IMF tuyên bố suy thoái kinh tế toàn cầu, 85 quốc gia yêu cầu trợ giúp, cần tới hàng nghìn tỷ đô la

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố rằng thế giới đã bước vào một cuộc suy thoái toàn cầu - giống như hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây. 85 quốc gia đã yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ IMF. Trong khi đó, G20 đã báo cáo các biện pháp tài khóa với tổng trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đô la hoặc hơn 6% GDP toàn cầu.

IMF tuyên bố suy thoái kinh tế toàn cầu 2020 có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng năm 2009

Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế, đã nói về tình hình kinh tế hiện tại trong cuộc họp báo vào thứ Sáu. Bà cũng phác thảo các biện pháp mà IMF và các nước G20 đã thực hiện trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn diện do đại dịch virus Corona Vũ Hán. Cuộc họp báo đã được tổ chức ngay sau buổi họp của các nhà lãnh đạo G20. “Chúng tôi đã đánh giá lại triển vọng tăng trưởng trong năm 2020 và 2021”, bà Georgieva nói, cho biết thêm rằng:

“Bây giờ rõ ràng là chúng ta đã bước vào một cuộc suy thoái - giống như hoặc còn tồi tệ hơn so với năm 2009”.

Bà nói thêm rằng sự phục hồi sẽ chỉ xảy ra trong năm nay nếu virus Corona được ngăn chặn trên toàn cầu và các vấn đề thanh khoản không trở thành vấn đề về khả năng thanh toán, nhấn mạnh rằng một làn sóng phá sản và sa thải có thể làm suy yếu sự phục hồi.

Các biện pháp được thực hiện để tránh khủng hoảng kinh tế

Để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp mạnh tay. “Hôm qua, G20 đã báo cáo các biện pháp tài khóa với tổng trị giá khoảng 5 nghìn tỷ đô la hoặc hơn 6% GDP toàn cầu”, bà Georgieva cho biết. “Để hỗ trợ điều này, đêm qua IMF đã ra mắt một bộ theo dõi hành động chính sách đối với 186 quốc gia để giúp tất cả chúng ta thấy ai đang làm gì. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin này thường xuyên và sẽ cung cấp phân tích cụ thể theo từng quốc gia phù hợp với nhiệm vụ giám sát của chúng tôi”. Giám đốc IMF cho biết khoảng 85 nền kinh tế thu nhập thấp và đang phát triển đã gia tăng yêu cầu cần IMF tài trợ khẩn cấp. Có thể còn nhiều hơn nữa. Thông thường, IMF chưa bao giờ có quá nhiều yêu cầu cùng một lúc.

Bà Georgieva tiết lộ thêm rằng Ban điều hành IMF đã phê duyệt yêu cầu khẩn cấp đầu tiên cho Cộng hòa Slovakia (Kyrgyzstan) vào thứ năm. “Chúng tôi cũng thấy một loạt các vấn đề đang hình thành ở các thị trường mới nổi - sự lây lan của virus, sự đóng cửa của các nền kinh tế, dòng vốn chảy ra và - đối với các nhà xuất khẩu hàng hóa - một cú sốc về giá”, bà nói tiếp, cho biết thêm:

“Theo ước tính hiện tại của chúng tôi, nhu cầu tài chính của các thị trường mới nổi là 2,5 nghìn tỷ đô la - đây là ước tính thấp nhất trong trường hợp các nguồn lực trong nước và dự trữ của chính họ không đủ để bù đắp”.

Giám đốc IMF giải thích rằng tổ chức của bà đang thực hiện một số biện pháp và hợp tác với các tổ chức khác như Ngân hàng Thế giới. Thứ nhất, IMF đang đề xuất tăng gấp đôi khả năng tài chính khẩn cấp, đơn giản hóa các quy trình của mình và lấp đầy khoảng trống trong các ưu đãi tài chính của họ. Thứ hai, Quỹ sẽ xem xét các công cụ cho vay của mình như mở rộng việc sử dụng các hạn mức tín dụng phòng ngừa. IMF cũng đã phê duyệt những thay đổi trong việc áp dụng Quỹ tín thác của IMF về ngăn chặn và cứu trợ thảm họa (CCRT) mà họ hy vọng sẽ cung cấp một số khoản giảm nợ cho các quốc gia thành viên nghèo nhất. Vương quốc Anh, Nhật Bản và Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ để giúp gia tăng khả năng của CCRT.

Thanh Hương

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

IMF tuyên bố suy thoái kinh tế toàn cầu, 85 quốc gia yêu cầu trợ giúp, cần tới hàng nghìn tỷ đô la