Giảm lãi suất cho vay thời Covid-19: xin - cho trong cơn bĩ cực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng nhà nước (SBV) đang kêu gọi 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn (NHTMNN) và 12 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Liệu SBV có giảm được lãi suất cho vay không? Câu trả lời là CÓ chỉ là bao nhiêu và ai được quyền tiếp cận lãi suất ưu đãi? Phần nổi của tảng băng phí và lãi này mang lại bao nhiêu ý nghĩa với doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp nào? 

Ngày 9/7 vừa qua, SBV đã mời các NHTM lớn nhất của thị trường tài chính Việt, cũng là những ông lớn mà nhà nước nắm quyền sở hữu, quản lý và định đoạt gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank họp và chỉ đạo phải giảm các lãi suất cho vay, các loại phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Trung tuần tháng 7 vừa qua, các ông lớn này đã họp với SBV bàn về vấn đề này.

Cũng tại buổi họp, SBV đã giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.

Lời khẩn cầu từ các doanh nghiệp trẻ

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Hội Doanh nhân trẻ đã có văn bản đề xuất Chính phủ và SBV tiếp tục có chỉ đạo để hỗ trợ doanh nhân trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể, thứ nhất, đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm có chỉ đạo để rà soát lại những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thứ hai, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, được khoanh nợ đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu.

Thứ ba, đề xuất giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm; trong đó, đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%; có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7-2021.

Thứ tư, hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ phát triển nghiệp nhỏ và vừa đồng thời giảm 50% các chi phí liên quan đến ngân hàng (phí chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản...) cũng áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021.

Thực tế, dịch bệnh kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng, đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn.

Dư địa giảm lãi suất - Phần nổi của tảng băng trôi

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, chuyên gia tài chính Đường Trọng Khang cũng cho rằng lãi suất cho vay vẫn có thể giảm thêm nữa. Đồng thuận với ý kiến này, truyền thông trong nước cho rằng SBV và các NHTMCP có rất nhiều dư địa để giảm lãi suất.

Hầu hết các trang báo dẫn dữ liệu của Công ty CP chứng khoán SSI cho thấy lãi suất huy động đã giảm khoảng 2-2,5% trong năm qua, trong khi lãi suất cho vay mới giảm từ 1-1,5%. Do vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay.

"Doanh nghiệp kinh doanh có lãi mới trả được lãi vay và nợ gốc, khi đó ngân hàng mới phát triển lành mạnh được. Nếu cứ lấy lý do phải giảm lãi suất tiền gửi mới hạ được lãi vay là không hoàn toàn hợp lý, nhất là khi dịch bệnh mà các ngân hàng vẫn lãi đậm", ông Khang nói.

"Theo các thông tin được công bố công khai, các ngân hàng lớn đạt lợi nhuận lên tới 7.000 - 8.000 tỉ đồng, còn ngân hàng nhỏ hơn cũng lãi cả nghìn tỷ đồng, gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy việc hạ lãi suất cho vay không phải là không có nguồn, không nên chỉ trông chờ vào giảm lãi suất huy động", ông Khang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tốc độ giảm lãi suất huy động cao hơn tốc độ giảm lãi suất cho vay và chênh lệch lãi suất cho vay - huy động ngày một lớn không phải là câu chuyện của năm 2020. Rõ ràng, nó không phải là trường hợp ngoại lệ trong giai đoạn khó khăn. Nó là xu hướng không mong muốn của SBV kể từ khi phải các tổ chức tín dụng mà SBV quản lý buộc phải bước vào công cuộc tái cấu trúc đầy tranh cãi kể từ năm 2012 cho tới nay.

