Giá dầu thô vẫn tăng bất chấp tin tức xấu về tăng trưởng của Trung Quốc và Mỹ được công bố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rủi ro kép lạm phát và đình trệ với nền kinh tế toàn cầu không còn là cảnh báo, có vẻ như thế giới đã bước một chân vào chu kỳ kinh tế màu xám không mong muốn này.

Hôm nay, giá dầu thô đã tăng trở lại sau ngày thứ 2 liên tiếp dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy tăng trưởng chậm lại. Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng logistics tiếp tục trầm trọng khiến sản lượng giảm trong tháng 9. Các tin xấu về suy giảm ở phía cung đã khiến giá dầu thô giảm 2 hôm liên tiếp khi lo ngại về phục hồi kinh tế không chắc chắn. Dù vậy, chỉ sau vài giờ, giá dầu thô tiếp tục leo cao.

Giá dầu thô theo chỉ số Futures Indexes (hợp đồng tương lai) đã bật tăng trở lại sau 2 ngày liên tiếp giảm trước tin xấu về tăng trưởng của Trung Quốc và sản lượng sản xuất suy giảm ở Mỹ. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình từ Oilprice.com)

Giá dầu thô Brent đã tăng 25 cent, tương đương 0.3%, ở mức 84.58 USD/thùng vào lúc 12h43 phút ngày 19/10 giờ Việt Nam. Mức tăng này phục hồi sau khi giảm 0,6% vào hôm thứ Hai, và giảm tới 0,5% vào đầu giờ sáng ngày 19/10. Giá dầu hợp đồng tương lai của WTI có mức tăng mạnh hơn, tới 0,42% trong ngày, lên 82.79 USD/thùng.

Giá dầu thế giới đã có hai phiên giao dịch thử thách, giảm nhẹ khi tin tức xấu về sản lượng sản xuất của Mỹ và tăng trưởng ở Trung Quốc được công bố.

Sản lượng của các nhà máy ở Mỹ giảm mạnh nhất trong 7 tháng gần đây do tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu đã làm chậm quá trình sản xuất ô tô, thêm bằng chứng cho thấy hạn chế về nguồn cung là một yếu tố gây căng thẳng cho tăng trưởng kinh tế, và sự phục hồi của kinh tế thế giới phụ thuộc rất lớn vào quá trình khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cuộc khủng hoảng năng lượng điện, khủng hoảng chính sách và mức độ lạnh giá của thị trường bất động sản đã đẩy tăng trưởng của nước này vào quý 3/2021 xuống mức thấp nhất trong một năm qua. Nếu loại trừ yếu tố mùa vụ, tăng trưởng quý 3/2021 của Trung Quốc chỉ đạt 0,2%, mức thấp thứ hai trong lịch sử dữ liệu tăng trưởng GDP theo quý.

Tỷ lệ tiêu hao dầu thô hàng ngày của Trung Quốc trong tháng trước lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, theo Reuters. Nhưng với việc nhiệt độ giảm khi mùa đông ở Bắc bán cầu đến gần, giá dầu, than, và khí đốt có khả năng tiếp tục tăng cao, các nhà phân tích cho biết.

Rõ ràng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng và suy giảm từ cung sản xuất từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đáng lẽ phải tác động khiến giá dầu giảm sâu hơn. Tuy nhiên, giá dầu chỉ rung lắc nhẹ trong 2 ngày liên tiếp và nhanh chóng tăng cao trở lại. Điều này cho thấy rủi ro kép lạm phát và đình trệ với nền kinh tế toàn cầu không còn là cảnh báo, có vẻ như thế giới đã bước một chân vào chu kỳ kinh tế màu xám không mong muốn này.

Theo một báo cáo chính thức, sản lượng khai thác dầu từ đá phiến lớn nhất ở Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng thêm vào tháng tới, kỳ vọng làm giảm bớt đà tăng của giá dầu, theo Reuters.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Giá dầu thô vẫn tăng bất chấp tin tức xấu về tăng trưởng của Trung Quốc và Mỹ được công bố