Hại đơn hại kép từ thương chiến: Giá thịt heo Việt Nam đang tăng vì xuất lậu qua biên giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang hứng đòn ‘gậy ông đập lưng ông’ vì thuế trừng phạt thương mại đáp trả Mỹ về thịt heo. Nhưng Việt Nam, nền kinh tế luôn bị nghi ngờ là “vùng trũng” của cuộc chiến thương mại này, từ hưởng lợi đến hưởng hại, hiện đang chịu hại đơn hại kép từ giá thịt heo của Trung Quốc tăng cao.

Trong cuộc thương chiến với Mỹ khởi động từ hồi tháng Ba năm 2018, Trung Quốc liên tiếp đáp trả Mỹ bằng cách áp thuế cao với các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Các đòn đáp trả đương nhiên có hại với Mỹ nhưng cũng khởi tác dụng tiêu cực không nhỏ tới Trung Quốc vì cầu nhập khẩu lương thực từ Mỹ cho 1,4 tỷ dân Trung Quốc có cầu rất cao.

Sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước của Trung Quốc không bắt kịp cầu trong nước vì lực lượng lao động tại nông thôn già đi trong khi tốc độ đô thị hóa quá cao. Trong khi đó, vì thương chiến, Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ (ngũ cốc, thịt heo,...). Điều này khiến giá lương thực, thực phẩm, trong đó có giá thịt heo của Trung Quốc tăng mạnh.

Trừng phạt thịt heo của Mỹ: Trung Quốc ra đòn ‘gậy ông đập lưng ông’

Riêng với thịt heo, thì đòn đáp trả thuế của Trung Quốc với Mỹ lại đang trừng phạt chính mình. Mỹ là quốc gia xuất khẩu nguồn thịt heo lớn nhất thế giới, đây cũng là nơi tạo ra nguồn thịt lớn có giá thành rẻ, hấp dẫn nhất. Trung Quốc lại là khách hàng lớn nhất của Mỹ.

Năm 2018, Trung Quốc áp thuế nhập khẩu thịt heo từ Mỹ lên tới 72%. Ngay sau khi áp thuế suất trừng phạt cao, thịt heo bị khan hiếm tại Trung Quốc và giá tăng khiến người Trung Quốc bất mãn, lo ngại lạm phát tăng cao do giá thịt heo tăng cũng làm ảnh hưởng tới giá của các loại nông sản, thực phẩm khác. Có thời điểm, người Trung Quốc phải xếp hàng và chỉ có thể mua được phần thịt heo giới hạn. Cuối năm 2019, Trung Quốc buộc phải hạ thấp thuế nhập khẩu thịt heo từ Mỹ xuống còn 68% bất chấp căng thẳng thương chiến leo thang và cựu tổng thống Donald Trump liên tiếp tăng thuế một số mặt hàng để trừng phạt Trung Quốc.

Ngay cả khi áp thuế trừng phạt Mỹ, năm 2020 xuất khẩu thịt heo của Mỹ sang Trung Quốc - Hongkong tăng mạnh, đạt 1,04 triệu tấn, tăng 56% so với năm 2019, kim ngạch tăng 63% lên 2,37 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng thịt xuất khẩu của Mỹ.

Giá thịt heo (USD/kg) tại Trung Quốc và Mỹ trong một năm qua (Nguồn: www.pig333.com)

Không chỉ do giá nhập khẩu tăng vì chính sách thuế của Trung Quốc, giá heo hơi và giá heo con ở đã tăng vọt khi các nhà chức trách vẫn chưa tìm được cách thức hữu hiệu để kiểm soát sự bùng phát của bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF).

Giá heo giống - vốn là yếu tố dự báo tốt về giá thịt heo bán buôn trong tương lai kể từ khi xuất hiện dịch tả heo Châu Phi - đang tăng vọt. Kể từ khi lo ngại về các chủng virus gây ra ASF bắt đầu gia tăng vào tháng 12, giá đã tăng hơn 15% lên 93,2 Rmb (14,30 USD) một kg.

