Đông Nam Á trong mắt Trung Quốc: Myanmar, eo biển Malacca và Biển Đông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có những góc nhìn cho rằng Trung Quốc là bên thua cuộc trong cuộc đảo chính tại Myanmar. Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ lợi ích địa chính trị, giới quân sự Myanmar hiện đã bước vào tình thế “cần Trung Quốc”. Cuộc đảo chính và việc đàn áp đẫm máu người biểu tình hiện nay có thể thay đổi bàn cờ địa chính trị ở châu Á, đem lại lợi thế to lớn cho Trung Quốc.

Hiện nay thế giới ngạc nhiên quan sát sự can thiệp của Trung Quốc vào Myanmar. Trung Quốc phủ nhận nhưng không che giấu các chuyến bay đến Myanmar với tần suất cao, khi quân đội Myanmar thảm sát người dân phản đối cuộc đảo chính vào đầu tháng 2/2021.

Tại sao Trung Quốc chọn Myanmar? Sự kiện ở Myanmar gần đây có quan hệ gì với những điểm nóng châu Á khác mà Trung Quốc đang quan tâm?

Tại sao Quân đội Myanmar đảo chính?

Một báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc tháng 9 năm 2019 chỉ ra quân đội Myanmar nắm giữ những quyền lợi kinh tế cốt lõi của đất nước - từ phân phối thẻ SIM, xây dựng, đến sản xuất bia, thuốc lá; từ khai thác khoáng sản, đá quý, nhà máy xay xát đến ngành du lịch và xuất nhập khẩu. Các học giả Úc Michele Ford, Michael Gillan và Htwe Htwe Thein gọi hệ thống kinh tế mà giới quân sự Myanmar kiểm soát là “chủ nghĩa tư bản thân hữu quân sự”.

Nắm quyền từ 2015, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã cố gắng tấn công vào lợi ích kinh tế của quân đội. Năm 2019, họ đã tước Cục Hành chính Tổng hợp khỏi tay quân đội. Cục này trước đây thuộc quyền quản lý của Bộ Nội vụ do quân đội kiểm soát, có chức năng quản lý, bổ nhiệm quan chức toàn quốc. Từ tháng 12 năm 2018, NLD đưa Cục này về Bộ Văn phòng Chính phủ Liên bang, do mình kiểm soát.

Ngoài ra, NLD còn thay đổi nhiều điều khoản trong Luật Khai thác đá quý Myanmar (Myanmar Gemstones Law), tấn công trực diện vào ngành kinh doanh béo bở do quân đội kiểm soát.

Theo “Sáng kiến ​Minh bạch các Ngành công nghiệp khai thác”, khoảng 60%-80% đá quý được khai thác ở Myanmar bị buôn lậu, không thông qua hệ thống chính thức. Năm 2015, Global Witness, một tổ chức phi chính phủ quốc tế, công bố báo cáo “Ngọc thạch - Bí mật quốc gia lớn nhất của Myanmar”, ước tính kim ngạch buôn bán bất hợp pháp ngọc bích hàng năm ở nước này là 31 tỷ USD.

“Cuộc điều tra kéo dài 12 tháng này cho thấy ngành công nghiệp khai thác ngọc bích lớn hơn nhiều so với hình dung trước đây, trị giá lên tới 31 tỷ USD chỉ trong năm 2014. Con số này tương đương với gần một nửa GDP của cả nước Myanmar, nhưng hầu như không có khoản tiền nào đến tay người dân bình thường hoặc kho bạc nhà nước.

Thay vào đó, ngành kinh doanh này bị kiểm soát bí mật bởi mạng lưới chóp bu quân đội, các trùm ma túy và các công ty thân hữu gắn liền với những ngày đen tối nhất của chế độ quân phiệt”. Đá quý buôn lậu của Myanmar chủ yếu được bán sang Trung Quốc.

Nỗ lực đầu tiên để chấn chỉnh ngành khai thác đá quý của chính quyền Myanmar là trì hoãn gia hạn giấy phép khai thác đá quý từ 2016 đến 2018. Ngoài ra, năm 2016, NLD đề xuất sửa đổi Luật Khai thác đá quý Myanmar và được Quốc hội - do đảng này chiếm đa số - thông qua năm 2019. (Xem "The Myanmar Gemstone Law" 2019)

Luật mới tăng thuế đối với các công ty khai thác đá quý, chủ yếu cho quân đội kiểm soát. Bên cạnh đó, luật này tăng quyền lực cho Bộ Bảo tồn Tài nguyên và Môi trường Quốc gia (MNREC), theo đó Bộ này có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác, kinh doanh đá quý.

Đặc biệt, Luật mới trao quyền cho MNREC thành lập Ủy ban Giám sát Đá quý Trung ương, bao gồm các chuyên gia, kỹ thuật viên đá quý và đại diện của Hiệp hội Doanh nhân Đá quý và Trang sức Myanmar. Ủy ban này có chức năng tư vấn cho chính phủ xây dựng chính sách khai thác và kinh doanh đá quý.

Người di cư Myanmar cầm chân dung của bà Aung San Suu Kyi khi họ tham gia một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Myanmar ở Bangkok vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, sau khi quân đội Myanmar bắt giữ nhà lãnh đạo thực tế của đất nước Aung San Suu Kyi và tổng thống của đất nước trong một đảo chính. (Ảnh của Lillian SUWANRUMPHA / AFP/Getty)
Người di cư Myanmar cầm chân dung của bà Aung San Suu Kyi khi họ tham gia một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Myanmar ở Bangkok vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, sau khi quân đội Myanmar bắt giữ nhà lãnh đạo của đất nước Aung San Suu Kyi và tổng thống của đất nước trong một đảo chính. (Ảnh của Lillian SUWANRUMPHA / AFP/Getty)

Cục Thuế nội địa trực thuộc Bộ Tài chính dưới thời chế độ quân phiệt không thu thuế từ khai thác và kinh doanh đá quý. Năm 2019, Quốc hội do NLD chiếm đa số đã thông qua Luật thuế Liên bang Myanmar - yêu cầu tất cả thuế thu được từ đá quý trực tiếp chuyển đến Cục Thuế nội địa này để quản lý một cách tập trung và thống nhất.

Có thể nói, trong 5 năm cầm quyền từ 2015 đến 2020, đảng NLD đã tiến hành xây dựng các công cụ pháp lý và chính trị để có thể trong tương lai điều chỉnh những bất cập trong nền kinh tế Myanmar, đặc biệt là ngành khai thác kinh doanh đá quý vốn bị quân đội lũng đoạn nhiều thập niên.

Những động thái này của NDL, trong tương lai, có thể đe dọa sự thống trị của các tướng lĩnh quân đội trong ngành kinh doanh đá quý ở Myanmar. Các quyền lợi kinh tế của giới tướng lĩnh quân đội được bảo đảm bởi thế thượng phong về mặt chính trị của họ. Về chính trị, họ chuyển hóa thành chính quyền dân sự năm 2011, nhưng nội các chủ yếu do tướng lĩnh quân đội chuyển sang (nội các “dân sự” có 33 bộ trưởng thì 28 thành viên là cựu quan chức quân đội).

Hiến pháp 2008 quy định quân đội mặc định có 25% số ghế không cần bầu cử trong Quốc hội liên bang, giúp họ có thể ngăn cản mọi khả năng cải cách hiến pháp.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử 2015 đã làm cho đảng NLD chiếm đa số và đủ khả năng tự xây dựng nội các. Các vị tướng quân đội chuyển sang nội các dân sự từ 2011 đến 2015 đã bị loại khỏi chính phủ. Quân đội chỉ còn nắm lực lượng vũ trang (ba bộ Quân đội, Cảnh sát và Biên phòng). Tuy NLD không thể cải cách hiến pháp, họ đã cải cách nhiều bộ luật liên quan đến quản lý kinh tế quốc gia, trực tiếp đe dọa nguồn lợi bất hợp pháp của giới quân sự.

Kết quả cuộc bầu cử 2020 tiếp tục duy trì tình thế 2015 - 2020, đặt quân đội vào khả năng mất thế thượng phong về mặt chính trị trong tương lai, từ đó, mất khả năng kiểm soát các nguồn lực kinh tế.

NLD và bà Aung San Suu Kyi ngăn chặn Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo trực thuộc Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), không che giấu cái nhìn của Trung Quốc về bà Suu Kyi - coi cuộc đảo chính là "một sự điều chỉnh cấu trúc quyền lực bị rối loạn về mặt chức năng của đất nước".

Theo số liệu của Ngân Hàng Thế giới, đến cuối năm 2019, Myanmar chỉ còn nợ Trung Quốc 3.34 tỷ USD - giảm 26% so với cuối năm 2015, trước khi NLD cầm quyền. Trong cùng khoảng thời gian này, nợ của Lào tăng vọt 72%, nợ của Campuchia tăng 34%.

Việc giảm nợ Trung Quốc giữa lúc đang cần tiền đầu tư cho kinh tế phải chăng là biểu hiện của thái độ “thoát Trung” trong thực chất của chính quyền Aung San Suu Kyi? Chính quyền Suu Kyi có lý do để không thích vay nợ của Trung Quốc?

