Gần 100 nghìn tỷ đồng và 650 văn bản chưa được xử lý theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong 5 năm qua

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 25/3, đại diện Kiểm toán Nhà nước Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động của cơ quan này trước Quốc hội. Theo báo cáo, trong 5 năm qua, gần 100 nghìn tỷ VND kiến nghị xử lý tài chính và 650 văn bản kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ, bổ sung của Kiểm toán nhà nước chưa được chính phủ, Bộ, ngành địa phương thực thi.

Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước (KTNN), trong 5 năm qua, trong phạm vi kiểm toán hoạt động đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công lớn... cơ quan này đã đề xuất:

  • Xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng;
  • Chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý;
  • Cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền;
  • Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN.

Điều này có nghĩa gần 100 nghìn tỷ VND kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực thi. Đặc biệt là trong 786 văn bản mà KTNN kiến nghị phải sửa đổi, bổ sung; hoặc phải hủy bỏ vì mâu thuẫn, chồng chéo; hoặc quá lạc hậu so với thực tiễn... thì chỉ có 136 văn bản được xử lý theo kiến nghị; con số này tương đương 650 văn bản (tương đương với 83% tổng số văn bản kiến nghị) chưa được chính phủ, bộ, ngành xử lý.

Chất lượng và tiến độ xử lý kiến nghị hậu kiểm toán nhà nước rất quan trọng với việc minh bạch và đổi mới thể chế. Nhưng đáng tiếc, việc chậm trễ trong giải trình hoặc thực thi các kiến nghị luôn là "nút thắt" về cải cách thể chế của Việt Nam.

Kiểm toán tới đâu, phát hiện sai phạm tới đó?

Trong năm 2020, KTNN thực hiện 169 cuộc kiểm toán. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 30/9/2020 là 52.970 tỷ đồng, tăng thu 3.074 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 10.700 tỷ đồng, kiến nghị khác 39.195,5 tỷ đồng.

Thông qua kết quả kiểm toán đã phát hiện hàng loạt sai phạm của các doanh nghiệp, tổng công ty đặc biệt trong ngành dầu khí.

Một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp như:

  • Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu;
  • PVOIL Thái Bình có 5,80 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư -CTCP có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả;
  • Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn chưa sử dụng 6,3 ha; bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha.

Một số tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn như nợ khó đòi tại:

  • Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) là 214,4 tỉ đồng;
  • Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP 643,3 tỉ đồng;
  • Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn 17,4 tỉ đồng.
Quốc hội nghe báo cáo công tác và Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) (Ảnh: sav.gov.vn)
Quốc hội nghe báo cáo công tác và Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) (Ảnh: sav.gov.vn)

Ngoài ra, một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. PVPower - Công ty mẹ: Cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019 chỉ đạt 0,2% tổng vốn đầu tư, trích lập dự phòng 100%/vốn đầu tư tương ứng 20,2 tỉ đồng; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Công ty mẹ đầu tư vào 1/5 công ty con lỗ; 5/17 công ty liên doanh lỗ.

Kiểm toán trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, 5 năm gần đây, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính tới hơn 19 ngàn tỷ đồng. Trung bình mỗi năm KTNN đã phát hiện và đưa ra hơn 200 kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, trách nhiệm người đứng đầu ở các tập đoàn, tổng công ty và một số cơ quan nhà nước có vi phạm về quản lý tài chính.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu vào năm 2019 rằng: “Chúng ta buồn vì có hệ thống tổ chức bộ máy chặt chẽ như vậy, hệ thống chính trị luật pháp như vậy nhưng KTNN sờ vào đâu, kiểm toán ở đâu, sai phạm ở đó”.

Tại sao doanh nghiệp nhà nước, bộ ban ngành, địa phương không thực hiện hoặc chậm chạp trong thực hiện kiến nghị

Trình bày Báo cáo thẩm tra "Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá ”nhất trí với những nhận định, đánh giá trong Báo cáo của KTNN, báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ kết quả đạt được trong hoạt động của KTNN”.

Ông Hải cũng yếu cầu KTNN cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN.

Có nhiều lý do khiến các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp nhà nước chậm xử lý hoặc giải trình kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Theo Thạc sĩ Hoàng Văn Chương, trong các báo cáo kiểm toán còn không ít các kết luận chung chung, thiếu khả thi, dẫn đến việc thực hiện thiếu đầy đủ và nghiêm túc, thậm chí có đơn vị không thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân kiến nghị xa rời thực tế.

Ông Đặng Thế Vinh- Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết mối quan hệ giữa KTNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra là một vấn đề được các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội quan tâm. Trên thực tế, hoạt động của các cơ quan này đang xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp về niên độ, nội dung, phạm vi và đối tượng. Những điều này phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và đơn vị được kiểm toán.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa cao; đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để.

Số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện chỉ đạt 73,6% tổng số kiến nghị; chỉ có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, việc công khai báo cáo kiểm toán cơ bản đã được thực hiện theo quy định, tuy nhiên tính hiệu quả, tính lan tỏa còn hạn chế; việc tiếp cận, khai thác thông tin, kết quả kiểm toán còn chưa thuận lợi, dễ dàng đối với các đối tượng theo quy định.

Trong trường hợp cần thiết, cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý.

Thanh Vân (tổng hợp)

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Gần 100 nghìn tỷ đồng và 650 văn bản chưa được xử lý theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong 5 năm qua