Các nhà khoa học cho biết các biến thể mới đã lây lan dễ dàng hơn so với các loại mầm bệnh phổ biến hiện nay. Họ cũng cảnh báo nguy cơ các biến thể này sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lớn trong một thời gian dài.

Cho đến nay, không có phương pháp điều trị hoặc chữa khỏi ASF, mặc dù Trung Quốc đã tổ chức các thử nghiệm lâm sàng cho một loại vaccine mới từ năm ngoái.

Ông Wayne Johnson, chuyên gia tư vấn bác sĩ thú y tại Enable AgTech Consulting ở Bắc Kinh, cho biết việc nông dân sử dụng rộng rãi vaccine ASF bất hợp pháp một phần là nguyên nhân cho các đột biến dẫn đến các chủng mới. Các biến thể này tạo ra các triệu chứng nhẹ hơn và khó chẩn đoán hơn, tạo điều kiện cho bệnh lây lan lâu hơn mà không bị phát hiện.

Ông Justin Sherrard, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Rabobank, đã hạ dự báo tăng trưởng sản lượng thịt heo của Trung Quốc xuống 8 đến 10% trong năm nay, mức dự báo trước đó là 10 đến 15%.

Enable AgTech’s Johnson cho biết sẽ mất ít nhất hai năm để đàn heo của Trung Quốc tăng trở lại mức đã thấy vào năm 2018 trước khi ASF trở thành loài đặc hữu.

Giá thịt heo bán buôn ở Trung Quốc đã giảm 8% xuống 47,46 RMB/ kg trong năm nay, nhưng các nhà phân tích cho rằng điều này là do nguồn cung tạm thời tăng lên khi nông dân giết mổ nhiều đàn hơn vì lo ngại về chủng loại mới.

Với thuế nhập khẩu thịt heo khủng như vậy trong khi Trung Quốc lại phải chịu đựng dịch tả heo Châu Phi khiến quy mô đàn bị thu hẹp. Giá thịt heo của Trung Quốc tăng cao. Việt Nam lại trở thành nơi “trung chuyển” có lợi cho Mỹ (trong trường hợp này), nhưng Việt Nam lại hưởng hại đơn hại kép.

Nhập khẩu thịt heo vào Việt Nam tăng gấp 4 lần

Theo báo Người lao động, Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 10.250 tấn thịt heo tươi, ướp lạnh, đông lạnh, tăng 322,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Nga, Canada, Brazil, Ba Lan và Mỹ là 5 thị trường lớn cung cấp thịt heo cho Việt Nam.

Cũng theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 141.140 tấn thịt heo, tăng 382% so với năm 2019. Ngoài ra, từ khi Việt Nam cấp phép nhập khẩu heo sống để giết mổ lấy thịt vào tháng 6-2020, sản lượng nhập khẩu đến cuối năm 2020 cũng lên tới hơn 450.000 con.

Hiệp hội Thịt đỏ của Mỹ (U.S Meat) cũng xác nhận năm 2020 sản lượng thịt heo Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam tăng 5 lần nhờ chính sách giảm thuế trong 6 tháng cuối năm, từ 15%-20% về mức 7%-12% tùy chủng loại.

Một bảng hiệu bên ngoài nhà máy chế biến thịt lợn Smithfield Foods ở Nam Dakota, ngày 21 tháng 4 năm 2020 tại Sioux Falls, Nam Dakota (Ảnh của KEREM YUCEL / AFP qua Getty Images)
Một bảng hiệu bên ngoài nhà máy chế biến thịt lợn Smithfield Foods ở Nam Dakota, ngày 21 tháng 4 năm 2020 tại Sioux Falls, Nam Dakota (Ảnh của KEREM YUCEL / AFP qua Getty Images)

Đại diện U.S Meat tại Việt Nam cho biết thịt heo là mặt hàng người dân tiêu thụ hằng ngày nên yếu tố giá chi phối rất lớn đến khả năng cạnh tranh. "Từ đầu năm 2021, thuế nhập khẩu thịt heo Mỹ trở về như cũ cộng thêm tình trạng thiếu container, hàng về trễ, giá cước tăng khiến sản lượng sụt giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá thịt heo Mỹ đưa về Việt Nam đang tương đương hàng trong nước".