Nhật Bản đã xóa nợ 6 tỷ USD cho Myanmar năm 2012 và 2013 mà không kèm theo điều kiện nào. Sau đó, Nhật tiếp tục cấp những khoản vay hợp lý để phát triển kinh tế, xã hội, viện trợ không hoàn lại để đào tạo nhân lực cho Myanmar.

Ngược lại, Trung Quốc đề nghị cho vay 7,5 tỷ USD để xây dựng cảng Kyaukpyu, chủ yếu để phục vụ lợi ích của chính bản thân Trung Quốc, còn Myanmar chỉ nhận được những lợi ích nhỏ và một món nợ không có nguồn thu để trả.

Mặc dù bà Suu Kyi đang cần sự ủng hộ của Trung Quốc sau khi phương Tây tẩy chay bà vì vấn đề người Rohingya, bà đã gọi “món quà nợ” 7,5 tỷ USD của Trung Quốc là “điên rồ và lố bịch”; và yêu cầu giảm quy mô dự án và món nợ xuống còn 1,2 tỷ USD.

Có thể nói chính quyền Suu Kyi đã ngăn chặn để Myanmar không rơi vào bẫy nợ và phải nhượng hải cảng cho Trung Quốc như Sri Lanka.

Đó có phải là "cấu trúc quyền lực bị rối loạn về mặt chức năng" trong cách nhìn của Thời báo Hoàn Cầu? ĐCSTQ không những không thể đưa Myanmar vào bẫy nợ 7,5 tỷ USD, mà số nợ của Myanmar còn bị giảm xuống gần 1/3 kể từ khi bà Suu Kyi cầm quyền.

Sự trợ giúp của Trung Quốc cho giới quân sự Myanmar

Diễn biến của cuộc bầu cử cuối năm 2020 và đảo chính ở Myanmar đầu tháng 2 năm 2021 cho thấy cuộc đảo chính ở Myanmar đã được lập kế hoạch ít nhất từ khi có kết quả bầu cử và được Trung Quốc hỗ trợ. Quân đảo chính cũng cân nhắc kỹ lưỡng từng thời điểm hành động.

Cuộc bầu cử quốc hội ở Myanmar diễn ra ngày 8 tháng 11 năm 2020. Ngày 10/11/2020, bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD tuyên bố chiếm đa số ghế trong quốc hội để tự thành lập chính phủ.

Tuy nhiên, quân đảo chính không “tố cáo gian lận bầu cử” ngay lập tức. Quân đội Myanmar chờ đợi hai tháng sau, cuối tháng 12 năm 2020, tuyên bố bầu cử có gian lận một cách hệ thống. Có thể họ đã cân nhắc đến các mối quan hệ với Hoa Kỳ. Cuối tháng 12 năm 2020 là thời điểm “lật ngược kết quả bầu cử ở Hoa Kỳ của cựu tổng thống Trump” đã bất thành. Ông Biden chắc chắn nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021, tuy nhiên ông sẽ phải tập trung xử lý hàng loạt khó khăn trong nội bộ nước Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar vào ngày 12/1 và gặp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar. (Song Kyung-Seok-Pool/Getty Images)

Hai tuần sau khi quân đội Myanmar tuyên bố có gian lận bầu cử - vào tháng 1 năm 2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Myanmar, đã gặp riêng bà Suu Kyi (ngày 11/1) và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing (ngày 12/1).

Đến 26 tháng 1 năm 2021, quân đội Myanmar cảnh cáo có thể làm đảo chính. Một tuần sau, họ đảo chính. Họ không thể làm sớm hơn, nhưng cũng không thể chậm hơn, vì nếu đảo chính khi chính quyền mới ở Mỹ đã ổn định được chính trị nội bộ, cuộc đảo chính có thể bị phản ứng mạnh mẽ.

Sau khi người dân Myanmar biểu tình phản đối chính quyền quân sự, Trung Quốc đã trợ giúp Myanmar. Các nhà hoạt động Myanmar biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, tố cáo các chuyến bay của Trung Quốc đến nước này với tần suất lớn để hỗ trợ quân đảo chính.

Trung Quốc chỉ đơn giản trả lời rằng đó là những chuyến bay chở hải sản. Họ cũng chặn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc đảo chính, từ chối tham gia các cuộc thảo luận quốc tế để giải quyết vấn đề Myanmar. Xinhua, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi cuộc đảo chính này là “cải tổ nội các” và thừa nhận chính phủ mới.

