Hãng gọi xe lớn nhất của Trung Quốc đã huy động 4,4 tỷ USD trên TTCK Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Công ty gọi xe Trung Quốc Didi Global Inc (DIDI.N) đã huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt IPO tại Mỹ vào hôm qua (thứ Ba ngày 29/6). Đợt IPO này Didi thành công với mức định giá cao nhất trong phạm vi được chỉ định và tăng số lượng cổ phiếu được bán ra. Didi chỉ đang tham dự vào làn sóng các công ty Trung Quốc đang đổ bộ vào Phố Wall ở mức kỷ lục dưới thời tổng thống Joe Biden.

Theo một nguồn tin từ Reuters, Didi đã bán ra 317 triệu Cổ phiếu Lưu ký Mỹ (ADS), cao hơn nhiều so với kế hoạch là 288 triệu cổ phiếu. Mức giá bán được lên tới 14 USD/cổ phiếu. Hiện chưa có thông báo chính thức về kết quả này.

Như vậy, Didi đang được định giá khoảng 73 tỷ USD trên cơ sở pha loãng (phát hành thêm cổ phiếu). Nếu không pha loãng, giá trị của Didi ở mức 67,5 tỷ USD. Công ty này dự kiến sẽ ra mắt trên TTCK Mỹ vào ngày 30/6/2021.

Sự gia tăng về quy mô giao dịch diễn ra khá bất ngờ sau nhiều lần Didi đăng ký đặt sổ cổ phiếu lưu ký tại Mỹ, một trong những nguồn tin của Reuters cho biết.Hãng gọi xe lớn nhất của Trung Quốc đã huy động 4,4 tỷ USD trên TTCK Mỹ.

Theo Reuters, trước đó, Didi đã đệ trình đơn với mục tiêu định giá ban đầu lên tới 100 tỷ USD, mức định giá 4,4 tỷ USD dường như bị cắt giảm rất nhiều trong các cuộc họp giao ban với các nhà đầu tư trước khi IPO.

Việc Didi niêm yết trên TTCK Mỹ sẽ là thương vụ IPO lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Mỹ kể từ sau khi Alibaba huy động được 25 tỷ USD năm 2014 trên thị trường này. Didi dường như chỉ là một trong các công ty Trung Quốc đang hòa mình vào làn sóng IPO lớn nhất của Trung Quốc trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, nơi Phố Wall đang cố gắng nắm bắt các cơ hội sinh lời lớn hơn ngoài nước Mỹ.

Lịch sử Didi

Didi được đồng sáng lập vào năm 2012 bởi cựu nhân viên Alibaba Will Wei Cheng, người hiện đang giữ chức vụ giám đốc điều hành. Ban lãnh đạo của Didi còn có Qing Liu, cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sachs và là chủ tịch hiện tại của công ty gọi xe công nghệ này.

Đối tác rót vốn cho Didi còn có SoftBank (9984.T), Uber Technologies Inc (UBER.N) và Tencent (0700.HK).

Didi nổi tiếng trong việc loại bỏ được đối thủ cạnh tranh Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc sau khi Uber thua cuộc trong cuộc chiến giá cả. Uber đã buộc phải bán lại mảng kinh doanh của họ tại Trung Quốc cho Didi để nhận lấy cổ phần trong Didi. Liu Zhen, người đứng đầu Uber Trung Quốc vào thời điểm đó, là anh họ của Didi Liu, ông chủ của Didi.

Giống như hầu hết các công ty dịch vụ gọi xe, Didi trước đây không có lãi, cho đến khi công ty báo cáo lợi nhuận 30 triệu đô la trong quý đầu tiên của năm nay.

Công ty đã báo cáo khoản lỗ 1,6 tỷ đô la vào năm ngoái và doanh thu giảm 8% xuống còn 21,63 tỷ đô la, theo một hồ sơ pháp lý, do hoạt động kinh doanh trượt dốc trong đại dịch.

Cổ phiếu của hãng gọi xe này sẽ bắt đầu giao dịch dưới biểu tượng "DIDI".

Làn sóng IPO của doanh nghiệp Trung Quốc thời ông Biden tăng mạnh

Bất chấp các tuyên bố chống Trung nghe có vẻ căng thẳng của chính quyền ông Biden, việc trì hoãn để “xem xét lại” các chính sách chặt đứt vòi bạch tuộc hút vốn và công nghệ của Trung Quốc ở Mỹ đã giúp số lượng các công ty Trung Quốc đổ bộ vào Mỹ đạt mức kỷ lục trong sự hân hoan của Phố Wall. Tiền Trung Quốc hút được từ Mỹ vài tháng đầu năm 2021 đã gấp 8 lần so cùng kỳ 2020.

