Đứng trước nguy cơ sụp đổ kinh tế, ĐCSTQ sẽ quay trở lại nền kinh tế kế hoạch để bảo vệ chế độ? 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số học giả tin rằng ĐCSTQ sẽ quay trở lại thời kỳ kinh tế kế hoạch để bảo vệ quyền lực chính trị.

Dữ liệu ngày 31/8 vừa qua cho thấy PMI sản xuất và phi sản xuất chính thức của Trung Quốc đều giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thừa nhận rằng tình hình ngoại thương của Trung Quốc sẽ trầm trọng từ nửa cuối năm nay sang năm sau. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Trung Quốc đang bị thu hẹp trên diện rộng, và một số học giả tin rằng ĐCSTQ sẽ quay trở lại thời kỳ kinh tế kế hoạch để bảo vệ quyền lực chính trị của mình.

Vào ngày 31/8, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc và Liên đoàn Giao nhận và Mua hàng (CFLP) đã cùng nhau công bố dữ liệu. Là một chỉ số kinh tế vĩ mô hàng đầu, chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) đã giảm xuống 50,1 vào tháng 8; chỉ số hoạt động kinh doanh phi sản xuất chính thức giảm 5,8 điểm xuống 47,5 vào tháng 8, cả hai đều là mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2020. Vào thời điểm đó, kể từ khi đại dịch COVID-19 hoành hành, đây là mức thấp nhất được ghi nhận. Với việc toàn bộ số liệu đều giảm, chỉ số sản lượng PMI toàn diện tháng 8 cũng giảm 3,5% so với tháng trước, xuống 48,9%, phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang chững lại đáng kể.

Điều đáng chú ý là chỉ số sản xuất đơn đặt hàng mới là 49,6, thấp hơn 1,3 điểm so với tháng trước và giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng (*).

Theo ông Zhao Qinghe, chuyên gia thống kê cấp cao tại Trung tâm Điều tra Công nghiệp Dịch vụ của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, một số công ty được khảo sát cho biết do: Sự sụt giảm này là do tác động của một loạt các yếu tố như dịch bệnh, lũ lụt, chuỗi cung ứng đứt gãy, chu kỳ sản xuất bị kéo dài, và số lượng đơn đặt hàng mới nhận được giảm xuống.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng sự suy giảm rõ ràng của ngành dịch vụ cho thấy sự việc dịch bệnh tái phát đang khiến cho nền kinh tế khó có thể phục hồi ổn định. Xét từ khía cạnh sụt giảm các chỉ số đặt hàng, nhu cầu toàn cầu chắc chắn đã chậm lại. Ngoài ra, sự cản trở của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp, giá nguyên vật liệu cũng như giá cước vận tải ngày càng tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu nước ngoài đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Trao đổi với Reuters, ông Zhao Wei, kinh tế trưởng của Kaiyuan Securities, phân tích rằng trong trung hạn, với rủi ro xuất khẩu và bất động sản, sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng trong quý IV. Dưới tác động kéo dài của dịch bệnh, việc phục hồi thu nhập của người dân bị chậm lại, kéo theo tiến độ phục hồi tiêu dùng dưới mức mong đợi; các chính sách hậu tài khóa có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế ở một mức độ nhất định, nhưng rất khó để thay đổi xu hướng kinh tế này.

Theo RFA, nhà kinh tế Hồng Kông Luo Jiacong cho rằng chỉ số PMI của Trung Quốc giảm xuống dưới 50, cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào suy thoái và chuyển sang thu hẹp. Điều này được cho là có liên quan đến việc Trung Quốc gần đây đã đàn áp một loạt các lĩnh vực tư nhân đang “hái ra tiền”, hứa hẹn rằng mọi tầng lớp xã hội sẽ được chấn chỉnh từng người một. Một khi điều này xảy ra, lẽ đương nhiên những người chứng kiến vụ “khủng bố” kinh tế này sẽ không sản xuất, không dám hoạt động. Các nhà đầu tư cũng sẽ không dám bỏ tiền vào đại lục, dòng vốn FDI có thể sẽ rời khỏi thị trường Trung Quốc để tìm những “bến đỗ” bình yên hơn.

