H&M Việt Nam giữa 'tâm bão' tẩy chay

Giúp NTDVN sửa lỗi

H&M (nhà bán lẻ quần áo thời trang, phụ kiện của Thụy Điển) đang vấp phải làn sóng mạnh mẽ trên các mạng xã hội ở Việt Nam đòi tẩy chay vì cho rằng thương hiệu này đã cúi đầu trước sức ép của chính quyền Trung Quốc để đăng bản đồ thể hiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Tối ngày 2 tháng 4 vừa qua, H&M trở thành từ khóa bùng nổ, gây bàn tán trên các diễn đàn trực tuyến Việt Nam. Khi đó, nhiều người lan truyền thông tin hãng thời trang đến từ Thụy Điển đăng tải bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”. Trước đó, các hãng tin quốc tế như Reuters, AP, ABC News... thông tin phía Trung Quốc sau khi phát hiện "bản đồ Trung Quốc có vấn đề" trên trang web của H&M, họ đã yêu cầu công ty Thụy Điển này chỉnh sửa ngay.

Theo AP, Trung Quốc đã yêu cầu các nhãn hàng, trong đó có H&M, hiển thị bản đồ mà nước này tuyên bố chủ quyền, trong đó có đường lưỡi bò phi pháp ở Biển Đông.

Giới chức Trung Quốc hôm 2 tháng 3 năm 2021 thông báo rằng H&M đã đồng ý bỏ “bản đồ có vấn đề” về nước này trên trang web của hãng. Tạp chí Phố Wall dẫn thông tin từ Cơ quan an ninh mạng Thượng Hải nói rằng Sở Kế hoạch và Tài nguyên Thượng Hải đã triệu tập lãnh đạo H&M đến để nói về vấn đề vi phạm pháp luật, sau khi người dùng internet nước này báo cáo về “những bản đồ Trung Quốc có vấn đề”.

Thông báo không cho biết cụ thể vấn đề gì liên quan đến bản đồ, nhưng nói rằng đơn vị điều hành trang web của H&M đã có hành động để sửa chữa. Thông báo cũng nói rằng H&M đã được yêu cầu tìm hiểu nhiều luật của Trung Quốc, để “tăng hiểu biết về chủ quyền quốc gia và bảo đảm sử dụng đúng bản đồ Trung Quốc”. Các quản lý của H&M “đã sửa lỗi nhanh nhất có thể”, sau khi được triệu tập đến gặp cơ quan quản lý, thông báo trên trang web của chính quyền Thượng Hải cho biết.

Hiện tại, phía H&M vẫn chưa có phản hồi chính thức về vấn đề này.

Trên mạng xã hội Weibo, đồ hoạ của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc kèm theo bản đồ có đường 9 đoạn được dân nước này chia sẻ rộng rãi. Bản đồ đường lưỡi bò là sản phẩm do Trung Quốc vẽ ra một cách phi lý để đòi chủ quyền trên hầu khắp Biển Đông, vi phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.

Thông tin này khiến dân mạng Việt Nam "dậy sóng". Không chỉ bày tỏ thái độ gay gắt, quyết liệt trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều người còn vào trang Facebook chính thức có gần 40 triệu lượt like của thương hiệu thời trang nổi tiếng này để thể hiện quan điểm. Dân mạng đồng loạt thả “phẫn nộ” trong các bài viết được H&M đăng tải đồng thời để lại những bình luận lên án thương hiệu thời trang Thụy Điển, kêu gọi mọi người tẩy chay các sản phẩm của hãng và yêu cầu đơn vị này rời khỏi thị trường Việt Nam vì không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

“Nếu đã không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam thì vui lòng rời khỏi đây. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Tẩy chay H&M”, một dân mạng phẫn nộ bày tỏ. Đây cũng là nội dung được hàng ngàn người khác nhắc đến trong các bình luận mà họ để lại trên trang của H&M.

"Một thương hiệu lớn nhưng không biết phân biệt đúng sai. Nếu không đính chính lại thông tin xin mời rời khỏi Việt Nam, đừng kinh doanh trên một đất nước mà bạn không tôn trọng chủ quyền", tài khoản Linh Hoàng khẳng định.

Ảnh chụp những người đi bộ ngang qua một cửa hàng H&M ở Bắc Kinh vào ngày 25/3/2021. (GREG BAKER / AFP qua Getty)
Đây không phải lần đầu tiên H&M vướng vào rắc rối liên quan đến bản đồ. Năm 2018, hãng này gặp vấn đề tương tự khi trang web của họ ở Đài Loan gọi hòn đảo này là “quốc gia”. H&M cũng bị dân Trung Quốc chỉ trích khi liệt kê Hong Kong, Macau là Tây Tạng là quốc gia riêng biệt. Hàng loạt hãng lữ hành, quần áo và các thương hiệu khác từng buộc phải thay đổi mô tả về Đài Loan và những khu vực nhạy cảm khác trên trang web của họ. (GREG BAKER / AFP qua Getty)

“H&M cũng đang kiếm lợi nhuận trên đất Việt, nếu bạn là một người Việt Nam thì hãy tẩy chay dòng thương hiệu này đi. Nếu H&M đã cần người Trung Quốc hơn vì lợi nhuận bên đó đem lại nhiều hơn thì bất cứ ai là người Việt Nam thì cũng đừng sử dụng sản phẩm của dòng thương hiệu này nữa. Tuyên bố tẩy chay triệt để H&M trên đất Việt Nam”, tài khoản Trangg Pơ bày tỏ quan điểm.