Theo ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty THO Group (chuyên nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm), cho dù giá thịt heo nhập khẩu gần đây có tăng nhưng vẫn còn thấp hơn thịt heo trong nước khá nhiều. Giá thịt heo nhập khẩu hiện khoảng 2.400 USD/tấn (khoảng 50.000 đồng/kg), khi về Việt Nam có giá khoảng 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 giá thịt heo trong nước (dao động từ 120.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/kg, tùy loại). Nhiều mặt hàng như chân giò, móng, đuôi, tai heo… ở nước ngoài ít sử dụng, bán với giá tượng trưng như cho, chỉ tốn tiền vận chuyển cộng với thuế. Những mặt hàng này về Việt Nam chỉ hơn 10.000 đồng/kg nhưng khi bán ra tới 30.000-50.000 đồng/kg.

Hại đơn hại kép

Việc Việt Nam tăng cường nhập khẩu để xuất lậu vào Trung Quốc gây hại đơn hại kép: (i) Việt Nam phải dùng nguồn USD nhập khẩu thịt heo, trong khi xuất khẩu lậu lại không thu về được ngoại tệ; (ii) không thu được thuế xuất khẩu; (iii) không kiểm soát được cung - cầu và giá cả về thịt heo trong nước để sớm điều tiết có hiệu quả về kinh tế cho cả người nuôi heo cũng như người tiêu dùng. Thực tế, giá thịt heo Trung Quốc tăng làm tăng giá thịt heo trong nước dù nhập khẩu khối lượng lớn, giá thấp và nguồn cung thịt heo trong nước cải thiện hơn; (iv) giá thịt heo tăng sẽ làm cho giá của hàng hóa thay thế tăng, Việt Nam nguy cơ tăng lạm phát; (v) rủi ro mất thị trường trong nước khi hàng nhập khẩu đông lạnh thịt heo giá rẻ ngập các siêu thị làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt.

Khảo sát của phóng viên, thời điểm cuối tháng 3, giá heo hơi tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh dao động từ 74.000-76.000 đồng/kg, tăng 2.000-3.000 đồng/kg so với tháng trước. Nguyên nhân là do nguồn cung hiện không còn dồi dào vì nhiều trại chăn nuôi đã xuất bán heo trong dịp Tết. Thời điểm này các trại đang tập trung chăn nuôi lứa heo mới nên nguồn cung có phần hạn chế. Trong khi đó, giá thịt heo nhập khẩu cũng cao hơn trước vì ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu container toàn cầu nên không đủ sức kéo giá heo hơi trong nước giảm sâu.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng do giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng 20%-30% nên giá thành chăn nuôi heo tại các doanh nghiệp lớn tăng lên khoảng 45.000-47.000 đồng/kg, còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải trên 50.000 đồng/kg. Với giá bán heo hơi hiện nay, người chăn nuôi đang có mức lãi khá cao. Tuy nhiều doanh nghiệp lớn tái đàn mạnh nhưng cần thêm thời gian để kéo giá heo xuống. Nguồn cung heo trong nước dồi dào, giá cả hợp lý mới hy vọng kéo giảm được hàng ngoại nhập.

Đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho biết do bảo đảm được công tác phòng chống dịch bệnh nên họ chủ động tăng đàn khoảng 20% so với năm trước. Nguồn cung trong thời gian tới sẽ dồi dào, kéo theo giá cả ổn định. Lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn cho biết rất muốn kéo giá heo hơi xuống còn khoảng 60.000 đồng/kg (mức thịt heo ngoại khó cạnh tranh). Tuy nhiên, do áp lực thị trường bên ngoài, nếu doanh nghiệp hạ giá, khách hàng sẽ tập trung mua heo với lượng lớn, dẫn đến công ty bị mất cân đối.