Người lao động đi qua Cảng Gwadar ở Pakistan, một dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la mà Trung Quốc đã đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. (Hình ảnh Amelie Herenstein / AFP / Getty)
Người lao động đi qua Cảng Gwadar ở Pakistan, một dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ đô la mà Trung Quốc đã đầu tư trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. (Hình ảnh Amelie Herenstein / AFP / Getty)

Nhà đầu tư tài chính quốc tế George Soros một lần nữa đăng tải bài viết bàn luận về kinh tế Trung Quốc, cho rằng nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc đang mắc nợ nhiều và bên bờ vực phá sản, đây là dấu hiệu cảnh báo quan trọng, cho thấy kinh tế Trung Quốc hơn 20 năm tăng trưởng nhờ bất động sản sẽ kết thúc tại đây.

Ông Luo Jiacong cho rằng, nếu Trung Quốc coi trọng kinh tế thị trường thì hẳn họ sẽ phải để ý đến lời nói của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên theo tình hình hiện nay, Trung Quốc có vẻ như lại muốn đi con đường mà họ cho là hoàn hảo và thay đổi quy luật của thị trường. Vì vậy, khả năng cao là họ sẽ không để ý quá nhiều đến lời nói của tỷ phú Soros và những người khác. "Soros chỉ trích Trung Quốc không biết thị trường, nhưng vì Trung Quốc không cần thị trường nên họ không cần biết. Tình hình này đang khiến các nhà đầu tư như Soros rời khỏi thị trường. Đây là sự phản ánh của ý thức hệ tổng thể, và tác động không chỉ dành cho Soros. Một khi đại lục muốn thay đổi các quy tắc của trò chơi, nhiều nhà đầu tư như Soros sẽ từ từ rời đi".

Các nhà kinh tế tin rằng việc Bắc Kinh gần đây chấn chỉnh một loạt các ngành công nghiệp ở Trung Quốc cho thấy ĐCSTQ đang trên đường quay trở lại nền kinh tế kế hoạch nhằm duy trì sự ổn định của chế độ. Bởi vì, nếu tự do hóa hơn nữa cho phép thị trường đóng một vai trò thực sự quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, thì ảnh hưởng của chính phủ trong đó sẽ rất ít và ngược lại. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ từ từ chuyển sang nền kinh tế kế hoạch".

Trong một cuộc họp báo ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã tuyên bố rằng có nhiều yếu tố mới góp phần vào sự tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay. Ví dụ, một số vật liệu chống dịch như khẩu trang, quần áo bảo hộ và máy thở, và hạn ngạch xuất khẩu đã tăng lên đáng kể.

Ông Wang Wentao nói rằng những yếu tố này hiện đang dần biến mất, và việc xuất khẩu các vật liệu phòng chống dịch hiện đã giảm rất nhiều. Tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc sẽ dần chậm lại trong nửa cuối năm, và tình hình ngoại thương trong năm tới có thể sẽ rất trầm trọng.

Ngoài ra, các công ty thương mại nước ngoài của Trung Quốc hiện nay nhìn chung phải đối mặt với “4 khó khăn” như không đủ năng lực, giá vận tải và nguyên vật liệu tăng, đồng NDT tăng giá và chi phí lao động tăng.

(*) Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất PMI:

PMI (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) là một trong những chỉ số hàng đầu được quốc tế sử dụng để theo dõi các xu hướng kinh tế vĩ mô, có chức năng dự báo và cảnh báo sớm rất hiệu quả. Thông thường 50 được sử dụng làm giá trị tới hạn của sức mạnh kinh tế, còn được gọi là điểm tới hạn. Khi nó cao hơn 50, nó phản ánh sự mở rộng kinh tế tổng thể; khi nó thấp hơn 50, nó phản ánh sự co lại tổng thể của nền kinh tế.

Phương pháp tính chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc được tính bằng cách tính trọng số của 5 chỉ số khuếch tán (chỉ số phân loại). Năm chỉ số phụ và trọng số của chúng được xác định tùy theo mức độ ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế. Cụ thể bao gồm: chỉ số đặt hàng mới có trọng số 30; chỉ số sản xuất có trọng số 25; chỉ số nhân viên có trọng số 20; chỉ số thời gian giao hàng của nhà cung cấp có trọng số là 15; chỉ số tồn kho nguyên vật liệu có trọng số là 10. Trong số đó, chỉ số thời gian giao hàng của nhà cung cấp là một chỉ số nghịch đảo, và phép tính nghịch đảo được thực hiện khi chỉ số PMI sản xuất được tổng hợp.

Mộc Trà

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Đứng trước nguy cơ sụp đổ kinh tế, ĐCSTQ sẽ quay trở lại nền kinh tế kế hoạch để bảo vệ chế độ?