Một người đàn ông đi ngang qua bức tranh tường cổ động về tiêm vacxin với những người trong lực lượng chức năng làm việc ở tuyến đầu phòng chống COVID-19 bên ngoài một tòa nhà ở Hà Nội vào ngày 19 tháng 7 năm 2021. (Ảnh của NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)
Một người đàn ông đi ngang qua bức tranh tường cổ động về tiêm vacxin với những người trong lực lượng chức năng làm việc ở tuyến đầu phòng chống COVID-19 bên ngoài một tòa nhà ở Hà Nội vào ngày 19 tháng 7 năm 2021. (Ảnh của NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)

Khó giảm lãi suất - Phần chìm của tảng băng trôi

Một cách khách quan, với các NHTM thì việc khó giảm lãi suất chính là phần chìm của tảng băng trôi, nó khó khăn gấp 4 lần dư địa giảm lãi suất mà các chuyên gia tài chính trong nước nhận định.

Thứ nhất, lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại chứ không giảm, ít nhất lãi suất huy động không hề giảm đồng đều trong hệ thống vì hai lý do: (i) tồn tại NHTM nhỏ có khó khăn về thanh khoản, huy động nguồn vốn; (ii) lạm phát kỳ vọng tăng. Dòng vốn tiết kiệm từ dân cư đổ vào NHTM còn phải cạnh tranh với vàng, thị trường chứng khoán…

Với hệ thống NHTM Việt Nam, việc có tồn tại các NHTM yếu hơn, kẹt thanh khoản buộc phải đẩy lãi suất huy động lên cao có thể tạo ra cuộc đua lãi suất trong hệ thống nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động. Khi lãi suất huy động không thể giảm thì lãi suất cho vay khó giảm nếu không có các biện pháp hành chính mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong 12 tháng qua, các ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ trong nước liên tục đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao thông qua công cụ tiền gửi thông thường hay phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn.

Một báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, danh sách các ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài tiếp tục được kéo dài thêm với những cái tên quen thuộc như Sài Gòn Bank, VietCapital Bank, NamABank, CBBank, VietABank,… Nhìn chung, đây đều là những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ với năng lực bị hạn chế và cần đẩy mạnh huy động để đáp ứng quy định an toàn tài chính từ Ngân hàng Nhà nước.

Trong bối cảnh áp lực lên tăng trưởng kinh tế ngày càng gia tăng, sự kiên định của Ngân hàng Nhà nước trong nỗ lực nâng cao mức độ an toàn của hệ thống tài chính nói chung đã và đang động tới bài toán cố hữu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, VDSC nhận định. Tại đó, nguồn tài lực của hệ thống tập trung vào một số ngân hàng tốp trên trong khi hàng loạt ngân hàng quy mô nhỏ thường xuyên gặp khó khăn về thanh khoản.

Các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ thường khó đa dạng dòng vốn huy động và nắm giữ các khoản nợ rủi ro. Quy mô vốn mỏng, kinh doanh kém hiệu quả khiến các nhà băng này dễ tổn thương khi nền kinh tế biến động theo hướng tiêu cực.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi thường cũng là nhà đầu tư vào công cụ nợ của các nhà băng khác. Điều này dẫn tới sự luẩn quẩn của dòng vốn và dễ lan tỏa tác động của các cú sốc, khi chúng xuất hiện. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại thường phát hành và phụ thuộc vào dòng vốn huy động kỳ hạn ngắn, kém đa dạng trong khi đầu tư, cho vay các dự án dài hạn, bao gồm cấp tín dụng cho dự án của chính quyền địa phương và trung ương.

Những điều này làm tăng cao rủi ro thanh khoản của các ngân hàng và hệ số an toàn vốn gần như chắc chắn sẽ giảm mạnh khi nhà lập pháp đưa ra quy định thắt chặt an toàn tài chính.

Vì thế, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đang vật lộn với việc huy động vốn và trong 5 năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại 3 ngân hàng thương mại với giá 0 đồng, gồm CBBank, Ocean Bank và Đông Á Bank. Hiện tại, các nhà băng này vẫn lỗ lũy kế và bị âm vốn chủ sở hữu trong khi quá trình tái cơ cấu gặp nhiều khó khăn và chưa thể hoàn tất.

Trong những diễn biến mới nhất từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Ngân hàng Nhà nước đang chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại các ngân hàng kể trên.

