Hơn cả Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc nhanh nhất khu vực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơn bão virus Corona khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc và các nền kinh tế đang phát triển châu Á lao dốc trong khi các chỉ số của TTCK Mỹ kiên trì đi lên. Đáng ngạc nhiên là chỉ số VnIndex của Việt Nam lao dốc mạnh nhất, mất mát lớn hơn cả thị trường chứng khoán nơi trung tâm virus Corona đang hoành hành…

Tăng giảm trên thị trường chứng khoán của Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế trong khu vực từ ngày 23/1/2020 - 11/2/2020

Chỉ số TTCK

23/1/2020

11/2/2020

+/-%

VnIndex (Việt Nam)

991.83

934.47

-5.783

Thai SET Index (Thailand)

1573.7

1531.75

-2.666

Shanghai Composite Index (Trung Quốc)

2976.35

2913.49

-2.112

Kuala Lumpur Composite Index (Indonesia)

1574.44

1542.8

-2.010

Hang Seng Index (Hồng Kông)

27909.12

27404.27

-1.809

STI Index (Singapore)

3234.56

3182.29

-1.616

S&P 500 (Mỹ)

3325.54

3352.09

0.798

Nasdaq Composite Index (Mỹ)

9402.48

9628.39

2.403

Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, nơi luôn phản ánh đầu tiên và nhạy cảm nhất với rủi ro và cơ hội. Bởi vậy, chỉ tính từ ngày 23/1/2020 thời điểm các TTCK mở cửa khi thông tin về đại dịch virus Corona từ Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, thành phố thứ hai sau Vũ Hán bị phong tỏa, TTCK trên toàn thế giới suy giảm mạnh. Kể từ đó đến nay, đại dịch và sức tàn phá nền kinh tế Trung Quốc của virus Corona ngày một lớn, hiện có tới hơn 80 thành phố của Trung Quốc bị phong tỏa.

Sau cú sốc ban đầu và bất chấp các khó khăn về kinh tế lan tỏa từ Trung Quốc, TTCK trên thế giới dần phục hồi. Kể từ sau 23/1/2020, TTCK các nền kinh tế trong khu vực bắt đầu xu hướng phục hồi nhẹ dù năng lực phục hồi thấp, chưa có dấu hiệu bền vững. Trừ Mỹ, các chỉ số Nasdaq Composite Index, S&P 500 đều tăng mạnh, đặc biệt sau kết quả phiên luận tội Tổng thống Trump vào ngày 5/2 vừa qua.

Dường như nền kinh tế càng ít phụ thuộc vào Trung Quốc, nội lực càng mạnh thì khả năng phục hồi của TTCK càng nhanh và bền vững

Cơn bão virus Corona không làm khó được TTCK của Mỹ, nền kinh tế đứng đầu thế giới, nơi được củng cố nền tảng ngày một bền vững nhờ tăng trưởng tốt trong khu vực sản xuất, tạo việc làm trong suốt 2 năm thực hiện thương chiến với Trung Quốc vừa qua.

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite Index trên TTCK của Mỹ trong 1 tháng vừa qua (nguồn: www.investing.com)

Trong khu vực, chỉ số TTCK của mọi nền kinh tế đều giảm, nhưng Việt Nam là TTCK suy giảm mạnh nhất, tiếp theo là Thái Lan, Indonesia và cuối cùng là Singapore. TTCK Việt Nam giảm tới gần 5,8% so với thời điểm 23/1/2020; mức giảm lớn hơn nhiều mức giảm của TTCK Thượng Hải và Hồng Kông nơi đang là trung tâm của đợt bùng phát virus Corona.

Biến động chỉ số VnIndex từ ngày 23/1-11/2 (Nguồn: www.vn.tradingview.com)

Biến động chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch Thượng Hải và Hồng Kông (Trung Quốc) từ 23/1-11/2 (Nguồn: www.investing.com)

Chỉ số chứng khoán Thái Lan (trái) và Indonesia (phải) trong một tháng qua (Nguồn: Bloomberg)

Vì sao nên nỗi…

Kinh tế phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, tăng trưởng TTCK trong quá khứ không bền vững là các nguyên nhân chính khiến VNIndex lao dốc.

Thứ nhất, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP. HCM, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại TP.HCM với gần 2.000 nhà máy đang cần nguyên phụ liệu cho sản xuất mà phần lớn đến từ Trung Quốc và hiện chưa có nguồn khác thay thế. Ngày 10/2 vừa qua, Hiệp hội này đã phải gửi văn bản “hỏa tốc” đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị cần có giải pháp đảm bảo lưu thông cho riêng hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc (theo Tuổi trẻ online).

Thứ hai, Trung Quốc đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt tới 73,5 tỷ USD (năm 2019, tăng 14,3% so cùng kỳ 2018). Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản (gạo, cafe, chè, cao su, hạt điều, hạt tiêu), ngoài ra còn có sản phẩm gỗ và linh kiện điện tử. Khi sức mua của nền kinh tế Trung Quốc giảm, đóng cửa tạm đường biên do dịch bệnh, Việt Nam là nền kinh tế chịu tổn thương lớn hơn so với các nền kinh tế khác có quy mô tương đương trong khu vực.

Thứ ba, năm 2019 thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động kém hiệu quả so với mức bình quân của các nền kinh tế mới nổi. Tăng trưởng năm 2019 của VnIndex dựa vào nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng thương mại (NHTM) và bất động sản (BĐS) - các khu vực này được dự báo sẽ có nhiều rủi ro khó khăn hơn trong năm 2020.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kém hiệu quả năm 2019 so với mức bình quân của các nền kinh tế mới nổi dù đón nhận dòng vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc đổ về năm 2019

Bloomberg chỉ ra rằng chỉ số chứng khoán của Việt Nam năm 2019 bị chi phối bởi các ngân hàng và một nhà phát triển bất động sản duy nhất, Vingroup.

Với lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu ở mức 15%, thì dù xét theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, các ngân hàng tại Việt Nam vẫn là một nhóm đáng ngưỡng mộ. Nhưng các khoản vay ngân hàng đã vượt quá mức GDP của quốc gia, ở mức cao đối với một quốc gia chỉ kiếm được khoảng 2.500 đô la trên đầu người. Vì vậy, các ngân hàng cần tăng vốn để đệm chống lại nợ xấu trong tương lai. Khoảng một nửa số ngân hàng địa phương không thể đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%, Fitch Ratings đã cảnh báo. Việc huy động vốn là khó khăn ngay cả khi người nước ngoài muốn mua, bởi vì chính phủ áp đặt giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt ở mức 30% đối với các ngân hàng của mình. Nếu không nâng giới hạn, thì chỉ có hai kết quả cho lĩnh vực này: Hoặc là theo Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ, hoặc là giảm quy mô cho vay doanh nghiệp. Cả hai đều không phải là tin tốt cho các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, Vingroup nói riêng và thị trường BĐS Việt Nam nói chung bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn và rủi ro cao khi dư nợ tại NHTM tăng quá cao, khối lượng giao dịch thị trường giảm và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang cố gắng siết chặt tín dụng BĐS và phòng ngừa rủi ro từ khu vực này trong suốt năm 2019 vừa qua. Dự báo thị trường BĐS tiếp tục ảm đạm, thậm chí suy giảm mạnh tại một số phân khúc năm 2020. Nhiều doanh nghiệp BĐS có thể sẽ phải dừng hoạt động vì các rủi ro này.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Hơn cả Trung Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc nhanh nhất khu vực