Việc quân đội Myanmar thẳng tay bắn giết người biểu tình trên đường phố cho thấy họ đã chủ động đóng lại cánh cửa thương lượng và hòa giải với NLD. Lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận tách khỏi phương Tây và Nhật Bản, dựa vào Trung Quốc để giữ quyền lực.

Cho đến đầu tháng Ba, hơn một tháng sau cuộc đảo chính, phản ứng của Hoa Kỳ và phương Tây đối với cuộc đảo chính và các cuộc giết người biểu tình trên phố ở Myanmar nói chung là yếu ớt, bởi lẽ họ không có nhiều công cụ để gây sức ép lên giới quân sự nước này.

Các quan chức ngoại giao của họ phát biểu phản đối. Họ tuyên bố trừng phạt kinh tế. Họ đưa vấn đề Myanmar lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc (UN), nơi chắc chắn Trung Quốc và Nga bác bỏ. Đó là những biện pháp trừng phạt mà giới quân đội Myanmar đã có kinh nghiệm đối phó, như Tổng tư lệnh quân đội nước này nói thẳng với một quan chức UN: "Chúng tôi đã quen thuộc với các lệnh trừng phạt và chúng tôi đã sống sót sau các lệnh trừng phạt đó trong quá khứ... chúng tôi phải học cách đi tiếp chỉ với một vài người bạn".

Vị trí chiến lược của Myanmar trong bản đồ địa chính trị mới của Trung Quốc

Trong “Chiến tranh lạnh” giữa hai khối chủ nghĩa xã hội và tư bản, Việt Nam có vị trí chiến lược về mặt địa chính trị đối với Trung Quốc. Việt Nam vừa là cánh cửa cho Trung Quốc tiến xuống Đông Nam Á, vừa là hàng rào phòng thủ phía nam của họ. Ngày nay, phải chăng Myanmar thay thế vị trí này của Việt Nam trong bản đồ địa chính trị Trung Quốc?

Từ 2013, Trung Quốc triển khai đại chiến lược “Một vành đai, một con đường” (BRI) để thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa - theo hướng tạo ra một hệ thống mới, cạnh tranh với hệ thống phương Tây dẫn đầu từ sau thế chiến thứ II.

Đại chiến lược này xây dựng “Vành đai kinh tế phân bố dọc theo con đường tơ lụa” và “Con đường Tơ lụa trên biển”. Ấn Độ Dương chiếm vị trí trung tâm trên “Con đường Tơ lụa trên biển” này. Do đó, Myanmar đã trở nên đặc biệt quan trọng về mặt địa chính trị với Trung Quốc.

Xét về địa chính trị, Myanmar là con đường nối trực tiếp Trung Quốc với Ấn Độ Dương, một điểm Trung Quốc cần giữ trong chiến lược BRI của mình. Kiểm soát được Myanmar, Trung Quốc không cần đi qua “yết hầu” Malacca - nơi có thể dễ dàng bị Hoa Kỳ khóa chặt.

Trung Quốc đã đầu tư đập thủy điện Myitsone ở Myanmar, một số đường cao tốc nối Myanmar với Côn Minh và Thành Đô, một tuyến đường sắt mới, xuyên qua vùng biên giới để nối Trung Quốc với Myanmar, một đường ống dẫn dầu chạy từ cảng Kyaukpyu đến Trung Quốc.

Giới quan sát đã để ý đến động thái của Trung Quốc tại Kyaukpyu từ lâu. Trung Quốc có thể làm cho Kyaukpyu từ một địa điểm ít người quan tâm trở thành một vị trí chiến lược về mặt quân sự và kinh tế đối với họ.

Âm mưu hóa giải 'yết hầu' Malacca của ĐCSTQ?

Đường ống dẫn dầu hiện hữu từ Kyaukpyu đến Côn Minh, Trung Quốc. Tuyến đường sắt từ Kyaukpyu đến Côn Minh dự kiến cũng đi song song với đường ống dẫn dầu. Ảnh: Google. Minh họa và chú thích của tác giả.
Đường ống dẫn dầu hiện hữu từ Kyaukpyu đến Côn Minh, Trung Quốc. Tuyến đường sắt từ Kyaukpyu đến Côn Minh dự kiến cũng đi song song với đường ống dẫn dầu. Ảnh: Google. Minh họa và chú thích của tác giả.

