‘Đột phá’ mới trong quan hệ Trung-Anh: London ‘thẳng tay’ loại bỏ Huawei, Bắc Kinh đe dọa cắt đứt ‘kỷ nguyên vàng’ với Anh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh London và Bắc Kinh leo thang căng thẳng chính trị-kinh tế vì hàng loạt các vấn đề từ dịch viêm phổi Vũ Hán đến việc Trung Quốc xâm phạm nền tự do dân chủ Hong Kong, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt: loại bỏ Huawei ra khỏi mạng 5G của Anh.

Kỷ nguyên vàng” được tôn sùng của mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và Trung Quốc - trải dài từ thời bà Margaret Thatcher đến thời kỳ đầu của ông David Cameron - đang được đánh giá là một kỷ nguyên vàng “lỗi”. Trước vấn đề Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên “ván bài” kinh tế-chính trị, việc tìm được “vị trí đáng tin cậy” trong quan hệ Trung-Anh sẽ là một bài kiểm tra nghiêm túc về các chính sách đối ngoại của Thủ tướng Boris Johnson.

Vào tháng 1/2020, Thủ tướng Anh Johnson đã bỏ qua cảnh báo của Hoa Kỳ bằng cách cho phép cái gọi là “sự tham gia của các công ty có rủi ro cao vào mạng 5G” - bao gồm cả Huawei - được giới hạn ở mức 35%. Hoa Kỳ đã thúc đẩy Thủ tướng Johnson đảo ngược quyết định này nhằm hạn chế vai trò của Huawei trong việc triển khai mạng 5G tại Anh.

Đến giữa năm nay, tờ Economic Times cho rằng London đã “mất tinh thần” vì cuộc đàn áp dân chủ ở Hong Kong đã phá vỡ giao ước trước đó giữa Anh và Trung Quốc, và cùng với nhận thức rằng Trung Quốc đã không “nói lên sự thật” trong vấn đề về dịch viêm phổi Vũ Hán.

Anh đã có bước “đột phá” mới, London cho biết sẽ loại bỏ các công ty như Huawei ra khỏi "lõi" 5G nhạy cảm, cũng như các mạng lưới và địa điểm quan trọng như địa điểm hạt nhân và quân sự. Động thái này đã gây ra sự phẫn nộ đối với Bắc Kinh nhưng giành được sự ủng hộ từ chính quyền Trump khi Hoa Kỳ đang trong cuộc chiến quyết liệt về kinh tế và công nghệ với Trung Quốc.

Hội đồng An ninh Quốc gia Anh (NSC) do ông Johnson chủ trì, đã họp vào thứ Ba (ngày 14/7) để thảo luận về vấn đề Huawei. Bộ trưởng Truyền thông Oliver Dowden sẽ công bố quyết định cho Hạ viện sau đó.

Ảnh hưởng sâu rộng và chiến thuật ‘gây dựng niềm tin’ của Huawei

Huawei đã phát động một chiến dịch quan hệ công chúng lớn ở Vương quốc Anh vào thứ Hai (13/7) nhằm thuyết phục các chính trị gia Anh và công chúng rằng họ có thể tin tưởng để Huawei “giúp” xây dựng mạng 5G của đất nước này, theo CNN.

Logo của công ty Trung Quốc Huawei tại các văn phòng chính tại Anh của họ ở Reading, phía tây London, vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (Ảnh của DANIEL LEAL-OLIVAS / AFP qua Getty Images)
Logo của công ty Trung Quốc Huawei tại các văn phòng chính tại Anh của họ ở Reading, phía tây London, vào ngày 28 tháng 1 năm 2020. (Ảnh của DANIEL LEAL-OLIVAS / AFP qua Getty Images)

Các dự tính về việc giảm vai trò của Huawei ở mức 35% xuống 0 trong vòng hai năm nữa hiện đang được thảo luận, mặc dù một số công ty viễn thông Anh cho biết việc “đi quá nhanh” có thể gây ảnh hưởng đến công nghệ chính và phá vỡ các dịch vụ chính tại Vương quốc này.

Tình huống bên trong nước Anh là các mạng viễn thông lớn của Anh đã nói rằng họ cần ít nhất 5 năm, và lý tưởng nhất là 7 năm để loại bỏ Huawei. Các nhà mạng nước Anh như BT, Vodafone hay Three, sợ rằng phải chi hàng tỷ bảng Anh để loại bỏ thiết bị của Huawei trong thời gian ngắn. Vào ngày 13/7, giám đốc điều hành BT Philip Jansen kêu gọi chính phủ không nên tiến hành lệnh cấm quá nhanh, cảnh báo rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến vấn đề an ninh.

"Nếu mọi thứ cần phải tiến triển nhanh chóng, thì chúng ta có thể sẽ rơi vào tình huống mất khả năng phục vụ cho 24 triệu khách hàng di động của Tập đoàn BT", ông Jansen nói với đài phát thanh BBC, cho biết những tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn chưa rõ ràng và thúc giục Anh hãy chờ đợi.

