Hai sai lầm ‘chí mạng’ của bà Harris

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với sự im lặng rõ ràng, bà Harris đã khuyến khích các đồng minh của Mỹ trở thành đồng minh và đối tác thương mại của Trung Quốc, tạo tiền đề cho sự thất bại của Hoa Kỳ ở Châu Á, và do đó là sự thất bại của nền dân chủ trên quy mô toàn cầu.

Trong bài phát biểu ngày 24/8 vừa qua, Phó Tổng thống Kamala Harris đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến Châu Á, đáng chú ý nhất là vấn đề về Trung Quốc. Trong bài phát biểu, bà Harris chỉ trích hành động chiếm Biển Đông bất hợp pháp của Trung Quốc, nhưng vội nói rằng bà không yêu cầu các nước đứng về phía nào. Đây là sai lầm chiến lược đầu tiên.

Giống như Tổng thống Biden, bà kêu gọi “hành động” nhưng không nói cụ thể về hành động này liên quan đến Trung Quốc như thế nào. Và, bà đã từ bỏ việc tận dụng một đòn bẩy quan trọng mà Mỹ và các đồng minh đang nắm giữ đối với Trung Quốc: Sự phụ thuộc của đại lục này vào thương mại xuất cảng. Đây là sai lầm lớn thứ hai.

Với sự im lặng rõ ràng này, bà Harris đã khuyến khích các đồng minh của Mỹ trở thành đồng minh và đối tác thương mại của Trung Quốc, tạo tiền đề cho sự thất bại của Hoa Kỳ ở Châu Á, và do đó là sự thất bại của nền dân chủ trên quy mô toàn cầu. Các quốc gia trên toàn cầu đang không công nhận Đài Loan dân chủ vì Trung Quốc đang yêu cầu rõ ràng các quốc gia đó đứng về phía nào. Con số này đã giảm: Từ chỗ hầu hết các nước lớn công nhận Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) chứ không phải Trung Hoa cộng sản vào năm 1949, xuống còn hầu hết tất cả các nước này chỉ công nhận ĐCSTQ ngày nay. Chỉ có 14 quốc gia dũng cảm và có nguyên tắc, ví dụ như Thụy Sĩ, là còn tiếp tục công nhận Đài Loan độc lập.

Chỉ số ủng hộ Đài Loan này rất quan trọng để theo dõi ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Nếu không muốn thế giới chuyển sang màu đỏ hoàn toàn, thì ít nhất Mỹ nên tập trung vào việc yêu cầu các nước công nhận lại Đài Loan. Điều đó có nghĩa là yêu cầu các quốc gia đứng về phía dân chủ và chống lại chủ nghĩa toàn trị. Đây là điều mà chính quyền Biden-Harris cho đến nay vẫn chưa muốn làm.

Cơ hội yêu cầu các nước đứng về bên nào sẽ sớm không còn. Một khi Trung Quốc càng bành trướng về kinh tế và quân sự, thì càng khó có thể liên kết được một liên minh các quốc gia có lập trường chống lại Trung Quốc. Cuối cùng, khi Trung Quốc đủ mạnh, thì Mỹ sẽ không còn có thể giữ chân được các đồng minh.

Tại thời điểm đó, Trung Quốc sẽ có thể đẩy Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, bao gồm cả quân đội và doanh nghiệp của họ, ra khỏi Châu Á hoàn toàn. Khi đó, Trung Quốc sẽ trở thành bá chủ khu vực nếu không muốn nói là bá chủ toàn cầu. Nghĩa là, Mỹ sẽ mất cơ hội tự bảo vệ mình vì đã ngu ngốc không kêu gọi các đồng minh đưa ra lựa chọn, và trở thành đồng minh thực sự của họ khi còn có thể.

