Financial Times: Việt Nam và Singapore là hai điểm đến nổi bật ngoài Trung Quốc của các nhà đầu tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ Financial Times, nhiều tạp chí uy tín, chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra cơ hội hàng đầu của Việt Nam trong hút vốn đầu tư nước ngoài trong làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc kể từ khi bắt đầu thương chiến Mỹ - Trung và cho tới bây giờ là Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam dường như không lý tưởng như kỳ vọng khi còn quá nhiều rào cản nhân lực, cơ sở hạ tầng và hệ thống chính sách minh bạch mà các nhà đầu tư FDI tìm kiếm.

Financial Times lấy ví dụ về sự phát triển hạ tầng của Sài Gòn để minh chứng cho nhận định dòng vốn FDI tìm đến Việt Nam như một sự lựa chọn ngoài Trung Quốc trong Đông Á. Gần 50 tòa nhà chọc trời đã mọc lên tại Sài Gòn kể từ năm 2008. Cũng như nhiều đô thị khác trong khu vực, phần lớn sự phát triển này đã được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp Quốc về Châu Á và Thái Bình Dương (Escap), Châu Á Thái Bình Dương đã trở thành điểm đến phổ biến nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới, chiếm gần một nửa tổng chi tiêu trên toàn cầu năm 2018. Các số liệu của Liên Hiệp Quốc bao gồm cả các thỏa thuận xuyên biên giới và các dự án mặt đất – lần lượt khoảng 600 tỷ USD và 300 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài trong khu vực, ngoại trừ Châu Đại Dương, cũng đã tăng trưởng rõ rệt trong thập kỷ qua.

Virus Corona Vũ Hán có khả năng kìm nén những xu hướng này vì tiền mặt của nhiều công ty đa quốc gia đã bị thu hẹp nên khó có thể tiếp tục mở rộng các khoản đầu tư xuyên biên giới. Nhưng đây vẫn là một xu hướng cơ bản và nó đặc biệt được thúc đẩy bởi ý chí chính trị của chính quyền Mỹ và nhiều nước đồng minh EU, Nhật Bản,…

Chuyển đổi dài hạn: ASEAN đối đầu với Trung Quốc

Đầu tư nước ngoài vào Châu Á Thái Bình Dương, ngoại trừ Châu Đại Dương, đã thay đổi ngoạn mục, theo nghiên cứu của fDi Markets, một cơ sở dữ liệu của Financial Times thường theo dõi để công bố và đưa ra FDI vào lĩnh vực xanh - nghĩa là đầu tư trên mặt đất tạo ra việc làm và các cơ sở mới. Số lượng dự án đã công bố được fDi Markets sử dụng để dự đoán xu hướng đầu tư bởi vì các dự án này đòi hỏi các cam kết dài hạn bao gồm cả chi phí vốn trong nhiều năm.

Trung Quốc nói riêng đã trở thành một nhà đầu tư quan trọng vào phần còn lại của khu vực. Cách đây khoảng 15 năm, quốc gia này chiếm 4,7% khoản đầu tư trong khu vực. Hiện nay đã tăng lên gần 20% khi Trung Quốc đang là nguồn FDI hàng đầu sau Nhật Bản.

Đồng thời, đầu tư trong khu vực vào Trung Quốc đã giảm trong hầu hết các lĩnh vực trong gần hai thập kỷ, ông Lawrence Yeo, giám đốc điều hành của AsiaBiz Strategy, một công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore cho biết.

Chi phí sản xuất rẻ hơn và năng suất lao động đã được cải thiện ở các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông chia sẻ. “So với ASEAN, Trung Quốc được một số nhà đầu tư đánh giá là đang mất lợi thế cạnh tranh do đồng tiền mạnh hơn khiến xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn”.

Tiền lương của Trung Quốc đã tăng, trở nên đắt đỏ so với chi phí lao động tại Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, ông nói.

Thật vậy, tỷ lệ đầu tư nước ngoài trong khu vực của ASEAN là một con số to lớn khác thường 47% đầu tư vốn năm 2019. Đồng thời, ASEAN cũng đã trở thành một khu vực dẫn đầu nguồn FDI vào Châu Á Thái Bình Dương, ngoại trừ Châu Đại Dương.

Việt Nam là điểm đến hàng đầu mới

Financial Times nhận định Việt Nam là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực khi đặt mục tiêu vào ASEAN, tiếp theo là Indonesia, Thái Lan và Singapore.

Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ về FDI không chỉ trong các ngành dịch vụ tài chính - lĩnh vực hàng đầu của ASEAN dành cho các nhà đầu tư nước ngoài - mà còn trong ngành sản xuất, đặc biệt là dệt may và linh kiện ô tô. Trong hai năm qua, ngành sản xuất đã thu hút một lượng tiền lớn chưa từng thấy của Trung Quốc, một phần do cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung.

Mặc dù đầu tư nước ngoài trong khu vực vào Indonesia và Thái Lan đã tập trung đáng kể vào công nghiệp nặng và sản xuất, nhưng ASEAN nói chung đã ngày càng thu hút vốn FDI trong các lĩnh vực dịch vụ. Singapore là quốc gia thụ hưởng chính của lĩnh vực này, đồng thời trở thành điểm đến hàng đầu cho các công ty trong khu vực thành lập trụ sở tại đây.