“Trung Quốc không tẩy chay thì Việt Nam tẩy chay! Tôi không dùng thương hiệu này nữa. Thà mặc đồ chợ còn hơn mua hàng có thương hiệu mà không được tôn trọng chủ quyền biển đảo quốc gia nước tôi”, tài khoản Bùi Mạnh Trang bức xúc.

Hiện cộng đồng mạng đang đồng lòng kêu gọi tẩy chay toàn bộ sản phẩm của thương hiệu này tại thị trường trong nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khẩu hiệu: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Hàng loạt bình luận phẫn nộ khác ồ ạt được dân mạng Việt để lại dưới các bài viết của hãng thời trang Thụy Điển. Đặc biệt, hashtag #hoangsatruongsalacuaVietNam (Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam) và #HMcutkhoiVietNam (H&M cút khỏi Việt Nam) cũng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Trước đó, H&M đứng trước làn sóng bị tẩy chay tại Trung Quốc sau những căng thẳng gần đây giữa nước này và phương Tây liên quan đến vấn đề nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương.

Sự việc xảy ra trong bối cảnh H&M và nhiều thương hiệu khác đang vướng vào xung đột giữa phương Tây và Trung Quốc về những chính sách đối xử với người thiểu số ở vùng Tân Cương. Hàng loạt thương hiệu như H&M và Nike bị chính quyền và dân Trung Quốc chỉ trích và tẩy chay trong lúc Mỹ, EU, Anh và Canada áp các biện pháp trừng phạt tài chính và đi lại đối với những quan chức bị cáo buộc liên quan đến những chính sách đối với người dân ở vùng tây bắc Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu và chính phủ phương Tây nói rằng có hơn 1 triệu người Hồi giáo thiểu số đang bị nhốt trong các trại giam ở Tân Cương. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc này và khẳng định đó chỉ là những trung tâm hướng nghiệp để hỗ trợ phát triển kinh tế và chống lại tình trạng cực đoan Hồi giáo.

Đây không phải lần đầu tiên H&M vướng vào rắc rối liên quan đến bản đồ. Năm 2018, hãng này gặp vấn đề tương tự khi trang web của họ ở Đài Loan gọi hòn đảo này là “quốc gia”. H&M cũng bị dân Trung Quốc chỉ trích khi liệt kê Hong Kong, Macau là Tây Tạng là quốc gia riêng biệt. Hàng loạt hãng lữ hành, quần áo và các thương hiệu khác từng buộc phải thay đổi mô tả về Đài Loan và những khu vực nhạy cảm khác trên trang web của họ.

Trung Quốc thường sử dụng quyền tiếp cận thị trường khổng lồ của mình để ép các thương hiệu nghe theo quan điểm chính thức của mình. Các công ty thường tuân theo, nhưng Tân Cương là vấn đề rất nhạy cảm. Các nhãn hiệu đa quốc gia không muốn bị Trung Quốc nhắm đến nhưng cũng chịu sức ép trên toàn cầu về việc phải tránh xa chuyện lạm dụng con người. Trong tuyên bố đưa ra tuần trước, H&M khen ngợi các nhà cung cấp Trung Quốc và cho biết họ đang “tính toán các bước đi tiếp theo liên quan đến vấn đề nguồn nguyên liệu”, nhưng không đưa ra manh mối cụ thể nào về những bước đi có thể làm mất lòng giới chức Trung Quốc. Tuần trước, ông Xu Guixiang, phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc, nói tại một cuộc họp báo rằng các công ty đa quốc gia cần hiểu việc “tung đòn trừng phạt lớn” đối với Tân Cương sẽ gây tổn hại cho chính họ, và các doanh nghiệp chớ nên “chính trị hóa hành vi kinh tế”.

Giữa những ồn ào đó, nhiều cư dân mạng Việt Nam chỉ trích H&M đang kinh doanh ở Việt Nam nhưng cúi đầu trước Trung Quốc, ủng hộ bản đồ thể hiện yêu sách phi lý của Bắc Kinh. Dư luận Việt Nam khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, còn H&M vì lợi nhuận mà không tôn trọng, gây hại cho chủ quyền của Việt Nam. TaychayHM trở thành xu hướng dẫn đầu trên mạng xã hội Việt Nam từ ngày 3 tháng 4.

Tính đến chiều 3.4, trên website của thương hiệu H&M chưa thấy xuất hiện bản đồ chỉnh sửa bao gồm phần “đường lưỡi bò” phi pháp như dân mạng lan truyền. Trong khi đó, bản đồ định vị cửa hàng của H&M tại Trung Quốc và Việt Nam trên trang web này đều không hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngọc Minh

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

H&M Việt Nam giữa 'tâm bão' tẩy chay