Thứ hai, Lạm phát đồng USD tăng, nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc tăng, giá hàng hóa thế giới tăng khiến cho lạm phát kỳ vọng của VND cũng tăng theo.

Quay lại tuần trước, tâm điểm tuần qua là cuộc họp tháng 6 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Tại phiên họp này, FED dự báo lần nâng lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2023, thay vì 2024 như dự báo tại các lần họp trước.

Không chỉ vậy, Việt Nam đang là nước nhập khẩu lạm phát lớn nhất từ Trung Quốc, chi tiết xem tại đây.

VnDirect cho rằng, dư địa cho cắt giảm lãi suất là tương đối hạn chế bởi: Áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng; cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

Xin - cho trong cơn bĩ cực

Với các phân tích ở trên, hy vọng giảm lãi suất hiển nhiên không nằm ở điều kiện thị thị trường, không phải đến tự nhiên bởi sức khỏe tài chính của các NHTM đang tốt lên hay bởi SBV giảm lãi suất điều hành như hầu hết các NHTW khác trên toàn cầu. Suốt năm 2020, SBV giảm 3 lần lãi suất điều hành nhưng lãi suất cho vay bình quân chỉ giảm rất chậm so với mức giảm của lãi suất huy động, các NHTM nhỏ vẫn kẹt thanh khoản. Điều này cho thấy công cụ lãi suất điều hành của SBV không mang lại hiệu quả đáng kể cho thanh khoản cũng như cho sự ổn định của cả hệ thống.

Với hệ thống NHTM Việt Nam, việc có tồn tại các NHTM yếu hơn, kẹt thanh khoản buộc phải đẩy lãi suất huy động lên cao có thể tạo ra cuộc đua lãi suất trong hệ thống nhằm duy trì ổn định nguồn vốn huy động. Khi lãi suất huy động không thể giảm thì lãi suất cho vay khó giảm nếu không có các biện pháp hành chính mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước. (Ảnh minh họa)

Dù vậy, khác với các hệ thống tài chính khác, SBV có quyền lực can thiệp rất lớn vào cung - cầu trong hệ thống. SBV vừa là đại diện sở hữu, vừa có quyền lực quản lý nhà nước, vừa có quyền lực giám sát với 04 NHTMNN lớn. Nhóm NHTMNN này lại chiếm tới hơn 50% huy động cũng như cho vay trên thị trường.

Thêm vào đó, SBV vẫn đang duy trì chính sách giới hạn trần cho vay với các NHTMCP trong nước. Chính sách này tạo ra quyền lực xin-cho rất lớn với cơ quan quản lý nhà nước này.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, bên cạnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số ngân hàng thương mại đã tăng trưởng tín dụng chạm hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp cho năm 2021 cũng khiến giải ngân tín dụng chững lại và là nguyên nhân chính khiến thanh khoản dồi dào. Trong gần 1 tháng vừa qua, huy động đang tăng trưởng tốt hơn tín dụng, chênh lệch tiền gửi – tín dụng mở rộng thêm khoảng 41 nghìn tỷ đồng.

Hiện đã có khoảng 10 ngân hàng thương mại gửi đề nghị xin nới room tín dụng và Ngân hàng Nhà nước đang xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng này.

Với hai gọng kìm quyền lực này, SBV, bằng lý trí của mình, hoàn toàn có thể yêu cầu hạ lãi suất cho vay ở một mức độ nào đó. Đổi lại, một nguồn cung tiền rẻ hơn, dồi dào hơn sẽ đổ về các NHTM có cam kết mạnh mẽ về giảm lãi suất huy động. Dù sao, đây cũng là một cách xin - cho trong cơn bĩ cực của doanh nghiệp. Không bàn đúng sai, hay dở, hiển nhiên, các mệnh lệnh hành chính luôn hữu dụng trong các giai đoạn bất ổn.

