Gia nhập CLB Ấn Độ-Thái Bình Dương: Đức chính thức ‘quay lưng’ với Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Berlin đã công bố một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chính thức, phản ánh sự “quay lưng lại với Trung Quốc” của châu Âu, với mong muốn thiết lập trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế, chứ không phải dựa trên “luật của kẻ mạnh”.

Hôm thứ Tư (ngày 2/8), văn phòng Ngoại giao Liên bang Đức đã công bố một bộ hướng dẫn chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương, cho thấy Đức trở thành quốc gia châu Âu thứ hai sau Pháp chính thức áp dụng chiến lược cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trật tự quốc tế không phải là điều dựa "trên luật của kẻ mạnh’

Theo một thông cáo báo chí kèm theo thông báo, chiến lược này được thiết kế để cho phép Đức “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Như Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas đã nói trong một tuyên bố báo chí, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “là nơi định dạng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của ngày mai sẽ được quyết định. Chúng tôi muốn giúp định hình trật tự đó - dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế, chứ không phải dựa trên luật của kẻ mạnh”.

Hướng dẫn của Berlin về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đặt nền tảng cho hợp tác an ninh hàng hải, nhân quyền và đa dạng hóa các quan hệ đối tác kinh tế của Đức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để Đức và các đối tác khu vực “tránh phụ thuộc đơn phương” vào Trung Quốc.

Ở một cấp độ, chiến lược này là sự nhượng bộ đơn giản đối với thực tế tình hình kinh tế và địa chính trị. Châu Á từ lâu đã là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức bên ngoài Châu Âu, và nền kinh tế của nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tuyến đường biển rộng mở giúp đưa ô tô sản xuất tại Đức và các hàng hóa khác đến các thị trường Châu Á đang phát triển nhanh.

Đức thừa nhận rằng rủi ro chiến lược ở Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng tăng - do sự hung hăng của Trung Quốc trong khu vực cùng với sự quyết liệt đẩy lùi điều này của chính quyền Trump - có thể sẽ tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai của Đức.

Ngược lại, quan hệ đối tác được cải thiện với các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ giúp Đức đối phó với nhiều thách thức toàn cầu do một Trung Quốc ngày càng ngang ngược và tham vọng gây ra.

Theo một chuyên gia hàng đầu, điều đặc biệt đáng chú ý là bối cảnh và thời điểm Đức công bố chiến lược này. Vào ngày 1 tháng 7, Đức đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên sáu tháng của Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU), đặt họ vào vị trí định hình cách tiếp cận của khối đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Chiến lược của Đức tô đậm thêm ‘tâm trạng ngày càng mất lòng tin’ của châu Âu đối với Trung Quốc

Thông báo này được đưa ra sau chuyến công du 5 quốc gia châu Âu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhằm mục đích củng cố các mối quan hệ đối tác yếu kém của Trung Quốc trong khu vực. Đồng nghiệp của ông Yang Jiechi, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng sẽ thăm Tây Ban Nha và Hy Lạp trong tuần này.

Chiến lược này của Đức đã tô đậm thêm “tâm trạng ngày càng mất lòng tin” đối với Trung Quốc trên khắp châu Âu, xuất phát từ cuộc đàn áp dân chủ gần đây của Bắc Kinh ở Hong Kong, hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc, cũng như các phương pháp ngày càng cưỡng ép mà chính quyền này đã sử dụng để dập tắt sự phản đối của người dân Trung Quốc.

Vừa qua, chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil đã mở ra một tiền lệ khi dẫn đầu phái đoàn lớn đến thăm Đài Loan. Trước sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đe dọa Cộng hòa Séc sẽ phải "trả giá đắt". Tờ báo của ĐCSTQ Global Times tố cáo rằng đây là hành vi “côn đồ chính trị”, “chà đạp lên nền văn minh ngoại giao”.

Đáp lại, ngài Pavel Novotný - Thị trưởng Praha-Řeporyje gọi thẳng nhà ngoại giao theo phong cách “chiến binh sói” Trung Quốc là “lũ hề thô lỗ không có tư cách” và yêu cầu ĐCSTQ “cần phải xin lỗi càng sớm càng tốt về lời đe dọa vô liêm sỉ này”.

Điều này có khả năng làm suy yếu những nỗ lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát thiệt hại của mình tại châu Âu. Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố trong cuộc họp của Hội đồng Châu Âu vào tháng 3 năm ngoái, “thời kỳ ngây thơ của người Châu Âu đối với Trung Quốc đã qua rồi”.

Cách thức ‘tăng cường các cấu trúc hợp tác quốc tế’ với Trung Quốc liệu có phát huy tác dụng?

Sự can dự của Đức với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sẽ khác đáng kể so với tư thế độc lập của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump, vốn cũng đặt Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia.

Các hướng dẫn của Đức đưa ra nhằm đa dạng hóa các liên kết kinh tế và thương mại để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo một báo cáo từ tháng 2/2020, Trung Quốc chiếm tỷ lệ tiêu thụ 4/10 xe Volkswagen mà Đức bán ra trên toàn thế giới và gần 3/10 xe bán ra của BMW và Mercedes-Benz. Berlin sẽ muốn duy trì mối quan hệ thương mại quan trọng này.

Hơn nữa, một phần quan trọng trong cách tiếp cận của nước này đối với khu vực sẽ là “tăng cường các cấu trúc hợp tác quốc tế” - chính xác là loại cơ chế đa phương mà chính quyền Trump coi thường.

Tuy nhiên, dù có sự khác biệt nào với Washington, thì tuyên bố của Đức là dấu hiệu cho thấy châu Âu đang ngày càng xét lại cách tiếp cận của mình với Trung Quốc. Sẽ không lâu nữa trước khi các quốc gia châu Âu khác tiếp bước Đức và Pháp trong việc đối phó với Trung Quốc, cũng như trong việc tạo ra những con đường mới vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trần Đức

 



BÀI CHỌN LỌC

Gia nhập CLB Ấn Độ-Thái Bình Dương: Đức chính thức ‘quay lưng’ với Trung Quốc?