Trung Quốc nhập khẩu 505,68 triệu tấn dầu thô năm 2019. Khoảng 80% dầu Trung Quốc nhập khẩu đi qua eo biển Malacca, tương đương khoảng 400 triệu tấn. Hệ thống đường ống dẫn dầu nối cảng Kyaukpyu đến Côn Minh hiện có khả năng vận chuyển 12 triệu tấn dầu thô và đang hoạt động hết công suất. Như vậy, đường ống dẫn dầu nối từ cảng Kyaukpyu ở Myanmar đến Côn Minh chỉ vận chuyển được khoảng 2,5% lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Trung Đông và Châu Phi năm 2019, do đó nó vẫn chưa thể hóa giải được yết hầu Malacca.

Vai trò của Malacca vẫn chưa thể nhanh chóng mất đi trong tương lai gần, nhưng Trung Quốc đang nỗ lực hết sức mình để giảm sự lệ thuộc vào nó. Năm 2017 Trung Quốc có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu thứ hai từ Myanmar. Ngoài ra, các dự án đường sắt và đường cao tốc phục vụ vận chuyển hàng hóa nói chung và dầu thô nói riêng từ cảng Kyaukpyu vào Trung Quốc cũng đang được nghiên cứu triển khai.

Nếu Trung Quốc muốn giảm sự lệ thuộc vị trí “yết hầu” Malacca, mở con đường mới kết nối với Ấn Độ Dương, Myanmar là một vị trí Trung Quốc không thể mất.

Trung Quốc đã kiểm soát được cảng Gwadar của Pakistan. Nhưng khoảng cách từ cảng Gwadar đến Tân Cương dài gấp đôi khoảng cách từ Kyaukpyu đến Côn Minh. Mặt khác, con đường đi từ cảng Gwadar đến Tân Cương phải đi qua vùng núi non hiểm trở và khu vực Kashmir tranh chấp với Ấn Độ. Ngoài ra, con đường này cũng gần các điểm nóng ở Afghanistan.

Việc xây dựng đường ống dẫn dầu, đường cao tốc và đường sắt kết nối Gwadar và Tân Cương sẽ rất tốn kém vì quá xa, hiểm trở và có nhiều rủi ro chính trị. So với Gwadar của Pakistan, cảng Kyaukpyu của Myanmar có những lợi thế đáng kể. Khoảng cách từ Kyaukpyu đến Côn Minh chỉ bằng một nửa khoảng cách từ Gwadar đến Tân Cương. Côn Minh lại là một trung tâm đô thị ở phía Tây Trung Quốc, phát triển vượt trội so với Tân Cương.

Ngoài ra, Myanmar đã có con đường Burma Road kết nối Yangon với Côn Minh - được Anh và Trung Quốc xây dựng từ thế chiến thứ hai - để thay thế cho tuyến đường biển nối khu vực miền Tây Trung Quốc với vùng đồng bằng ven biển Guangzhou bị Nhật Bản khóa lại sau khi đánh chiếm Nam Ninh.

Khoảng cách từ cảng Gwadar của Pakistan đến Tân Cương [Xinjiang] và khoảng cách từ Kyaukpyu của Miến Điện đến Côn Minh [Kunming]. Ảnh: Google Map. Chú thích và minh họa của tác giả.
Khoảng cách từ cảng Gwadar của Pakistan đến Tân Cương và khoảng cách từ Kyaukpyu của Myanmar đến Côn Minh. Ảnh: Google Map. Chú thích và minh họa của tác giả.

Cảng Kyaukpyu thuộc bang Rakhine, nơi xảy ra cuộc diệt chủng người Rohingya. Cuộc khủng hoảng này đã đẩy cả quân đội Myanmar và chính quyền Suu Kyi lại gần Trung Quốc từ ba năm trước. Kiểm soát an ninh ở bang Rakhine không phải là việc khó khăn đối với Trung Quốc và quân đội Myanmar.

Myanmar, Biển Đông và Ấn Độ Dương

Các cuộc sắp xếp thế trận quân sự xung quanh eo biển Malacca càng làm cho Trung Quốc có lý do để kiểm soát Myanmar.

Trung Quốc đã kiểm soát phía Đông eo biển Malacca trên Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng hai thực thể địa lý “nửa nổi nửa chìm” là Subi Reef và Fiery Cross Reef thành hai căn cứ quân sự, án ngữ tuyến đường biển từ Malacca lên vùng Đông Bắc Á.

Ngoài ra, Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trên các thực thể địa lý khác trên Biển Đông như Cuarteron Reef, Gaven Reef, Hughes Reef, Johnson Reef, Mischief Reef, Antelope Reef. Những căn cứ này kiểm soát khu vực trung tâm và phía đông quần đảo Trường Sa và tuyến đường biển đi từ Úc vào Biển Đông.

