Gói chính sách 21,3 nghìn tỷ đồng chỉ hỗ trợ được doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể khỏe mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khởi nguồn từ đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị quyết về vấn đề này đang được Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, liều thuốc chính sách này chỉ giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình vốn đã khỏe sẽ khỏe hơn sau đại dịch, không hỗ trợ nhóm doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể thuộc các ngành, lĩnh vực, khu vực đã và đang chịu tác động tiêu cực do đại dịch, cũng không giúp mặt bằng giá cả giảm để khuyến khích tiêu dùng như kỳ vọng.

Theo nguồn tin từ Vnexpress, sáng 16/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Theo dự thảo này, Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế giá trị gia tăng từ ngày với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và 30% thuế giá trị gia tăng từ 1/10/2021 đến hết 31/12/2021 miễn tiền phạt nộp chậm. Hộ kinh doanh cá thể cũng được giảm 30% thuế thu nhập cá nhân và 30% thuế VAT phải nộp.

Theo dự thảo, ước tính ưu đãi chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách 21,3 nghìn tỷ đồng. Điều này tương đương với 21,3 nghìn tỷ đồng sẽ được doanh nghiệp và hộ gia đình giữ lại tái đầu tư và sản xuất kinh doanh hoặc đơn giản là giảm giá hàng hóa mà họ bán ra.

Tuy nhiên, từ phân tích sâu hơn về thực trạng nền sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hiện nay, chính sách này sẽ không khởi nhiều tác dụng trong hỗ trợ sức khỏe doanh nghiệp, hộ gia đình, chính sách cũng không dẫn tới kích thích tiêu dùng như kỳ vọng. Dĩ nhiên, chính sách vẫn sẽ khởi tác dụng tích cực, nhưng dường như chỉ dành cho doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn đang duy trì kinh doanh được, tức là vẫn khỏe, trong đại dịch.

Tại sao?

Thứ nhất, phải khẳng định rằng với việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp nhóm doanh nghiệp khỏe, những doanh nghiệp hiện vẫn duy trì được hoạt động, chưa chịu tác động mạnh bởi Covid-19 có thêm nguồn tài chính phục hồi mạnh hơn sau đại dịch.

Tuy nhiên, chính sách này tác động không đáng kể tới nhóm doanh nghiệp suy yếu khi hoạt động trong các khu vực, ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid -19 trong 2 năm 2020 -2021. Hàng loạt doanh nghiệp đã buộc phải rời bỏ thị trường trong năm 2020, và 85 ngàn doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 do đại dịch. Như vậy, chính sách ưu đãi thuế TNDN không thể giúp được gì cho các doanh nghiệp khó khăn, buộc phải đóng cửa hoặc doanh thu sụt giảm, làm ăn thua lỗ suốt hai năm qua. Không có lãi thì không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Ảnh: baobinhduong.vn)
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. (Ảnh: baobinhduong.vn)

Thứ hai, việc giảm 30% thuế VAT trong Quý 3/2021 cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và hộ cá thể sẽ không làm giảm mặt bằng giá hàng hóa như kỳ vọng của chuyên gia kinh tế và chính phủ.

Theo vnexpress đưa tin, lĩnh vực được giảm thuế VAT bao gồm: vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; các đại lý du lịch; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí.

Doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, được giảm 30% mức tỷ lệ % tính thuế giá trị gia tăng với hàng hóa, dịch vụ. Số giảm thu ngân sách nhà nước giảm khi áp dụng chính sách này là khoảng 5.000 tỷ đồng.

Trang Vnexpress cũng trích ý kiến chuyên gia cho rằng việc giảm VAT cho doanh nghiệp sản xuất theo các lĩnh vực này sẽ giúp giảm mặt bằng giá cả hàng hóa, kích thích tiêu dùng. Điều này chưa chắc chắn.

Mặt bằng giá hàng hóa chỉ giảm khi VAT được giảm trực tiếp theo loại hàng hóa chứ không phải giảm theo lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp hay hộ gia đình. Đặc biệt khi doanh thu của các ngành được ưu đãi VAT đang giảm mạnh, thậm chí không có vì không được hoạt động. Trong giai đoạn ưu đãi là 3 tháng cuối cùng của năm 2021, giảm VAT như vậy chỉ giúp các doanh nghiệp này tăng thêm biên lợi nhuận bù đắp cho phần mất mát của sau cơn bão đóng cửa quý 2 và quý 3 vừa qua mà thôi. Khó có thể nói rằng việc giảm 30% theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ giúp mặt bằng giá cả giảm.

Nếu muốn giảm mặt bằng giá cho người dân, Chính phủ nên mạnh dạn đề xuất giảm thuế VAT theo nhóm hàng hóa, dịch vụ, ưu tiên nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Chính sách thuế như vậy sẽ tác động trực tiếp và mạnh đáng kể tới mặt bằng giá cả. Ngoài ra, mọi chính sách thuế đều có độ trễ, ít nhất 6 tháng tới 1 năm, do vậy, chính sách ưu đãi về thuế cần tính tới dài hạn. Việc giảm thuế trong 3 tháng sẽ không tác động đáng kể tới giá cả hay tạo động lực cho doanh nghiệp và hộ gia đình.

Thứ ba, với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, dự thảo nghị quyết nêu, đối tượng này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và 4 của năm 2021.

Về cơ bản chính sách sẽ không hỗ trợ được việc giảm giá hàng hóa hay giảm khó khăn cho kinh doanh hộ gia đình khi hầu hết các hộ gia đình bị cấm kinh doanh hoặc doanh thu bán hàng bị suy giảm mạnh. Cũng như trường hợp của doanh nghiệp, chính sách này tăng cường sức khỏe cho các hộ kinh doanh cá thể còn hoạt động tốt trong đại dịch, chưa bao phủ tới các hộ kinh doanh cá thể phải đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam hiện nay là: (i) là có tiền trả lương (dù tối thiểu) để duy trì lực lượng lao động khi có thể phục hồi; (ii) được quay trở lại kinh doanh mà không chịu chi phí cao về xét nghiệm y tế, vận tải hay có những ràng buộc hạn chế… (iii) giảm được chi phí y tế, vận tải, logistic (nội địa và quốc tế) đang tăng cao. Chi phí xét nghiệm cho lao động và di chuyển trở thành gánh nặng với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Chi phí vận tải, logistic trong nước lẫn quốc tế ước tính tăng ít nhất 3 – 5 lần so với năm 2020; (iv) đứt gãy chuỗi cung ứng đầu vào cho sản xuất (thiếu nguyên nhiên liệu đầu vào), khó khăn trong cung ứng hàng hóa và sản phẩm tới khách hàng (đầu ra);

Các chính sách trong dự thảo Nghị quyết mà Quốc hội đang xem xét đều chưa hướng tới hoặc chưa tháo gỡ triệt để những khó khăn này cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, gói chính sách này cũng sẽ khởi tác dụng là giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể khỏe mạnh có thêm tiền để tái đầu tư và phục hồi sau đại dịch.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Gói chính sách 21,3 nghìn tỷ đồng chỉ hỗ trợ được doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể khỏe mạnh