Financial times: chỉ 40% “green bond” doanh nghiệp Trung Quốc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về sử dụng nguồn tiền thu được phù hợp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đã nắm bắt xu hướng đối với “trái phiếu xanh” - nguồn cung cấp tài chính cho các dự án thân thiện với môi trường, và bán ra được 13,9 tỷ đô la từ tháng 1 đến tháng 8 năm ngoái; trở thành quốc gia đứng thứ ba sau Đức và Pháp về trái phiếu xanh (theo IIF). Nhưng theo Climate Bonds Initiative - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London - chỉ có 40% trái phiếu xanh từ các tổ chức phát hành của Trung Quốc là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về việc sử dụng nguồn tiền thu được.

Để phát hành được trái phiếu xanh - green bond - các công ty phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, trách nhiệm cộng đồng và quản trị (báo cáo ESG) đồng thời phải sử dụng nguồn tiền huy động được từ bán trái phiếu đúng mục đích là các dự án thực sự “xanh” - bảo vệ môi trường, vì lợi ích cộng đồng và quản trị minh bạch.

Không chỉ vậy, Báo cáo theo chuẩn mực quốc tế ESG về môi trường, trách nhiệm cộng đồng và quản trị minh bạch còn trở thành điều kiện ràng buộc nếu doanh nghiệp muốn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế để huy động vốn; hiện sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã đưa thêm yêu cầu bắt buộc về báo cáo ESG cho mọi doanh nghiệp niêm yết vào tháng 7/2020 tới đây.

Trung Quốc nhắm vào “tài chính xanh” để huy động vốn quốc tế nhưng họ phải thay đổi rất nhiều khi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài suy giảm….

Trong cơn khát vốn, tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh nhất trong 29 năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu về báo cáo ESG và Green Bond. Bởi vậy, theo Financial Times, các thay đổi về khuôn khổ chính sách của Trung Quốc với doanh nghiệp - nếu không phù hợp với chuẩn mực quốc tế ngày một cao - thì không mang lại tác dụng gì cho doanh nghiệp nước này.

Ngày nay, xu hướng đầu tư có đạo đức đang lan rộng trên toàn thế giới và gia tăng áp lực lên Trung Quốc, nơi các nhà chức trách thúc giục các công ty cung cấp nhiều hơn các thông tin về về rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG) mà họ đang gặp phải.

Nỗ lực này phù hợp với lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về phát triển “tài chính xanh”. Để phát triển tài chính xanh (huy động vốn dễ hơn trên thị trường vốn quốc tế) các công ty phải phát hành dữ liệu môi trường bắt buộc nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Đây có thể là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đã phản đối những động thái ban đầu của sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, nói rằng các báo cáo EGS chỉ làm lãng phí thời gian. Nhưng các nhà phân tích bảo trì quan điểm rằng một số tiêu chuẩn trong báo cáo ESG là rất cần thiết.

Các chuyên gia phân tích cho biết, chất lượng thông tin của doanh nghiệp Trung Quốc không đồng đều, khiến các nhà đầu tư có ủy quyền ESG khó có thể đưa ra đánh giá về sự phù hợp của các công ty với tiêu chuẩn này. Ông Peiyuan Guo, chủ tịch và đồng sáng lập của Tài chính Xanh SynTao - một tổ chức cung cấp dữ liệu có trụ sở tại Bắc Kinh mà Moody đã mua cổ phần vào tháng 10, cho biết, những người đọc một số báo cáo ESG cũ có lẽ sẽ “cười vào nội dung này”. Hồng Kông đã có động thái đầu tiên vào tháng trước. Nước này yêu cầu rằng từ năm tài chính bắt đầu vào tháng 7 năm 2020, tất cả các công ty niêm yết đều phải công bố về việc xây dựng bộ đánh giá rủi ro ESG của ban quản trị, cũng như xác định ảnh hưởng của ESG đối với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp..

Theo nhà phân tích của Morgan Stanley, đánh giá trọng yếu là rất quan trọng, bởi vì điều này có khả năng buộc các nhà điều hành phải tích hợp đầy đủ các thông tin đó vào chiến lược kinh doanh của họ, thay vì chỉ là “một yêu cầu được đánh dấu tick một cách mơ hồ”. Các sàn giao dịch chứng khoán của Thượng Hải và Thâm Quyến dự kiến ​​sẽ theo ngay sau Hồng Kông trong năm nay và yêu cầu tất cả các công ty phát hành phải tăng lượng thông tin được đưa ra trong báo cáo ESG.

Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã công bố kế hoạch như vậy, nhưng vẫn chưa đưa ra yêu cầu chi tiết cho hơn 3.000 công ty liên quan. Mengran Zhao, nhà phân tích ESG tại Trung tâm quản lý tài sản Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh với khoảng 150 tỷ đô la tài sản, cho biết ngày càng có nhiều thông tin tốt hơn. Cô nhận định: Một khi có tín hiệu khởi động từ CSRC, “chúng ta có thể đưa ra các quyết định mang tính định lượng nhiều hơn thay vì chỉ các quyết định định tính”. Chỉ báo phân tích kỹ thuật đã xây dựng được một thời gian. Năm 2013, Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông khuyến nghị báo cáo ESG và ba năm sau, CSRC yêu cầu các công ty gây ô nhiễm nặng phải công bố thông tin về tác động môi trường của họ.

Nhưng dường như có một số công ty phát hành cung cấp thông tin ESG chỉ để đối phó. Trả lời đề xuất về ESG của Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, tập đoàn CK Hutchison, có tài sản trong ngành kinh doanh bán lẻ, cảng, dầu và viễn thông, cho biết nhiều cổ đông cá nhân của họ xem các báo cáo này là việc gây lãng phí tài nguyên của công ty.

Một công ty ẩn danh cho biết họ lo rằng ban quản trị của họ sẽ bị quá tải trong việc đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin. Một người khác nói rằng việc xem xét các vấn đề ESG là “lẽ đương nhiên” của đội ngũ quản lý và việc bắt buộc công bố thông tin sẽ không “tạo ra động lực để các công ty cải thiện điều này”.

Báo cáo ESG của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chỉ là sản phẩm chắp vá

Khi các nhà phân tích của Morgan Stanley nghiên cứu báo cáo của Công ty Phát triển Điện lực Quảng Đông, một nhà cung cấp năng lượng nhiệt điện, họ thấy rằng thông tin được cung cấp không đầy đủ và thiếu nhất quán. Trong một báo cáo tháng 11, các nhà phân tích lưu ý rằng công ty “đã báo cáo một số dữ liệu môi trường quan trọng, nhưng sau đó đổi thành mô tả định tính về việc thực hiện và các mục tiêu từ năm 2017”. Báo cáo của Điện Quảng Đông không đạt yêu cầu. Nhà phát hành trái phiếu cũng chịu một số áp lực phải thắt chặt các tiêu chuẩn.

Trung Quốc đã nắm bắt xu hướng đối với “trái phiếu xanh” - nguồn cung cấp tài chính cho các dự án thân thiện với môi trường, và bán ra được 13,9 tỷ đô la từ tháng 1 đến tháng 8 năm ngoái. Điều này giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đứng thứ ba sau Đức và Pháp về trái phiếu xanh, theo Viện Tài chính Quốc tế. Nhưng một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn cảnh giác. Theo Climate Bonds Initiative - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London, trong quý 3 năm 2019 chỉ có 40% trái phiếu xanh từ các tổ chức phát hành của Trung Quốc là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về việc sử dụng nguồn tiền thu được.

Các ngân hàng châu Âu được CBI khảo sát cho biết họ muốn thấy các công ty phát hành trái phiếu xanh tại các thị trường mới nổi cung cấp thêm thông tin về cách thức sử dụng nguồn tiền và các báo cáo này cần phải có bên thứ ba chứng nhận. Bryan Carter, người đứng đầu tổ chức về chứng khoán có thu nhập cố định ở các thị trường mới nổi tại BNP Paribas Asset Management, cho biết công ty của ông đánh giá rằng chỉ có khoảng một nửa số trái phiếu xanh do các thị trường mới nổi phát hành là thực sự vì mục đích môi trường. “Chất lượng của trái phiếu xanh không đạt được yêu cầu như chúng tôi mong muốn”.

James Donald - giám đốc quản lý và là người đứng đầu các thị trường mới nổi tại Lazard, cho biết có thể một số công ty có thể gặp khó khăn để đưa ra lập luận ESG thuyết phục được các nhà đầu tư, vì quốc gia này phụ thuộc quá nhiều vào than đá. Tuy nhiên, ông nói thêm, chính phủ nước này “có vẻ như nhận thức được rằng ESG đột nhiên trở thành một vấn đề cực kỳ quan trọng”.

Mộc Trà (biên dịch)

Theo Financial Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Financial times: chỉ 40% “green bond” doanh nghiệp Trung Quốc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về sử dụng nguồn tiền thu được phù hợp