Trong trường hợp “yết hầu” Malacca bị khóa, tàu thuyền sẽ phải đi vòng qua quần đảo Indonesia rồi vòng vào Biển Đông và đi qua các căn cứ này của Trung Quốc.

Nhiều nước lớn đã thực hiện những bước đi có tính chiến lược để phản ứng lại các bước leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông. Ấn Độ đã thành lập lực lượng quân sự nhỏ tại chuỗi đảo Andaman và Nicobar năm 2001 - nằm ngay cửa phía tây của Malacca, trên Ấn Độ Dương. Khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng sự hiện diện ra các vùng biển xa, Bộ Tứ - Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ - đã phát triển các căn cứ quân sự tại đây. Như vậy họ có thể khóa “yết hầu” Malacca khi nào họ muốn.

Eo biển Malacca là một điểm yết hầu kết nối Ấn Độ Dương và Biển Đông. Căn cứ quân sự của Ấn Độ nằm trên chuỗi đảo Andaman và Nicobar ở cửa phía đông của eo biển. Ở cửa phía Tây, trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây các căn cứ quân sự khổng lồ trên các đảo nhân tạo ở đá Xu Bi và đá Chữ Thập. Ảnh Google Map, chú thích và minh hoa của tác giả.
Eo biển Malacca là một điểm yết hầu kết nối Ấn Độ Dương và Biển Đông. Căn cứ quân sự của Ấn Độ nằm trên chuỗi đảo Andaman và Nicobar ở cửa phía đông của eo biển. Ở cửa phía Tây, trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây các căn cứ quân sự khổng lồ trên các đảo nhân tạo ở đá Xu Bi và đá Chữ Thập. Ảnh Google Map, chú thích và minh hoa của tác giả.

Tình thế này tại Malacca làm cho Trung Quốc cần phải tìm con đường khác đi ra Ấn Độ Dương, kết nối với khu vực dầu mỏ ở Trung Đông và Châu Phi. Có thể nói Trung Quốc đã chọn Myanmar.

Trong những năm sắp tới, Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn vào Myanmar, đồng thời kiểm soát chính trị nước này để phát triển nơi này thành cánh cửa kết nối với Ấn Độ Dương.

Trung Quốc can thiệp vào biên giới Myanmar

Cuộc đảo chính tháng 2/2021 buộc giới quan sát nhìn lại việc Trung Quốc can thiệp Myanmar lâu nay ở vùng biên giới - thông qua các nhóm từ thời chiến tranh lạnh và các nhóm thổ phỉ vùng miền núi.

Ở Myanmar, Trung Quốc đã trợ giúp cho nhiều nhóm chính trị khác nhau, trong số có Đảng Burma (CPB) có ảnh hưởng mạnh nhất. Từ 1989, họ chuyển thành “Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar” (MNDAA), một tổ chức thổ phỉ chống đối chính quyền trung ương Myanmar, hoạt động ở vùng miền núi Kokang, giáp ranh biên giới Trung Quốc.

Theo Wikileaks, từ 1975, cơ quan U.S. Drug Enforcement Agency (DEA) của Mỹ đã liệt lãnh tụ của Đảng này, Peng Jiasheng, một người Myanmar gốc Hán, vào danh sách một trong những đầu sỏ buôn lậu. Năm 2009, chính phủ Myanmar tấn công và kiểm soát hoàn toàn khu vực Kokang, Peng Jiasheng rời khỏi Myanmar và ẩn náu ở Trung Quốc.

Năm 2015, khi đảng NLD của bà San Suu Kyi nắm quyền, Peng Jiasheng đột nhiên quay trở lại Kokang, thổi bùng xung đột quân sự với chính phủ trung ương Myanmar. Tướng Myanmar Myat Htun Oo cáo buộc “lính đánh thuê Trung Quốc” đã tham gia hàng ngũ của MNDAA.

Tờ báo “Global New Light of Myanmar” do chính phủ Myanmar tài trợ đưa tin là MNDAA sử dụng vũ khí do Trung Quốc sản xuất. Cả chính phủ Trung Quốc và Peng Jiasheng đều phủ nhận sự can dự của Trung Quốc.

Chiến sự ở Kokang giữa MNDAA và chính phủ Yangon kéo dài đến 2017. Năm 2017, Peng Jiasheng và MNDAA nhận được quyên góp nửa triệu USD từ “tư nhân” và “doanh nghiệp” Trung Quốc, thông qua một tài khoản ngân hàng tại Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc.

