IIF: COVID-19 lây nhiễm vào thị trường nợ doanh nghiệp - chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tuần vừa qua, Viện Tài chính quốc tế (IIF) đã có bài phân tích tác động của đại dịch Covid-19 lên rủi ro tài chính doanh nghiệp vốn đã được cảnh báo với mức độ ngày một lớn trước đại dịch. IIF xem đây như xúc tác châm ngòi một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2020. Dưới đây là lược dịch bài nghiên cứu được công bố bởi IIF.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) là hiệp hội toàn cầu của ngành tài chính, với hơn 450 thành viên từ hơn 70 quốc gia. Thành viên của IIF bao gồm các ngân hàng thương mại và đầu tư, các công ty quản lý tài sản, công ty bảo hiểm, quỹ phòng hộ, ngân hàng trung ương và ngân hàng phát triển.

Chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng?

IIF nhấn mạnh rằng tổ chức này đã lưu ý về rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp có thể tạo ra khủng hoảng kinh tế trong báo cáo Global Debt Monitor tháng 1/2020 vừa qua, “việc lo lắng về bong bóng nợ của doanh nghiệp không có gì mới”. Nhưng bối cảnh không chắc chắn và đầy biến động hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của công ty. Việc mất cân đối tài chính hàng loạt phản ánh tốc độ suy giảm niềm tin vào thị trường, đáng chú ý là các khoản nợ doanh nghiệp cao và đang gia tăng. Viễn cảnh gián đoạn kinh tế kéo dài do COVID-19 gây ra đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới thực hiện hàng loạt chính sách để tăng tính thanh khoản của thị trường và hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, sự rối loạn đang diễn ra đối với tài sản rủi ro cho thấy rằng các biện pháp này không đủ ổn định thị trường đang hỗn loạn. Trong bối cảnh này, sự gián đoạn chuỗi cung ứng khiến doanh thu dự báo suy giảm trầm trọng (Biểu đồ 1). Sự suy giảm đặc biệt sắc nét ở các thị trường mới nổi, nơi cũng bị ảnh hưởng do giá hàng hóa giảm mạnh (hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 1986).

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng khiến doanh thu của doanh nghiệp dự báo suy giảm trầm trọng

Bất chấp việc Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay, về gần 0% trong tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm tại Mỹ và hầu hết các nền kinh tế đều tiếp tục lao dốc. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nợ thị trường mới nổi đã rơi vào tình trạng bế tắc do các loại tiền tệ của thị trường mới nổi mất giá mạnh (giảm gần 10% từ đầu năm đến nay). Do lo ngại về dòng vốn của thị trường mới nổi “dừng đột ngột” ngày càng tăng, nhà đầu tư đổ dồn tiền đi mua bảo hiểm ở thị trường phái sinh tín dụng với hy vọng giảm bớt rủi ro rớt giá tiền tệ, giá của hợp đồng Hoán vị Rủi ro Tín dụng (CDS) của thị trường mới nổi đã tăng hơn 140 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay lên hơn 300 điểm cơ bản.

Nợ doanh nghiệp đã rất cao so với thu nhập và triển vọng thu nhập đang xấu đi

Với gần 75 nghìn tỷ đô la, đây là núi nợ mà các công ty toàn thế giới đang nợ. Núi nợ này tương đương khoảng 93% GDP, cao hơn nhiều so với mức nợ 75% GDP toàn cầu tại thời điểm xảy ra khủng hoảng toàn cầu trước đó năm 2008. Các tập đoàn kinh tế có khối nợ lớn phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn ngày một lớn vì triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang giảm dần. Các dữ liệu về năng lực doanh nghiệp lại cho thấy các doanh nghiệp đang gia tăng chiếm dụng vốn lẫn nhau, sử dụng đòn bẩy ở mức cao kể từ năm 2018 (Biểu đồ 2). IIF cho rằng nếu các nhà phân tích tiếp tục giảm dự báo thu nhập doanh nghiệp khi tác động của COVID-19 trở nên rõ ràng hơn, thì tỷ lệ nợ/EBITDA (Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) có thể tăng đột biến, đẩy chênh lệch tín dụng (credit spreads) lên cao hơn (chỉ từ giữa tháng 2, chênh lệch tín dụng đã tăng 300 điểm cơ bản lên đến hơn 650 điểm cơ bản).