Singapore đang tăng trưởng

Ngay cả trước khi bất ổn chính trị ở Hồng Kông, lĩnh vực dịch vụ tài chính của Singapore đã bắt đầu thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn so với đối thủ của mình.

Quy định thực dụng, đặc biệt là về quản lý quỹ và đầu tư mạo hiểm, đã giúp ích. Bà Caroline Baker, người đứng đầu đơn vị đầu tư thay thế Vistra có trụ sở tại Hồng Kông cho biết: “Giống như một cái rốn đầu tư quan trọng trên khắp khu vực Đông Nam Á, tăng trưởng (của Singapore) là điển hình của quy định thuận lợi này”.

Khi đề cập đến sự đổi mới, các công ty khởi nghiệp khác ở thành phố-quốc gia này đã thu hút hơn 7 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu năm 2019, mặc dù đó là một con số đứng sau Ấn Độ và thấp hơn Trung Quốc - vì cả hai đều đông dân hơn - theo công ty cung cấp dữ liệu PitchBook.

“Hồng Kông đang mất một chút tia sáng của mình, trong khi Singapore đang trở thành một trong những điểm đến ưa thích cho đầu tư công nghệ và công nghệ tài chính”, ông Dario Acconci, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại công ty về dịch vụ doanh nghiệp Hawksford cho biết.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm với nhiều cơ hội từ thương chiến và Covid-19, dường như Việt Nam không đón được dòng FDI tốt như kỳ vọng

Xét về lợi thế địa lý, dường như việc dịch chuyển sang Việt Nam từ Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn. Đó là còn chưa kể tới vị trí địa lý của Việt Nam thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI trong việc xuất khẩu hàng hóa theo đường biển. Chưa kể, Việt Nam cũng tạo sẵn các khu công nghiệp, khu chế xuất với ưu đãi “khủng” về thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp FDI.

Nhưng sau 3 năm, nỗ lực của Việt Nam lại chỉ có thể thu hút phần lớn FDI đến từ Trung Quốc, Hồng Kông (như đã đề cập ở trên), vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro vĩ mô và dài hạn cho nền kinh tế hơn là dòng vốn FDI từ Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc… Gần đây nhất, Indonesia chứ không phải Việt Nam mới là lựa chọn của 27 doanh nghiệp Mỹ trong làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Lý do khiến Việt Nam không đón được dòng vốn FDI tốt nằm ở 2 nguyên nhân cơ bản sau: Thứ nhất, nguồn nhân lực hạn chế về kỹ năng, chủ yếu là nhân lực chưa qua đào tạo, yếu về ngoại ngữ, giao tiếp và đặc biệt là thái độ lao động công nghiệp chưa phù hợp. Thứ hai, môi trường kinh doanh còn chưa thuận lợi cho doanh nghiệp, hệ thống thể chế thiếu minh bạch và nhiều chi phí ngầm, chi phí logistic nội địa cao nhất trong khu vực (theo World Bank), dịch vụ đi kèm như ngân hàng, tư vấn luật, thuế yếu kém… cũng là nguyên nhân hạn chế sự hấp dẫn của Việt Nam với dòng vốn FDI.

Trong khi đó, dòng vốn FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông lại chảy vào Việt Nam mạnh hơn trong 3 năm qua. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư núp bóng của FDI Trung Quốc mới thực sự là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế trong nước.

Bởi dòng vốn FDI này phần lớn là đầu tư núp bóng, không chỉ để lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ để tránh trừng phạt thuế mà còn tạo ra các rủi ro lớn hơn về trật tự xã hội và an ninh quốc phòng.

Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm hành vi: (1) Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; (2) Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ; dệt may; da giày, túi xách; vali, mũ, ô, dù; thủy sản; giấy và các sản phẩm từ giấy; đinh vít, máy móc, thiết bị khác. Đây đều là các nhóm hàng hiện Trung Quốc đang bị áp thuế trừng phạt thương mại cao của Mỹ.

Trong tháng 11/2019, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ đã tịch thu khoảng 4,3 tỷ USD các sản phẩm nhôm sản xuất từ ​​Trung Quốc đã được chuyển đến Việt Nam và dán nhãn giả là “Made In Vietnam”. Theo News Asian, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ chỉ có thể xác minh 5% trong số tất cả các tờ khai xuất nhập khẩu, có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc có thể dễ dàng được đóng gói lại với nhãn hiệu “Made in Vietnam” nhằm lẩn tránh thuế trừng phạt của Mỹ.

Rủi ro từ việc Việt Nam không giám sát, kiểm soát được dòng vốn FDI xấu từ Trung Quốc cho đến việc Việt Nam để lẩn thuế, trốn thuế, đầu tư núp bóng sẽ khiến Việt Nam không tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế, không tạo thêm việc làm mới, mất mát các ưu đãi thuế, phí cho FDI xấu. Quan trọng hơn, chúng ta đối mặt với sự trừng phạt thương mại tương đương với mức Trung Quốc đang phải chịu hiện nay. Đó mới là rủi ro lớn nhất và kịch bản kinh tế tồi tệ nhất với Việt Nam trong thời gian tới.

Thủy Tiên - Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Financial Times: Việt Nam và Singapore là hai điểm đến nổi bật ngoài Trung Quốc của các nhà đầu tư