Bài phát biểu của bà Harris lẽ ra phải giống với bài phát biểu của ông George W. Bush vào năm 2001. Ông nói: “Mọi quốc gia, trong mọi khu vực, bây giờ đều có một quyết định phải thực hiện. Hoặc bạn đứng cùng với chúng tôi, hoặc bạn đang đứng về phía những kẻ khủng bố". Ngày nay, ĐCSTQ là những kẻ khủng bố. Họ ủng hộ các nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố như Pakistan - nước ủng hộ Taliban, và họ khủng bố trực tiếp ở Biển Đông, tài trợ cho một “lực lượng dân quân hàng hải” đánh chìm tàu ​​đánh cá của các nước khác.

Trong bài phát biểu của mình, bà Harris không đề cập đến lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc, hoặc sự hỗ trợ của lực lượng này đối với các nhà nước bảo trợ khủng bố. Thay vào đó, bà né tránh khi nhắc đến Bắc Kinh:

“Tầm nhìn của chúng tôi bao gồm tự do hàng hải, điều quan trọng đối với tất cả chúng tôi. Sinh kế của hàng triệu người phụ thuộc vào hàng tỷ USD thương mại chảy qua các tuyến đường biển này mỗi ngày".

Bài phát biểu của bà, quá rõ ràng, là hoàn toàn tránh né và không đi vào trọng tâm của vấn đề.

Một đội hình hải quân Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh (C), trong cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, hôm 01/01/2017. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
Một đội hình hải quân Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh (C), trong cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, hôm 01/01/2017. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Bà Harris tiếp tục: “Chưa hết, ở Biển Đông, chúng tôi biết rằng Bắc Kinh tiếp tục ép buộc, đe dọa và đưa ra các yêu sách đối với phần lớn Biển Đông. Những tuyên bố trái pháp luật này đã bị bác bỏ bởi phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Và các hành động của Bắc Kinh tiếp tục phá hoại trật tự dựa trên luật lệ và đe dọa chủ quyền của các quốc gia. Hoa Kỳ sát cánh cùng các đồng minh và đối tác của chúng tôi khi đối mặt với những mối đe dọa này”.

Nhưng bà Harris không nêu rõ chính xác quan điểm của Mỹ cùng với các đồng minh của mình. Chính phủ Biden đã thực sự làm gì ở Biển Đông, ngoài việc thực hiện các hoạt động tự do hàng hải và các cuộc tập trận trong khu vực? Hầu như không có gì. Không có biện pháp trừng phạt kinh tế thực sự nào, càng không có nỗ lực nào bảo vệ các đảo đang bị Bắc Kinh đe dọa, bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa và Bãi cạn Scarborough.

Đồng minh của Mỹ đã bị chính quyền Biden – Harris bỏ rơi. Cái họ cần là sự lãnh đạo, nhưng thay vào đó, họ nhận được từ Washington sự thờ ơ, và bàn tay của Bắc Kinh ở phía sau chìa ra mời gọi.

Tại thời điểm này bài phát biểu này được truyền đi, Bắc Kinh đã nở một nụ cười – nụ cười thầm đắc thắng.

Bà Harris tiếp tục, với giọng nghiêm nghị: “Và tôi phải rõ ràng, sự tham gia của chúng tôi ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chống lại bất kỳ quốc gia nào. Nó cũng không được thiết kế để khiến bất kỳ ai phải lựa chọn giữa các quốc gia. Thay vào đó, sự tham gia của chúng tôi là nhằm thúc đẩy một tầm nhìn lạc quan mà chúng tôi có về sự tham gia và quan hệ đối tác của chúng tôi trong khu vực này. Và tầm nhìn kinh tế của chúng tôi là một phần quan trọng của điều đó.”

Bắc Kinh bây giờ đã bắt đầu cười to sung sướng.

Bà Harris sau đó tiếp tục tuyên bố rằng nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt khi lẽ ra tất cả mọi người đều phải hiểu rõ rằng nền kinh tế Trung Quốc đã làm tốt hơn trong thời kỳ đại dịch.