Người ăn không hết kẻ lần không ra

Trên thị trường tài chính có một hiệu ứng của tiền tệ gọi là "hiệu ứng Cantillon". 1/4 thế kỷ trước, nhà kinh tế học Richard Cantillon phát hiện rằng tiền được in ra sẽ không ảnh hưởng đến tất cả mọi người theo cách giống nhau.

Trong một bài báo năm 2018 về Hiệu ứng Cantillon, nhà kinh tế học Jessica Schultz giải thích rằng những người xếp hàng đầu tiên (ấy là nói như vậy) được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​việc chuyển dịch tiền đột ngột. Có lẽ ám chỉ của nhà kinh tế học là các ngân hàng thương mại lớn, nơi được nhận nguồn vốn dồi dào hơn, giá rẻ hơn từ ngân hàng trung ương. Trong trường hợp của Việt Nam chính là các ông lớn NHTMNN và NHTMCP lớn nằm trong cam kết "giảm lãi suất" mà SBV kêu gọi.

“Khu vực đầu tiên nhận được tiền mới được tạo ra hưởng lợi nhuận cao hơn như lương tăng trong khi chi phí chung vẫn còn thấp”, ông Schultz, một nghiên cứu sinh tiền Tiến sĩ tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia viết. “Mặt khác, những ngành cuối cùng mà giá cả tăng lên (nơi có nhiều va chạm kinh tế hơn) phải đối mặt với chi phí cao hơn trong khi vẫn sản xuất với giá thấp hơn”.

Đáp lại lời kêu gọi của SBV, hàng loạt NHTMNN, NHTMCP lập tức công bố mức giảm lãi suất, đối tượng cụ thể được giảm. Phần lớn các tổ chức tín dụng đều giảm ít nhất 1%/năm cho tổng dư nợ hiện hữu của chính khách hàng đó tại thời điểm 15/7 đến hết năm 2021…Các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay gồm Vietcombank, Agribank, ACB, TPBank, Sacombank, Bản Việt, MB...

Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021. Trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Các khách hàng còn lại cũng được giảm 1%/năm.

Agribank cũng thông báo giảm lãi suất cho vay. Các khoản vay tại thời điểm 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, tương ứng giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm.

Đối với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, Sacombank tiên phong giảm lãi suất. Sacombank cho biết sẽ thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng – khách sạn – nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…

Hiện thông tin MB công bố về việc giảm lãi suất là chi tiết nhất. Dự kiến, với các khách hàng thuộc đối tượng cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03, MB giảm lãi suất 1,5%/năm so với mức hiện tại và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại (tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3 – 4%/năm).

Tuy nhiên, ai sẽ thực sự được hưởng lợi từ chính sách này? Liệu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có phải chứng minh nhiều giấy tờ để được giảm lãi suất như đợt hỗ trợ lãi suất năm 2020 hay không vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Không NHTM nào sẵn sàng giảm lãi suất cho doanh nghiệp đang khó khăn hoặc có đe dọa chuyển loại nợ, trừ các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân có danh tiếng.

Khách hàng của các NHTMNN và NHTMCP hầu hết là các khách hàng tốt nhất của thị trường, gồm các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực tài chính và có lịch sử được hậu thuẫn bởi chính quyền các cấp...

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khốn đốn trong sản xuất, dịch vụ, thương mại, việc tiếp cận vốn NHTM mà không có tài sản đảm bảo vẫn là khó khăn trong bất cứ thời điểm nào, chứ chưa nói đến chứng minh năng lực tài chính trong cảnh khốn khó này. Lúc này, liệu họ có thể tiếp nhận lãi suất ưu đãi hay không sẽ là một vấn đề khác.

Dù gì, một chính sách lớn đã được nồng nhiệt hưởng ứng. Quả thật, hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có hậu thuẫn đã được giảm lãi suất. Chỉ là nó có thể sẽ không tới được phần lớn trong số 94% doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn tạo khoảng 60% công ăn việc làm cho cả nước.

Tâm Chính - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Giảm lãi suất cho vay thời Covid-19: xin - cho trong cơn bĩ cực