Nhưng giá cao không chỉ do các vấn đề trong nước, thực tế tình trạng xuất lậu sang Trung Quốc mới là nguyên nhân chính khiến giá thịt heo trong nước tăng, vì thực tế giá nhập khẩu rất thấp, hiện vẫn đáp ứng được cầu thị trường về cả khối lượng và ổn định giá cả.

Ngạc nhiên thay, bác thấy con lợn cái vừa mua ngày hôm qua toan giết thịt sáng đó, nay đã đẻ được năm con lợn con, nhìn bầy lợn con mũm mĩm và đẹp như trong tranh vậy!
Ông Wayne Johnson, chuyên gia tư vấn bác sĩ thú y tại Enable AgTech Consulting ở Bắc Kinh, cho biết việc nông dân sử dụng rộng rãi vaccine ASF bất hợp pháp một phần là nguyên nhân cho các đột biến dẫn đến các chủng mới. Các biến thể này tạo ra các triệu chứng nhẹ hơn và khó chẩn đoán hơn, tạo điều kiện cho bệnh lây lan lâu hơn mà không bị phát hiện. (Ảnh: Pixabay)

Theo báo Người lao động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết chỉ nửa tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập trên 53.000 con heo thịt từ Thái Lan về phục vụ tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cảnh báo có hiện tượng heo nhập từ Thái Lan được xuất chui qua Trung Quốc để hưởng chênh lệch, trái với mục đích cho nhập khẩu.

Khi thịt heo trong nước “chảy” hết sang phía bên kia biên giới, nguồn cung trong nước sẽ sụt giảm và giá heo có nguy cơ còn tăng cao hơn nữa. Giá heo cao sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như thịt heo nhập khẩu về nhiều. Lâu dần, người tiêu dùng sẽ quen và sử dụng hàng đông lạnh. Do lợi nhuận cao từ kinh doanh thịt đông lạnh nên càng có nhiều doanh nghiệp tham gia nhập hàng về bán. Từ đó người chăn nuôi gặp khó khăn vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Vẫn chưa thể xác định được thời điểm nào Trung Quốc sẽ tung ra được vaccine ASF đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu xu hướng xuất khẩu thịt heo sang đại lục vẫn còn tiếp tục và người chăn nuôi “bỏ trống” sân nhà như hiện nay, một hậu quả nhãn tiền sẽ xảy ra: hàng hóa nhập khẩu sẽ dần tạo được chỗ đứng vững chắc trong thói quen mua sắm của người dân trong nước, và đến khi hết dịch, thịt heo Việt Nam quay trở lại thị trường cũ thì vị trí của họ đã bị thay thế, lúc đó, hạ giá để cạnh tranh là điều khó tránh khỏi. Để hạ giá thành, chất lượng nguyên liệu đầu vào phải giảm, về lâu dài, chính họ đang làm khó chính mình, còn chất lượng sản phẩm đầu ra dù có tệ, thì người chịu thiệt nhất là những người dân Việt Nam thu nhập thấp trên chính quê hương họ.

Mộc Trà - Trà Nguyễn

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://nld.com.vn/kinh-te/thit-heo-nhap-khau-tang-gan-400-20210331204301531.htm
  2. https://www.ft.com/content/6d75aa4b-6f06-4dff-8069-606e5c07dee9?fbclid=IwAR1CCUq1kCSFWfTjWgVSeYINLC64OqBAaTZ0Jvk4E-JScDmB2GQmjJPjLrI
  3. https://www.reuters.com/article/us-china-economy-imports/china-to-lower-import-tariffs-on-frozen-pork-avocados-from-january-1-idUKKBN1YR02Z
  4. https://vneconomy.vn/xa-voi-giac-mo-xuat-khau-thit-lon-20201118103723853.htm



BÀI CHỌN LỌC

Hại đơn hại kép từ thương chiến: Giá thịt heo Việt Nam đang tăng vì xuất lậu qua biên giới