Tỷ lệ nợ/thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao tăng mạnh cho thấy doanh nghiệp gia tăng chiếm dụng vốn lẫn nhau (chứ không chỉ vay nợ ngân hàng) kể từ năm 2018

Ngành công nghiệp dầu khí khó khăn gấp bội

Giá năng lượng giảm mạnh khi cuộc khủng hoảng COVID-19 leo thang đã khiến một số công ty dầu khí có nguy cơ vỡ nợ cao. Mặc dù mức nợ trung bình của các công ty ngành năng lượng khá thấp so với các ngành công nghiệp khác, nhưng nhiều công ty năng lượng có dự trữ tiền mặt hạn chế khiến họ khó vượt qua sự gián đoạn kéo dài nếu có những cú sốc bất ngờ (Biểu đồ 3). Điều này đặc biệt đúng đối với những công ty được xếp hạng tín nhiệm thấp: ví dụ, các công ty năng lượng được xếp hạng tín nhiệm ở hạng CCC (chất lượng tín dụng thấp) trong mẫu điều tra của IIF có tỷ lệ nợ /EBITDA là 15,5 so với các công ty năng lượng hạng BBB (chất lượng tín dụng trung bình) chỉ là 3,3.

Rủi ro nợ của doanh nghiệp phân theo ngành

Nỗi sợ bị giảm bậc xếp hạng tín nhiệm - Nhà đầu tư “bán tháo”

Với mức nợ đã cao hơn so với thu nhập (nghĩa là khả năng trả nợ yếu đi), thì rõ ràng nguy cơ doanh nghiệp bị hạ bậc tín nhiệm đột ngột và lan rộng từ xếp hạng BBB sang tình trạng xếp hạng thấp đến mức giá trị của doanh nghiệp bằng 0 (tình trạng giấy vụn) có thể trở thành hiện thực bởi Covid-19. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính giao dịch trên thị trường vốn đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2008, lên tới gần 12 nghìn tỷ đô la. Trái phiếu được xếp hạng BBB đã thúc đẩy phần lớn sự gia tăng này, tăng gấp 4 lần lên hơn 4,6 nghìn tỷ đô la. Hiện tại, trái phiếu hạng BBB chiếm khoảng một nửa trái phiếu doanh nghiệp của Mỹ và Châu Âu (Biểu đồ 4). Tuy nhiên, một làn sóng hạ bậc từ hạng BBB xuống mức xếp hạng tín nhiệm không thể đầu tư có thể buộc các nhà đầu tư phải “bán tháo”.

Rủi ro với các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn hơn cả

Với gánh nặng nợ nhìn chung cao hơn và dự trữ tiền mặt thấp hơn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đặc biệt khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính của mình nếu trạng thái căng thẳng trong thị trường vốn vẫn tồn tại. Trong số 7.200 công ty trong mẫu điều tra của IIF, các công ty vừa và nhỏ có mức độ nợ ròng/EBITDA cao nhất là 2,5 và 1,9. Ngược lại, các công ty lớn và siêu lớn nắm giữ tiền mặt đáng kể lại cung cấp một khoản dự trữ đề phòng các rủi ro, khiến tỷ lệ nợ ròng/EBITDA của họ lần lượt là 1,7 và 0,9.

Tình trạng nợ ở mức “nguy hiểm tại các thị trường mới nổi

Đồng nội tệ yếu đi tại các nền kinh tế mới nổi trong khi nợ ngoại tệ của các nền kinh tế này ở mức cao

Tăng trưởng tốt hơn và ý thức giảm đòn bẩy tài chính trong 3 năm gần đây đã giúp hạ tỷ lệ nợ so với GDP của công ty phi tài chính trên thị trường mới nổi từ mức cao nhất mọi thời đại là 98% trong năm 2016 xuống 94% trong quý 3 năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là mức nợ rất cao và tình trạng nguy hiểm vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nợ ngoại tệ và không gian chính sách hạn hẹp. Do tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước trong khu vực doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi rất cao, sự gián đoạn kinh tế kéo dài vì COVID-19 cũng có thể đẩy nhanh quá trình tích lũy nợ của các doanh nghiệp nhà nước này.

Thủy Tiên

Theo IIF

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

IIF: COVID-19 lây nhiễm vào thị trường nợ doanh nghiệp - chất xúc tác cho một cuộc khủng hoảng