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch đưa ra một loạt các quảng cáo toàn trang trên hầu hết các tờ báo quốc gia của Anh và trực tuyến trong 3 đến 4 tuần tới trong một chiến dịch gọi là "Cam kết".

Quảng cáo Huawei có hình thức của một bức thư ngỏ, gửi tới người dân Anh, nhấn mạnh rằng công ty đã hoạt động ở nước này được 20 năm, nhưng "bây giờ một số người đặt câu hỏi về vai trò của chúng tôi trong việc giúp Anh dẫn đầu trong công nghệ 5G".

Huawei phủ nhận việc họ làm gián điệp cho Trung Quốc và tuyên bố Hoa Kỳ muốn cản trở sự tăng trưởng của mình vì không có công ty nào ở Mỹ có thể cung cấp cùng một phạm vi công nghệ với mức giá cạnh tranh như vậy.

"Chúng tôi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, đào tạo các kỹ sư của tương lai, đầu tư vào công nghệ mới và hỗ trợ các trường đại học Anh", bức thư viết. Công ty đang thể hiện "vị trí của mình rất rõ ràng, theo cách rất công khai, vào thời điểm quan trọng đối với Vương quốc Anh”, một phát ngôn viên của Huawei nói với CNN Business.

Trung Quốc ‘tung’ cảnh báo ‘lạnh’, đe dọa cắt đứt ‘kỷ nguyên vàng’ với Anh

Sự thống trị mạng 5G của Huawei được xem là một cột mốc quan trọng đối với quyền uy công nghệ của Trung Quốc, khẳng định vị thế địa chính trị trong thế kỷ 21 của chính quyền này.

Vào đầu tháng này, Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh đã đưa ra hàng loạt cảnh báo “lạnh” khi tuyên bố rằng việc Anh “quay mặt” với Huawei sẽ làm hỏng hình ảnh của Anh, đánh dấu sự kết thúc “kỷ nguyên vàng" trong quan hệ giữa hai nước, làm tổn hại niềm tin của Trung Quốc rằng nước Anh có thể điều hành chính sách đối ngoại độc lập với Mỹ, theo The Guardian.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở London, Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh cảnh báo ông Johnson rằng nước Anh sẽ phải "gánh chịu hậu quả" và “không thể có một kỷ nguyên vàng nếu coi Trung Quốc là một quốc gia thù địch”.

Ông Lưu cũng lên tiếng bảo vệ luật an ninh quốc gia mới mà chính quyền Trung Quốc áp đặt lên Hong Kong và chế giễu lời đề nghị “cung cấp cho 3 triệu người Hong Kong một con đường đến với quyền công dân” của Vương quốc Anh là một động thái “can thiệp thô bạo vào các vấn đề của Trung Quốc và công khai chà đạp lên các quy tắc cơ bản của mối quan hệ quốc tế”.

Khi bàn về việc Hoa Kỳ “gây áp lực” để Anh phải “suy nghĩ lại” về vấn đề Huawei, Bắc Kinh liên tục đưa ra những luận điệu khiêu khích, chia rẽ: “Khi bạn loại bỏ Huawei, đó sẽ là một thông điệp rằng bạn rất sai. Bạn đang bôi nhọ hình ảnh của chính mình như một quốc gia không thể thực hiện chính sách độc lập. Điều đó có nghĩa là bạn chịu thua áp lực nước ngoài và bạn không thể đưa ra chính sách đối ngoại độc lập của riêng mình. Chúng tôi luôn nói rằng nước Anh chỉ có thể trở nên vĩ đại khi có thể có chính sách đối ngoại độc lập”.

Vị đại sứ này nói thêm rằng toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đang theo dõi sát sao về quyết định của Anh đối với Huawei.

“Nếu Vương quốc Anh chọn trả giá cao hơn cho sản phẩm chất lượng kém hơn, thì tùy các bạn. Chúng tôi phải làm việc tốt nhất và chuẩn bị tốt nhất. Huawei sẽ tồn tại và thịnh vượng. Càng nhiều áp lực từ cái gọi là siêu cường và từ các đồng minh, Huawei sẽ ngày càng lớn mạnh. Huawei đã hoạt động ở 170 quốc gia và nếu bị loại khỏi Anh, họ vẫn sẽ hoạt động ở 169 quốc gia còn lại”, ông Lưu tiếp tục “thách thức” quyết định của Anh.

London đứng về phía Washington trong lộ trình loại bỏ Huawei

Lý do chính cho sự thay đổi trong chính sách của Anh là bởi London bị tác động từ các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với công nghệ chip. London cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng Huawei vẫn sẽ là nhà cung cấp đáng tin cậy trong tương lai.

Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien phát biểu trước các phóng viên bên ngoài Cánh Tây của Nhà Trắng tại Washington, DC vào ngày 21/5/2020. (Nguồn ảnh: Mandel Ngan / AFP / Getty Images)

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết hồi tháng trước, họ đã ra quyết định hạn chế khả năng sản xuất và thu mua chip bán dẫn của Huawei bằng phần mềm và công nghệ do Mỹ sản xuất. Động thái trên của Bộ Thương mại là nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump nhằm trấn áp các nhà cung cấp và nhà sản xuất điện thoại thông minh 5G của Trung Quốc. Chính quyền Trump đã khuyến khích Vương quốc Anh cấm hoàn toàn các sản phẩm của Huawei, cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng chúng để thu thập tin tức gián điệp. Washington đã cảnh báo rằng việc chia sẻ thông tin tình báo Mỹ-Anh cũng có thể gặp rủi ro.

Đồng thời, vào tuần trước, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Tom Cotton cho biết rằng hợp tác quân sự giữa hai nước có thể bị ảnh hưởng xấu nếu Anh có kế hoạch cho phép Huawei xây dựng một phần mạng 5G của Anh.

Khi được hỏi liệu vấn đề này có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh hay không, ông Cotton nói với đài phát thanh BBC: "Điều đó có thể bởi vì công nghệ 5G rất quan trọng - không chỉ đối với an ninh của chúng tôi, mà còn đối với sự thịnh vượng của chúng tôi".

Mặc dù Huawei đã liên tục phủ nhận rằng họ sẽ giúp chính phủ Trung Quốc làm gián điệp và nói rằng công ty này là "100% thuộc sở hữu của tư nhân", theo luật pháp Trung Quốc, các công ty nước này phải tuân theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ cho biết Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, là một “đại lý” trực thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc và không thể tin tưởng được.

Khi được hỏi về vấn đề Huawei vào tháng 6/2020, Thủ tướng Johnson đã “thay đổi quan điểm” và cho biết ông sẽ bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của Anh khỏi "các nhà cung cấp từ chính quyền thù địch". Bộ trưởng Tư pháp Robert Buckland cho biết hôm thứ Hai (ngày 13/7) rằng "ưu tiên" trong quyết định này sẽ là vấn đề an ninh quốc gia.

Ông Oliver Dowden, Bộ trưởng Ngoại giao Anh về Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao nói trước quốc hội về sự tham gia của Huawei trong mạng 5G của Anh.
Ông Oliver Dowden, Bộ trưởng Ngoại giao Anh về Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao nói trước quốc hội về sự tham gia của Huawei trong mạng 5G của Anh. (Ảnh chụp màn hình: Youtube/Euronews)

Từ cuối năm nay, việc mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ Huawei sẽ là trái luật, theo Bộ trưởng Kỹ thuật, văn hóa, truyền thông và thể thao của Anh Oliver Dowden. Ông Dowden cho biết các công ty viễn thông cũng sẽ được yêu cầu ngừng sử dụng thiết bị của Huawei trong băng thông rộng cố định vào hai năm tới.

"Đây không phải là quyết định dễ dàng, nhưng nó là quyết định đúng đắn cho các nhà mạng nước Anh, vì an ninh quốc gia và nền kinh tế cho bây giờ và mai sau, đặc biệt là theo các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ", ông Dowden nói.

Ông Dowden nói thêm: “Chúng tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, thỏa hiệp sự an toàn đó để theo đuổi sự thịnh vượng kinh tế”.

Ngoài ra, vấn đề Trung Quốc vô trách nhiệm trong việc xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán và việc chính quyền này “lật lọng” trong việc áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong khiến Anh “mất hết niềm tin”. Tờ The Guardian cho rằng, giờ đây, ông Johnson có thêm “lý do mạnh mẽ” để loại bỏ mạng 5G của Huawei ra khỏi Vương quốc Anh.

Vào thứ Hai (ngày 13/7), một phát ngôn viên của Thủ tướng Anh đã kêu gọi Trung Quốc không can thiệp nếu người Hong Kong tìm cách đến Vương quốc Anh. Khi được hỏi liệu Thủ tướng Johnson có cho rằng Vương quốc Anh vẫn còn “thời kỳ hoàng kim” trong mối quan hệ với Trung Quốc hay không, người phát ngôn nói rằng “mối quan hệ này không phải để đưa ra giá”.

“Chúng tôi luôn đưa ra những quan ngại của mình với Trung Quốc và ở những lĩnh vực mà chúng tôi thấy cần can thiệp thì chúng tôi sẽ làm, giống như việc chúng tôi đã làm đối với vấn đề Hong Kong”, phía London mạnh mẽ tuyên bố.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

‘Đột phá’ mới trong quan hệ Trung-Anh: London ‘thẳng tay’ loại bỏ Huawei, Bắc Kinh đe dọa cắt đứt ‘kỷ nguyên vàng’ với Anh