Khi việc này được công khai, ngân hàng đã tạm ngưng tài khoản này. Tuy nhiên, việc một tổ chức thổ phỉ và buôn lậu như MNDAA nhận được số tiền “quyên góp” lớn từ “tư nhân” và “doanh nghiệp” Trung Quốc - thông qua một ngân hàng quốc doanh của nước này - khiến các nhà quan sát Myanmar đặt ra giả thuyết về sự can thiệp của Bắc Kinh vào nước này.

Vị trí của cảng Kyaukpyu và khu vực Kokang của Miến Điện, tiếp giáp Yunnan [Vân Nam] của Trung Quốc.
Vị trí của cảng Kyaukpyu và khu vực Kokang của Myanmar, tiếp giáp Vân Nam, Trung Quốc.

Quá trình Trung Quốc thao túng các nhóm chính trị ở Myanmar trước đây, bao gồm MNDAA, cho thấy Trung Quốc đã chủ động tạo ra bất ổn chính trị nội bộ bên trong Myanmar để dễ dàng thực hiện chiến thuật “hỗn thủy mạc ngư” (khuấy bùn cho nước bị đục, rồi thừa cơ bắt cá).

Mặc dù mâu thuẫn trong chính sách kinh tế, đảng NLD và quân đội Myanmar không mâu thuẫn nhau trong chính sách đối với người Rohingya. Năm 2017, quân đội Myanmar đẩy mạnh bạo lực nhắm vào người Rohingya ở bang Rakhine trên bờ biển Ấn Độ Dương. Bà Suu Kyi đứng về phe quân đội, bị phương Tây phê phán. Trung Quốc cũng đã ngăn chặn Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án cuộc thảm sát.

Như vậy, Trung Quốc đã cố gắng chơi tất cả các quân cờ đối địch nhau trên chiến trường chính trị và quân sự của Myanmar, để có thể đi những nước cờ phù hợp với từng tình huống sao cho không trật khỏi đường ray dẫn đến mục tiêu. Đây cũng là chính sách Trung Quốc thực hiện ở Cambodia hơn nửa thế kỷ nay.

Tương lai của Myanmar?

Quá trình toàn cầu hóa đang dần dần bước vào tình thế hình thành hai hệ thống song song, một do Mỹ xây dựng và dẫn đầu từ sau thế chiến thứ II; và một do Trung Quốc đang tái cấu trúc lại. Con đường chính trị đúng của Myanmar là không trở thành chiến trường cho hai hệ thống cạnh tranh lẫn nhau bằng vũ lực.

Myanmar cần phải dân chủ hóa, tôn trọng các lực lượng chính trị đối lập, chấm dứt thảm sát người Rohingya và hỗ trợ họ khôi phục cuộc sống hòa bình, hòa giải với lực lượng vũ trang của các dân tộc thiểu số nổi loạn, như nhóm “Karen National Union” (KNU) của tộc người Karen ở vùng Kawthoolei giáp với Thái Lan, và ngăn chặn không để cho hình thành những nhóm vũ trang mới.

Con đường này của Myanmar là không phải bất khả thi nhưng có nhiều trở ngại nội tại. Có một số vấn đề giới quan sát sẽ phải tiếp tục theo dõi về Myanmar:

Một là, quân đội Myanmar hiện nay có thể chấp nhận rút lui khỏi chính trường, trở thành quân đội chuyên nghiệp, như thường thấy ở các nước văn minh hay không? Trong điều kiện nào họ sẽ chấp nhận bước vào hệ thống dân chủ, dù đương nhiên vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc? Các nước phương Tây có thể giúp Myanmar tạo ra các điều kiện này hay không?

Hai là, Mỹ và phương Tây đã tẩy chay chính quyền Aung San Suu Kyi và đảng NLD vì cuộc thảm sát người Rohingya từ năm 2017. Trong điều kiện nào thì họ sẽ quay trở lại giúp đỡ “lực lượng dân chủ” bị đảo chính này?

Ba là, nếu các lợi ích kinh tế không được phân chia “công bằng” trong giới “chóp bu” quân đội, và cuộc phản kháng của người dân tiếp tục dâng cao, tạo ra sức ép khiến họ phải thay đổi chính sách bạo lực hiện nay, liệu có thể xuất hiện những rạn nứt trong lãnh đạo quân đội Myanmar dẫn đến sự trở lại chính sách năm 2011 hay không?

Xem xét nước cờ Myanmar của Trung Quốc trong một bàn cờ rộng hơn

“Binh thư yếu lược” là cuốn sách quân sự cổ xưa nhất của Việt Nam, trước tác của vị tướng nổi tiếng Trần Hưng Đạo, người lãnh đạo Việt Nam ba lần đánh bại quân Mông Cổ vào thế kỷ 13. Một trong những ý tưởng trong sách ấy là: “Đánh chỗ cứng, chỗ mềm hóa cứng. Đánh chỗ mềm, chỗ cứng hóa mềm”.

