Facebook phong tỏa các trang liên quan tới quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Reuters đưa tin, Facebook hôm thứ Ba vừa qua cho biết họ đã xóa một trang được liên kết với mạng truyền hình thuộc sở hữu của quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính của các nhà lãnh đạo quân sự nước này.

Trước đó, các nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng nhận định rằng những phát ngôn gây hận thù trên Facebook đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bạo lực ở Myanmar. Nền tảng này đã cấm mạng truyền hình Myanmar từ năm 2018.

Facebook coi diễn biến chính trị của Myanmar tình trạng khẩn cấp và đang tiến hành các biện pháp tạm thời để giảm bớt căng thẳng như xóa nội dung ca ngợi hoặc ủng hộ cuộc đảo chính, theo một phát ngôn viên.

Hiện quân đội nước này vẫn chưa đưa ra bình luận về động thái trên của Facebook.

Hiện có đến một nửa dân số Myanmar (tổng dân số khoảng 53 triệu người) sử dụng Facebook, đối với nhiều người, Facebook đồng nghĩa với Internet.

Một ngày sau khi lên nắm chính quyền sau cuộc đảo chính, quân đội nước này đã cảnh báo rằng việc đăng tải những gì họ cho là tin đồn trên mạng xã hội có thể kích động bạo loạn và gây bất ổn.

Tháng 8 năm 2017, sau một cuộc đàn áp quân sự mà theo những người tị nạn là có xảy ra giết người hàng loạt và hãm hiếp, hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya đã rời khỏi bang Rakhine của Myanmar. Các nhóm nhân quyền cũng báo cáo về những vụ giết hại dân thường và đốt phá làng mạc. Chính quyền Myanmar cho biết rằng hiện họ đang chiến đấu với một cuộc nổi dậy và phủ nhận việc thực hiện các hành động tàn bạo có hệ thống.

Trước đây, Facebook cho biết họ đã hành động quá chậm chạp trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch và gây thù hận trên đất nước này.

Hôm thứ Hai vừa qua, quân đội Myanmar đã trao quyền lực cho Tổng tư lệnh quân đội, Thượng tướng Min Aung Hlaing và bắt giữ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi do nghi ngờ gian lận bầu cử.

Facebook cho biết họ đã cấm 20 cá nhân và tổ chức quân sự Myanmar trong năm 2018, bao gồm cả mạng truyền hình Myawaddy và Min Aung Hlaing, theo Wall Street Journal đưa tin.

Một phát ngôn viên của Facebook cho biết họ cũng đang xóa bỏ những thông tin sai lệch có thể gây kích động bạo lực hoặc những thông tin về kết quả của cuộc Tổng tuyển cử Myanmar tháng 11 năm ngoái, trong đó có cả những cáo buộc gian lận bầu cử.

Ông Rafael Frankel, Giám đốc chính sách công khu vực Đông Nam Á của Facebook cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện chính trị ở Myanmar và đang thực hiện các bước bổ sung để ngăn chặn thông tin sai lệch và nội dung có thể kích động thêm căng thẳng vào thời điểm này”.

Người phát ngôn cho biết họ đang sử dụng trí thông minh nhân tạo để hạn chế phạm vi tiếp cận của nội dung và bình luận có khả năng phá vỡ các quy tắc của họ về phát ngôn gây thù hận hoặc kích động bạo lực, cho đến khi vấn đề chính trị này được giải quyết.

Trong một diễn biến khác, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Myanmar đã ra lệnh chặn Facebook từ ngày 4/2, đóng lại một kênh quan trọng đối với những người chống đối cuộc đảo chính quân sự. “Tình hình hiện nay rất đáng lo ngại, khi có một số kẻ đang muốn gây trở ngại cho sự ổn định của đất nước bằng việc tung tin giả và sai lệch trên Facebook, gây ra sự hiểu lầm cho người dân”, Bộ này nêu rõ.

Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar cho biết Facebook sẽ bị chặn cho đến ngày Chủ nhật 7 tháng 2, vì người dùng “lan truyền tin giả và thông tin sai lệch, gây hiểu lầm”.

Tính năng nhắn tin WhatsApp của Facebook cũng bị chặn. Phân nửa dân số hơn 53 triệu người của Myanmar sử dụng Facebook.

Simon Migliano, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của Top10VPN.com, cho biết nhu cầu về các dịch vụ VPN để lách lệnh chặn FB đã tăng 4.300%, khiến nhà cầm quyền Myanmar loan báo cũng sẽ chặn các máy chủ VPN. Tuy vậy, Facebook vẫn được truy cập lẻ tẻ và những người biểu tình ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở Myanmar, đã sử dụng FB để phát trực tuyến cuộc biểu tình đầu tiên trên đường phố kể từ sau cuộc đảo chính.

Mộc Trà

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Facebook phong tỏa các trang liên quan tới quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính