IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,5% nhưng nhiều bất định

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong báo cáo công bố ngày 1/3/2021 vừa qua về triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, IMF đưa ra các đánh giá lạc quan về Việt Nam với mức tăng trưởng lên tới 6,5% và lạm phát ở mức 4%, đồng thời cảnh báo nhiều rủi ro mất cân đối.

IMF đưa ra các đánh giá và cảnh báo các điểm yếu, rủi ro trong khu vực ngân hàng, sức khỏe khu vực doanh nghiệp cũng như rủi ro của nền kinh tế do độ mở quá lớn, điều này khiến Việt Nam trở nên dễ tổn thương trước các cú sốc đến từ bên ngoài.

Theo IMF, việc Việt Nam, là một trong các nền kinh tế hiếm hoi ngăn chặn thành công COVID-19 và các hỗ trợ chính sách mạnh mẽ đã giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái trong các lĩnh vực kinh tế và chăm sóc sức khỏe, đồng thời sự phục hồi mạnh mẽ đang diễn ra. Nhờ đó, tăng trưởng trong năm 2020 đạt 2,9%, một trong những mức cao nhất trên thế giới. Tổ chức này dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,5% và lạm phát (so cùng kỳ) ở mức 4%, dù tăng nhẹ nhưng là mức mục tiêu trong kế hoạch tăng trưởng của Hà Nội.

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn còn nhiều bất cập. Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam, khi tính theo chuẩn mực của Tổ chức lao động quốc tế, thì luôn ở mức rất thấp, chưa bao giờ phản ánh được thực chất của tình hình lao động của đất nước.

Tình hình kinh doanh của các công ty đang có xu hướng xấu đi, làm cản trở đầu tư tư nhân và triển vọng việc làm của đất nước.

Các ngân hàng bước vào cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn so với những năm trước đây, những yếu kém của ngành này vẫn chưa được khắc phục.

Trước đại dịch, nhiều NHTM chưa xử lý hết khối nợ xấu được ôm giữ bởi VAMC bằng dự phòng rủi ro tích lũy hàng năm. Nhiều khoản nợ xấu tiếp tục phát sinh từ tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có xu hướng "đảo nợ ngầm" qua hình thức NHTM trở thành người mua các trái phiếu doanh nghiệp BĐS phát hành đơn lẻ trong năm 2018-2019 (việc này tiếp tục kéo dài đến hết tháng 8/2021). Những lý do này khiến NHTM không thể giảm lãi suất cho vay đáng kể để hỗ trợ doanh nghiệp và tiêu dùng dù lãi suất huy động bình quân giảm nhanh do Ngân hàng nhà nước ba lần liên tiếp trong năm 2020 giảm lãi suất chiết khấu. Nợ xấu, quản trị thiếu minh bạch vẫn tiếp tục là bóng ma ám ảnh sự lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng trong các năm tiếp theo.

Ngoài ra, một trong những điểm mạnh của nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu. Tuy nhiên, đây lại trở thành điểm yếu khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, có độ mở nền kinh tế quá lớn so với các nền kinh tế khác có quy mô tương đương trong khu vực và thế giới. Bởi vậy, kinh tế Việt dễ bị ảnh hưởng bởi các căng thẳng thương mại trên thế giới.

IMF khuyến nghị, với việc ngăn chặn thành công COVID-19, việc cấp thiết trước mắt là Việt Nam cần có các chính sách ngắn hạn để những ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế và hỗ trợ phục hồi mạnh mẽ hơn.

Theo thời gian, các chính sách nên tập trung vào việc đạt được tăng trưởng bền vững, toàn diện hơn và hướng tới nền kinh tế xanh.

Chính quyền cần cung cấp hỗ trợ tài chính và cải thiện việc triển khai các gói cứu trợ vào thực tế. Việc triển khai này cần phải khả thi và linh hoạt hơn nữa để hỗ trợ các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều do dịch bệnh. Hỗ trợ tài khóa nên được duy trì cho đến khi sự phục hồi được vững chắc,

IMF cho rằng, để củng cố tài khóa sau đại dịch do thâm hụt, Hà Nội có thể tăng doanh thu tài khóa sau đó để tài trợ cho đầu tư cơ sở hạ tầng xanh và sản xuất, đồng thời củng cố hệ thống bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, tăng doanh thu tài khóa không phải là biện pháp hiệu quả cho tăng trưởng bền vững. Các nghiên cứu của Bell et al (2013) chỉ ra rằng các chính quyền theo đuổi chinh sách củng cố tài khóa, giảm thâm hụt bằng cách giảm doanh thu (qua giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp và tiêu dùng) thì kết quả củng cố tài khóa sẽ hiệu quả hơn nhiều so với tăng doanh thu (tăng thuế, tăng phí..), và bằng cách giảm thuế, phí (giảm thu) cũng giúp giảm bất bình đẳng xã hội tốt hơn nhiều so với tăng thu.

IMF cũng đưa ra khuyến nghị SBV cần duy trì hỗ trợ tiền tệ và hiện đại hóa khuôn khổ chính sách. Chính sách tiền tệ vẫn cần mang tính chất hỗ trợ, đồng thời cho phép tỷ giá hối đoái hai chiều lớn hơn và uyển chuyển hơn. Cần tiếp tục cải cách để hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ và cải thiện khả năng truyền tải chính sách.

Bảo vệ sự ổn định tài chính là việc cần thiết mà Hà Nội cần chú trọng. Việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp cần được nhắm mục tiêu và có thời hạn cụ thể, đồng thời tăng cường cơ chế tái cơ cấu nợ. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cần được loại bỏ dần dần và các rủi ro ổn định tài chính phải được giám sát chặt chẽ.

Các lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng cần được giải quyết, bao gồm cả việc xây dựng lại vùng đệm vốn và tạo điều kiện cho việc áp dụng Basel II khi cuộc khủng hoảng dịu đi.

Chính phủ cũng cần phải có những cải cách cơ cấu rõ ràng để tận dụng tối đa tiềm năng đáng kể của Việt Nam, trong đó ưu tiên đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm gánh nặng pháp lý và giảm tham nhũng, giảm bớt sự không phù hợp về kỹ năng lao động và giải quyết tình trạng phi chính thức.

Mộc Trà

Xem báo cáo triển vọng kinh tế việt nam 2021 của IMF đầy đủ tại đây

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,5% nhưng nhiều bất định