Có thể hiểu “chỗ cứng” là mục tiêu chính, cuối cùng, chủ yếu, khó giải quyết; còn “chỗ mềm” là những mục tiêu phụ, thứ yếu, dễ thành công, có liên quan đến “chỗ cứng”.

Lời dạy này nhấn mạnh đến tính chất chiến lược của “quy trình thực thi” một chiến dịch để đạt được mục đích cuối cùng. Nếu ngay lập tức tấn công trực diện vào mục tiêu chính, không những khó có thể giành mục tiêu này mà còn làm cho các mục tiêu phụ trở nên khó khăn (“chỗ mềm hóa cứng”).

Ngược lại, nếu trước tiên tấn công vào các mục tiêu mềm, tính cấu trúc của đối phương có thể bị phá vỡ (“chỗ cứng hóa mềm”) để từ đó xem xét đánh tiếp. Lời dạy này có thể soi sáng cho chúng ta về chiến lược của Trung Quốc.

Ở Myanmar, đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi tuy nắm chính quyền nhưng không nắm được quân đội và cảnh sát, và cũng chưa kịp xây dựng lực lượng vũ trang riêng để tự vệ. Đối đầu với cả nhóm lợi ích trong quân đội Myanmar và đại chiến lược BRI của Trung Quốc khi mới nắm chính quyền chưa lâu, họ đã trở thành “chỗ mềm” trên bàn cờ địa chính trị của Trung Quốc.

Trận đánh nhỏ của Trung Quốc ở Myanmar vừa qua - ngoài mục tiêu kiểm soát chắc chắn một vị trí quan trọng trên Ấn Độ Dương, còn có mục đích thăm dò khả năng đáp trả của Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Mục tiêu cuối cùng không dừng lại ở Myanmar. Nếu các nước dân chủ phản ứng yếu ớt và không có thực chất, Trung Quốc sẽ đánh dứt điểm ở mục tiêu mình thực sự mong muốn.

Hẳn nhiên các nhà quan sát chính trị Châu Á đang theo dõi xem “chỗ cứng” thực sự mà Trung Quốc mong muốn là chỗ nào.

Kênh đào Kra

Trung Quốc từng có kế hoạch xây dựng kênh đào Kra ở Thái Lan để thay thế cho Malacca. Tuy nhiên, các căn cứ quân sự của Ấn Độ trên chuỗi đảo Andaman và Nicobar cũng có thể khóa được cả eo biển Malacca và kênh đào Kra. Kênh đào Kra do đó sẽ không còn nhiều giá trị với Trung Quốc về mặt địa chính trị dù có thể có lợi ích kinh tế.

Nhật Bản

Từ khi Myanmar tiến hành cải cách chính trị và mở cửa với thế giới, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều cạnh tranh lẫn nhau đầu tư vào nước này. Bên cạnh việc xóa nợ cho Myanmar, Nhật Bản đã đầu tư sân bay quốc tế, nhà máy điện và cải tạo hệ thống đường sắt hiện hữu ở nước này. Cuộc đảo chính và đàn áp đẫm máu người biểu tình sau đảo chính ở Myanmar chắc chắn sẽ đẩy Nhật Bản ra khỏi nước này. Nhật Bản có thể phải chấp nhận tổn thất từ những đầu tư trước đây.

Biển Đông

Hiện Trung Quốc có hai mục tiêu lớn là Đài Loan và một số đảo lớn trên Biển Đông. Trong hai mục tiêu này, Đài Loan là chỗ khó giải quyết nhất. Các đảo lớn trên Biển Đông có thể là một lựa chọn thích hợp cho Trung Quốc trong tương lai gần.

Việc kiểm soát Biển Đông vẫn tiếp tục quan trọng đối với Trung Quốc. Subi Reef và Fiery Cross Reef trên Biển Đông là những căn cứ quân sự Trung Quốc gần Malacca nhất. Chúng cần thiết cho Trung Quốc khi xảy ra xung đột ở Malacca.

Tác giả: Học giả Nguyễn Lương Hải Khôi là thư ký tòa soạn của tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ (US Vietnam Review) thuộc Đại học Oregon. Các bài viết của ông tập trung vào các chủ đề: Xung đột trên Biển Đông, kinh tế chính trị Việt Nam đương đại và lịch sử tinh thần cộng hòa ở Việt Nam.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Đông Nam Á trong mắt Trung Quốc: Myanmar, eo biển Malacca và Biển Đông