mà chúng tôi đã có trong 40 năm qua”. Hơn nữa, “về cơ bản nó được thúc đẩy bởi sự thiếu kiên định của phe cánh tả và hành vi hoàn toàn vô trách nhiệm trong toàn thể đảng Cộng hòa” (theo Bloomberg).

Nợ làm Kinh tế Anh rủi ro với lãi suất tăng cao

Do đó, có khả năng là sẽ có sự mở rộng lớn về chi tiêu và ít bị đánh thuế thêm. Với việc mở rộng tiền tệ cũng vậy, lạm phát có thể sẽ gia tăng tăng lên đáng kể.

Nếu điều này xảy ra ở Mỹ, thì tác động lan tỏa trên toàn thế giới là rất cao, đặc biệt tác động tiêu cực tới các nền kinh tế quy mô nhỏ, có quan hệ tài chính - thương mại lớn với Mỹ và đồng nội tệ neo vào giá trị đồng USD như Việt Nam hay Brazil. Đây là những nền kinh tế không chỉ có quy mô quá nhỏ so với Mỹ, mà dự trữ ngoại hối (là đồng USD) cũng không đủ lớn để chống chọi với biến động ngoại tệ trong nước, cũng như quá phụ thuộc vào xuất khẩu khiến họ không có cách nào khác phải chấp nhận lạm phát cao hơn Mỹ nhiều để tăng trưởng và duy trì việc làm.

Không chỉ ở Mỹ, ở các nước thu nhập cao khác, tiết kiệm hộ gia đình cũng cao, thâm hụt tài chính lớn và chính sách tiền tệ mở rộng. Hầu hết mọi nơi đều có thể nhìn thấy tia lửa cần thiết để nhóm lên một ngọn lửa lạm phát.

Hậu quả và sự méo mó khôn lường

Vào những năm 1970, nhà kinh tế học người Anh, Charles Goodhart, đã đề xuất cái được gọi là định luật Goodhart: “Bất kỳ quy luật thống kê rõ rệt nào sẽ có xu hướng sụp đổ một khi áp lực được đặt lên nó nhằm mục đích kiểm soát.” “Định luật” này có thể giúp giải thích sự thất bại của chủ nghĩa trọng tiền.

Định luật này có thể có một hệ quả: "Một mối quan hệ thống kê, một khi bị bỏ qua, sẽ trở nên có liên quan". Nếu vậy, đường cong Phillips, liên kết giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát, hoặc mối quan hệ giữa tiền và chi tiêu rộng rãi có thể quay lại với chúng ta.

Vậy điều đó có nghĩa là gì đối với các nhà đầu tư nếu lạm phát tăng cao hơn 2% hoặc 3%? Hiệu quả ban đầu sẽ là tăng lợi nhuận và tốt cho cổ phiếu, nhưng lạm phát sẽ rất khủng khiếp đối với thị trường trái phiếu.

Lạm phát cao có xu hướng bóp méo nền kinh tế, một phần do thuế được điều chỉnh không hoàn hảo theo lạm phát. Nó sẽ làm tăng lãi suất dài hạn. Điều đó sẽ làm suy giảm khả năng thanh toán của nhiều con nợ, bao gồm cả con nợ doanh nghiệp, khi nợ chồng chất.

Trên hết, lạm phát quá đà sẽ kích hoạt phản ứng giảm lạm phát từ các NHTW. Điều đó có nghĩa là lãi suất chính sách sẽ cao hơn nhiều. Điều đó có thể dẫn đến làn sóng vỡ nợ lan rộng hơn nhiều so với đầu những năm 1980, khi câu chuyện lớn là cuộc khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển. Lần này, các cuộc khủng hoảng nợ có thể xảy ra hầu như ở khắp mọi nơi, bởi vì có quá nhiều nợ.

Cung tiền thế giới tăng bùng nổ (cung tiền M3 ở OECD, MỸ và Anh)

Những rủi ro này cũng có thể tương tác với các mối đe dọa về cấu trúc do Goodhart và Manoj Pradhan đưa ra trong cuốn The Great Demographic Reversal. Theo họ, chế độ kinh tế bắt đầu từ những năm 1980 sắp kết thúc do chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và tốc độ già hóa nhanh chóng ở tất cả các nền kinh tế quan trọng, bao gồm cả Trung Quốc.

Khi lực lượng lao động thu hẹp, cuốn sách này gợi ý, số lượng người tiêu dùng sẽ tăng lên so với số lượng người sản xuất, do đó làm tăng giá cả. Áp lực tài khóa sẽ tăng lên không thể tránh khỏi, khi dân số già đi. Nếu các chính phủ phải lựa chọn giữa lạm phát và thắt chặt tài khóa, họ sẽ chọn phương án lạm phát. Cuối cùng, nếu lãi suất tăng quá cao để có thể thoải mái, các chính phủ sẽ buộc các NHTW phải giảm lãi suất.

Cuối cùng, những áp lực này sẽ kết thúc trong một kỷ nguyên lạm phát cao khác. Một số người sẽ chống lại quan điểm này, cho rằng đây không phải là cách mọi thứ kết thúc ở Nhật Bản, nơi cung tiền thừa thãi hàng thập kỷ đã thất bại trong việc kích thích lạm phát.

Có thể, điều đó bây giờ sẽ xảy ra trên toàn thế giới: tất cả chúng ta sẽ trở thành người Nhật. Chắc chắn, lịch sử không bao giờ lặp lại chính xác như vậy.

Tình trạng lạm phát đình trệ trong những năm 1970, đặc biệt là sự siết chặt lợi nhuận và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, là do đặc điểm của các nền kinh tế thời đó, đặc biệt là sức mạnh chính trị của lao động. Vì vậy, mọi thứ có thể diễn ra hoàn toàn khác lần này.

Lạm phát vẫn chưa quay trở lại. Nó có thể đến chậm nhưng không thể không đến. Những thay đổi chính trị mà chúng ta đang thấy ngày nay, sau Covid-19, cùng với những thay đổi dài hạn của nền kinh tế thế giới, đã làm tăng khả năng xảy ra một cú sốc lạm phát. Các nhà đầu tư phải tính đến khả năng này.

(Bài báo sử dụng một số nhận định và phân tích của tác giả Martin Wolf, Financial Times)

Lê Minh - Hữu Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Kẻ thù bị lãng quên của thị trường tài chính đang trở lại?