Học thuyết Kinh tế kiểu Tập - Công cụ hữu hiệu để ông Tập bành trướng quyền lực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, người dân Trung Quốc không chỉ phải nghiền ngẫm mà còn phải mọi lúc mọi nơi mang theo bên mình cuốn “Mao Trạch Đông ngữ lục”. Tương tự, “Tư tưởng Tập Cận Bình” về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc hiện là điều bắt buộc đối với tất cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời được giảng dạy tại các trung tâm đào tạo trên khắp Trung Quốc. Ông Tập là nhà lãnh đạo đầu tiên đưa tư tưởng của mình vào hiến pháp nhà nước kể từ thời ông Mao.

Một trung tâm nghiên cứu Ngoại giao về “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã mở cửa vào năm ngoái. Vào tháng 6 năm nay, một trung tâm nghiên cứu về tư tưởng Pháp quyền của ông Tập cũng được thành lập. Và bây giờ, một trung tâm nghiên cứu khác về tư tưởng Kinh tế của ông Tập đã được thông qua và đặt tại Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng một nhánh kinh tế học mới đã được phát kiến ở Trung Quốc dựa trên các lý thuyết kinh tế của ông Tập, còn gọi là “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập (Xiconomics)”. Trung tâm này sẽ giúp phát triển các chính sách kinh tế phù hợp với kế hoạch 30 năm của ông Tập - được gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho Kỷ nguyên mới”. Giáo lý của ông Tập đã trở thành một phần của Hiến pháp Trung Quốc, cũng như một phần của Điều lệ ĐCSTQ. Điều này cho phép học thuyết của ông Tập không thể bị thách thức.

Truyền thông phương Tây thường gọi ông Tập là "president" của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, chức danh này đã gây ra hiểu nhầm bởi vì các “president (tổng thống) ở các nước phương Tây là được bầu cử tự do. Các chức danh chính thức của ông Tập là Tổng Bí thư ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa). Ông Tập thường được coi là nhà lãnh đạo toàn diện hoặc nhà lãnh đạo tối cao vì ông nắm giữ cả ba vị trí là lãnh đạo Đảng, quân đội, và đất nước. Và hiện tại, ông đang lấn sang cả việc quản lý chính sách kinh tế - vốn là quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Quốc vụ viện CHND Trung Hoa. Ông Tập đã từng đứng đầu “Nhóm Lãnh đạo trung ương về Cải cách sâu rộng toàn diện” và “Nhóm Lãnh đạo trung ương về Các vấn đề Tài chính và Kinh tế”, cả hai nhóm này đáng lẽ phải do Thủ tướng lãnh đạo.

Một trong những chính sách kinh tế hàng đầu của ông Tập là chiến lược lưu thông kép - một chương trình tự lực, tập trung vào thị trường nội địa, và được phát triển sau khi Bắc Kinh đánh giá hậu quả của suy thoái kinh tế gây ra bởi COVID-19. Mục tiêu là chuyển nền kinh tế khỏi sản xuất phục vụ xuất khẩu sang sản xuất phục vụ nhu cầu và tiêu dùng nội địa. Khái niệm “lưu thông nội địa” xuất hiện lần đầu tiên khi xảy ra căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Những người theo dõi Trung Quốc lo ngại rằng những chính sách này sẽ khiến Trung Quốc ngày càng hướng nội, đồng thời các công ty và nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải đối mặt với việc bị áp đặt nhiều hạn chế hơn.

Các container vận chuyển từ Trung Quốc và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, hôm 14/09/2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)
Các container vận chuyển từ Trung Quốc và các nước châu Á khác được dỡ xuống cảng Los Angeles ở Long Beach, California, hôm 14/09/2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang. (Ảnh: Mark Ralston/AFP/Getty Images)

Ý tưởng tập trung vào nhu cầu nội địa không phải là một ý tưởng mới ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo trước thời ông Tập cũng đã hứa sẽ làm gia tăng tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên lần này, cuộc chiến thương mại với Mỹ, các căng thẳng thương mại với các nước như Úc, cùng với sự thù địch giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại nước ngoài, đã cùng tạo ra một bối cảnh thích hợp để Trung Quốc cần phải trở nên phụ thuộc ít hơn vào xuất khẩu và nhiều hơn vào thị trường trong nước.