ố lượng các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đang gia tăng đạt mức kỷ lục (Nguồn: Bloomberg)

Theo số liệu từ Bloomberg, các công ty từ đại lục và Hồng Kông đã huy động được 6,6 tỷ USD thông qua các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ trong năm nay, mức khởi đầu kỷ lục trong một năm và tăng gấp tám lần so với cùng kỳ năm 2020. Lần IPO lớn nhất cho tới nay (chưa tính thương vụ IPO 4,4 tỷ USD của Didi) là việc niêm yết 1,6 tỷ USD của nhà sản xuất thuốc lá điện tử RLX Technology Inc., tiếp theo là đợt chào bán 947 triệu USD của công ty phần mềm Tuya Inc.

Tốc độ gia tăng số lượng công ty Trung Quốc niêm yết cũng như tốc độ tăng tiền mà Phố Wall đổ vào các công ty Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà trắng.

Là một vị tổng thống thân thiết và nhận được hậu thuẫn vô cùng lớn từ Phố Wall cũng như truyền thông dòng chính và giới tài phiệt của Mỹ ( trong khi đó Phố Wall và Trung Quốc có mối quan hệ hậu thuẫn mật thiết), ông Biden đã gần như ngay lập tức trì hoãn hầu hết các sắc lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực cắt đứt các vòi bạch tuộc của Trung Quốc vươn vào Mỹ để hút vốn (thậm chí là lừa đảo tiền của người Mỹ qua gian lận tài chính như trường hợp của Luckin), ăn cắp công nghệ, thâu tóm thông tin, bí mật quân sự của Mỹ…

Thực chất Trung Quốc đang tranh thủ hút vốn từ Mỹ hay đơn giản là tin tưởng rằng ông Biden có thể tiếp tục đảo ngược hoặc ít nhất trì hoãn đạo luật buộc các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ phải tuân thủ chế độ kế toán và kiểm toán tại Mỹ (đạo luật được đưa ra dưới thời tổng thống Trump)? Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ vào tháng trước cho biết họ sẽ bắt đầu thực hiện một đạo luật buộc các công ty kế toán phải để các cơ quan quản lý Hoa Kỳ xem xét các cuộc kiểm toán tài chính của các công ty ở nước ngoài. Việc không tuân thủ có thể dẫn đến việc bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq.

Chưa biết liệu Trung Quốc có phải chịu rủi ro hay không từ các sắc lệnh cũ của của ông Trump. Nhưng chắc chắn rằng các nhà đầu tư Mỹ đang phải hứng rủi ro rất cao từ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ vì các các công ty này từ lâu (từ thời tổng thống Obama) đã từ chối các cơ quan quản lý của Mỹ kiểm toán tài chính. Trung Quốc nêu lý do “bí mật thông tin quốc gia” để từ chối Mỹ. Vấn đề là Phố Wall lại hậu thuẫn mạnh mẽ cho Trung Quốc tại Mỹ và các quan chức Mỹ đã chấp nhận cuộc chơi với con dao hai lưỡi do Trung Quốc thiết lập luật lệ, chứ không phải tuân thủ những gì Mỹ muốn.

Bà Stephanie Tang, người đứng đầu mảng cổ phần tư nhân của Greater China tại công ty luật Hogan Lovells, cho biết: “Họ thừa nhận đây là một rủi ro tiềm ẩn và nếu điều gì đó xảy ra, họ có thể cần phải chuẩn bị cho một tương lai khó khăn”. “Nhưng bản thân rủi ro sẽ không ngăn cấm các công ty đó đến Mỹ, ít nhất là trong nửa cuối năm nay hoặc có thể là sang năm sau”.

Bất chấp mọi rủi ro, kênh kết nối vẫn tiếp tục phát triển, dự kiến ​​đến năm 2021 sẽ có khả năng vượt quá năm ngoái. Các công ty Trung Quốc đã huy động được gần 15 tỷ USD thông qua các đợt IPO của Mỹ vào năm 2020, mức cao thứ hai trong kỷ lục sau năm 2014, khi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd. kiếm được 25 tỷ USD.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Hãng gọi xe lớn nhất của Trung Quốc đã huy động 4,4 tỷ USD trên TTCK Mỹ