Hơn 100.000 tỷ đồng lãi suất thấp cứu doanh nghiệp: Muối bỏ biển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng nhà nước (NHNN) mới đây cho biết: Một gói chính sách ưu đãi lãi suất thấp 3-4% có giá trị 100.000 tỷ đồng sắp được tung ra để cứu doanh nghiệp. Giá trị gói cứu trợ này chỉ tương đương hơn 1% tổng dư nợ toàn hệ thống và chiếm chưa tới ⅕ số tiền mà các Ngân hàng thương mại (NHTM) phải tái cơ cấu cho doanh nghiệp suốt mùa dịch. Do vậy, gói cứu trợ này không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn…

Tại buổi Đối thoại "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn đến phải đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Vneconomy tổ chức ngày 25/9, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: NHNN sắp cấp bù lãi suất 3.000 tỷ, tương đương với việc các NHTM sẽ bơm hơn 100.000 tỷ đồng với lãi suất 3 - 4%/năm ra thị trường. Mục đích là tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn trong bối cảnh dòng tiền cạn kiệt vì dịch bệnh.

Cơ chế này cho phép NHNN bù đắp phần thiệt hại của NHTM khi họ giảm lãi suất cho vay về mức thấp 3-4%/năm so với mức hiện hành.

Ngoài gói hỗ trợ này, lãnh đạo NHNN cho biết trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại khoảng 520.000 tỷ đồng nợ cho khách hàng, tính lũy kế thực hiện từ khi phát sinh dịch.

Cơ cấu lại nợ thực chất là hạch toán lại khoản nợ xấu (hoặc có nguy cơ trở thành nợ xấu) thành nợ tốt bằng một số cách như để lãi nhập gốc rồi tính kỳ hạn nợ mới, giãn kỳ hạn trả nợ lãi hoặc gốc dài hơn,... Do đó, trên thực chất đã có hơn nửa triệu tỷ đồng nợ trong hệ thống NHTM trở thành nợ xấu bởi đại dịch.

Đánh giá về gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính & Tiền tệ quốc gia - cho rằng quy mô này quá nhỏ, không thấm vào đâu, không đủ để tạo sức bật cho rất nhiều doanh nghiệp đang ‘thoi thóp’. Ông kiến nghị cần nới rộng quy mô gói này.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa cũng nói thêm: Việt Nam cần thiết kế gói hỗ trợ với quy chế đặc biệt để không phải sửa Luật Tổ chức tín dụng, đồng thời phải tránh được những hậu quả đối với nền kinh tế, phải kiểm soát lạm phát và giữ ổn định vĩ mô.

Sau khủng hoảng năm 2009 và chính sách cấp bù lãi suất, lạm phát nước ta có thời điểm đã lên tới hai con số vào năm 2011, ở mức 18,6%. Vì vậy, nếu chính sách mới không đảm bảo được an toàn vĩ mô thì sẽ gây phản ứng ngược, tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Thực tế, 100.000 tỷ chỉ chiếm hơn 1% tổng dư nợ toàn hệ thống NHTM và chưa bằng 20% tổng mức nợ phải cơ cấu lại thời gian qua (đề cập ở trên). Một khoản ưu đãi lãi suất được xem như muối bỏ bể, có cũng như không, và sẽ không tác động đáng kể trong việc giúp doanh nghiệp cả nước vượt qua cơn bĩ cực.

Việc một khoản vốn rất nhỏ được ưu ái lãi suất làm các doanh nghiệp dấy lên câu hỏi NHTM nào được phân phối nguồn vốn ưu đãi này. Nếu nguồn vốn này chảy qua 4 NHTM nhà nước lớn, thì khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất hạn chế, bởi lẽ đối tượng khách hàng chính của 4 ông lớn này đều là các doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn.

Không chỉ quá nhỏ bé về quy mô, gói chính sách cấp bù lãi suất này cũng không chỉ rõ đối tượng nào được hưởng lãi suất ưu đãi, và liệu thủ tục để hưởng ưu đãi có quá khó để tiếp cận như rất nhiều các gói chính sách ưu ái trước đó hay không.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 100.000 tỷ đồng lãi suất thấp cứu doanh nghiệp: Muối bỏ biển