Khi gặp khủng hoảng ở lĩnh vực đối ngoại, Bắc Kinh lại tập trung sự chú ý vào quê nhà. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chế độ này đã chi tiêu mạnh mẽ, sử dụng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như một biện pháp hỗ trợ một nền kinh tế đang lao dốc. Giờ đây bởi đại dịch, nền kinh tế của các đối tác thương mại của Trung Quốc cũng bị đình trệ. Do đó, Bắc Kinh đang cố gắng tập trung vào phát triển tiêu dùng nội địa để khiến mọi thứ hoạt động trở lại.

Một lý do cho sự xuất hiện của “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập” là để thuyết phục người dân Trung Quốc rằng ông Tập là người hiểu biết tất cả, là bậc thầy trong nhiều lĩnh vực - bao gồm chính sách công, pháp quyền, ngoại giao, quản lý nhà nước, và kinh tế. Chi tiết cụ thể của những gì mà ĐCSTQ đang tin vào thực ra là một loại kỷ luật kinh tế hoàn toàn mới và chưa từng được biết đến. Nhân dân Nhật báo ca ngợi công trình của ông Tập trong cải cách cơ cấu nguồn cung như là một động lực thúc đẩy tăng trưởng. Có lẽ đây chính là “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập”, ngoại trừ việc nó có rất ít ý nghĩa. Kinh tế học trọng cung tìm cách tăng sản lượng và việc làm bằng cách giảm sự tham gia của chính phủ vào nền kinh tế, đồng thời trao nhiều quyền tự do tài chính và kinh doanh hơn cho khu vực tư nhân. Nói tóm lại, điều này hoàn toàn trái ngược với các chính sách hiện tại của ông Tập, vốn có đặc điểm là kiểm soát chặt chẽ hơn đối với khu vực tư nhân và gia tăng vai trò của khu vực công.

Cho đến nay, “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập” có vẻ giống như một trò biểu diễn hơn là một lý thuyết kinh tế thực thụ. Nó gợi nhớ đến nền kinh tế theo học thuyết Juche của Triều Tiên - một trong nhiều ‘sáng chế’ của cựu lãnh đạo Kim Nhật Thành. So sánh Triều Tiên với Hàn Quốc, người ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng học thuyết Juche không hề hiệu quả.

Đối với chiến lược lưu thông kép của ông Tập, Trung Quốc sẽ khó có thể thay thế lĩnh vực thương mại xuất khẩu đang rất phát triển bằng nhu cầu nội địa. Người dân phổ thông ở Trung Quốc có thu nhập quá thấp, trong khi phải cố gắng tiết kiệm nhiều. Điều này khiến chiến lược của nhà lãnh đạo Trung Quốc trở nên bất khả thi. Thực tế đã chứng minh, kế hoạch ấy cho đến nay dường như không mấy thành công. Từ tháng 1 đến tháng 7, đầu tư tư nhân ở Trung Quốc đã giảm 5,7%, trong khi đầu tư tài sản cố định giảm 1,6%, và doanh số bán lẻ giảm 9,9%. Có vẻ như người tiêu dùng Trung Quốc sợ phải chi tiêu bởi họ không biết điều gì đang chờ đợi họ phía trước.

Liệu “Học thuyết Kinh tế kiểu Tập” có thể tồn tại hay không và liệu ông Tập có thực sự có một kế hoạch kinh tế mang tính cách mạng để cứu đất nước hay không vẫn còn phải xem xét. Điều chắc chắn là bằng cách nắm quyền kiểm soát khu vực kinh tế, ông Tập hiện đã củng cố thêm quyền lực của mình ở quy mô mà không một nhà lãnh đạo nào từng có được kể từ thời ông Mao.

Quan điểm trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio hiện đang là Giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc) và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Học thuyết Kinh tế kiểu Tập - Công cụ hữu hiệu để ông Tập bành trướng quyền lực