Sau đó là sai lầm chiến lược lớn thứ hai của bà Harris. Bà ấy thúc đẩy thương mại tự do ở Thái Bình Dương, điều này làm hài lòng đám đông, nhưng bà ấy không nói thương mại tự do cho ai. Điều này cho phép thương mại tự do hơn với Trung Quốc, bao gồm cả bông và cà chua do nô lệ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sản xuất.

Bà Harris không bao giờ đề cập đến Tân Cương, hoặc các cuộc diệt chủng ở Trung Quốc chống lại người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và Pháp Luân Công. Thay vào đó, bà này thúc đẩy thương mại tự do tổng quát, đó là một quan điểm của ĐCSTQ. Thương mại tự do đó đang giết chết các ngành công nghiệp chiến lược của Mỹ và các nước đồng minh, bao gồm cả thép và chip máy tính, vì chúng không thể cạnh tranh về giá với lao động nô lệ của Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh lờ đi các quy định về môi trường và tiếp tục bán phá giá.

Bà Harris không đề cập đến những điều này. Và thế là, một cơ hội vô cùng tốt đã bị bỏ lỡ.

Vào thời điểm bà Harris kết thúc bài phát biểu của mình, Trung Quốc có lẽ đang ở mở tiệc tùng tưng bừng, gần như ngất ngây với niềm vui sướng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Wang Wenbin, chế giễu, “Để bảo vệ 'Nước Mỹ trên hết', Hoa Kỳ có thể tùy tiện bôi nhọ, đàn áp, ép buộc và bắt nạt các nước khác mà không phải trả bất kỳ giá nào. Đây là mệnh lệnh mà Hoa Kỳ muốn. Nhưng ai sẽ tin họ bây giờ?”.

Đáp trả từ bà Harris và ông Biden là gì? Không có gì hết!

Ông Biden ho và che miệng trong một bài phát biểu ở Georgia. (Nguồn ảnh: Drew Angerer / Getty Images)
Trước những lời xúc phạm như vậy đối với nền dân chủ và nước Mỹ, Chính phủ Biden chỉ lờ đi. (Nguồn ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Trước những lời xúc phạm như vậy đối với nền dân chủ và nước Mỹ, Chính phủ Biden chỉ lờ đi, tạo ra một chút ồn ào về việc tập hợp một liên minh, coi đó như một bức bình phong, để rồi khoanh tay và không làm gì cả.

Cách tiếp cận của chính quyền Biden - Harris là một sai lầm chiến lược. Điều đó khiến Hoa Kỳ trông yếu ớt và thiếu quyết đoán giống như một đàn anh đang lúi húi ngồi trên ghế đá công viên giữa một đô thị sầm uất. Cùng với đó là ấn tượng từ sự kiện Afghanistan, sự thất bại trong việc bảo vệ Biển Đông và các đảo của Nhật Bản khỏi các cuộc xâm lược của Trung Quốc khiến Mỹ trong mắt thế giới thật vô cùng thảm hại.

Nếu Hoa Kỳ muốn đánh bại chủ nghĩa toàn trị của Trung Quốc, thì nước này phải mạnh mẽ và phải dẫn đầu, ngay cả khi một số đồng minh không tuân theo. Chỉ khi đó, họ mới biết ai là bạn thực sự của mình, ai là người họ có thể tin tưởng và ai tin tưởng vào nước Mỹ.

Và rõ ràng là, nếu như Hoa Kỳ muốn chiến thắng trong cuộc đua giành lấy vị trí anh cả của thế giới, thì đã đến lúc họ cần có một kế hoạch hiệu quả và bắt đầu hành động một cách thực sự quyết đoán.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là thành viên chính của Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu . Ông là tác giả của “Tập trung quyền lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không xâm phạm”, đồng thời biên tập “Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn”.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Đức Duy

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Hai sai lầm ‘chí mạng’ của bà Harris